Người chăm cây, cây cho quả ngọt ở Trần Phú
- Cập nhật: Thứ năm, 9/2/2017 | 8:02:55 AM
YBĐT - Năm 2015, anh Đoàn thu về từ cây cam 500 triệu đồng, năm 2016 ước đạt hơn 400 triệu đồng do cam sành được mùa nên giá thấp hơn năm trước.
Anh Hồ Xuân Đoàn tỉa cành cho cây cam sau thu hoạch.
|
Anh Hồ Xuân Đoàn ở tổ dân phố 3, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn bắt đầu trồng cam từ năm 2012. Quyết định trồng cam bởi anh nhận thấy các hộ trong thị trấn trồng cam cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng chè. Hai năm sau đó, anh đã chính thức trở thành thành viên của Câu lạc bộ Trang trại Thanh niên thị trấn.
Anh Đoàn cho hay: “Tôi tham gia Câu lạc bộ vì mong muốn việc sinh hoạt thường xuyên sẽ có ích cho quá trình phát triển sản xuất của bản thân. Ngoài ra, Câu lạc bộ có nhiều thành viên có kinh nghiệm trồng cam hiệu quả lâu năm thì mình chắc chắn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức quý báu”.
Hiện nay, gia đình anh có gần 2 ha cam đã cho thu hoạch và khoảng 4.000 m2 chưa cho thu. Cây cam sành chiếm diện tích chủ yếu bên cạnh cây cam V2, cam Đường canh của nhà anh Đoàn. Đầu ra tiêu thụ cho sản phẩm cam quả hàng năm, anh Đoàn cho biết là các tỉnh miền xuôi, nhiều ở thị trường thành phố Hà Nội, cũng có một lượng nhỏ ra thành phố Yên Bái. Năm 2015, anh Đoàn thu về từ cây cam 500 triệu đồng, năm 2016 ước đạt hơn 400 triệu đồng do cam sành được mùa nên giá thấp hơn năm trước.
Theo kinh nghiệm của anh Đoàn, cây cam đòi hỏi kỹ thuật nhiều hơn, việc chăm sóc cây cam cũng khó hơn so với cây chè. Khu vực thị trấn Nông trường Trần Phú, lượng mưa hàng năm nhiều, độ ẩm cao nên cây cam hoàn toàn không phải tưới nước. Quá trình thu hoạch xong cam hàng năm, kể cả tất cả các loại cam từ chín sớm đến chín muộn, thường trong khoảng cuối tháng 11 đến đầu tháng 3 dương lịch.
Đối với chăm sóc cây cam sau thu hoạch, khâu đầu tiên là việc tỉa cành. Việc này sẽ dùng kéo để tỉa bớt những cành thiếu ánh sáng, cành kém phát triển, cành già, cành khô. Tiếp đó là khâu bón phân gồm phân chuồng và phân NPK, lượng phân chuồng bón lót ở mức 40 kg cho mỗi gốc, lượng phân NPK là 2 - 3 kg.
Về việc phun thuốc thì sẽ phun thuốc kích thích ra mầm, sử dụng thuốc sinh học trị sâu bệnh tổng hợp. Nếu cây cam có bọ xít thì phun thuốc trị bọ xít. Cây cam chủ yếu hay bị nhện đỏ nên cần phun thuốc trị nhện đỏ kịp thời, nếu không thì vỏ quả cam sẽ bị đen cũng như bị cứng quả. Chăm sóc tốt cây cam sau thu hoạch sẽ giúp cây cam phục hồi, bổ sung đủ chất dinh dưỡng cho mùa quả tiếp theo bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng cao.
Mặc dù khí hậu, chất đất của thị trấn rất phù hợp cho quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cam nhưng anh Đoàn cho rằng: “Yếu tố chăm sóc cây cam của con người vẫn là hết sức quan trọng và mang tính chất quyết định đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế”.
Anh Đoàn lấy ví dụ cụ thể như đối với cây cam chanh, Đường canh, V2 chín muộn thì nhất định phải có tác động của con người. Đặc biệt, người chăm sóc cần lưu ý việc khoanh gốc cho cây cam. Khi cây cam bắt đầu đậu quả non, cây thải nước thì phải ngăn nước lại với tác dụng giữ quả đồng thời phải phun thêm thuốc giúp đậu hoa, đậu quả. Khoanh gốc cho cây cam sẽ tiến hành khoanh mỗi gốc một khoanh, nếu trời mưa nhiều thì cần khoanh thêm một khoanh nữa.
Anh Đoàn khẳng định chắc chắn gia đình hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo quản đối với cam quả. Cuối năm, không khí lạnh nên cây cam cũng ít có sâu bệnh, không phải sử dụng thuốc. Quá trình xuất bán cam, gia đình anh tuân thủ đúng thời gian cách ly nếu như có phải sử dụng một loại thuốc nào đó. Anh Đoàn cho biết: “Bán được nhiều cam thì mừng lắm rồi nhưng làm sao giữ được chất lượng, uy tín lâu bền cho sản phẩm thật sự còn quan trọng hơn nữa”.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
YBĐT - “Khi tôi còn đây thì bà hãy cứ cười dù rằng chúng ta đang đứng trước bất kỳ khó khăn nào” là cách ông động viên vợ mình. “Đơn giản vậy ư?” - tôi hỏi ông. Chắc nịch câu trả lời dứt khoát: “Thế thôi”. Phải trách nhiệm lắm, bản lĩnh lắm của một người giữ vai trò trụ cột gia đình, điều mà ông khẳng định tưởng nhẹ nhàng đến vậy nhưng chứa sức mạnh không tưởng. “Xê xế tuổi này, cũng may khi nhìn lại, không thẹn với vợ, với con, với chính mình” - ông nhủ.
YBĐT - Nếu ai đã từng đến với bản làng người Xa Phó ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên vào những ngày hội xuân thì hẳn là sẽ không thể nào quên tiếng sáo cúc kẹ mời gọi bạn tình trong những đêm trăng của gái trai các bản làng nơi đây - một thứ âm thanh vừa êm ái, trong trẻo vừa dặt dìu, bay bổng khiến người nghe không khỏi xao xuyến.
YBĐT - Các bức tranh được tạo ra từ đá của chị Hằng trở nên sống động hơn, những thảm cỏ như được trải thêm một màu xanh mượt mà, óng ánh, những con suối như róc rách reo vang, những tà áo trở nên mềm mại, lụa là... đầy cuốn hút.
YBĐT - Hỏi chuyện mấy đồng nghiệp công tác tại Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Trạm Tấu, mọi người bảo: “Ông Lò Văn Khiêm và bà Lò Thị Ương chứ gì? Cả huyện đều biết!”. Lý do mọi người đều biết, bởi “kỷ lục” mà ông bà đã tạo nên khi sinh tới 18 người con và bây giờ có cả “đại đội” cháu, chắt. Nhưng sự “nổi tiếng” này càng đặc biệt hơn là, các con cháu của ông bà đều phương trưởng, trở thành công dân tiêu biểu.