“Búp sen xanh” nhân ái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 28/4/2017 | 6:50:09 AM

YBĐT - Dành toàn bộ số tiền tiết kiệm được và đứng ra vận động các bạn nhỏ trong xóm thành lập nhóm nhặt ve chai gây quỹ, ủng hộ cho những người hoàn cảnh khó khăn - đó là việc làm giàu lòng nhân ái của em Trịnh Xuân Mai, học sinh lớp 3D, Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế - Lục Yên, người sáng lập ra nhóm từ thiện “Búp sen xanh”.

Xuân Mai (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trong Nhóm Búp sen xanh vận chuyển ve chai.
Xuân Mai (ngoài cùng bên trái) cùng các bạn trong Nhóm Búp sen xanh vận chuyển ve chai.

Mai “đồng nát”

Tôi có chuyến công tác tại huyện Lục Yên khi những cơn mưa ẩm ướt của tháng Ba đã đi qua, nhường lại chỗ cho vạt nắng tháng tư nhè nhẹ len lỏi qua tán lá cây. Đang mê mải ngắm nhìn bầu trời cao xanh vời vợi, tôi vô tình gặp một cô bé có ngoại hình xinh xắn, đôi mắt sáng trong veo, thần thái nhanh nhẹn, trên tay cầm bao tải thu gom phế liệu.

Điều khiến tôi thắc mắc là không cần phải hô hào thu mua mà các gia đình quanh khu phố 13, thị trấn Yên Thế chủ động mang sách báo cũ, ve chai, đồng nát... ra cho cô bé. Đang tò mò dõi theo thì bác Nông Đức Hanh, tổ 13, thị trấn Yên Thế cười tiết lộ: “Thắc mắc lắm hả cô? Con bé ấy tên là Mai, mọi người thường gọi là Mai “đồng nát”.

Mới 8 tuổi thôi ấy thế mà có tấm lòng nhân ái cao cả lắm đấy cô ạ! Thành thói quen rồi, cứ thấy nó là mọi người lại mang cho sách báo cũ hoặc những đồ không sử dụng tới quyên góp để nó đem bán, lấy tiền giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn đấy. Thật là đáng quý, đáng trân trọng!”.

Nghe câu chuyện từ bác Hanh tôi đã theo chân Mai suốt buổi sáng hôm ấy. Trò chuyện với em mới biết, Xuân Mai đang là Lớp trưởng lớp 3D, Trường Tiểu học Trần Phú, thị trấn Yên Thế. Từ bé được nghe mẹ kể nhiều câu chuyện về lòng tương thân tương ái, yêu thương con người nên Mai là một cô bé có tấm lòng nhân ái, cởi mở, ngoan ngoãn, luôn giúp đỡ ông bà, cha mẹ, bạn bè.

Mai chia sẻ: “Em thấy quanh mình nhiều người có hoàn cảnh khó khăn quá nên em muốn làm việc gì đó theo đúng sức của mình để giúp đỡ những người kém may mắn hơn.

 “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” theo đúng lời Bác Hồ dạy mà chị!” - tôi không thể hình dung được một bé gái mới chỉ 8 tuổi lại suy nghĩ già dặn sâu sắc đến vậy!

Trao yêu thương để cuộc sống thêm ý nghĩa

Suốt buổi sáng thứ 7 hôm ấy chúng tôi cứ mải mê với những câu chuyện của Mai. Em kể: "Ban đầu em cũng không thích cái tên Mai "đồng nát" đâu. Nhưng rồi em thấy vui vì nhờ cái tên ấy mà em có thể giúp đỡ được thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt còn có thêm hơn 10 bạn nữa ở trong khu phố cùng em tham gia hoạt động này nữa đấy!".

Tôi thấy rõ được niềm vui trong từng câu nói của Mai - cô gái bé nhỏ có tấm lòng nhân ái bao la. Nhận lời Mai qua nhà chơi lúc trời đã quá trưa. Trong căn phòng khách gọn gàng ấy tôi thấy tấm giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên tặng “Thiếu niên chữ thập đỏ” được treo cạnh bức ảnh gia đình cô bé.

Mai cười và nói: “Lần ấy cả nhà đang ăn cơm, nghe bố kể chuyện về bé Nông Thị Tường Vy ở xã Khánh Hòa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lại mang trong mình đa dị tật sứt môi, hở hàm ếch thể nặng, tim bẩm sinh, hỏng một bên mắt trái, em thấy rất thương Vy và muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ em. Ngay lúc ấy em đã nhớ tới cậu bạn “heo đất” của mình và quyết định cho heo “xuất chuồng”.

Số tiền 880.000 đồng không nhiều nhưng em nghĩ cũng sẽ phần nào chia sẻ với gia đình bé Vy. Thế là năm ấy em được khen thưởng có thành tích trong công tác Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2011-2016 đấy, chị ạ. “Oách thật!”. Tôi cảm nhận được trong lời nói ấy là niềm tự hào xen lẫn những cảm xúc chân thật của một cô bé còn ngây thơ, trong sáng.

- Chị ngồi xuống uống nước đi. Để em vào nhà lấy bánh rồi chị em mình cùng ăn nhé! – Mai nhỏ nhẹ nói. 

- Em nói có hơn 10 bạn trong khu phố cùng em tham gia hoạt động từ thiện này à? Chị cũng muốn tham gia thì Mai có đồng ý không?

Bước ra từ trong nhà, trên tay đang cầm đĩa bánh ngọt, đôi mắt Mai sáng tròn và hô lớn: “Thật không chị? Vậy thì tốt quá. Như vậy thì mình sẽ giúp được thêm nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nữa”.

Mai nói: “Sau chuyện về bé Vy em muốn tiếp tục giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khác nữa. Nhớ đến phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Nuôi heo đất cùng em tôi đến trường” mà chúng em vẫn thường xuyên làm ở lớp, ở trường, em đã nảy ra ý tưởng tự nuôi riêng một chú heo đất để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn như bé Vy.

Ý tưởng của em được các bạn nhỏ trong khu phố này ủng hộ lắm. Lúc đầu em và các bạn tìm những đồ dùng mà nhà mình không sử dụng tới đem bán kiếm tiền nuôi heo.

Không dừng lại ở đó, vào sáng thứ 7 hàng tuần, chúng em đi khắp các con ngõ nhỏ quanh thị trấn để xin các gia đình quyên góp ủng hộ. Số tiền đó dành nuôi heo lớn để nếu biết gia đình nào có hoàn cảnh không may mắn, khó khăn, cả nhóm sẽ đem đi giúp đỡ”.

Cô gái nhỏ bé nhưng lại có trái tim ấm áp ấy khiến tôi thấy mến mộ vô cùng. Mai nói: “Chị biết cô Hà ở tổ 12 không? Hoàn cảnh của cô ấy éo le lắm. Đôi mắt của cô không nhìn được, lại bị liệt, toàn thân sưng phù, sức khỏe yếu lại còn có em bé mới 6 tháng tuổi.

Nhóm Búp sen xanh luôn nhận được sự ủng hộ của người dân.

Thế là sau 3 tháng hoạt động, em và các bạn quyết định mổ heo đất để giúp cô Hà. Nhóm em không ngờ chú heo lại “béo tốt, đẫy đà” thế. Mẹ đã đưa em và các bạn trong nhóm tới nhà cô Hà chơi và tặng cô chú heo đất trị giá 1.050.000 đồng với mong muốn cô mau khỏi bệnh. Em nghĩ các bạn cũng giống em, chị ạ! Chúng em cảm thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn khi những người xung quanh mình ai cũng vui vẻ, hạnh phúc”.

Trò chuyện tới đây thì cô Võ Thị Hồng – mẹ của Mai từ bếp đi lên. Thấy hai chị em tôi đang cười nói vui vẻ, cô ngồi xuống cùng trò chuyện: “Là giáo viên, ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh thì việc giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em cũng rất quan trọng. Đối với con cái cô chú cũng như vậy. Thấy con gái nghe lời và tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện, giúp đỡ mọi người xung quanh cô chú rất mừng và động viên em cố gắng tiếp tục phát huy”.

Mai tiếp lời mẹ: “Chị biết cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh kể về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh chứ? Đấy cũng chính là tên mẹ đã đặt cho nhóm của em đấy. Mẹ mong muốn chúng em luôn học tập tấm gương đạo đức của Bác, luôn biết yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ mọi người xung quanh”.

Cô giáo Lương Thị Tanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú chia sẻ: “Mai là một học sinh rất ngoan. Ở lớp em là một lớp trưởng gương mẫu, luôn sẵn sàng giúp đỡ các bạn trong lớp. Tuy còn nhỏ nhưng em đã làm được nhiều việc có ý nghĩa lớn đối với những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhà trường thường xuyên tuyên dương em và vận động các em học sinh học tập và noi theo tấm gương sáng của Xuân Mai”.

Hôm ấy tôi rất vui vì có thêm một người bạn mới. Dù âm thầm giúp đỡ hay công khai, Mai không làm với mong muốn để được mọi người tuyên dương hay vinh danh. Em làm bởi em cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi trao yêu thương tới mọi người xung quanh. Xuân Mai khiến tôi thấy được cuộc sống này thật tươi đẹp và ý nghĩa biết bao khi mỗi người biết trao đi yêu thương.

Trở về nhà sau chuyến công tác, tôi không quên giữ liên lạc với Xuân Mai để cùng em thực hiện lời hứa: “Trao yêu thương để cuộc sống thêm ý nghĩa!” Việc làm của Mai chỉ là cách tự nhiên học và làm theo Bác Hồ kính yêu.

Thu Trang - Triệu Huấn

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục