Nữ Giám đốc với thương hiệu “Gạo OCOP Mường Lò”

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/5/2020 | 8:20:36 AM

YênBái - Để vươn ra thị trường và nổi tiếng với cái tên gạo Séng cù Mường Lò thì chỉ khi được nữ Giám đốc Phạm Thị Đông - Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thủy sản TND xây dựng trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Giám đốc Phạm Thị Đông thăm cánh đồng cấy lúa Séng cù ở Mường Lò.
Giám đốc Phạm Thị Đông thăm cánh đồng cấy lúa Séng cù ở Mường Lò.

Mường Lò - cánh đồng rộng thứ nhì Tây Bắc có diện tích trên 3.100 ha. Nguồn nước tưới từ núi cao tạo nên hương vị "Gạo Mường Lò” mềm dẻo, thơm ngon.


Gạo Mường Lò là đặc sản nức tiếng ai cũng biết ở vùng Tây Bắc, nhưng câu chuyện đưa gạo Mường Lò trở thành sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thì là một chuyện khác. Bởi lẽ, người dân nơi đây từ xưa đến nay canh tác lúa nước chỉ mang tính tự cung tự cấp là chính. 

Sinh ra, lớn lên tại Mường Lò, nữ Giám đốc Phạm Thị Đông điều hành Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nông lâm, thủy sản TND đi lên từ nuôi trồng thủy sản đã nhìn thấy tiềm năng của gạo Mường Lò khi ra thị trường. Gặp chị, không ai nghĩ đây là giám đốc kinh doanh lúa gạo, bởi cách ăn mặc rất "thời thượng”, tự lái ô tô kể cả khi đi thăm đồng. 

Được trò chuyện với nữ giám đốc trẻ, chúng tôi thực sự khâm phục những hiểu biết về từng mảnh ruộng, đám cỏ ở Mường Lò. Tuy mới chuyển đổi từ lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sang gieo cấy, kinh doanh lúa gạo, nhưng chị Đông lại hiểu rất rõ những đặc tính của giống lúa Séng cù. 

Chị tâm sự: điều kiện khí hậu tự nhiên của Mường Lò rất phù hợp cho cây lúa sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Trong cơ cấu giống lúa của Mường Lò, hiện nay, Séng cù là sản phẩm hàng hóa chủ lực (chiếm trên 35% diện tích), có năng suất, chất lượng cao, được canh tác từ lâu và người dân có thể chủ động nguồn giống. 

"Sản lượng lúa của cánh đồng Mường Lò đạt từ 30 - 32.000 tấn/năm; trong đó, các loại lúa đặc sản hàng hóa khoảng 10.000 tấn/năm. Đặc biệt, gạo Séng cù đã và đang tạo nên danh tiếng của đặc sản Mường Lò” - chị Đông nói.

- Chị hiểu rất rõ tập quán canh tác của đồng bào cũng như giá trị của gạo Séng cù nơi đây? Tôi hỏi Giám đốc Phạm Thị Đông khi cùng chị đi thăm 200 ha lúa mà Công ty đưa vào đăng ký sản phẩm OCOP. 

- Gần như các hộ đăng ký tham gia gieo cấy gạo Séng cù theo chương trình OCOP tôi đều biết tên, biết hoàn cảnh gia đình, biết ruộng, biết thời gian xuống giống mà không phải nhìn sổ sách theo dõi - chị Đông khẳng định chắc chắn.

- Chị rất tin tưởng vào kinh nghiệm gieo cấy lúa của đồng bào? 

- Kinh nghiệm của người dân có ý nghĩa rất lớn, góp phần làm cho danh tiếng của gạo Mường Lò, bởi quá trình định cư lâu đời tại đây, người Thái đen đã có một hệ thống các tri thức bản địa quý giá trong sản xuất lúa kết hợp với các luật tục bảo vệ nguồn nước, môi trường, bảo vệ nguồn giống quý hiếm để phát triển nông nghiệp bền vững như hiện nay. 

Bên cạnh kỹ thuật trồng, chăm sóc được tích lũy từ lâu đời, người dân Mường Lò đã tích cực tiếp thu và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch, chế biến để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt.

Cầm trên tay những hạt thóc mới được thu mua về, Giám đốc Phạm Thị Đông rất tự hào khi nói về sản phẩm của Công ty: "Nhắm mắt cầm hạt thóc trong tay, tôi có thể phân biệt đâu là gạo Séng cù đặc trưng của Mường Lò”. 

Thấy chúng tôi có phần ngạc nhiên, chị giải thích: thóc Séng cù có màu vàng nhạt sáng, vỏ mỏng, hạt to, dài và phần đuôi còn có râu. Đặc biệt, hạt gạo có hình dáng thon dài, hạt chắc, đều, ít bị gãy, vỡ và có màu trắng ngà, hơi bóng, có mùi thơm đậm hơn các loại gạo thông thường. 

Khi nấu chín, cơm có vị ngọt đậm, bùi, rất dẻo giống như xôi nhưng không dính tay khi nắm, hương thơm đậm, đặc trưng. Gạo Séng cù chứa nhiều hàm lượng Vitamin và có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho cơ thể con người. 

Được biết, đầu năm 2019, sau khi UBND tỉnh công nhận gạo Séng cù Mường Lò là sản phẩm OCOP, Công ty đã sản xuất được 100 tấn thóc, phân phối ra thị trường 70 tấn gạo. Giá gạo Séng cù bán tại địa phương là 30.000 đồng/kg, doanh số 2,1 tỷ đồng. Số lượng này chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. 

Để phát triển thị trường, năm 2020, Công ty đã hợp đồng các hộ gieo cấy thêm vụ mùa. Giám đốc Phạm Thị Đông cho biết, mục tiêu trọng tâm và ưu tiên hiện nay của Công ty là chinh phục người tiêu dùng trong nước. 

Vì vậy, đầu năm 2020, sản phẩm gạo Séng cù đã có mặt ở các siêu thị lớn của Hà Nội như: Trung tâm Thương mại BigC Thăng Long; Siêu thị Hapromart C13, Thành Công... để giới thiệu và tham gia hội thảo hội chợ, triển lãm ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc để tìm kiếm thị trường. 

Coi thị trường nội địa gần như là một cuộc "chinh phục” hoàn toàn mới của gạo Séng cù với xu hướng tăng dần sản lượng. Cụ thể, năm 2020 sản lượng là 120 tấn thóc, năm 2021 là 150 tấn, năm 2022 là 200 tấn, doanh thu hàng năm cao nhất đạt 5 tỷ đồng. 

Tuy mới mùa thứ hai sản xuất gạo Séng cù Mường Lò theo thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Yên Bái, chất lượng sản phẩm vẫn đang được kiểm nghiệm qua người tiêu dùng, nhưng bước đầu sản lượng gạo bán ra không đáp ứng hết được thị trường đã cho thấy hướng đi đúng của Công ty. 

Giám đốc Phạm Thị Đông chỉ có một mong muốn là cùng với 6 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận gồm miến đao Giới Phiên ở thành phố Yên Bái; chè Shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn; chè Bát tiên và quế điếu, huyện Trấn Yên; bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình và nước lau sàn tinh dầu quế, huyện Văn Yên, Gạo Séng cù Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ không những mang lại lợi ích kinh tế lớn cho nông dân mà còn góp phần xây dựng những thương hiệu nổi tiếng cho sự phát triển đi lên của tỉnh Yên Bái trong tương lai.  

Ngọc Sơn

Tags Mường Lò OCOP Séng cù nữ giám đốc chè Suối Giàng quế Văn Yên

Các tin khác
Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

CCB Trần Văn Nghĩa (thứ 2, từ phải sang) chia sẻ với lãnh đạo Hội CCB huyện Văn Yên về kỹ thuật chăn nuôi dê.

Cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Nghĩa ở thôn Đá Bia, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên không chỉ làm kinh tế giỏi từ mô hình tổng hợp trồng rừng kết hợp chăn nuôi, anh còn là người luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động Hội, các hoạt động của địa phương, tiên phong trong phong trào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã.

Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục