Ông Sinh thoát nghèo nhờ nuôi gà thả vườn

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/12/2016 | 8:12:17 AM

YBĐT - Đến nay, mỗi lứa gà nhà ông Sinh nuôi khoảng trên 600 con và sau 120 - 140 ngày nuôi, khi đã trừ chi phí đầu vào, ông thu về gần 30 triệu đồng.

Đàn gà của gia đình ông Kim Tiến Sinh, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.
Đàn gà của gia đình ông Kim Tiến Sinh, thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình.

Đứng trước đàn gà trên 600 con của gia đình ông Kim Tiến Sinh ở thôn Loan Hương, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, ai cũng phải nể phục và mừng cho ông, vì trước kia gia đình ông thuộc hộ nghèo trong xã. Ở đây, không ai là không biết đến gia đình ông bởi sự cần cù, sự phấn đấu vươn lên thoát nghèo nhờ đầu tư vào mô hình nuôi gà thả vườn.

Trước đây, kinh tế gia đình ông Sinh chỉ trông vào 4 sào ruộng, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Vất vả hơn nữa, năm 2010, vợ ông bị mắc chứng bệnh rối loạn thần kinh thực vật, nên gia đình phải vay mượn tiền mọi nơi từ người thân đến bạn bè để có tiền chữa trị.

Đồng thời, con cái ông lúc này cũng đang tuổi đi học, một mình ông phải gồng mình xoay sở, lo toan mọi việc trong gia đình, nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Ông kể lại: “Vợ tôi bị bệnh này nhiều khi không ý thức được hành vi của mình. Có lần, đang nửa đêm, cô ấy chạy ra ngoài trời đứng, phải có người ra gọi mới tỉnh. Tôi phải vay mượn tiền để tập trung vào chữa trị bệnh cho vợ, chẳng còn thời gian mà làm ăn, lo kinh tế cho gia đình”.

Đến năm sau, bệnh của vợ ông được chữa khỏi và từ lúc đó 2 vợ chồng mới quyết định chọn cách chăn nuôi gà thả vườn để phát triển kinh tế gia đình. Thời gian đầu do chưa có ai định hướng cũng như hướng dẫn cách chăn nuôi, nên gia đình ông Sinh chỉ dám nuôi khoảng 200 con gà được nhập từ Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển chăn nuôi Hòa Phát. Không may cho ông, cũng năm đó, cả đàn gà 200 con chết gần hết, do ông không có kinh nghiệm nuôi cũng như xử lý thuốc và tiêm phòng bệnh cho gà.

Điều đó không hề làm ông nản lòng. Sau thất bại của lần nuôi trước, lần này ông rút kinh nghiệm hơn và vừa nuôi vừa tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Trạm Khuyến nông mở. Đồng thời, nghiên cứu tài liệu, học tập kinh nghiệm của những người đi trước từ khâu chọn giống đến cách làm chuồng, trại hợp lý, phòng, chống dịch bệnh. Ngay cả việc cho ăn cũng phải hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của gà để chúng hấp thụ thức ăn một cách tốt nhất.

Sang năm 2012, ông mạnh dạn đầu tư nuôi thêm trên 600 con gà và 200 con vịt siêu trứng. Ông Sinh chia sẻ: do gia đình có diện tích chăn thả rộng nên gà khỏe mạnh, chỉ cần đảm bảo máng ăn, nước uống đầy đủ là gà có thể tự do phát triển. Cách nuôi gà cũng rất đơn giản, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Gà con từ 1 đến 2 tháng tuổi cho ăn 100% cám công nghiệp và trước khi bán cho ăn với tỷ lệ 1 cám +1 ngô đảm bảo thịt gà chắc và thơm ngon.

Nhờ được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện trực tiếp xuống tư vấn, hỗ trợ kiến thức phòng bệnh, nên đàn gà nhà ông phát triển ổn định, không bị dịch bệnh. Đến nay, mỗi lứa gà nhà ông nuôi khoảng trên 600 con và sau 120 - 140 ngày nuôi, khi đã trừ chi phí đầu vào, ông Sinh thu về gần 30 triệu đồng.

Chỉ vào đàn gà hơn 2 tháng tuổi đang phát triển tốt, ông Sinh tâm sự: “Đàn gà này nếu phát triển bình thường thì hơn 1 tháng nữa là có thể bán được và con lớn cũng trên 2 kg. Thời điểm đó, cận tết Nguyên đán nên nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, gà hút hàng, giá sẽ tăng mạnh. Năm nào cũng vậy, tôi canh ngay đợt tết để xuất chuồng, nên bán được giá cao”.

Với thu nhập này, gia đình ông Sinh hoàn toàn có thể làm giàu từ việc nuôi gà thả vườn. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công mà gia đình ông đạt được, ông cũng chia sẻ thêm: hiện giờ có rất nhiều các chợ đầu mối, trang trại còn bán trôi nổi con giống không đảm bảo về nguồn gốc cũng như chất lượng.

Bên cạnh đó, đầu ra của nhưng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như gia đình ông cũng đang gặp khó khăn trong việc xuất bán ra thị trường. Ông rất mong các cấp, ngành, cơ quan chuyên môn quan tâm hơn nữa đến việc kiểm tra, kiểm duyệt chặt chẽ chất lượng đầu vào như: con giống, thức ăn, vật tư thú y… và mở hướng đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của các hộ chăn nuôi.

Hải Hà

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục