Lớp học đặc biệt của người thầy bại liệt

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/12/2019 | 2:02:43 PM

YênBái - Một lớp học không bục giảng, không bụi phấn. Người thầy giáo nằm trên chiếc giường với chiếc máy tính, tay điều khiển con chuột, phía dưới chiếc màn hình lớn là 3, 4 cái bàn được kê sát lại với nhau. Đó là lớp học của thầy Lý Xuân Tuyến người dân tộc Tày, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Dù bị tàn tật nhưng anh Lý Xuân Tuyến không ngừng vươn lên, tự học hỏi, trau dồi kỹ năng để giúp đỡ học sinh quê mình.
Dù bị tàn tật nhưng anh Lý Xuân Tuyến không ngừng vươn lên, tự học hỏi, trau dồi kỹ năng để giúp đỡ học sinh quê mình.

Tốt nghiệp Đại học Thái Nguyên chuyên ngành trồng trọt, ra trường lại được công tác ngay tại Trạm Khuyến nông huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Tương lai đang rộng mở với chàng trai Lý Xuân Tuyến sinh năm 1975, người dân tộc Tày, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình.

Nhưng tất cả bỗng sụp đổ sau cái đêm định mệnh vào đầu năm 2006, khi trên đường về quê thăm gia đình, anh Tuyến bị tai nạn xe máy dẫn đến chấn thương cột sống, bị liệt 3/4 cơ thể.  

Mặc dù đã nhiều năm chữa trị ở những cơ sở y tế có tiếng trong và ngoài nước nhưng do chấn thương của quá nặng, anh Tuyến vẫn phải chịu cảnh tàn tật. Sau khoảng thời gian dài bi quan, chán nản, tưởng như tuyệt vọng, nhưng với sự động viên của gia đình, bạn bè, hàng xóm cũng như cấp ủy, chính quyền và Hội Khuyến học địa phương anh Lý Xuân Tuyến đã vươn lên tìm lại được niềm vui và hy vọng vào cuộc sống. 

Anh tâm sự: "Hàng ngày tôi làm bạn với mấy cuốn sách để quên đi nỗi buồn và những cơn đau hành hạ. Khoảng thời gian đó, thấy nhiều trẻ em trong thôn còn thiếu kiến thức về ngoại ngữ (tiếng Anh) tôi nghĩ, phải làm một điều gì đó để giúp các em có cơ hội phát triển!’’.

Nung nấu và thực hiện, lúc đầu, anh Tuyến chỉ dạy bổ trợ kiến thức tiếng Anh cho các cháu trong nhà và con em của bạn bè, nhưng càng về sau, thấy thầy dạy hay, dễ tiếp thu, tiếng lành đồn xa, học sinh ở các vùng lân cận đến xin học ngày càng đông. Khác với những lớp học thông thường khác, lớp học của anh Tuyến không bục giảng, không bụi phấn. 

Người thầy giáo nằm trên chiếc giường với chiếc máy tính, tay điều khiển con chuột, phía dưới chiếc màn hình lớn là 3, 4 cái bàn được kê sát lại với nhau. Anh dạy học qua máy chiếu. Mỗi bài hội thoại, mỗi từ vựng tiếng Anh, anh đều sưu tầm hình ảnh minh họa thật ngộ nghĩnh, đáng yêu như chính lứa tuổi học trò, để các em dễ hiểu. Với phương pháp giảng dạy như vậy, lại không lấy tiền công nên số học sinh theo học ngày một đông. 

Không chỉ học sinh ở Cảm Nhân, mà học sinh các xã lân cận như: Mỹ Gia, Tích Cốc, Ngọc Chấn, Xuân Lai cũng tìm đến học. Dạy một ca không hết, anh tăng lên hai ca mà lớp học vẫn cứ "quá tải”. Hàng ngày, trong ngôi nhà của người thầy bại liệt, luôn vang tiếng trẻ thơ học bài. 

"Nhiều lúc cũng mệt mỏi nhưng đổi lại tôi rất vui vì thấy mình còn có ích. Để các em tiếp thu bài dễ dàng, tôi luôn tìm tòi những phương pháp làm việc hay, hiệu quả, giúp học trò của mình tiến bộ và đóng góp nhiều hơn cho sự học của địa phương” anh Tuyến chia sẻ. 

Gieo con chữ và thắp sáng niềm tin cho những học sinh nghèo, từ năm 2013 đến nay, anh Tuyến đã bồi dưỡng, phụ đạo tiếng Anh cho gần 900 học sinh, trung bình mỗi năm anh phụ đạo, bồi dưỡng cho hơn 100 học sinh. 

Không phụ công thầy, cùng nâng cao khả năng về ngoại ngữ, đã có 1 em do anh phụ đạo đạt giải Ba - Cuộc thi Học sinh giỏi tiếng Anh cấp tỉnh năm 2016; 5 em đạt giải Nhất, 6 em đạt giải Nhì, 9 em đạt giải Ba và 38 em đạt giải Khuyến khích các cuộc thi Học sinh giỏi tiếng Anh cấp huyện.

Không gục ngã trước khó khăn, vượt qua đau đớn về thể xác anh Tuyến đã vươn lên trở thành người có ích, trở thành tấm gương sáng về nghị lực vượt khó. Với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo và khuyến học của địa phương, anh Tuyến đã vinh dự được Đảng bộ huyện Yên Bình biểu dương khen thưởng, là điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.      

Đình Tứ

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục