Giỏi làm kinh tế, tận tâm với công tác Hội

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/7/2017 | 8:01:35 AM

YBĐT - Chị Kim Thị Nụ - Chi hội trưởng Chi hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP), phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ là một cán bộ tận tình trong công tác Hội và là một điển hình làm kinh tế giỏi của Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái.

Chị Nụ quê gốc ở xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 11/1966, chị gia nhập Đội TNXP chống Mỹ cứu nước N103 - P41 Yên Bái. Sau hơn 3 năm làm nhiệm vụ TNXP, chị luôn khắc phục mọi khó khăn, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sỹ. Bởi vậy, tháng 2/1969, chị được kết nạp Đảng tại đơn vị. Tháng 6/1970, chị xuất ngũ TNXP và chuyển sang quân đội đóng quân tại Đình Cả, tỉnh Thái Nguyên. Tháng 4/1977, đơn vị chuyển về làm nhiệm vụ tại Trường lái xe Quân khu 2 đóng tại Nghĩa Lộ và tháng 12/1990 chị được nghỉ hưu.

Tháng 3/2010, Hội Cựu TNXP thị xã Nghĩa Lộ được thành lập, chị Nụ được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu TNXP thị xã và trực tiếp làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu TNXP phường Pú Trạng. Là Chi hội trưởng, chị Nụ luôn tận tình, gần gũi hội viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của anh chị em trong Chi hội; vận động hội viên kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ những hội viên đau yếu, có hoàn cảnh khó khăn ổn định đời sống. Những năm qua, Chi hội có 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ xóa nhà dột nát, xây nhà tình nghĩa.

Để giúp các hội viên khởi công xây nhà kịp tiến độ, gia đình chị Nụ đã tạm ứng số tiền hỗ trợ trước cho mỗi hộ 20 triệu đồng để mua vật liệu và sau gần 2 năm các gia đình mới thu xếp hoàn trả. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Lực lượng TNXP 15/7 và ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20/10, gia đình chị Nụ đã dành nhiều suất quà từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/suất để tặng những hội viên nghèo, đau yếu, có hoàn cảnh khó khăn của Hội Cựu TNXP thị xã Nghĩa Lộ.

Với tinh thần nghị lực của người chiến sĩ TNXP, chiến sĩ quân đội, hai vợ chồng chị Kim Thị Nụ luôn khắc phục khó khăn, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực tìm cách phát triển kinh tế gia đình. Từ năm 1988, gia đình đã đầu tư trồng hơn 12 ha rừng gồm: bạch đàn, keo, bồ đề và diện tích vườn nhà rộng hơn 6.000 m2 được trồng nhãn, nuôi ong mật và thường xuyên chăn thả hàng trăm con gà, ngan, vịt, bồ câu để vừa bán vừa cải thiện bữa ăn.

Năm 2010, gia đình chị Nụ đầu tư mua một máy sản xuất gạch bê tông với nguyên liệu gồm: đá dăm, xi măng, cát phục vụ nhu cầu xây dựng trong vùng. Đến năm 2013, xưởng gạch đã tăng lên 3 máy ép gạch và sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2014, gia đình chị Nụ tiếp tục đầu tư mua một máy bóc gỗ vườn rừng để chế biến gỗ của gia đình và các hộ trong vùng. Xưởng bóc gỗ đã tạo việc làm cho 10 lao động với thu nhập từ 3,6 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Các nguồn thu nhập từ vườn rừng, chăn nuôi và 2 xưởng sản xuất của gia đình chị Nụ, sau khi trừ các khoản chi phí hàng năm còn thu nhập từ 260 triệu đến 300 triệu đồng. Mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị Nụ do 2 vợ chồng chị trực tiếp tổ chức quản lý. Bốn người con của anh chị đều là những công dân tốt, có việc làm ổn định trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước.

Gia đình chị Nụ nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của chính quyền, đoàn thể địa phương, của tỉnh và Trung ương. Năm 2012, chị Kim Thị Nụ được Hội Cựu TNXP tỉnh Yên Bái cử đi dự Hội nghị Cựu TNXP sản xuất, kinh doanh giỏi do Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam tổ chức. Chị Nụ xứng đáng là tấm gương cán bộ Hội tận tình, năng động trong công tác Hội và là hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi, có tấm lòng nhân ái giúp đỡ đồng đội, được hội viên và bà con trong khu dân cư quý mến, kính trọng.

Lê Thị Hồng Mạnh

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục