Chị Hoàng Thị Dược - người hồi sinh khu du lịch làng nghề Nghĩa An

  • Cập nhật: Thứ sáu, 10/5/2019 | 8:11:52 AM

YênBái - Với mong muốn gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc, khôi phục lại khu du lịch làng nghề xã Nghĩa An, ổn định cuộc sống và làm giàu bằng chính tiềm năng, thế mạnh của quê hương, chị Hoàng Thị Dược ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ đã và đang dần “hồi sinh” lại khu du lịch làng nghề xã Nghĩa An từng “nằm yên” một thời gian khá dài sau thời kỳ phát triển của mình.

Chị Hoàng Thị Dược (thứ 3, trái sang) là người mạnh dạn đầu tư khôi phục lại khu du lịch làng nghề xã Nghĩa An.
Chị Hoàng Thị Dược (thứ 3, trái sang) là người mạnh dạn đầu tư khôi phục lại khu du lịch làng nghề xã Nghĩa An.

Trước đây, khu du lịch làng nghề thôn Đêu 2, xã Nghĩa An được biết đến là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của thị xã Nghĩa Lộ. Khu du lịch làng nghề này được đầu tư xây dựng từ năm 2005, gồm một nhà sàn bê tông, hai nhà sàn gỗ và các trang thiết bị thiết yếu khác với tổng kinh phí 3 tỷ 780 triệu đồng. Ban đầu, khu du lịch thu hút được du khách với lợi thế là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn thị xã. 

Nhiều sự kiện, hoạt động lớn của địa phương cũng được diễn ra tại đây. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, cơ sở vật chất của làng nghề xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Mặt khác, nhiều mô hình du lịch cộng đồng khác hình thành và phát triển càng khiến khu du lịch làng nghề xã Nghĩa An mất đi khả năng thu hút du khách. Mong muốn khu du lịch không bị bỏ phí, xã đã khuyến khích các cá nhân, tập thể có tiềm lực kinh tế đầu tư, khôi phục lại hoạt động du lịch ở đây. 

Ông Hà Việt Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết: "Xã chủ trương khuyến khích các cá nhân, tổ chức có nhu cầu có thể khai thác, phát triển khu du lịch làng nghề với chính sách ưu đãi. Nguồn kinh phí từ việc xã hội hóa khu du lịch này sẽ được sẽ sử dụng đầu tư, sửa chữa các nhà văn hoá và tổ chức các hoạt động văn hoá trên địa bàn”. 

Nắm bắt chủ trương đó, chị Hoàng Thị Dược đã mạnh dạn tiếp nhận, đầu tư vào khu du lịch làng nghề. Đầu năm 2018, chị đầu tư hơn 280 triệu đồng tôn tạo lại khu du lịch làng nghề theo ý tưởng của bản thân. Sau nhiều tâm huyết và công sức, đến giữa năm 2018, việc chỉnh trang, tu sửa hoàn thành, khu du lịch làng nghề xã Nghĩa An đi vào hoạt động với cái tên mới là Homestay Nghĩa An. Homestay Nghĩa An được khoác lên mình một diện mạo hoàn toàn khác. 

Ngôi nhà sàn bê tông và 2 ngôi nhà sàn gỗ được bố trí thành các khu riêng. Trong đó, ngôi nhà sàn bê tông với công trình vệ sinh khép kín hiện đại, được trang bị thêm chăn, ga, gối, đệm thổ cẩm theo đúng bản sắc của đồng bào Thái Mường Lò… làm nơi nghỉ ngơi cho các đoàn khách phương xa. Còn ngôi nhà sàn gỗ, dưới sàn là quầy hàng phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách với các mặt hàng truyền thống địa phương như: mật ong, chẩm chéo, măng ớt, thịt sấy, rượu táo mèo…; trên sàn là không gian để du khách thưởng thức văn hóa ẩm thực, dân ca, dân vũ.

Không chỉ mới mẻ hơn về cơ sở vật chất, Homestay Nghĩa An còn chú trọng đầu tư xây dựng hình ảnh thân thiện qua cung cách phục vụ. Với khả năng giao tiếp và am hiểu về văn hóa địa phương, chị Dược đã tự mình xây dựng kịch bản, dẫn chương trình các chương trình giao lưu, lồng ghép giới thiệu về văn hóa địa phương, phù hợp với từng đối tượng khách. Chính vì vậy, tuy mới đi vào hoạt động nhưng Homestay Nghĩa An đã đón và phục vụ 10 - 15 đoàn khách mỗi tháng với thu nhập bình quân 30 triệu đồng/tháng. 

Chị Hoàng Thị Dược chia sẻ: "Tôi dự định, tới đây, sẽ đầu tư mở thêm các dịch vụ: tắm lá thuốc, nấu rượu đục men lá của dân tộc Thái, xây dựng sân khấu ngoài trời để du khách giao lưu văn nghệ vào dịp cuối tuần… nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách và xây dựng hình ảnh Homesay Nghĩa An trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa khi đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò”. 

Hạnh Quyên

Tags Nghĩa An du lịch Nghĩa Lộ Homestay Mường Lò

Các tin khác
CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục