Người đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm về đất Chấn Thịnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/5/2016 | 9:24:41 AM

YBĐT - Việc linh hoạt, nhạy bén đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm về xã Chấn Thịnh của ông Lò Văn Mậu không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Ông Lò Văn Mậu cho tằm ăn.
Ông Lò Văn Mậu cho tằm ăn.

Đối với các xã vùng ven sông Hồng thì trồng dâu, nuôi tằm không phải là nghề mới nhưng với một xã mà diện tích đất đồi chiếm 73%, đất canh tác lúa nước và trồng màu chỉ có 6% như xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) thì trồng dâu, nuôi tằm quả là việc làm xa vời. Nhưng 3 năm trở lại đây, dâu tằm đã đến với đất Chấn Thịnh nhờ sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Lò Văn Mậu ở thôn Bồ 1, xã Chấn Thịnh.

Trước tình trạng diện tích đất canh tác lúa nước ngày càng bị thu hẹp do thiếu nước nên năng suất thấp, ông Mậu đã chủ động tham quan các mô hình kinh tế ở các địa phương khác, trong đó có mô hình trồng dâu, nuôi tằm ở xã Tân Đồng (Trấn Yên). Nhận thấy địa phương mình cũng có nhiều nét tương đồng nên ông quyết định đưa giống dâu tằm về trồng thử nghiệm. Ban đầu, ông sử dụng 3.000/ 4.000 m2 đất ruộng của gia đình để trồng dâu, đồng thời làm nhà nuôi tằm với diện tích 50 m2, tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 12 triệu đồng.

Chỉ vài tháng sau, cây dâu ngày càng sinh trưởng và phát triển tốt, đến khi có đủ lượng lá dâu để nuôi tằm, ông mua trứng về ươm, chia làm 2 vòng tằm trong một chu kỳ. Sau 20 đến 22 ngày, tằm cho thu hoạch kén, mỗi vòng được 15 kg đến 18 kg với giá bán từ 80 đến 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lứa tằm đầu tiên cho thu nhập gần 3 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Trong quá trình nuôi, ông Mậu đúc rút được nhiều kinh nghiệm và nhận thấy việc nuôi gối sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ việc một tháng chỉ nuôi được một lứa, đến nay đã nâng lên 2 lứa. Khi lứa thứ nhất được 12 ngày, ông tiếp tục ươm giống lứa thứ 2.

Cách làm này vừa giúp tăng năng suất, vừa xoay vòng được nguồn lá dâu, bảo đảm cung cấp đủ thức ăn cho 2 lứa tằm. Trong nuôi tằm, quan trọng nhất là xử lý môi trường nuôi ở nhà tằm bởi tằm dâu rất mẫn cảm với các điều kiện sống quanh nó như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm…

Sau mỗi lứa tằm phải thực hiện vệ sinh triệt để kể cả dụng cụ nuôi tằm rồi mới nuôi lứa mới, có như vậy tằm mới sinh trưởng, phát triển tốt. Vào thời kỳ tằm ăn rỗi, phải có người thường xuyên hái lá cho tằm ăn ngày đêm mới có thể nhả kén nhiều và chất lượng.

Để nâng cao năng suất, ông Mậu tiếp tục cải tạo đất, nâng diện tích trồng dâu lên 9.000 m2 và cũng đẩy lên nuôi 3 đến 4 vòng tằm/lứa, duy trì 2 lứa/tháng; bình quân thu được khoảng 100 kg kén. Như vậy, trừ chi phí một tháng gia đình ông Mậu thu về gần 10 triệu đồng. Ngoài trồng dâu nuôi tằm, ông Mậu còn kết hợp trồng hơn 200 gốc cam, chanh quanh nhà, vừa tận dụng thời gian lúc rảnh rỗi vừa tận dụng nguồn phân tằm làm phân bón cho cây.

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm của ông. Họ đến mua giống, học hỏi cách nuôi tằm, trồng dâu, chăm sóc, phun thuốc, bón phân như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Ông sẵn sàng, nhiệt tình chia sẻ hết những bí quyết mà mình tích góp được trong 3 năm gắn bó.

Ông Mậu tâm sự: “Trồng dâu khá dễ, không phải dầm mưa dãi nắng như trồng lúa lại phù hợp với trình độ dân trí người dân nơi đây. Trồng dâu một lần khoảng 6 đến 7 tháng là có thể khai thác và sử dụng từ 15 đến 20 năm. Điểm đặc biệt trong nuôi tằm là không mất nhiều công chăm sóc, có thêm thời gian để làm việc khác chỉ trừ những ngày tằm ăn rỗi là bận rộn, thu hoạch lại theo tháng nên cho thu nhập ổn định”.

Thấy được hiệu quả từ mô hình trồng dâu, nuôi tằm của ông Mậu, hiện đã có 6 hộ trong xã làm theo, mỗi hộ trung bình nuôi từ 1 đến 2 vòng tằm/chu kỳ.

Việc linh hoạt, nhạy bén đưa nghề trồng dâu, nuôi tằm về xã Chấn Thịnh của ông Lò Văn Mậu không chỉ góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất cho gia đình mà còn mở ra một hướng đi mới cho nền kinh tế nông nghiệp địa phương.

Hoài Anh

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục