Người giỏi ở Minh Quán

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2016 | 8:09:30 AM

YBĐT - Nguyễn Thị Hồng Gấm sinh năm 1985, ở thôn 4, xã Minh Quán, huyện Trấn Yên là nữ đoàn viên năng động và thành đạt. Tuy tuổi đời khá trẻ, song chị đã có một gia tài bạc tỷ, khiến bất kỳ thanh niên nào trong xã cũng phải trầm trồ thán phục.

Đàn gà của gia đình chị Gấm sắp được xuất bán.
Đàn gà của gia đình chị Gấm sắp được xuất bán.

15 phút chạy xe máy từ trung tâm xã Minh Quán, chúng tôi đã có mặt tại gia đình Gấm. Tuy khá bận rộn với công việc chăm sóc 26 gốc bưởi Diễn lâu năm, 300 cây bưởi lấy giống từ Đoan Hùng, bưởi Diễn còn non và đàn gà 2.000 con sắp tới ngày xuất bán, song chị vẫn nhiệt tình trò chuyện với chúng tôi. “Mỗi gốc bưởi Diễn này có trị giá 2 triệu đồng. Tôi phải thuê người đánh và dùng ô tô chuyển từ Hà Nội lên đấy anh ạ! Toàn gốc to nên sẽ nhanh cho thu hoạch” - Gấm tâm sự.

Gấm có khuôn mặt ưa nhìn, dáng người thanh thanh, nụ cười tươi, đôi mắt sáng đầy tự tin, quyết đoán. “Một cơ hội mở ra là mình phải nắm bắt ngay. Không có việc gì khó! Chỉ có điều là mình có đủ tự tin để làm không thôi. Mà đã làm là phải ra “tấm ra món”, chứ hời hợt thì tốt nhất là nghỉ!” - Gấm quả quyết. Nếu nói Gấm là người có bản lĩnh, tự tin, quyết đoán thôi thì chưa đủ, mà ở chị còn là sự chân thành, cởi mở và đặc biệt khiêm tốn. “Gia đình tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của ông bà hai bên, đặc biệt là chồng tôi luôn chia sẻ, động viên và cùng chung sức lao động. Trước đây, chúng tôi cũng khó khăn lắm!” - Gấm xúc động.

Sau khi học xong sơ cấp dược ở Phú Thọ, Gấm trở về quê nhà “chạy thuốc” cho các quầy thuốc bán lẻ. Do bằng cấp hạn chế, nên công việc của Gấm khá bấp bênh, thời vụ. “Năm tôi xây dựng gia đình và sinh con là lúc khó khăn nhất. Chồng tôi là lao động tự do, ai thuê gì làm đấy. Còn tôi thì nghỉ việc, nếu không có gia đình hai bên hỗ trợ thì chắc chắn chúng tôi khó trụ nổi!” - giọng Gấm trầm xuống.

Trong lúc khó khăn, vất vả nhất, cũng là lúc Gấm tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế gia đình. Cuối năm 2013, sau khi đi giao hàng tại thôn 3, thị trấn Cổ Phúc, Gấm đã may mắn đọc được tấm biển thông báo: “Ở đây cung cấp gà giống và bao tiêu gà thịt”.

Giao hàng thật nhanh, chị lần theo địa chỉ và tìm đến người viết thông báo. Vậy là, Gấm đã gặp Hoàng Huy Tuấn - Trưởng hội Liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái và là người đã giúp chị vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế theo mô hình trang trại như hiện nay. “Khi gặp Tuấn, thấy anh ấy đang trao đổi kinh nghiệm, quy trình làm chuồng trại và chăm sóc gà, tôi nhận thấy đây là một địa chỉ, là cơ hội có một không hai của mình. Kinh doanh giống gà này, đồng vốn bỏ vào không lớn, lại được cung ứng giống, vật tư thú y và đặc biệt là bao tiêu sản phẩm” - Gấm bày tỏ.

Sau khi thăm quan mô hình liên kết chăn nuôi, kinh doanh gà đồi Yên Bái của Tuấn, Gấm bàn với gia đình và quyết định vay mượn họ hàng để đầu tư nuôi 500 con gà giống Minh dư. Ban đầu, Gấm được Tuấn và các hội viên đến tận nhà "cầm tay chỉ việc".

Từ cách xây dựng chuồng trại, lượng thức ăn, ánh sáng, nguồn nước đến cách chăm sóc đàn gà theo đúng kỹ thuật… Gấm cho biết: “Từ khi tham gia vào Hội, đến nay, chưa lần nào bị thua lỗ, mà còn được tăng số lượng đàn gà theo từng lứa. Hiện tại, tôi đang nuôi trên 2.000 con và lứa này trừ mọi chi phí, cũng thu về trên dưới 100 triệu đồng. Tôi đang xây dựng và mở rộng quy mô chuồng trại để sau lứa này sẽ nâng đàn gà lên 5.000 con”.

Nếu chỉ dừng lại ở việc kinh doanh gà thịt thôi thì Gấm chưa thể là “nữ đoàn viên năng động và thành đạt”. Câu chuyện về Gấm còn khiến nhiều thanh niên phải ngưỡng mộ học tập theo. Từ nuôi gà, có vốn, Gấm mạnh dạn đầu tư mua đất rừng để trồng bồ đề, quế và đào ao thả cá. “Có người bảo em là chơi “ngông”! Nhưng kệ họ, mình phải biết hy sinh lợi ích trước mắt để phát triển lâu dài về sau” - Gấm chia sẻ.

Chẳng là, năm 2015, sau khi có diện tích đất rừng vài héc - ta, Gấm đã đi hết vùng Tây Bắc,  Đông Bắc, miền Trung chỉ để tham khảo các giống bưởi và cam của các vùng. Sau đó, mua về trồng, không bán mà để gia đình, họ hàng, bè bạn thưởng thức, cho nhận xét rồi lựa chọn giống tốt nhất để trồng. Đến đầu năm 2016, Gấm mạnh tay mua 26 gốc bưởi Diễn lâu năm, mỗi gốc trị giá 2 triệu đồng, thuê xe cầu từ Hà Nội lên trồng tại vườn nhà.

Tiếp đó, thấy đất quê mình phù hợp với loại cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, Gấm liền đầu tư trồng trên 300 gốc bưởi và cam. “Gia đình ăn thử thấy giống bưởi và cam trồng đất này cho quả đẹp, múi dày, vị ngọt, mát, chắc chắn sẽ cho thu nhập cao” - Gấm khẳng định.

Đến nay, với mô hình kinh doanh gà hiệu quả cho thu nhập cao, hàng trăm gốc bưởi, cam đang sinh trưởng tốt, gần 5 sào ao để nuôi cá, 3 ha trồng bồ đề và quế và Gấm lại được mở của hàng kinh doanh dược phẩm tại khu Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên… hàng năm cho gia đình thu nhập mấy trăm triệu đồng.

Anh Nguyễn Tuấn Anh - Bí thư Huyện đoàn Trấn Yên tự hào nói về Gấm: “Gấm không chỉ là đoàn viên năng động, luôn vươn lên bằng chính sức lao động của mình, mà ở Gấm còn là điển hình cho mẫu thanh niên “đi lên từ làng” để các đoàn viên khác học tập, noi theo và có suy nghĩ vững tâm hơn về chính mảnh đất quê hương mình. Nếu chịu khó, ham học hỏi thì dù ở đâu thanh niên cũng có thể tự bản thân mình làm nên sự nghiệp”. Điều đặc biệt là, dù rất bận bịu với công việc và là người làm kinh tế giỏi, nhưng Gấm luôn biết cách giữ “lửa”, sẻ chia những khó khăn cùng gia đình. “Các anh nghe câu này có buồn cười không nhé! Người ta bảo lên chùa để gặp nhà sư. Còn em lên chùa lại cưới được chồng đấy!” - Gấm cười tươi.

Thấy chúng tôi còn ngơ ngác chưa hiểu, Gấm chia sẻ: “Tại em hay lên chùa để cầu bình an. Chồng em cũng hay lên chùa và chúng em gặp nhau, thấy hợp rồi lấy nhau luôn. Mà em lại là người chủ động "tấn công" anh ấy chứ!”. Mỗi câu chuyện, mỗi chia sẻ của Gấm đều tạo cho chúng tôi sự gần gũi, và tin tưởng Gấm sẽ luôn thành đạt trên bước đường kinh doanh, hạnh phúc bên tổ ấm của mình.     

Ngọc Sơn

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục