Sáng kiến của chủ tịch xã

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/11/2017 | 7:06:59 AM

YBĐT - Là Chủ tịch UBND xã Yên Hợp (Văn Yên), lại là kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp chuyên ngành trồng trọt Đại học Nông – Lâm nghiệp Thái Nguyên, hơn ai hết, anh Bùi Xuân Thành nhìn nhận rõ nhất những thế mạnh cũng như hạn chế của xã trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt.

Chủ tịch UBND xã Yên Hợp - Bùi Xuân Thành kiểm tra chất lượng khoai tây.
Chủ tịch UBND xã Yên Hợp - Bùi Xuân Thành kiểm tra chất lượng khoai tây.

Theo anh, Yên Hợp có đất đai màu mỡ, bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngoài sản xuất 2 vụ lúa thì vụ đông chiếm 70% diện tích lúa cùng đất vườn tạp của các hộ gia đình chưa phát huy tối đa hiệu quả kinh tế. 

Với mục đích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bổ sung thêm giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung có quy hoạch vùng nguyên liệu, tận dụng các loại đất vườn tạp, đất trồng các loài cây khác không có hiệu quả kinh tế, đất hoang hóa góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tôi đã nghiên cứu đưa 2 giống cây mới về đất Yên Hợp, đó là đinh lăng và khoai tây, bước đầu đã thấy được hiệu quả tích cực. 

Năm 2015, sau khi tham quan, nghiên cứu tìm hiểu các loại giống cây trồng ở các tỉnh bạn, anh Thành nhận thấy mô hình cây đinh lăng ở tỉnh Phú Thọ và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đang được người dân trồng tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao. 

Với kiến thức sẵn có, anh đã nghiên cứu, học hỏi, lấy giống từ Phú Thọ về trồng thí điểm trên diện tích đất canh tác của anh em gia đình với 0,5 ha cây đinh lăng lá to (đinh lăng cao sản) và 2 sào đinh lăng lá nhỏ (đinh lăng nếp) để làm mô hình thí điểm trồng cây theo hướng sản xuất hàng hóa. Đầu tư 45 triệu đồng ban đầu, sau 2 năm trồng, cây cho tỉa cành, 3 năm cho thu hoạch rễ, năng suất đạt gần 1 tấn/sào. 

Qua hoạch toán kinh tế sau khi trừ chi phí đầu tư, 1 sào cho thu nhập 86 triệu đồng/3 năm, tương đương 772 triệu/ha/năm. Theo đánh giá của anh Thành, đây là một cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Yên Hợp nói riêng và huyện Văn Yên nói chung. Cây trồng không kén đất, trồng được cả trên đất đồi gò, vườn tạp và đất soi bãi, ít sâu bệnh hại, cho thu hoạch sản phẩm rất đa dạng từ lá, thân, rễ. Sản phẩm được các đối tác trong và ngoài nước đặt hàng, có tính ổn định cao trong thời điểm hiện tại cũng như 5-10 năm tới. 

Cùng với đinh lăng, khoai tây Marabell cũng là giống cây mới được anh Thành đưa về sau chuyến thăm quan tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh để thực hiện thí điểm mô hình 2 ha với tổng chi phí ban đầu là 64,8 triệu đồng. Khác với lần trước là tự mình trồng thí điểm, lần này, anh cùng chính quyền xã vận động nhân dân trồng thử; nguồn vốn của nhân dân; UBND xã hỗ trợ tập huấn, kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm. 

Để giảm thiểu chi phí, anh hướng dẫn các hộ tham gia thực hiện ủ phân hữu cơ vi sinh, giảm chi phí mua phân hóa học; các câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện có quỹ tiết kiệm tạo điều kiện cho hội viên vay vốn với lãi suất thấp để mua giống, phân bón. Anh cũng tìm ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho người dân bằng cách phối hợp với Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế An Việt là đơn vị cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân với mức giá tối thiểu là 7.000đ/kg. 

Chị Trần Thị Tình ở thôn Yên Hòa - một trong những hộ trồng khoai tây cho biết: "Năm 2015, được chính quyền xã vận động, gia đình tôi đã trồng 3 sào khoai tây. Sau 3 tháng là được thu hoạch cho năng suất 5 tạ/sào/vụ; chất lượng thơm ngon, củ đẹp, giúp gia đình thu nhập từ 2-3 triệu đồng/sào/vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với lúa và ngô. Từ đó trở đi, cây khoai tây trở thành cây trồng chính trong vụ đông của gia đình thay thế cây ngô, rau, màu. Hướng đi mới này của xã rất phù hợp với người dân chúng tôi”.

Sự năng động đổi mới của Chủ tịch UBND xã Yên Hợp Bùi Xuân Thành cùng xã Yên Hợp nói chung đã giúp bà con nông dân tiếp thu thêm một số giống mới trong sản xuất, tạo công ăn việc làm tăng thu nhập, chủ động trong khâu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Với giá trị thực tiễn cao, những sáng kiến này không những nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo bà con mà còn phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Bà Phạm Thị Nhâm với mô hình nuôi gà theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đến khi về hưu bà Phạm Thị Nhâm ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào chung, trở thành nữ Bí thư Chi bộ gương mẫu, đồng thời cũng là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã.

Chị Liên mang sách đến với các em nhỏ vùng cao Trạm Tấu qua hoạt động xe thư viện lưu động.

Trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Nguyễn Thị Bích Liên - cán bộ Thư viện tỉnh Yên Bái vinh dự nhận được Giải thưởng “Phát triển văn hóa đọc”. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp xuất sắc của chị trong việc thúc đẩy văn hóa đọc và tạo ra một môi trường đọc sách thân thiện trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục