Thầy giáo Đào Trọng Hai tâm huyết với sáng tạo, đổi mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/11/2019 | 8:01:09 AM

YênBái - Tháng 8/2019, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Kiên Thành, huyện Trấn Yên được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, góp phần để xã Kiên Thành đạt chuẩn nông thôn mới trong tháng 11/2019 này. Những đóng góp đó có vai trò của thầy giáo Đào Trọng Hai - Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường.

Thầy giáo Đào Trọng Hai trong giờ lên lớp.
Thầy giáo Đào Trọng Hai trong giờ lên lớp.

Sinh năm 1986, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, trải qua nhiều đơn vị công tác, tháng 10/2017, thầy giáo Đào Trọng Hai được điều động về làm Hiệu trưởng Trường TH&THCS Kiên Thành - ngôi trường nằm ở xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên. 

"Ngày tôi về nhận công tác, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường rất khó khăn, nhiều phòng học, phòng chức năng xuống cấp; sân chơi, bãi tập, tường rào không có, trang thiết bị dạy và học còn nghèo nàn. Học sinh của nhà trường chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày, Mông chiếm tỷ lệ 98%, chất lượng giáo dục ở mức khiêm tốn. Trong khi đó, Trường lại có số học sinh ăn ở bán trú đông với gần 200 em, bằng 2/3 số học sinh bán trú trong toàn huyện mà điều kiện về phòng ở của các em thiếu thốn, chật chội... Những khó khăn đó thôi thúc tôi phải có những giải pháp để các em được học tập trong điều kiện tốt hơn, cũng mới mong nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường” - thầy Hai chia sẻ. 

Từ đó, thầy Hai xác định điều đầu tiên là nhà trường phải đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ có hiệu quả hoạt động dạy và học. Do đó, một mặt thầy tích cực tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo và chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho nhà trường, mặt khác thầy tích cực huy động xã hội hóa, xin ủng hộ sách vở, các đồ dùng thiết yếu, cũng như xi măng, tiền mặt và ngày công lao động của phụ huynh để sửa chữa bếp ăn, công trình vệ sinh, phòng ở, sân vui chơi... với tổng giá trị khoảng 500 triệu đồng. 

Đến nay, nhà trường cơ bản đủ phòng học, phòng ở bán trú, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các em học sinh học tập và sinh hoạt.

Trong công tác chuyên môn, thầy Hai luôn khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh người dân tộc thiểu số, lấy học sinh làm trung tâm. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học giữa chừng, thầy luôn có phương pháp động viên, thuyết phục để các em không bỏ học. 

Để giúp học sinh yếu kém vươn lên trong học tập, thầy Hai đã cùng với các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn xây dựng kế hoạch phụ đạo với mong muốn không để học sinh yếu kém nào phải nghỉ học. 

Trước đây, có những năm học, nhà trường có tới 8 học sinh bỏ học thì trong 3 năm trở lại đây, tỷ lệ chuyên cần đã đạt 100%, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng được nâng cao. Đồng thời, thầy Hai còn tích cực cùng đồng nghiệp tham gia các đề tài, sáng kiến để nâng cao chất lượng giảng dạy. 

Đơn cử, năm học 2018 - 2019, sáng kiến "Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc học sinh bán trú ở đơn vị trường phổ thông công lập” của thầy được công nhận và áp dụng có hiệu quả tại nhà trường. 

Nói về tinh thần, trách nhiệm, sự quan tâm, chia sẻ trong công việc của thầy Đào Trọng Hai, cô giáo Lại Thị Diệu Hoa giáo viên nhà trường cho biết: "Dù còn trẻ tuổi song thầy Hai luôn gương mẫu trong mọi hoạt động công tác, năng động, sáng tạo với nhiều cách làm mới đưa chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên, được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh tin yêu”. 

Với thầy Hai, điều mà thầy hài lòng nhất trong những đóng góp của mình chính là đã tạo được uy tín để từ đó có được sự chung tay, đồng tình ủng hộ của tập thể giáo viên nhà trường, sự đồng thuận của phụ huynh và các em học sinh để hoàn thành được mọi mục tiêu đặt ra, đưa nhà trường từ chỗ muôn vàn khó khăn đến được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia”. 

Ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp "trồng người”, những năm qua thầy giáo Đào Trọng Hai đã đạt được nhiều danh hiệu và năm học 2018 - 2019 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” .

Thanh Chi

Tags Kiên Thành chuẩn quốc gia chất lượng giáo dục bán trú nông thôn mới

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục