Những người chia sẻ nhọc nhằn

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/10/2015 | 9:48:54 AM

YênBái - YBĐT - Họ có lòng trắc ẩn, nghị lực sống cùng những việc làm có ích cho cộng đồng. Ba con người, ba số phận, nhưng với tinh thần vượt khó, thái độ sống tích cực cùng trái tim thiện nguyện, họ không chỉ vượt qua những thách thức của cuộc sống, mà còn truyền cảm hứng, biết sống hết mình cho ước mơ, viết nên những điều kỳ diệu.

Chị Bùi Thị Sửu (giữa) trao quà tết Nguyên đán 2015, cho người nghèo ở phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái).
Chị Bùi Thị Sửu (giữa) trao quà tết Nguyên đán 2015, cho người nghèo ở phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái).

Người truyền niềm tin và nghị lực sống

Chị là nữ doanh nhân Yên Bái duy nhất trong số 100 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của cả nước được tôn vinh danh hiệu “Bông hồng vàng” do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam - Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày Quốc tế Phụ nữ. Không chỉ là một nhà kinh doanh giỏi, thành đạt, chị Bùi Thị Sửu - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình còn là một người giàu lòng nhân ái, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện.

Những hoạt động từ thiện của Công ty và của bản thân chị đã mang lại niềm vui, tình yêu cuộc sống và tiếp thêm nghị lực cho nhiều số phận không may mắn. Chị luôn gần gũi, quan tâm đến người lao động, những người có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ và xem họ như thành viên trong gia đình. Chị đặc biệt quan tâm tới 14 gia đình công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn của Công ty. Trợ giúp kịp thời mỗi khi các gia đình cán bộ, công nhân gặp hoạn nạn.

Thật cảm động khi được biết, năm 2006, anh Trần Ngọc Huệ - công nhân Công ty cư trú tại xã Cường Thịnh huyện Trấn Yên không may gặp tai nạn rủi ro đã qua đời, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ dại chưa đầy 1 tuổi. Để góp phần xoa dịu nỗi đau cho gia đình, những năm qua, chị và anh em trong Công ty thường xuyên tới thăm hỏi, giúp đỡ, mang đến hơi ấm và niềm tin cho người mẹ già đột ngột mất con, người vợ trẻ mất chồng, đứa con thơ mất cha. Song song với chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chị còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.

Bên cạnh đóng góp, ủng hộ xây dựng các quỹ: “Vì người nghèo”, “Vì trẻ thơ”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Vì nạn nhân chất độc da cam”... chị còn tích cực tham gia các hoạt động do Hội Chữ thập đỏ tỉnh và Hội Chữ thập đỏ thành phố Yên Bái phát động. Công ty TNHH Hòa Bình, mà trực tiếp là Giám đốc Bùi Thị Sửu còn tới thăm, tặng quà cho nhiều hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em mồ côi, tật nguyền, người già cô đơn không nơi nương tựa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái với tổng trị giá mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Chị tâm sự: “Điều hạnh phúc nhất của mỗi con người chính là làm được nhiều việc có ý nghĩa, mang đến nhiều niềm vui cho những số phận không may mắn”. Vào dịp tết, “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam” và khai giảng năm học mới, bước chân chị lại trải dài trên những con đường thân quen để đến với những hộ nghèo, trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc da cam của tỉnh Yên Bái.

Những địa chỉ cần trợ giúp chính là nơi hội tụ những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, đơn vị và cá nhân có tấm lòng hảo tâm đã và đang chung tay, góp sức, sẻ chia vì cộng đồng, trong đó, có nữ Giám đốc trẻ đẹp, năng động và giàu lòng nhân ái - Bùi Thị Sửu.

Người có tấm lòng nhân ái

Khi đến thôn Ninh Thuận, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, nói đến chị Đào Thị Liên, ai cũng biết, bởi chị là một người phụ nữ hiền lành, chất phác, nhưng giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia sẻ với những người có hoàn cảnh éo le, không gặp may mắn trong cuộc sống.

Hưởng ứng phong trào "Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện" do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái phát động, chị và gia đình đã ủng hộ ủng hộ số tiền 55,2 triệu đồng, để hỗ trợ cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn, gặp thiên tai, rủi ro. Với số tiền đó, chị mua quà tết, tặng sổ tiết kiệm cho các hộ nghèo trong thôn, trong xã và những thương binh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó.

Ngoài ra, chị còn hỗ trợ cho 3 hộ gia đình bị cháy nhà tại các xã: Lương Thịnh, Hồng Ca, Việt Thành; tặng quà cho 19 trẻ mồ côi cả cha và mẹ trên địa bàn huyện nhân dịp ngày 01/6. Tâm sự với chị, chúng tôi được biết, chị sinh ra tại một vùng quê thuần nông, của huyện Trấn Yên.

Ban đầu kinh tế gia đình chị cũng gặp rất nhiều khó khăn. Để ổn định cuộc sống, chị cùng gia đình ngày đêm trăn trở, lo toan công việc làm ăn, tích lũy. Đến nay, tuy cuộc sống chưa thật sung túc, nhưng với tấm lòng nhân hậu "Thương người như thể thương thân", chị đã cùng gia đình sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gặp rủi ro hoạn nạn vươn lên ổn định cuộc sống. Chị tâm sự: “Thấy người ta khổ, hay gặp thiên tai, rủi ro, bất hạnh mình thương lắm! Cho nên, mình sẵn sàng vận động gia đình cùng tham gia giúp đỡ họ, mong họ có thêm sức mạnh và nghị lực vượt lên trong cuộc sống”.

Hiện tại, chị là hội viên của Hội Chữ thập đỏ xã Nga Quán, huyện Trấn Yên. Chị luôn đi đầu trong các phong trào tương thân, tương ái, vận động nhiều người tham gia làm việc thiện. Với tấm lòng nhân hậu, sẵn sàng nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, xã, nhiều năm qua, chị Liên đã được Hội Chữ thập đỏ tỉnh và huyện tặng nhiều giấy khen, ghi nhận thành tích hoạt động nhân đạo và tấm lòng nhân hậu của chị.

Bóng mát cho đời

Không giàu sang hay dư dả tiền bạc gì, bởi thường ngày bà vẫn phải  nổ bỏng đi khắp phố bán kiếm tiền. Nhưng thật lạ lùng, bao năm qua, người phụ nữ đã gần 70 tuổi ấy vẫn cần mẫn gom góp những tờ bạc lẻ làm từ thiện giúp đời. Bà là Trần Thị Phương, ở khu 4, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên.

Người phụ nữ dáng người hoạt bát, gương mặt phúc hậu ngày ngày ngồi nổ bỏng bán lấy tiền giúp đỡ người nghèo. Quán nổ bỏng của gia đình bà không lớn, cũng không có gì đặc biệt và có khác chăng là tấm lòng nhân hậu của bà chủ quán.

Tiếp xúc với chúng tôi, bà Phương cười bảo: “Nhà tôi có lợi thế là ở mặt đường, người đi qua lại nhiều, nên suốt mấy chục năm qua, tôi vẫn thường xuyên nổ bỏng bán cho người dân xung quanh. Cứ khoảng gần 5 giờ sáng là tôi bắt đầu thức dậy để chuẩn bị. Gần 7 giờ sáng nổ bỏng để bán cho khách qua đường và người dân đi chợ. Trước kia, người ta ăn nhiều, chứ giờ cũng ít người ăn, nên bán cũng không được mấy”.

Số tiền lãi bán bỏng của bà không nhiều nhưng mỗi ngày một ít, bà Phương trích lại để vào một chiếc hộp nhỏ. Lâu lâu gom lại, đó là cả một số tiền kha khá, dù đó chỉ là những đồng tiền lẻ. Chẳng hạn, như ngày tết Trung thu vừa rồi, gần 7 trăm nghìn đồng dành dụm, bà Phương mua quà cho những trẻ em nghèo của địa phương.

Chúng tôi được biết, ngoài việc bán bỏng, những buổi chiều mát, bà Phương còn tìm tới khu chợ gần nhà để xin những vỏ lon bia, chai nước về bán phế liệu lấy tiền phục vụ cho mục đích từ thiện của mình. Ngoài ra, bà đi xin quần áo cũ về giặt sạch, rồi tặng cho những người nghèo. Không chỉ một mình làm những việc này, để giúp mình, giúp đời, bà Phương còn vận động những người bạn già trong khu phố cùng chung tay với mình.

Nhìn người phụ nữ với mái đầu bạc trắng vẫn miệt mài gom góp những đồng bạc lẻ giữa xuôi ngược phố phường để mong muốn có thể chung tay góp sức vì những người có hoàn cảnh khó khăn, góp một chút gì đó cho cuộc đời mà chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Dường như với bà, hạnh phúc không phải là những việc làm lớn lao mà nó bắt nguồn từ chính những việc làm nhỏ bé nhưng bền bỉ và tốt đẹp này.

Ngoài chị Sửu, bà Phương, hay chị Liên, ở Yên Bái còn nhiều nữa những “bông hoa” tỏa ngát hương thơm cho đời. Những bông hoa ấy sẽ giúp những người kém may mắn, thêm niềm tin yêu cuộc sống và cảm thấy rằng, thật hạnh phúc khi quanh ta luôn có những điều thật đẹp từ những tấm lòng nhân ái. Hơn thế, niềm hạnh phúc ấy sẽ còn tiếp lửa cho những mảnh đời kém may mắn thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Thu Hiền

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục