Cần thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi với hộ dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/11/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trước thực trạng và mong muốn của các đối tượng thụ hưởng, trong thời gian tới đề nghị Chính phủ xem xét, tăng thêm nguồn vốn thực hiện chính sách đối với các tỉnh nghèo như Yên Bái, đặc biệt là thực hiện Quyết định 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ "sửa đổi một số điều của Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg..." thì số đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ tăng lên đáng kể.

Phụ nữ dân tộc Mông xã Suối Giáng (huyện Văn Chấn) dệt thổ cẩm.
(Ảnh: Quang Thiều)
Phụ nữ dân tộc Mông xã Suối Giáng (huyện Văn Chấn) dệt thổ cẩm. (Ảnh: Quang Thiều)

Trong điều kiện một tỉnh miền núi nghèo, Yên Bái có 51% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo còn cao (năm 2007 là 20,16%), trong đó có 2 huyện vùng cao (Trạm Tấu và Mù Cang Chải) - nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống hiện tỷ lệ hộ nghèo còn trên 60%, sau gần 2 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 32/2007/TTg, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ "Về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo đặc biệt khó khăn", với sự cố gắng chung của các cấp, các ngành và Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), toàn tỉnh đã có 975 hộ đồng bào DTTS nghèo đặc biệt khó khăn được vay vốn, với số tiền 4.829 triệu đồng. Khởi động của nguồn vốn ưu đãi đặc biệt này (thời gian vay 5 năm, không tính lãi) đã tạo cơ hội và sự an tâm, phấn khởi để phát triển sản xuất, ổn định đời sống của bà con. Chính sách đó đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các hộ đồng bào DTTS hoan nghênh và đồng tình hưởng ứng.

Tỉnh Yên Bái đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết và văn bản hướng dẫn như: Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 13/6/2007 về việc mở rộng cho vay thực hiện chính sách và nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư tín dụng của NHCSXH; Hướng dẫn số 148/BDT-CSDT ngày 18/9/2007 của Ban Dân tộc tỉnh về thực hiện Quyết định 32...; xây dựng phương án lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu trên địa bàn (Chương trình 135, chính sách trợ cước, trợ giá, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, định canh, định cư...) nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

Giám đốc NHCSXH tỉnh đã trả lời trực tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng về một số quy định thực hiện chính sách tại địa phương... Công tác tập huấn nghiệp vụ tín dụng, ký kết hợp đồng ủy thác thông qua 4 tổ chức (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và Đoàn thanh niên, được NHCSXH phối hợp với chính quyền địa phương triển khai sớm, đảm bảo yêu cầu cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; chính quyền cơ sở phân công các tổ chức, cá nhân giúp đỡ các hộ vay vốn lập phương án sản xuất, hướng dẫn cách sản xuất, kinh doanh... Nhiều xã triển khai tốt các nội dung của chính sách, bước đầu bảo tồn vốn vay và phát huy hiệu quả, như các xã: Tân Nguyên (huyện Yên Bình), Pá Lau (huyện Trạm Tấu). Đồng bào các dân tộc đã nhận thức được sự quan tâm, ưu đãi của Đảng và Nhà nước nên đã có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, lập được kế hoạch sản xuất lâu dài, như phát triển chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp...

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định 32 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh hiện còn một số khó khăn, tồn tại: công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tuy đã rộng rãi, nhưng chưa thật cụ thể, linh hoạt, nhất là đối với cơ sở. Nhận thức của một số cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, có tư tưởng lạm dụng chính sách, nên việc bình xét từ thôn, bản còn nể nang, thiên vị, có xã danh sách đối tượng lập còn nhiều hơn cả số hộ nghèo của toàn xã.

Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, còn giao phó cho các tổ chức hội, đoàn thể làm ủy thác với NHCSXH. Công tác kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng vốn còn ít, chưa kịp thời phát hiện và điều chỉnh những tồn tại, thiếu sót từ cơ sở. Chính sách ưu đãi tín dụng chưa được thực hiện đồng bộ với việc tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho đồng bào.

Việc phân công tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hướng dẫn hộ vay vốn cách sản xuất, làm ăn theo yêu cầu của Quyết định 32 chưa được quan tâm đúng  mức. Hộ đồng bào vay vốn còn lúng túng, có hộ dùng mua sắm các tiện nghi sinh hoạt trong gia đình hoặc dùng một phần vốn để trả các khoản vay nợ khác. Cá biệt, có hộ thuộc diện quá nghèo, với số vốn vay ít, thiếu phương án sản xuất, đã sử dụng sai mục đích và có tư tưởng trông chờ vào việc xóa nợ của Nhà nước. Công tác tham mưu của các phòng, ban chuyên môn cấp huyện còn hạn chế, một số địa phương thực hiện chưa đảm bảo các yêu cầu của Quyết định 32 như: việc giải quyết cho vay gọn theo từng xã để thuận lợi cho công tác giải ngân và quản lý vốn (2 huyện Yên Bình và Trấn Yên).

Huyện Yên Bình đã có 196/990 hộ thuộc đối tượng được vay vốn, nhưng số hộ này đều tập trung ở 4 xã, trong đó xã Yên Bình 82/116 hộ, xã Xuân Lai 36/49 hộ, xã Xuân Long 59/68 hộ và riêng xã Tân Nguyên có 19/20 hộ được vay, nhưng lãnh đạo UBND xã cho biết, đó là những hộ nghèo nhất xã, nhưng không thuộc đối tượng theo tiêu chí của Quyết định 32, vì hiện nay xã cơ bản không có hộ nghèo với mức thu nhập bình quân dưới 60 ngàn đồng/người/tháng. Việc rà soát, thẩm định danh sách đối tượng chưa chặt chẽ.

 Tại một số xã, có nhiều hộ vay vốn bị sai tên, lệch họ nhưng vẫn được giải ngân (huyện Lục Yên có 11,86% hộ bị sai tên, họ, riêng 2 xã Minh Xuân và Lâm Thượng chiếm 30%). Nhiều cán bộ ngân hàng chưa biết tiếng địa phương nên việc tiếp cận với đối tượng và thiết lập bộ hồ sơ rất khó khăn, tiến độ giải ngân chậm, chẳng hạn năm 2007 thực hiện 67% kế hoạch, 9 tháng năm 2008 đạt 65,6% kế hoạch vốn giao.

Riêng huyện Văn Chấn triển khai chính sách rất khó khăn và nguyên nhân chính là do việc bình xét đối tượng từ cơ sở chưa nghiêm túc, nhiều xã kê khai tràn lan, không đúng đối tượng; năm 2007, thực hiện được 3,8% kế hoạch và năm 2008, mới đạt gần 20% kế hoạch vốn giao. Cấp ủy Đảng, chính quyền ở số nơi thiếu quan tâm sâu sát, công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thực hiện, chủ yếu tin và giao cho chủ tịch các hội, trưởng đoàn thể ở xã nhận ủy thác với NHCSXH. Hồ sơ, sổ sách lưu giữ tại UBND xã không đầy đủ (nhiều xã không có) do vậy chưa theo dõi, đánh giá được hiệu quả nguồn vốn đầu tư tín dụng trên địa bàn.

Nguồn vốn trung ương cấp mới đáp ứng được 10% nhu cầu vay vốn tại địa phương (hiện có 17.000 hộ DTTS đặc biệt khó khăn), trong khi ngân sách địa phương còn khó khăn, kế hoạch lồng ghép các nguồn lực khác trên địa bàn chưa thực hiện được, do vậy chưa tạo được động lực mạnh để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển.

Trước thực trạng và mong muốn của các đối tượng thụ hưởng, trong thời gian tới đề nghị Chính phủ xem xét, tăng thêm nguồn vốn thực hiện chính sách đối với các tỉnh nghèo như Yên Bái, đặc biệt là thực hiện Quyết định 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ "sửa đổi một số điều của Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg..." thì số đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ tăng lên đáng kể. Mức cho vay và thời hạn cho vay vốn cần tăng hơn, để hộ vay vốn có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh. NHCSXH có cơ chế cho vay linh hoạt hơn đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa (không nhất thiết chỉ cho vay bằng tiền mặt, có thể cho vay bằng con giống, cây giống...), để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn.

Việc giải ngân, thu nợ cần quan tâm đến tính thời vụ và tập quán sản xuất của nhân dân ở từng địa bàn. Khảo sát, đánh giá tình hình nợ đọng vốn vay trong đồng bào DTTS để có cơ sở xem xét, giải quyết, xử lý rủi ro đối với các hộ bị thiên tai, bão lũ) không có khả năng thanh toán vốn... Tăng cường cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là ở các địa bàn quá hiểm trở. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ hội, đoàn thể là người DTTS.

Về lâu dài, cần có chính sách đào tạo con em DTTS làm việc tại các ngân hàng ở vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện để chính sách được thực hiện đồng bộ với các chính sách ưu tiên khác trên địa bàn; hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc giải quyết cho vay, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn, hạn chế rủi ro trong quá trình thực hiện; đẩy mạnh lồng ghép tốt các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn; cân đối, bố trí, bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chính sách; thường xuyên kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời các vướng mắc, thiếu sót từ cơ sở; cần thiết có thể thu hồi một phần vốn để giải quyết trước cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hơn; tổ chức sơ kết 2 năm triển khai Quyết định 32/2007/TTg nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm kịp thời việc thực hiện chính sách tại địa phương; đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến chính sách đi đôi với gắn kết trách nhiệm của hộ gia đình và cộng đồng dân cư, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước.

Hà Thị Hải

Các tin khác
Cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn Yên Ninh gặp gỡ, ôn lại truyền thống nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Vậy đã 49 năm trôi qua. Hào khí oanh liệt của cuộc chiến tranh thống nhất non sông về một mối mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với mốc son ngày 30/4 không bao giờ phai nhạt.

Ảnh minh họa.

Nhằm tôn vinh nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngày 19/4/2009, tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã diễn ra Lễ công bố Quyết định 1668 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 19/4 hằng năm làm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Sản xuất bột đá CaCO3 tại Công ty cổ phần Stone Việt Nam tại huyện Lục Yên.

Cụ thể hóa chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình hành động, kịch bản bằng những việc làm, hành động cụ thể; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá; chủ động, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Những quán hàng rong với nhiều loại thức ăn, nước uống được bày bán tại khu vực cổng trường học có nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong quý I năm 2024, cả nước xảy ra 16 vụ làm 659 người bị ngộ độc thực phẩm (tăng gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có ba trường hợp tử vong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục