Tâm huyết vì sự nghiệp giáo dục vùng cao

  • Cập nhật: Thứ năm, 10/12/2015 | 10:24:16 AM

YBĐT - Trong chuyến công tác tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, gặp những thầy cô giáo tình nguyện cắm bản bám trường, bám lớp vì những em nhỏ vùng cao, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí, nghị lực của họ. Không ít thầy cô đã hy sinh cả tuổi xuân của mình mang con chữ đến với đồng bào, trong số đó có cô giáo Nguyễn Thị Phương, người đã có 14 năm cắm bản ở xã vùng cao này.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương trong giờ lên lớp.
Cô giáo Nguyễn Thị Phương trong giờ lên lớp.

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, mơ ước nghề giáo viên từ nhỏ nên suốt 12 năm học, Phương luôn nỗ lực để phấn đấu học tập thật tốt. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Nghĩa Lộ năm 1999, thay vì chọn cho mình công việc thuận tiện thì Phương lại làm đơn tình nguyện lên Trạm Tấu, 2 năm trời cắm bản tại xã Xà Hồ, đến đầu năm 2001, Phương được chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Pá Hu công tác.

Được phân công nhiệm vụ phổ cập giáo dục cho cán bộ chủ chốt xã rồi làm chủ nhiệm lớp 4, lớp 5 của Trường. Kinh nghiệm chưa nhiều lại đảm nhiệm trọng trách lớn, Phương luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhiệm được giao. Nói là vậy, song thực tế công tác tại vùng cao với trên 90% là đồng bào dân tộc Mông mới thấy vất vả khó khăn nhường nào, cũng vì cuộc sống, cũng vì nhận thức của đồng bào mà nhiều gia đình chưa ý thức được việc cho con em mình đến trường đến lớp, tư tưởng “cái chữ không no được cái bụng” đã ăn sau bám rễ bao đời đối với cuộc sống đồng bào Mông nơi đây.

Càng khó, càng phải quyết tâm, hàng ngày sau mỗi giờ lên lớp, Phương lại đến các hộ gia đình người Mông để tâm sự, trao đổi chuyện học hành rồi học tiếng Mông để giao tiếp với đồng bào. Vất vả nhất là những lúc ngày mùa rồi đầu năm học, để đủ sĩ số học sinh đến lớp, ngoài việc cùng với các giáo viên khác đến tận các gia đình vận động, Phương phải nhờ đến cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc để vận động các gia đình. Cố gắng là thế nhưng chỉ được đầu năm học rồi đến ngày mùa sĩ số học sinh cứ thưa dần, nhiều em vì gia đình không có người làm nên học đến nửa chừng phải nghỉ học.

Với những trường hợp như thế, Phương phải đến tận nhà vận động các em, một lần không được thì hai lần, thậm chí có những hôm phải đợi vài tiếng đồng hồ để đợi phụ huynh về gặp gỡ vận động. Cũng nhiều khi gặp phụ huynh rồi nhưng kết quả không như mong đợi, không nản chí, Phương kiên trì chuyện trò, phụ giúp công việc cùng gia đình để tạo sự thân thiện, gần gũi và để “mưa dầm thấm lâu”… và rồi sau nhiều ngày tuyên truyền vận động các gia đình cũng đã hiểu và cho con em mình đến trường học chữ.

Đưa được học sinh đến trường là một thành công lớn, song để học sinh yên tâm học tập, Phương lại tự bỏ tiền túi ra mua quần áo, giày dép cho học sinh, rồi thông qua các chương trình, tổ chức từ thiện để vận động quyên góp các trang thiết bị cho nhà trường. Với sự cố gắng không mệt mỏi của bản thân, những lớp do Phương chủ nhiệm đều có học sinh giỏi thi đỗ các giải cao của huyện, của tỉnh. Năng động, nhanh nhẹn trong các hoạt động, năm 2007, Phương được giao thêm trọng trách làm Bí thư Đoàn trường. Nhận thêm trọng trách mới, Phương càng hiểu rằng mình cần phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa trong công việc cũng như nhiệm vụ mới. Để thúc đẩy hoạt động của Đoàn trường, Phương đã tổ chức nhiều chương trình, phong trào thanh niên cho chi đoàn; ngoài giờ học, Phương còn tổ chức cho các em học sinh trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.

34 tuổi đời, 14 năm lăn lộn với vùng cao đưa con chữ đến với các bản làng để chắp cánh cho những ước mơ được bay cao. Nhiều học sinh từ những lớp Phương chủ nhiệm đã trưởng thành, thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp. Bản thân Phương nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, chiến sỹ thi đua cơ sở, song khi hỏi về chuyện riêng tư, Phương chỉ cười… Tôi càng cảm phục tinh thần, nhiệt huyết mà Phương dành cho sự nghiệp giáo dục bởi nơi đây.

Thanh Tân

Các tin khác
Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Bà Phạm Thị Nhâm với mô hình nuôi gà theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đến khi về hưu bà Phạm Thị Nhâm ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào chung, trở thành nữ Bí thư Chi bộ gương mẫu, đồng thời cũng là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã.

Chị Liên mang sách đến với các em nhỏ vùng cao Trạm Tấu qua hoạt động xe thư viện lưu động.

Trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Nguyễn Thị Bích Liên - cán bộ Thư viện tỉnh Yên Bái vinh dự nhận được Giải thưởng “Phát triển văn hóa đọc”. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp xuất sắc của chị trong việc thúc đẩy văn hóa đọc và tạo ra một môi trường đọc sách thân thiện trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục