Người phụ nữ Dao miệng nói tay làm

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/1/2018 | 10:42:51 AM

YBĐT - Bà Bàn Thị Khé ở thôn 5 xã Đại Sơn (Văn Yên) là một trong những phụ nữ Dao miệng nói tay làm mà tôi may mắn được gặp.

Bà Bàn Thị Khé (ngồi giữa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cùng chị em phụ nữ trong xã.
Bà Bàn Thị Khé (ngồi giữa) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cùng chị em phụ nữ trong xã.

Trên con đường bê tông trải dài từ trụ sở UBND xã Đại Sơn vào gia đình bà Bàn Thị Khé, thấp thoáng sau những đồi quế là những căn nhà xây 2, 3 tầng khang trang, sạch đẹp, đường làng ngõ xóm được mở mang.
 
Cán bộ xã cùng đi giới thiệu với chúng tôi: "Để đời sống nhân dân được khấm khá và thực hiện nếp sống văn minh như bây giờ cũng là nhờ công của chị Khé nhiều lắm! Chị Khé làm Chủ tịch Hội Phụ nữ (HPN) xã suốt hơn 30 năm qua. Chị vừa mới nghỉ hưu thôi. Nhờ chị mà phụ nữ đã thay đổi nhiều hủ tục và thi đua làm giàu. Thế nên, để có một tấm gương thứ 2 như chị Khé thì thật sự khó tìm".

Đến nhà khi bà Khé đang cặm cụi chăm sóc vườn quế. Đúng như trong tưởng tượng, bà Khé đem lại cho tôi cảm giác gần gũi, ấm áp của một người phụ nữ Dao.
 
Trong căn nhà xây khang trang rộng gần 100 m2, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, bà Khé tâm sự về cuộc đời, về những gian nan trong việc phát triển kinh tế và về những tháng ngày gian khó vận động chị em thay đổi  nếp nghĩ lạc hậu để xóa đói giảm nghèo. Sau khi lập gia đình, nuôi 3 đứa con nhỏ nên cuộc sống của bà Khé ban đầu gặp vô vàn khó khăn, nhưng bà vẫn nỗ lực vươn lên và năm 1986 được chị em tin tưởng bầu làm Chủ tịch HPN xã. Khó khăn trong đời sống kinh tế, con còn nhỏ, công tác phụ nữ xã bận rộn, phức tạp, tất cả gánh nặng dồn lên đôi vai của bà.
 
Nhớ lại những tháng ngày gian khó, bà kể: công việc của HPN xã khi ấy rất vất vả. Chị em chưa biết đến quyền và lợi ích khi được tham gia tổ chức Hội, nên cả xã chỉ có hơn 100 hội viên. Để chị em tham gia sinh hoạt Hội, bà phải đến từng nhà tuyên truyền thuyết phục. Khi chị em đã tham gia sinh hoạt Hội rồi, bà tiếp tục vận động chị em xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu như gia đình có người ốm phải đến bệnh viện chữa không được đi tìm thầy cúng trừ tà ma...
 
Bà Khé cho biết kinh nghiệm của mình: "Tới tuyên truyền một lần không đươc thì mình tới nhiều lần. Làm công tác này cũng như mưa dầm thấm lâu, kiên trì nhất định sẽ thành công".

Bên cạnh việc làm tốt công tác xã hội, bà Khé cũng rất thành công trong việc phát triển kinh tế. Khi được hỏi về kinh nghiệm làm giàu của mình, bà Khé bảo: "Để vận động được chị em thì trước tiên bản thân tôi phải làm gương, phải nỗ lực bằng 5 bằng 10. Khi mình làm được rồi, thì nói chị em mới nghe theo". 

Đối với phát triển cây quế, sau khi thấy một gia đình trong xã trồng quế đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà đến xin hạt về ươm giống. Hàng ngày, sau khi xong việc ở xã, bà lại cùng chồng tranh thủ phát nương. 

Con còn nhỏ, bà gửi bố mẹ chồng, hoặc có hôm phải đem theo lên nương để con tự ngồi chơi bên cạnh. Cứ chăm chỉ, cần cù làm lụng, từ đôi bàn tay trắng đến nay bà Khé sở hữu gần chục héc-ta quế.
 
Bà cho biết: "Làm quế thời điểm đầu được giá, kinh tế gia đình cũng dần khấm khá, nhưng đến khoảng những năm 2000 quế mất giá, nhiều gia đình trong xã phá bỏ trồng loại cây khác. Tôi cũng lo lắng lắm! Phân vân định phá đi để tìm hướng trồng cây có giá trị kinh tế hơn. Nhưng rồi, nghĩ chất đất ở đây khó trồng cây ăn quả hoặc một loại cây nào khác nên tôi quyết định đặt hết niềm tin vào cây quế". 

"May mắn vài năm sau quế lại được giá trở lại và bán quế cũng thu về hàng tỷ đồng. Ngôi nhà này và mọi tiện nghi, xe ô tô đều được sắm từ tiền bán quế. Giờ bán tỉa quế hàng năm cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng để lo cho gia đình và con cháu" - bà Khé nói.
 
Đầy hãnh diện, bà Khé khoe thêm với chúng tôi về những người con của mình. Hiện nay, người con cả của bà theo Dự án 600 tri thức trẻ đang làm phó chủ tịch UBND xã của một huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh. Con trai thứ hai làm cán bộ địa chính xã Đại Sơn và người con gái út hiện đang làm bác sỹ tại Trung tâm Y tế huyện Văn Yên.

Không chỉ là người phụ nữ làm kinh tế giỏi của địa phương mà bà Khé đã góp phần làm thay đổi dần nhận thức của phụ nữ cũng như nhân dân trên địa bàn. Nhờ có nhiều cách làm sáng tạo, trước khi nghỉ hưu bà đã vận động được  hơn 700 chị em tham gia sinh hoạt Hội.
 
Bà Khé cho biết thêm: giờ về nghỉ hưu rồi, nhưng hễ chị em có việc gì là lại đến tìm bà tâm sự nhờ đưa ra lời khuyên và được chị em tin tưởng chính là thành công lớn nhất trong cuộc đời công tác của bà. Nâng niu những tấm bằng khen trong sự nghiệp công tác với nụ cười rạng rỡ bà Khé khoe với tôi, đây là báu vật của mình không gì có thể đánh đổi được.

Chia tay người phụ nữ dân tộc Dao - một tấm gương phát triển kinh tế gia đình rất thành công và có nhiều đóng góp cho xã hội, tôi ấn tượng mãi về người phụ nữ chất phác với bản lĩnh mạnh mẽ, tràn đầy nhiệt tình, hiền hậu của người phụ nữ Dao nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

Lê Thương

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục