Cách làm giàu của vợ chồng 9X

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/3/2021 | 1:51:19 PM

YênBái - Anh Bàn Tòn Khoa, sinh năm 1993 ở xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn cùng chị Giàng Thị Mỷ, sinh năm 1995 ở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu nên duyên vợ chồng đã hơn 4 năm. Từng ấy năm cũng là quãng thời gian đôi vợ chồng trẻ trăn trở, cần mẫn, bươn chải với mặt hàng trang phục dân tộc.

Dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc Mông của vợ chồng anh Bàn Tòn Khoa và chị Giàng Thị Mỷ.
Dây chuyền sản xuất trang phục dân tộc Mông của vợ chồng anh Bàn Tòn Khoa và chị Giàng Thị Mỷ.

Từ một tiểu thương nhỏ lẻ vận chuyển hàng từ Mường Khương (Lào Cai) về bán, đến nay, anh chị đã mở riêng cho mình một xưởng sản xuất và một cửa hàng bày bán trang phục dân tộc Mông có thương hiệu tại huyện Văn Chấn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. 

Đến xưởng sản xuất nằm ngay mặt đường ở tổ dân phố Phiêng 1, trung tâm huyện Văn Chấn, anh Bàn Tòn Khoa dẫn tôi đi tham quan dây chuyền làm ra những sản phẩm thêu hoa văn, tà áo yếm, váy, áo thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông. Các mặt hàng phong phú từ trang phục mặc hàng ngày đến trang phục dành cho các dịp lễ hội truyền thống của mọi lứa tuổi, kèm theo những phụ kiện như: đai lưng, mũ, bó chân... 

Chỉ tay vào dàn máy dệt hoa văn đang chạy nhịp nhàng, anh Khoa chia sẻ: "Nhìn dàn máy với hoạt động có vẻ đơn giản thế thôi nhưng đều là máy móc rất đắt tiền. Tính đến thời điểm hiện tại, xưởng sản xuất của chúng tôi đã đầu từ hơn 1,6 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng sản xuất 600 - 700 sản phẩm cung ứng chủ yếu cho thị trường các tỉnh: Lào Cai, Điện Biên, Sơn La…”. 

Được biết, vợ chồng anh Khoa, chị Mỷ bắt đầu kinh doanh mặt hàng trang phục dân tộc Mông từ năm 2017, nhưng đến đầu năm 2019, anh chị mới mạnh dạn đầu tư cửa hàng, nhà xưởng. Rời xưởng sản xuất, Khoa đưa tôi đến cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm nằm cách đó không xa ở tổ dân phố Hồng Sơn, trung tâm huyện. 

Tại đây, chị Mỷ đang cùng nhân viên tư vấn, hỗ trợ khách hàng, chốt đơn hàng, đóng gói và vận chuyển hàng đi tiêu thụ. Ngay từ bé, chị Mỷ đã đam mê trang phục dân tộc mình và học mẹ tự tay dệt vải, thêu thùa, may váy, áo. Vốn là người nhanh nhẹn, nhạy bén trong việc tiếp cận kinh doanh, bán hàng online, bởi vậy chị sớm nắm bắt xu thế kinh doanh qua mạng xã hội, hàng ngày chị cùng nhân viên chụp ảnh, quay video sản phẩm, quảng cáo trên Facebook, Zalo, Tik Tok… 

Nhờ đó, trung bình mỗi ngày, ngoài hàng chục đơn chốt lẻ, cửa hàng còn đóng gói, vận chuyển, đổ sỉ hàng cả trong và ngoài tỉnh. Chị Giàng Thị Mỷ chia sẻ: "Chồng tôi phụ trách chính bên xưởng sản xuất còn tôi thì đảm đương ở cửa hàng này. Ngoài 8 nhân công làm việc ổn định, chúng tôi thuê thêm 5 - 6 lao động thời vụ mới đủ để đảm bảo vận hành sản xuất cả hai bên. Mặc dù là trang phục dân tộc truyền thống nhưng với xu thế hiện đại, chúng tôi cũng nỗ lực sáng tạo, đổi mới kiểu dáng, mẫu hoa văn trên từng sản phẩm để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng mà vẫn không làm mất đi nét đẹp vốn có của trang phục dân tộc Mông. Gắn trang phục dân tộc với phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc là mục đích vợ chồng tôi đặt ra”. Được biết, năm 2020, sau khi trừ chi phí mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của anh chị thu về từ 50 - 60 triệu đồng/ tháng. 

Trang phục của đồng bào dân tộc Mông gồm rất nhiều chi tiết, phụ kiện đi kèm, để tạo ra các sản phẩm trước đây đòi hỏi sự cần mẫn và rất lâu công mới hoàn thành, giờ không còn mất nhiều thời gian như trước nhưng để làm ra nhiều sản phẩm cùng lúc với giá thành rẻ và ổn định thì phải có sự hỗ trợ của máy móc. 

Với niềm đam mê và khát khao đưa sản phẩm trang phục dân tộc của đồng bào dân tộc Mông ra thị trường cả trong và ngoài tỉnh, vợ chồng anh Khoa, chị Mỷ đã tạo ra những sản phẩm với mẫu mã đa dạng và phong phú, dần tạo được niềm tin với khách hàng. Không chỉ vậy, thành công của đôi vợ chồng trẻ còn khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động trong phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn của các bạn trẻ người dân tộc thiểu số trên địa bàn. 
Mai Linh

Tags kinh doanh mặt hàng trang phục dân tộc Mông trang phục dân tộc

Các tin khác
Mô hình nuôi cá tầm của Giàng A Vàng ở xã An Lương.

Từng chỉ biết cày cấy, nuôi vài con lợn, con gà, ngày nay, nhiều hộ đồng bào Mông trên địa bàn huyện Văn Chấn đã nghĩ khác, làm khác, mạnh dạn đầu tư để chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới. Điều này không những minh chứng cho sự thay đổi trong tư duy và hành động mà còn thể hiện ý chí, khát khao vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên quê hương.

Thượng tá Trần Xuân Hướng (người đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ về công tác dân vận với cán bộ cùng cơ quan.

”Cống hiến trong quân đội đã mấy chục năm trời, được đi nhiều, biết nhiều, gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn nên mình rất hiểu và luôn đau đáu trong lòng phải làm được cái gì đó giúp họ". Đó chính là khát khao cháy bỏng của Thượng tá Trần Xuân Hướng - Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh trong suốt quá trình công tác của mình.

Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục