Một gia đình “nổi tiếng” ở vùng cao

  • Cập nhật: Thứ hai, 23/1/2017 | 1:54:43 PM

YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.

Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương hạnh phúc bên nhau.
Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương hạnh phúc bên nhau.

Ông Lò Văn Khiêm cười: “Ngày đó tư duy ấu trĩ, đất rộng người ít. Bản Hát lúc ấy mới có 30 nóc nhà, nay đã hơn 250 hộ. Với lại, biện pháp tránh thai có như bây giờ đâu, cứ chửa là đẻ. Bây giờ cuộc sống tiến bộ, đẻ như chúng tôi có mà chết. Tôi bây giờ vận động các cháu, các chắt, trai hay gái chỉ một hai đứa thôi để nuôi dạy cho tốt chứ như ông, bà là không được!”.

Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.

Đường vào bản Hát 2, xã Hát Lừu (Trạm Tấu) giờ đã được bê tông hóa, điện lưới quốc gia thắp sáng. Vùng cao đã thật sự đổi thay khi đường đi, lối lại thuận tiện, sự no ấm hiển hiện trong từng căn nhà to đẹp. Trong ngôi nhà sàn bê tông rộng rãi của người con trai thứ, hiện đang là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hát Lừu treo bức ảnh lớn rộng gần hai mét chụp các con của vợ chồng ông Khiêm khiến ai mới nhìn cũng “choáng” bởi tưởng như đây là ảnh một tập thể cơ quan, đơn vị hay một  nhà trường. Dù đã bước sang tuổi 83, nhưng cụ ông Lò Văn Khiêm vẫn hoạt bát.

Vợ ông - bà Lò Thị Ương, 82 tuổi yếu hơn do mới bị tai biến. Mặc dù phải ngồi xe lăn nhưng dấu vết một thời con gái đằm thắm vẫn ngời trên khuôn mặt phúc hậu và không ai nghĩ đây là mẹ của gần hai “tiểu đội” con. Chị Lò Thị Dung - con dâu thứ của ông Khiêm nhanh miệng: “Trước đây, bà  đẹp nhất bản. Ông mê bà từ thời thiếu nữ!”.

Hỏi về các con, ông Khiêm cười lắc đầu, anh con thứ hai Lò Văn Lăm - nguyên Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện phải “vào cuộc”. Anh hóm hỉnh: “Lúc còn trẻ, hỏi ông, bà về các con còn phải tính mãi không nhớ hết tên nữa là giờ đã có tuổi. Ông bà lấy nhau năm 1956, đẻ liền một mạch 18 con, có 9 trai, 9 gái. Con đầu, con út cách nhau  gần 40 năm”.

Lấy giấy bút, tôi vội đề nghị anh Lăm cung cấp danh sách và tốc ký các con của gia đình. Con cả Lò Văn Ơn, sinh năm 1956; thứ hai, Lò Thị An sinh 1957; thứ ba, Lò Văn Lăm, sinh năm 1959; thứ tư Lò Thị Tỉnh sinh năm 1961 ở nhà làm ruộng; thứ năm, Lò Thị Thượng, sinh năm 1964; thứ sáu, Lò Thị Thiệng, sinh năm 1966; thứ bảy, Lò Văn Thuận, sinh năm 1968; thứ tám, Lò Thị Xuân, sinh năm 1970; thứ chín, Lò Thị Sươi, sinh năm 1972; thứ mười, Lò Thị Xôm, sinh năm 1974; mười một, Lò Thị Sơi, sinh năm  1976; mười hai, Lò Văn Lun, sinh năm 1978; mười ba, Lò Văn Lan, sinh năm 1980; mười bốn, Lò Văn Lả, sinh năm 1982; mười lăm, Lò Thị Phong, sinh năm 1984; mười sáu, Lò Văn Nói, sinh năm 1986; mười bảy, Lò Văn Luân, sinh năm 1988; mười tám, Lò Văn Liên, sinh năm 1990.

Mỗi người một dòng, danh sách các con ruột đã hết gần một trang giấy. Việc thống kê của chúng tôi cũng không được liền mạch bởi thỉnh thoảng anh Lăm cũng  phải móc điện thoại trong túi gọi hỏi “Chú sinh năm bao nhiêu nhỉ?”.

Anh phân trần: “Năm sinh cũng tương đối thôi, vì tôi đi công tác, lấy vợ, sinh con mà ông bà vẫn đẻ thêm 6,7 cô, chú nữa. Con cả tôi năm nay cũng 36, 37 tuổi rồi - tầm tuổi chú em thứ mười hai. Chưa nói, trước đây thường khai hơn tuổi để đi công tác!”.

Có lẽ, đối với bà con người dân tộc, việc sinh nhiều, sinh dày không phải ngày xưa mà hiện nay cũng không là chuyện hiếm. Vợ chồng lấy nhau sinh sáu, bảy đến mười người con là bình thường. Ngay trong bản Hát này, gần nhà ông Khiêm cũng có người sinh tới hai mươi lần.

Nhưng điều đáng nói, trong những năm tháng khó khăn đó, nhất là ở vùng cao, cái đói, cái rét thường trực, điều kiện y tế còn vô cùng thiếu thốn mà bà Ương sinh liền một mạch, từ những năm đôi mươi đến tận 49 tuổi “mới nghỉ”.

Toàn đẻ ở nhà mà “không rụng một đốt nào” mới là tài! Điều đáng nói hơn, trong đàn con đông đảo đó, không người nào mắc các tệ nạn xã hội, nhiều người vươn lên thoát ly gia đình đi học làm cán bộ huyện, làm giáo viên, trong đó có người làm Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện.

Nước chè thơm, khung cảnh đẹp nên chuyện sinh đẻ, chuyện lo cho đàn con của ông bà Khiêm, Ương giữa chúng tôi không dứt, càng nghe càng khiến chúng tôi “bái phục”.

Thì ra, trong quá khứ ông Khiêm là người có “thành tích” khá ấn tượng ở đất vùng cao này. Những năm 50 của thế kỷ trước, ông đã học xong lớp 3, biết chữ, ông được phân công làm thầy giáo dạy xóa mù. Ngày đó hiếm cán bộ, có “trình độ”  ông tham gia làm cán bộ xã, được kết nạp Đảng năm 1967.

Kinh qua nhiều chức vụ như: Xã đội trưởng, Trưởng công an xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Phúc (những năm huyện Trạm Tấu chưa thành lập), rồi xã Hát Lừu (sau năm 1964) và sau 38  công tác, năm 1994, ông mới nghỉ.

Có lẽ vì vậy mà trong nhà ông treo rất nhiều giấy khen, bằng khen của Nhà nước, Chính phủ, của tỉnh, của huyện, mà tiêu biểu chúng tôi đọc được là Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; giấy khen “Tuổi cao trí càng cao, nêu gương sáng”, “Xuất sắc phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài”; bằng khen vì thành tích xuất sắc xây dựng, phát triển huyện Trạm Tấu 1964 - 2014...

Dù bị bệnh nhưng bà Ương vẫn thỉnh thoảng tham gia câu chuyện của chúng tôi. Bà kể, chồng đi công tác, có mang, đường sá khó khăn, bệnh viện ở xa, vì vậy chỉ đẻ ở nhà, mà tự lo lấy cả. Mười tám lần “vượt cạn”, đẻ xong là lên rừng, ra vườn lấy lá thuốc uống, kiêng cữ dăm bữa, nửa tháng là ra vườn, lên đồi, xuống ruộng đi làm. Nhưng ăn uống là phải kiêng khem tuyệt đối.

Anh Lăm góp chuyện: “Ngày xưa khó khăn lắm! Cơm chẳng đủ ăn nói gì đến đường, sữa. May mắn trời phú cho bà sức khỏe, nên các con cũng khỏe. Vài năm trước đây, khi chưa bị bệnh, “hảo han” (chúc sức khỏe) bà uống được cả chai 65 rượu!”.

Anh Lò Văn Lăm giới thiệu ảnh gia đình.

Lo cho đàn con đông đúc, ngoài công tác xã hội, ông bà Khiêm quần quật ngoài đồng cầy cấy, làm ra hạt thóc, bắp ngô để chúng đủ ăn, đủ mặc. Nhờ giời, như đàn chim đủ lông, đủ cánh, đàn con của ông bà Khiêm sinh ra như cây trên rừng, sinh trưởng, phát triển, trưởng thành rồi lấy vợ, gả chồng.

“Bây giờ sức ép kinh tế không còn, vì con cháu đông, đứa bữa trước, đứa bữa sau ăn cả năm cũng không hết. Nói thì vậy, nhưng ông bà Khiêm vẫn lao động, mỗi năm cũng thu về vài ba tấn thóc. Ăn không hết nhưng để bán lấy đồng tiền tiêu, hay phục vụ chăn nuôi” Với đàn con trai, gái, rể, dâu đông đảo, đến nay ông. Khiêm đã có tổng số 55 cháu, 45 chắt và số lượng, cháu, chắt chắc chưa dừng lại ở đây!

Anh Lăm khoe, trong gia đình có 4 cháu học đại học. Hiện, có 14 đứa làm cán bộ huyện, xã; có 16 người là đảng viên. “To” nhất hiện giờ là Lò Văn Quỳnh - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trạm Tấu.

Khi được hỏi về bí quyết sống lâu, hạnh phúc, ông bà chỉ cười bảo: “Vợ chồng tôi chẳng có bí quyết gì!”. Nhưng tiếp xúc với ông bà, tôi hiểu, để có được kết quả hôm nay là sự yêu thương, chung thủy của vợ chồng, là tình yêu lao động, hòa mình với thiên nhiên, sự thoải mái, vui vẻ với mọi người. Trong gia đình, là sự gương mẫu của người bố, người ông, người cụ để con cháu, chắt noi theo; đồng thời, thường xuyên giáo dục con cái những việc tốt, việc thiện.

Một mùa xuân mới nữa lại về. Như bao gia đình người dân Trạm Tấu, các con, cháu, chắt của ông bà Khiêm đang tất bật chuẩn bị lợn gà, thóc gạo, may sắm quần áo... để đón xuân mới. Và mùa xuân mới này, họ lại tụ tập dưới mái nhà ông bà, nơi cội nguồn yêu thương và sức mạnh, để cùng nhau cầu chúc cho mùa xuân mới với nhiều đổi thay tốt đẹp cho gia đình và quê hương Trạm Tấu!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục