Lời tâm huyết của lão nông Thào A Sinh

  • Cập nhật: Thứ năm, 5/10/2017 | 7:49:02 AM

YBĐT - Phần tham luận tại Hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Trạm Tấu của lão nông Thào A Sinh, người thôn Tàng Ghênh, xã Pá Lau, huyện Trạm Tấu gây ấn tượng mạnh cho các đại biểu tham dự Hội nghị.

Ông Thào A Sinh vận bộ quần áo mới, bước lên bục rồi phát biểu rất tự tin, mạch lạc về quá trình vay vốn NHCSXH, rồi sử dụng nguồn vốn một cách hợp lý, kết hợp với chi tiêu tiết kiệm và cố gắng phấn đấu, nên gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo.
 
"Kính thưa Hội nghị! Nhà tôi đã hết nghèo, con tôi được học hành, tiến bộ. Có được kết quả ấy là nhờ sự cố gắng của gia đình, đặc biệt là sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, trong đó có việc vay vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH”.
 
Ông Thào A Sinh mở đầu bài tham luận của mình như vậy, rồi ông tiếp: "Trước kia, gia đình tôi nghèo lắm! Một năm thiếu đói đến mấy tháng. Đói nghèo có nhiều nguyên nhân như thiếu kiến thức nên làm ăn không biết tính toán, sản xuất mà không áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất và hiệu quả thấp. Lo được đồng nào là đong gạo ăn cả nên vốn đầu tư cho cây con giống, phân bón rất eo hẹp. Nhà có 4 đứa con, thương chúng nó lắm, mong cho chúng học hành tiến bộ để mà vươn lên nhưng nghèo đói quá, nhiều lúc muốn chúng bỏ học đi làm nương để phụ giúp gia đình. Mối lo con cái học hành càng lớn khi chúng học lên cao, nhất là khi sắp hoàn thành chương trình trung học phổ thông, chuẩn bị vào học chuyên nghiệp.
 
Rồi những khốn khó của gia đình cũng có giải pháp tháo gỡ, đó là vào năm năm 2006, gia đình tôi được Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thôn Tàng Ghênh, thuộc tổ chức Hội Nông dân xã bình xét và được NHCSXH huyện cho vay số tiền là 10 triệu đồng. Chưa bao giờ nhà tôi nhìn thấy món tiền lớn đến như vậy.
 
Vợ chồng nhìn nhau mà lo ngay ngáy, chưa biết chi dùng vào việc gì cho hợp lý để phát huy được hiệu quả? Nhưng với sự giúp đỡ của bà con trong Tổ TK&VV, nhất là sau khi tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật do cán bộ về tận thôn bản tổ chức, tham dự những buổi họp được nghe tuyên truyền phổ biến chính sách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vùng cao... vợ chồng tôi đã quyết định mua một con trâu và phụ thêm vào khai hoang được 1.000 m2 ruộng nước.
 
Nhờ có vốn vay ưu đãi, có ruộng, có trâu, có thêm kiến thức quản lý kinh tế gia đình và biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào gieo cấy mà đồng ruộng cũng tốt tươi hơn, thóc lúa nhiều hơn, gà lợn, trâu bò cũng đều nhanh lớn, không chết rét, chết bệnh như trước... Kinh tế gia đình cứ thế mà ổn định, phát triển dần. 

Đến năm 2008, con trai tôi là Thào A Của thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại Ngữ. Cầm giấy báo nhập học trong tay, gia đình tôi vừa mừng cũng vừa lo. Mừng vì con mình đã thi đỗ vào 1 trường đại học lớn, nhưng rất lo vì  biết lấy tiền đâu mà nuôi con theo học 4 năm đại học. Tình cờ được dự 1 buổi họp bản có cán bộ NHCSXH huyện xuống dự.
 
Tại cuộc họp được nghe cán bộ ngân hàng phổ biến về các chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, nhất là chương trình cho vay học sinh sinh viên thuộc hộ nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi, gia đình tôi mừng lắm vì đã tìm được tiền cho con học đại học. Tôi mạnh dạn đăng ký và được Tổ TK&VV bình xét, được Ngân hàng cho vay số tiền 32 triệu đồng. Với số tiền được vay từ Ngân hàng và chịu khó đi làm thêm để trang trải chi phí, con tôi đã học xong 4 năm đại học.
 
Đến năm 2012, tốt nghiệp ra trường, con tôi quay trở về Trạm Tấu để công tác. Hiện nay, cháu đang làm Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Từ thu nhập của phát triển kinh tế gia đình và lương của cháu, gia đình tôi đã trả hết nợ Ngân hàng; kinh tế gia đình cũng đã khá hơn trước. Nhà tôi đã có 2 con trâu, 3 con bò, đã làm được nhà cửa khang trang, mua được xe máy, ti vi và còn tiếp tục cho con thứ 3 đi học đại học.

Từ hoàn cảnh của bản thân, tôi nhận thấy Chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ nói chung và đối với học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nói riêng thực sự giúp đỡ cho người nghèo, nó đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, giúp con tôi được đi học để mở mang kiến thức, vươn lên. 

 Xin được nói lên câu chuyện của gia đình tôi với mọi người và qua đó bày tỏ lòng biết ơn của mình cũng như đồng bào vùng cao đối Đảng, Chính phủ về những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ, trong đó có các chương trình cho vay ưu đãi”.

Lê Phiên (lược ghi)

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục