Bảo vệ phụ nữ trước nguy cơ bạo hành
- Cập nhật: Thứ tư, 7/3/2012 | 9:30:58 AM
YBĐT - Qua điều tra cho thấy, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có một người cho biết họ đã từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình đang phải chịu một trong hai hình thức bạo hành này chiếm 9%.
Xem xét cả 3 hình thức bạo hành chính trong đời sống vợ chồng gồm: thể xác, tình dục và tinh thần từ nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam do Chính phủ Việt Nam và Liên Hợp Quốc công bố ngày 25/11/2010 thì có tới 58% phụ nữ Việt Nam cho biết đã là nạn nhân của ít nhất một hình thức kể trên. Có 5% phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ bị đánh đập trong thời gian mang thai. Nghiên cứu cho biết thêm, những người chồng bạo hành có khả năng từng được chứng kiến mẹ mình bị cha đánh đập hoặc chính họ bị đánh đập khi còn nhỏ.
Đối với Yên Bái, từ năm 2001 đến nay, theo số liệu xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh, mỗi năm trung bình có khoảng trên dưới 500 vụ ly hôn, chiếm tới trên 55% số vụ liên quan đến bạo lực gia đình chủ yếu nạn nhân là phụ nữ. Qua kết quả giám sát của HĐND tỉnh Yên Bái về thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho thấy, bạo lực gia đình đang xảy ra dưới nhiều hình thức và gia tăng hàng năm. Còn theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, hàng năm Yên Bái xảy ra từ 700 - 900 vụ bạo lực gia đình. Nhưng con số này chưa phản ánh hết thực trạng bởi vẫn còn có những nạn nhân chưa dám nói lên sự thật và bạo lực gia đình đang ngày càng phát sinh khuynh hướng mới không dễ nhận diện.
Khảo sát của tổ chức phi chính phủ CSAGA đầu tháng 3/2011 tại 8 tỉnh, trong đó có Yên Bái cho thấy, 90% số người được hỏi trả lời “có nghe đến Luật Phòng chống bạo lực gia đình”, trong đó nam giới là 92% và nữ giới là 87%. Điều đó cho thấy, phần lớn người dân vẫn chưa nắm được nội dung chi tiết của Luật. Đối tượng gây bạo hành chủ yếu là nam giới. Nguyên nhân chính vẫn là do hạn chế về trình độ dân trí, đàn ông còn nặng tư tưởng "trọng nam khinh nữ". Họ cho rằng phụ nữ phải phục tùng nam giới, ít hiểu biết về pháp luật, nhận thức không đúng về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cho rằng họ phải gánh vác mọi việc…
Hậu quả của bạo hành dẫn đến khiến không ít phụ nữ rối loạn tâm thần, luôn sống trong cảnh hoang mang, lo sợ, tự ti, đôi khi dẫn đến trầm cảm. Không ít nạn nhân không có khả năng ngăn cản, chống cự được hành vi bạo hành của chồng, quá bế tắc mà phải tự giải thoát mình bằng ly thân, ly hôn, bỏ đi…thậm chí tìm đến cái chết.
Trước thực trạng trên, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp đã quan tâm xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình tại các khu dân cư. Toàn tỉnh đang có 160 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình và 70 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình. Các mô hình, câu lạc bộ bước đầu nâng cao được kiến thức cho pháp luật cho người dân, hạn chế được bạo lực gia đình.
Nhưng bên cạnh số hoạt động tốt vẫn còn những mô hình, câu lạc bộ hoạt động còn mang tính hình thức, có khi cả năm chỉ sinh hoạt một hai lần, nội dung chưa phong phú, đa dạng, năng lực tuyên truyền của các bộ chuyên trách còn thiếu và yếu nên hiệu quả chưa cao. Người dân ít hiểu biết về luật còn do trình độ dân trí, ý thức tiếp thu cũng như những bất đồng ngôn ngữ (trong đồng bào thiểu số) nên Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chưa đi sâu vào cuộc sống.
Do vậy, công tác phòng, chống bạo hành đối với phụ nữ không chỉ áp dụng và thực thi pháp luật là có thể giải quyết mà còn phải gắn với thực hiện bình đẳng giới và xây dựng gia đình văn hóa. Cấp ủy, chính quyền các cấp không nên xem nhẹ công tác phòng, chống bạo lực gia đình, lãnh đạo các ngành liên quan và tổ chức đoàn thể cần đưa chương trình phòng, chống bạo lực gia đình vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm.
Đặc biệt cần đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền sâu, rộng và hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới bằng các hình thức phong phú, dễ tiếp thu nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số qua các câu chuyện, tiểu phẩm…Bên cạnh đó, nên đưa việc tuyên truyền Luật vào trường học nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi nhận thức ngay từ lớp trẻ. Chính quyền và các tổ chức đoàn thể cơ sở, đặc biệt là thôn, bản, tổ dân phố cần phát hiện sớm và làm tốt công tác hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp giữa vợ và chồng, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân nữ bị bạo hành.
Quan trọng hơn là phải trang bị cho nạn nhân nữ vũ khí tự bảo vệ mình bằng cách ứng xử trong gia đình, có nghề nghiệp, độc lập về tài chính, có học vấn, dũng cảm nhờ sự can thiệp của tổ chức hội phụ nữ, chính quyền…Các xã, phường, thôn, bản, tổ dân phố cần đẩy mạnh phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xử lý nghiêm hành vi bạo lực gia đình theo đúng qui định của Nghị định số 110/2009/NĐ - CP của Chính phủ.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Trước tết, trưởng thôn có đến nhà tôi đề nghị nộp tiền thuê xe san ủi đường sá trong thôn để nhân dân đón tết Nguyên đán, số tiền phải nộp là ba mươi ngàn đồng trên một hộ dân. Qua tết, tình cờ tôi gặp bác trưởng thôn, hỏi: “Sao chưa ủi đường vậy bác?”, thì bác trưởng thôn trả lời: "Đất cứng quá chưa ủi được”.
YBĐT - Những đợt rét vẫn liên tục tràn về nhưng nhìn vào số lượng gia súc bị thiệt hại năm nay cho thấy công tác phòng chống rét cho gia súc, chủ yếu là trâu, bò đã khá thành công. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết còn nhiều phức tạp, do đó vẫn không thể lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống rét cho gia súc.
YBĐT - Năm 2012, ngành ngân hàng đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15 đến 17%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành sẽ giảm từ 5 đến 3% so với năm 2011 và đây cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm ngành ngân hàng giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng.
YBĐT - Đi lễ đền, chùa - chốn linh thiêng, thanh tịnh để tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân, để cầu an, cầu tài, cầu lộc… đầu xuân đã trở thành nét đẹp trong đời sống tâm linh của người Việt. Nhưng bên cạnh sự thành kính nơi tôn nghiêm, văn hoá đi lễ đền, chùa cũng đang có phần bị biến tướng bởi chính những người đang mong muốn “sở cầu như ý”.