Chuyện người đi tìm quá khứ

  • Cập nhật: Thứ năm, 31/8/2017 | 7:51:18 AM

YBĐT - Miệt mài phủi những lớp bụi thời gian đã giấu đi giá trị lịch sử, văn hóa trên hiện vật; lặng lẽ, chăm chỉ nối từng mảnh ghép của quá khứ - đó là công việc hàng ngày của những người làm công tác bảo tàng. Có 22 năm gắn bó với Bảo tàng tỉnh Yên Bái, ông Lý Kim Khoa – Phó Giám đốc Bảo tàng luôn giữ trong mình niềm say mê, ngọn lửa tình yêu và nhiệt huyết với các hiện vật như ngày đầu bén duyên với nghề.

Ông Lý Kim Khoa đã gắn bó gần nửa đời công tác bên những hiện vật của lịch sử.
Ông Lý Kim Khoa đã gắn bó gần nửa đời công tác bên những hiện vật của lịch sử.

Tìm đến Bảo tàng tỉnh Yên Bái trong một ngày hè nắng nóng như đổ lửa, không bàn giấy, không điều hòa, không quạt, ông Khoa cặm cụi tại khu vực lưu giữ hiện vật ngoài trời thời kỳ đồ đá. Có lẽ, làm cái nghề gắn với lịch sử, quanh năm gắn bó với những hiện vật tĩnh lặng nên trông ông cũng mộc mạc và hiền như một ông giáo làng cùng cặp kính, quyển sổ, cây bút trên tay. Nở nụ cười đôn hậu, ông giới thiệu cho tôi từng hiện vật mình đang nghiên cứu, sắp xếp chuẩn bị cho công tác trưng bày bảo tàng.
 
Trong cuộc trò chuyện tôi được biết, ông Khoa sinh năm 1966 trong một gia đình người dân tộc Dao nghèo khó, có 5 anh chị em tại xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn. Học xong cấp 3, không như các bạn cùng trang lứa lựa chọn những ngành nghề như kế toán, ngân hàng, sư phạm, chàng trai người dân tộc Dao lại chọn cho mình con đường học ngành bảo tàng, bảo tồn tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông lựa chọn con đường ấy?
 
Cười hiền hậu, ông tâm sự: "Cơ duyên với nghề? Cũng không có gì đặc biệt lắm đâu, ngày còn học cấp 3, một lần đi cùng các bạn học vào thăm quan bảo tàng tại thị xã Nghĩa Lộ. Thấy các hiện vật trưng bày trong đấy hay lắm, chỉ là những thứ tưởng chừng vô tri, vô giác thế mà lại chứa đựng cả một thời kỳ lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, có một hiện vật mà tôi ấn tượng mãi, đó là mô hình một con lợn rất to, được làm từ da và xương của một con lợn thật. Tôi cứ tự thắc mắc, làm thế nào người ta có thể tìm ra các giá trị đặc biệt từ những hiện vật như thế này, tại sao người ta có thể làm, bảo quản một mô hình động vật sinh động đến thế? Kể từ ấy tôi nung nấu ước mơ học bảo tàng".
 
Ngày vẫn còn là sinh viên khi về thực tập tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái, ông Khoa đã được tham gia thu thập tài liệu, lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử cách mạng Chiến khu Vần. Nhớ lại lần đầu được trực tiếp làm công việc mong ước bấy lâu, ông hào hứng kể: "Sau này đi làm được tham gia lập hồ sơ khoa học bao nhiêu di tích, bao nhiêu di sản văn hóa nhưng trong sự nghiệp làm bảo tàng tôi vẫn nhớ nhất cảm giác lần đầu được trực tiếp làm nghề. Ngày ấy tôi tham gia tìm hiểu, lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử cách mạng chiến khu Vần, lần đầu được gặp nhân chứng lịch sử, nghe những nhà hoạt động cách mạng kể về quá trình hình thành căn cứ địa cách mạng chiến khu Vần, quá trình tập hợp thanh niên giác ngộ cách mạng, rồi những khó khăn gian khổ, sự hy sinh, mất mát... Chỉ nghe kể thôi, nhưng những tháng ngày hào hùng của thế hệ cha anh như được tái hiện lại, trong tôi dường như sôi sục ý chí chiến đấu và hơn bao giờ hết tôi cảm nhận được sự đau thương, mất mát của thế hệ đi trước".

Tốt nghiệp đại học năm 1994, được về Sở Văn hóa công tác. Một năm sau, ông được chuyển sang làm tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái và gắn bó từ ngày ấy cho đến bây giờ. Với quan niệm "lịch sử có nhiều bí ẩn phong phú, bởi vậy, người làm công tác sưu tầm hiện vật đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn vững. Muốn đào sâu tìm hiểu hiện vật thì phải thường xuyên học hỏi, giao lưu".
 
Chính vì lẽ đó, không chỉ học hỏi đồng nghiệp, thế hệ đi trước trong cơ quan, ông còn tham gia vào các tổ chức hội như: Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Hội Văn hóa Dân gian tỉnh Yên Bái để được gặp các giáo sư đầu ngành, những người có kinh  nghiệm lâu năm trong nghề nhằm trau dồi thêm kiến thức.
 
Khẽ nâng một chiếc bình gốm thời Trần, với chất giọng trầm ấm ông say sưa giải thích cho tôi ý nghĩa từng hoa văn trang trí và câu chuyện về những chuyến đi sưu tầm hiện vật: "Đặc thù công tác sưu tầm là phải đi nhiều, đôi khi đi cả mấy tháng trời, ăn, ở cùng dân. Nghe thấy thông tin ở đâu người dân phát hiện ra hiện vật lạ là chúng tôi lên đường ngay. Trước kia, phương tiện đi lại khó khăn, đường sá có được như bây giờ đâu, có khi đi cả ngày hay hơn một ngày mới tới nơi. Những chuyến khai quật cũng vất vả lắm, trời nắng làm việc ngoài trời tuy mất sức nhưng còn được việc cứ trời mưa thì chỉ lo mượn bạt của dân về che đậy không nước mưa vào xói mòn hỏng hết hiện trạng".

Với sự cống hiến suốt già nửa chặng đường của cuộc đời mà vẫn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, yêu nghề thôi chưa đủ mà phải nói là say nghề, bởi ngoài công việc đòi hỏi hy sinh vất vả trong khi đồng lương cũng hạn chế. Đôi khi quỹ thời gian dành cho công việc cũng chiếm trọn cả những buổi tối bên gia đình, những ngày nghỉ thảnh thơi để đi sưu tầm, nghiên cứu hiện vật.
 
Vất vả là vậy nhưng hễ mỗi lần tìm được hiện vật có giá trị quý giá là bao mệt mỏi như tan biến. Để rồi những câu chuyện về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bản sắc văn hóa vùng miền, câu chuyện lịch sử với sức hấp dẫn đặc biệt lại thôi thúc những người làm bảo tàng như ông tiếp tục gắn bó.
 
Khi được hỏi điều gì khiến ông trăn trở nhất với nghề, cuộc trò chuyện rôm rả bỗng trầm xuống, nhấp ngụm trà, xiết đôi bàn tay ông chia sẻ: "Khi gắn bó với một nghề, dành trọn tâm huyết với nghề thì ắt hẳn người đó đều có trăn trở riêng. Mong muốn nhất của tôi là Bảo tàng tỉnh Yên Bái sớm hoàn thành trưng bày, mở cửa đón công chúng đến xem. Hiện vật có giá trị nhất khi những thông điệp lịch sử mang trên mình được lưu giữ, truyền tải, nhân rộng đến nhiều lứa tuổi, tầng lớp".

Đối với ông Khoa nói riêng và những người làm công tác bảo tàng nói chung, mỗi hiện vật sưu tầm được không chỉ là một hiện vật trưng bày, mà nó là trái tim, hồn cốt của bảo tàng, là những mảng ký ức của lịch sử. Hy vọng rằng, với tấm lòng, tình yêu và sự cống hiến của những người như ông Lý Kim Khoa, sự nghiệp bảo tàng của tỉnh Yên Bái sẽ ngày một phát triển, có nhiều thành tựu và có những đóng góp quan trọng hơn nữa vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc.

Lê Thương

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục