Nụ cười sau vấp ngã

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/1/2019 | 1:51:30 PM

YênBái - Ở thôn Ao Luông 1, xã Sơn A, huyện Văn Chấn, ông Nguyễn Quốc Huy được nhân dân trong vùng quý nể. Từ chỗ là công dân mãn hạn tù trở về địa phương ông đã không ngừng cố gắng vươn lên, để khẳng định những người đã vấp ngã như ông hoàn toàn có thể làm lại cuộc đời.

Ông Nguyễn Quốc Huy cho cá ăn.
Ông Nguyễn Quốc Huy cho cá ăn.

Rơi vào vòng lao lý chỉ vì suy nghĩ đơn giản mong muốn gia đình và bà con trong thôn được sử dụng điện với chi phí thấp hơn mà không biết rằng đó là tội danh "ăn cắp điện của Nhà nước”, ông Nguyễn Quốc Huy đã phải trả giá cho hành động thiếu hiểu biết của mình bằng gần 2 năm cải tạo trong trại giam. Đây cũng là khoảng thời gian ông luôn trăn trở, nung nấu cho mình ý chí quyết tâm phải đứng dậy làm lại cuộc đời. 

Trở về với gia đình vào năm 2000, ông đã được cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện để có cơ hội làm lại cuộc đời. Ông mạnh dạn nhận thầu lại khu ao đầm tại thôn Ao Luông để cải tạo và thả cá, nuôi vịt…  Tuy nhiên, quy mô nhỏ nên nguồn thu nhập chỉ đủ cho cuộc sống và nuôi các con ăn học chứ chưa thể làm giàu. 

Nhận thấy nhu cầu dịch vụ cho thuê phông bạt, bàn ghế, bát đĩa của bà con trong vùng, ông đã vay vốn đầu tư làm dịch vụ. Nhờ đó, mà trả hết nợ, mua được xe ô tô và tiếp tục đầu tư kiên cố hóa hệ thống ao nuôi cá, xây thêm chuồng trại chăn nuôi, tạo thêm việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/tháng. 

Chính sự quyết tâm và nhanh nhạy đã giúp ông gây dựng cơ nghiệp với thành quả là mô hình kinh tế 1,6 ha ao nuôi cá, trên 1.000 con vịt bầu và dịch vụ cho thuê phông, bạt, bát, đĩa đám cưới cho thu nhập ổn định gần 300 triệu đồng mỗi năm. 

Ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ: "Tôi làm kinh tế ban đầu là để gia đình đỡ khó khăn nhưng cái chính vẫn là để khẳng định bản thân có thể làm giàu bằng đôi bàn tay và trên chính mảnh đất quê hương mình. Tôi cũng mong muốn những người đã từng lầm lỡ, nhìn vào mô hình của gia đình tôi để có thể đứng dậy, làm lại cuộc đời”. 

Trở thành một trong 10 hộ tiêu biểu nhiều năm liền đạt danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” của xã Sơn A, mô hình kinh tế của gia đình ông Nguyễn Quốc Huy đã được Hội Nông dân xã Sơn A lựa chọn là mô hình tiêu biểu. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Huy luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo cho bà con trong thôn xóm. Ông đang ấp ủ dự định xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, đầu tư trồng hoa sen và nhiều loại hoa khác thu hút du khách dừng chân tham quan, chụp ảnh. 

Đặc biệt, ông sẽ chủ động liên kết giữa những hộ làm du lịch cộng đồng trong xã để hình thành nên những tour du lịch đưa du khách đi tham quan, ngắm cảnh, thưởng thức các món ẩm thực dân tộc, thu hút khách du lịch về địa phương.

Ngoài thời gian lao động, làm ăn, ông Huy còn tham gia các phong trào của địa phương, tích cực hưởng ứng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia giữ vững an ninh trật tự tại địa phương. Năm 2014, ông vinh dự được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an với những thành tích trong tổ chức và thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Vượt qua mặc cảm, vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập cộng đồng, ông Nguyễn Quốc Huy đã khẳng định nghị lực của mình, trở thành một công dân tốt và đang tiếp tục tham gia công tác xã hội, được bà con lối xóm nể phục và quý trọng bầu làm Trưởng ban MTTQ thôn – một tấm gương sáng cho những người đã từng lầm lỗi học tập, noi theo.

Thanh Hà - Minh Chiến (Trung tâm TT & VH huyện Văn Chấn)

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục