Hết lòng vì quê hương

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/3/2016 | 9:36:21 AM

YBĐT - Đến huyện Mù Cang Chải, nhắc đến tên bác sĩ Cứ A Hồng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, hầu như ai cũng biết và quý mến anh, bởi hơn 30 năm qua, bác sĩ Hồng luôn gần gũi, tận tình chăm sóc biết bao bệnh nhân.

Bác sỹ Cứ A Hồng khám bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện.
Bác sỹ Cứ A Hồng khám bệnh cho trẻ em tại Trung tâm Y tế huyện.

Bác sỹ Cứ A Hồng sinh ra trong một gia đình đông con tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, có mẹ là người Mông, bố người Kinh. Gắn bó với một vùng đất khắc nghiệt, cuộc sống đầy khó khăn, phong tục, tập quán lạc hậu, nên Cứ A Hồng được chứng kiến cảnh người dân khi ốm đau thường mời thầy mo về cúng ma. Bởi thế, nhiều người không những chẳng khỏi bệnh mà còn mất mạng, đặc biệt là khi mắc các bệnh: sốt rét, sởi, đậu mùa, kiết lỵ, sốt xuất huyết…

Từ đó, khi được đi học, anh nhận thấy, cần phải có những thầy thuốc để giúp dân, cứu dân, nên sau khi tốt nghiệp THPT, Cứ A Hồng đã thi vào Trường Trung cấp Y tế Yên Bái (nay là Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái), rồi lại  tiếp tục học tại Đại học Y khoa Thái Nguyên. Tốt nghiệp bác sĩ, anh đã hăng hái trở về quê hương công tác và đem hết kiến thức chuyên môn, năng lực của mình ra phục vụ người dân vùng cao.

Là người ham học hỏi, say mê công việc, bác sĩ Hồng không ngừng phấn đấu học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ rồi trở thành phẫu thuật viên chính duy nhất của Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải. Bác sĩ Hồng có đủ khả năng thực hiện các ca mổ đẻ thông thường, mổ cấp cứu những trường hợp: vỡ lá lách, phẫu thuật cắt tử cung bán phần và toàn phần… Với lòng yêu nghề, trách nhiệm cao, bác sĩ Hồng đã cứu sống hàng ngàn người bệnh thoát khỏi tử thần, trong đó có những trường hợp như: bị đau ruột thừa, tai nạn giao thông, sản phụ khó đẻ…

Không những là người có chuyên môn sâu về y tế mà anh còn là người am hiểu tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào vùng cao nên bác sĩ Hồng luôn gần gũi, thường xuyên thăm hỏi, động viên giúp người bệnh ổn định tâm lý vượt lên khó khăn.

Chị Sùng Thị B ở bản Thào Chua Chải, xã Nậm Có bày tỏ: “Cách đây gần chục năm, tôi mang thai nhưng thai chết lưu, khiến tôi ốm rất nặng. Khi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện, bác sĩ Hồng đã mổ cứu chữa kịp thời nên tôi mới được như hiện nay. Tôi và gia đình rất biết ơn bác sĩ Hồng!”.

Có những ca đặc biệt phức tạp như một trường hợp phụ sản ở xã Chế Tạo đẻ khó. Người thân khiêng bệnh nhân từ nhà ra huyện với đoạn đường vài chục cây số, còn bác sĩ Hồng thì dẫn ê kíp mổ đi ô tô từ trung tâm huyện vào và gặp nhau ở đâu thì xử lý ngay tại đó. Kíp mổ đã cứu được cả mẹ và con sản phụ này.

Không chỉ là bác sĩ giỏi chuyên môn, anh còn là lãnh đạo giỏi đã dẫn dắt cả tập thể cán bộ, y, bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh còn thường xuyên quan tâm, chia sẻ với đồng nghiệp trong lúc khó khăn, hoạn nạn; tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ, nhân viên được đi học nâng cao trình độ chuyên môn để cơ quan thực hiện ngày càng hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Bác sĩ Giàng A Dình - Trưởng khoa Cận lâm sàng - Giải phẫu bệnh của Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải cho hay: “Là người lãnh đạo, bác sĩ Hồng luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống và công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Về lĩnh vực khám, chữa bệnh, hầu hết những ca bệnh phức tạp đều có sự giúp đỡ và chỉ đạo chuyên môn của bác sĩ Hồng”.

Riêng với bác sĩ Cứ A Hồng thì anh khiêm tốn tâm sự: “Tôi chọn ngành y bằng suy nghĩ đơn giản là học để mình vừa giúp đỡ người thân, vừa giúp đỡ người dân ở nơi vùng cao còn lạc hậu về phong tục, tập quán thay đổi cách ăn, ở còn mất vệ sinh; chuồng gia súc, gia cầm thường để gần nhà, dẫn đến bệnh lây lan nhanh. Điều mong muốn nữa là, được đóng góp chuyên môn của mình giúp người dân vùng cao xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ, khỏe mạnh để xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm”.

Với tâm sự như thế, bác sĩ Cứ A Hồng vẫn lặng lẽ vì cuộc sống của người dân trong suốt hơn 30 năm qua. Sự cống hiến của anh đã được ghi nhận bằng những tấm bằng khen, kỷ niệm chương của các bộ, ban, ngành trung ương, của tỉnh, nhưng phần thưởng cao quý nhất đối với anh chính là sự tin yêu, quý trọng của đồng bào vùng cao trước tấm lòng của một người con quê hương luôn hết lòng vì dân.

Sùng A Hồng

Các tin khác
Nhân dân thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh (Trấn Yên) thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường định kỳ hàng tháng.

Thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, hoặc bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (CTMT), thông qua quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” ở huyện Trấn Yên thời gian qua đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo ở cơ sở.

Anh Phạm Hồng Tám (bên phải) cùng đồng nghiệp trong giờ làm việc.

Năm 2023, anh Phạm Hồng Tám - Tổ trưởng Tổ sửa chữa điện, Phòng Kỹ thuật Công ty Điện lực (PC) Yên Bái được Tỉnh đoàn Yên Bái lựa chọn là gương mặt "Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” và là 1 trong 20 người được nhận Giải thưởng "Cánh cung đỏ” Phạm Hồng Tám.

Người Mông bản Cáng Giông đã biết ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa. (Trong ảnh: Người dân thu hoạch quả sơn tra - cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế và hạn chế tình trạng phá rừng).

Núi rừng Mù Cang Chải như đang diễn ra lễ hội hoa với đủ các loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Trong đó, sắc trắng hoa ban Tây Bắc vẫn là gam màu chủ đạo, những đám mây sà xuống mái nhà gỗ của người Mông nhìn càng thơ mộng. Nhưng hôm nay chúng tôi chủ đích đi tìm gặp "bông hoa" nở cả 4 mùa, ấy là Giàng A Tùng - Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) bản Cáng Dông, xã Nậm Khắt.

Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Văn Yên thăm rừng quế của gia đình anh Bàn Văn Minh (bên phải) ở thôn Làng Câu, xã Tân Hợp.

Những thanh niên người Dao vùng đất quế Văn Yên mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác đầu xuân vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về lòng nhiệt huyết, tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục