Các phương pháp can thiệp mí có nhiều dạng thức, từ kẹp nhấn mí đều khâu chìm, khâu tạo mí đôi sau khi đã lấy bỏ da mi thừa hay mỡ thừa. Tuy nhiên nhiều người phải khóc thầm do biến chứng xảy ra khi làm đẹp tại những cơ sở thẩm mỹ không phép.
Biến chứng khi nhấn mí gồm: nhiễm trùng, vết thương không lành, trợn mí, lệch mí...thậm chí mù mắt sau khi đi nhấn mí.
Sở dĩ nhấn mí dễ bị biến chứng vì vùng mắt là nơi có rất nhiều dây thần kinh, mạch máu nên khi phẫu thuật rất dễ bị chảy máu gây nguy hiểm cho mắt.
Những điều không mong muốn có thể xảy ra khi quyết định sử dụng cắt mí hay nhấn mí là:
- Hai mắt không cân nhau
Điều không mong muốn khi phẫu thuật làm đẹp ở mắt là phải đẹp cả đôi, đẹp một bên là vô nghĩa, song không phải lúc nào cũng được như vậy. Điều này phụ thuộc vào trình độ phẫu thuật viên, nếu trình độ tay nghề không có, hoặc có vấn đề, đo đạc và vẽ hình không chuẩn, có bệnh lý khác về mi đi kèm… có thể gây ra hai mắt không cân nhau.
- Biến chứng khi phẫu thuật
Mắt là nơi có rất nhiều dây thần kinh, mạch máu, nên cũng như bất kỳ các ca phẫu thuật nào, biến chứng của mổ nhấn mí cũng sẽ có thể xảy ra. Đầu tiên tai biến của thuốc tê, khi tiêm gây tê...đã có trường hợp lúc tiêm thuốc tê để cắt tạo mí, đầu nhọn của kim tiêm đâm 2 lỗ xuyên vào củng mạc (lớp ngoài bảo vệ của mắt cũng là phần màu trắng của mắt), 2 lỗ kim thủng ở giác mạc (lòng đen của mắt). Lực đâm kim mạnh đến nỗi gây lủng và vỡ thủy tinh thể.
Ngoài ra, tai biến trong khi mổ chủ yếu là chảy máu, đường rạch hay cắt bỏ không tương thích. Sau mổ là tụ máu, nhiễm trùng, u hạt, lộ chỉ khâu.
- Diễn biến thay đổi các đường nét theo thời gian
Theo thời gian, hậu quả của tích mỡ và lão hóa da sẽ lại làm người sử dụng dịch vụ thấy thất vọng dần và lại phải tìm đến lần phẫu thuật khác hay phương pháp làm đẹp khác. Thường là sau 2 đến 5 năm.
Phẫu thuật tạo hình góc mắt ngoài
- Không phải ai cũng áp dụng được, có chỉ định cụ thể
Phẫu thuật mở khóe mắt có chỉ định hạn chế hơn nhiều, có thiên hướng cho phục vụ những bệnh nhân có bệnh lý thực thụ ở mắt chứ không phải là làm đẹp. Tại bệnh viện, ở lĩnh vực tạo hình nhãn khoa chỉ phẫu thuật mở khỏe mắt, căng mi dưới theo chiều ngang cho những bệnh nhân bị hở mi dưới hoặc lật mi dưới, di chứng của liệt dây VII, nhão mi do tuổi già, tháo máu tụ do chấn thương.
Tuy vậy gần đây người ta mở khóe mắt, căng lại góc mắt phía ngoài, lấy mỡ thừa mi dưới khá thoải mái và tất nhiên là bất chấp hậu quả. Hiệu quả thẩm mỹ đơn giản chỉ là: mắt mở to hơn, bọng mỡ mi dưới xẹp hơn, nếu mổ phối hợp với nâng tầng giữa mặt sẽ giúp bệnh nhân trẻ ra vài tuổi. Tuy nhiên, có thể gặp các biến chứng như phẫu thuật nhấn mí ở trên và kèm theo với: quặm mi dưới, hở mi, lật mi nếu sai kỹ thuật.
Tóm lại: Nhu cầu làm đẹp của chị em là chính đáng song cần lựa chọn thông minh, cân nhắc thiệt hơn, nên có điểm dừng vì không ai có thể đẹp mãi được. Không nên làm đẹp bằng mọi cách, làm đẹp đến cùng vì ngoài việc rất tốn tiền còn có thể hại đến thân, thậm chí là mất mạng.
Nếu mổ hỏng hay không ưng ý hai bên cần tỉnh táo, bình tĩnh, bàn bạc phương hướng khắc phục. Mổ lại hay mổ sửa sai sẽ là thêm một sẹo mổ nữa, đẹp hơn ít thôi nhưng đau đớn và lo lắng thì nhiều hơn gấp bội.
Mặc dù làm đẹp mí mắt là thủ thuật đơn giản nhưng đừng dễ dàng phó mặc đôi mắt cho người không có kinh nghiệm hay cơ sở làm đẹp không uy tín bởi vẫn sẽ có những rủi ro không lường trước được.
Nếu nhấn mí hỏng, mắt sẽ bị trợn, nếp mí lệch hai bên, mí to mí nhỏ, nhiễm trùng hoặc lộ chân chỉ, gây mất thẩm mí. Trường hợp cắt mí hỏng, mắt sẽ không nhắm được vĩnh viễn, nhiễm trùng, viêm kết mạc, viêm bờ mi, mắt khô, cắt vào cơ nâng mi khiến mắt bị tật.
Người cắt mí cần tuân thủ chỉ định sau thủ thuật của bác sĩ để hạn chế sẹo trên nếp cắt. Thông thường, bác sĩ đảm bảo hai nếp mí cân đối, mắt hài hòa, không có da chùng, nếp mí đẹp, đồng thời tư vấn chế độ ăn kiêng và các loại thuốc bôi để sẹo nhanh mờ.
(Theo SKĐS)