Các tỉnh, thành có số người mắc cao như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Yên Bái...
Theo ngành y tế Yên Bái, năm 2018 ghi nhận có 2 ổ dịch sởi với 75 ca mắc tại huyện Mù Cang Chải. Cả 2 ổ dịch này đã được kiểm soát và khống chế kịp thời. Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 29 trường hợp mắc sởi rải rác ở 7/9 huyện thị, thành phố trong tỉnh, 1 ổ dịch 6 trường hợp mắc sởi tại xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu. Ngành y tế tỉnh đã có những chỉ đạo kịp thời khống chế không để bùng phát dịch.
Sởi là bệnh truyền nhiễm, do virus rút sởi gây ra thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi và cũng có thể gặp ở người lớn do chưa được tiêm phòng sởi hoặc chưa tiêm đủ liều. Bệnh sởi rất dễ lây, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người.
Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hay qua bàn tay bị nhiễm các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh sởi gây ra nhiều biến chứng như: viêm phổi, viêm giác mạc, viêm tai giữa, viêm màng não… có thể gây nguy hiểm nếu không được chăm sóc, điều trị đúng cách, đặc biệt là ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng, người suy giảm miễn dịch hoặc có những bệnh mãn tính khác.
Đối với người lớn, sởi nguy hiểm nhất là biến chứng do não viêm, gây rối loạn trung khu tuần hoàn đường hô hấp, có thể khiến bệnh nhân tử vong, các biến chứng nặng khác như: liệt, động kinh... Với thai phụ mắc sởi, nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.
Do vậy, khi có các triệu chứng điển hình như: sốt rất cao, viêm long đường hô hấp trên (ho khan, hắt hơi, sổ mũi) và viêm kết mạc mắt, đôi khi có viêm thanh quản cấp, có thể có những nốt nhỏ mầu xanh trắng trong miệng, gò má, có thể có phát ban, trình tự mọc ban từ sau gáy, sau tai, trán, mặt, cổ lan dần đến thân mình và tứ chi, cả lòng bàn tay và gan bàn chân thì đi khám tại các cơ sở y tế.
Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh sởi có thể tiếp tục ghi nhận nhiều ca mới tại các tỉnh do thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây truyền.
Vấn đề đặt ra là phải giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng. Các cơ sở y tế đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh là rất cần thiết.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng tiêm chủng vắc - xin phòng bệnh sởi chưa đủ số mũi. Bởi vậy, ngành y tế tuyên truyền rõ lợi ích của việc tiêm vắc - xin phòng sởi để người dân chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi đi tiêm phòng sởi đủ mũi.
Ngoài ra, để tránh bị lây bệnh, cha mẹ không cho trẻ tiếp xúc với người nghi mắc sởi; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, giữ vệ sinh cho trẻ hàng ngày; chú ý vệ sinh cá nhân, nhà cửa; chủ động tăng cường sức đề kháng bằng cách cho trẻ uống đủ nước, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và các thực phẩm giàu vitamin C, khoáng chất…
Khi phát hiện trẻ có triệu trứng sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn kịp thời. Trường hợp mắc sởi nhẹ chỉ cần cách ly ở nhà, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là trẻ có thể bình phục, không nhất thiết phải đưa vào bệnh viện nhằm bảo vệ sức khỏe cho trẻ, cũng như tránh nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Minh Huyền