Bài học quý của người cán bộ

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/11/2015 | 3:12:23 PM

YBĐT - Tổ chức phân công nhiệm vụ gì, Sùng A Ly cũng luôn cố gắng hoàn thành với kết quả cao nhất. Anh là niềm tin yêu, chỗ dựa cho nhiều cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là những chiến sỹ trẻ, cán bộ đi công tác vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng chí Sùng A Ly (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ công an gặp gỡ, trao đổi với đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải.
Đồng chí Sùng A Ly (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ công an gặp gỡ, trao đổi với đồng bào Mông huyện Mù Cang Chải.

Là người con của đồng bào dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở bản Chù Lình, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, anh Sùng A Ly được cha mẹ nuôi dạy khôn lớn, được đi học, đặc biệt là chàng trai người Mông cương nghị và hiền hậu đã may mắn được tuyển vào ngành Công an. Trải qua nhiều đơn vị công tác, Sùng A Ly dần trưởng thành. Anh vinh dự được kết nạp Đảng và cử đi học nhiều lớp chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Đến nay, đồng chí Sùng A Ly đã được tổ chức tin tưởng, tín nhiệm giao chức vụ Phó trưởng Phòng PA88 Công an tỉnh Yên Bái.

Có thể nói, ở cương vị công tác nào, tổ chức phân công nhiệm vụ gì, Sùng A Ly cũng luôn cố gắng hoàn thành với kết quả cao nhất. Anh là niềm tin yêu, chỗ dựa cho nhiều cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là những chiến sỹ trẻ, cán bộ đi công tác vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn 30 năm trong ngành Công an, Thượng tá Sùng A Ly đã tự đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm quý; trong đó, kinh nghiệm vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội đã được lãnh đạo Bộ Công an, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ đánh giá rất cao.

Với chất giọng mộc mạc nhưng dễ gần, Thượng tá Sùng A Ly tâm sự: “Như các đồng chí đã biết, địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nơi kẻ xấu, nhất là bọn phản động “nhòm ngó” với âm mưu thâm độc. Chúng thường tuyên truyền những nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… Chính vì thế, chúng ta, nhất là cán bộ công an phải tăng cường tuyên truyền cho đồng bào hiểu âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu. Tuy nhiên, nếu già làng, trưởng bản, người có uy tín tại địa bàn hiểu rõ và ủng hộ chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước thì cá nhân họ sẽ có cách thức phù hợp, hiệu quả để tuyên truyền cho con cháu cũng như giúp đỡ cán bộ, chiến sỹ phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với mọi loại hình tội phạm”. Đồng chí Sùng A Ly khẳng định, bọn phản động cũng dùng thủ đoạn lôi kéo già làng, trưởng bản và người có uy tín trong cộng đồng nhưng với chính sách đại đoàn kết dân tộc, với tinh thần cảnh giác của quân và dân ta; đặc biệt là với ý thức trách nhiệm của các già làng, trưởng bản, dù ở bản Mông Trạm Tấu, Mù Cang Chải, bản Thái Văn Chấn, Nghĩa Lộ hay bản Dao Văn Yên, Lục Yên, mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đều thất bại, thành trì an ninh trật tự (ANTT) luôn bảo đảm vững chắc.

Công tác bảo đảm ANTT ở vùng cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông thuộc hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải thời gian qua nổi lên những vấn đề  là: người dân theo phong tục còn lưu giữ, sử dụng súng tự chế; tái trồng cây thuốc phiện và mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân về tranh chấp đất đai. Suốt một thời gian dài, khẩu súng là vật bất ly thân của người đàn ông dân tộc Mông… Pháp luật nghiêm cấm chế tạo, tàng trữ, sử dụng súng trái phép; việc săn bắt thú rừng cũng là vi phạm pháp luật, chính quyền các địa phương, lực lượng quân đội, công an cũng đã triển khai nhiều đợt tuyên truyền, vận động, thu nộp vũ khí, vật liệu nổ và cũng đã thu được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, số vũ khí, nhất là súng săn (tự chế) vẫn còn tồn tại trong dân; đặc biệt với sự “trợ giúp” của khoa học công nghệ, cơ khí chế tạo… nên việc tự chế một khẩu súng đã trở nên đơn giản với rất nhiều người. Cây thuốc phiện đã cơ bản bị xóa bỏ trên đất Yên Bái nhưng vì hám lợi và cả vì nhu cầu sử dụng, vẫn có không ít người Mông lén lút trồng. Vấn đề ngày càng trở nên phức tạp khi nhựa thuốc phiện trở thành hàng hóa; thân, quả, hoa cũng được thu gom để ngâm rượu…, khiến diện tích, địa bàn tái trồng thuốc phiện luôn có nguy cơ tăng. Do phong tục tập quán, do sinh đẻ không có kế hoạch, do sức ép lương thực… nên tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai ở vùng cao đang gia tăng. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi chính quyền rất khó giải quyết bằng pháp luật (vì nhận thức, vì không đủ cơ sở pháp lý, đất hoang hóa, bỏ lâu ngày hoặc lấn chiếm vào rừng tự nhiên), bà con tự giải quyết mâu thuẫn một cách rất tự phát, đôi khi manh động, thiếu kiềm chế.

Bài học “lấy dân làm gốc” luôn luôn đúng! Dựa vào những người có uy tín trong cộng đồng để nắm bắt tình hình, vận động nhân dân, xây dựng phong trào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một kinh nghiệm quý. Lên đến vùng cao là phải tìm đến những người có uy tín với tinh thần, thái độ kính trọng, lễ phép, giản dị nhưng chân thành. Khi dân bản đã tin, khi trưởng bản đã mến thì việc gì cũng dễ, nhất là nói cái hay, cái đúng, cái tốt, dân bản sẽ nghe và làm theo. Bao bài học giải quyết mâu thuẫn bằng… súng; đi săn bắn nhầm vào người; vì ma túy, thuốc phiện nên rất nhiều người chết chóc, bệnh tật, tù đày; phải bỏ trồng, bỏ hút, bỏ tàng trữ, mua bán đi thôi! Đất đai, nương đồi quý thật nhưng không quý trọng bằng tình cảm, tính mạng, sức khỏe con người; không vì tranh nhau tí đất mà mất tình đoàn kết cha con, anh em, thôn xóm. Giải quyết tranh chấp phải bằng chính sách, pháp luật và bằng hương ước, quy ước của thôn, xóm. Dân bản phải biết nhường nhịn, sẻ chia lẫn nhau. Nhiều người chia đất sản xuất, giúp nhau trâu bò, thóc gạo… để cùng vươn lên mới là tấm gương sáng cho đồng bào học tập.

Vì phong tục tập quán, vì trình độ dân trí, người cán bộ nói cái đúng chưa chắc bà con đã hiểu ngay, làm cái hay chưa chắc đồng bào đã làm theo nhưng đến với đồng bào nhất thiết phải bằng cả tấm lòng chân thật, phải làm cho đồng bào mến trước khi nói để đồng bào nghe! Đó là bài học quý của người cán bộ.

Lê Phiên

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục