Người giỏi ở Hát Lừu

  • Cập nhật: Thứ ba, 19/4/2016 | 9:35:57 AM

YBĐT -“Thời buổi này, người ta quan niệm muốn làm ăn buôn bán thì cứ phải ở mặt đường, chả mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ đường lên núi như vợ chồng Păn – Anh bao giờ. Ấy thế mà họ đang thành công đấy, nhiều ý tưởng táo bạo và sáng tạo lắm” – anh Vũ Đăng Quỳnh – Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu nói. 

Khuôn viên khang trang của vợ chồng anh Lò Văn Păn, chị Hoàng Thị Anh.
Khuôn viên khang trang của vợ chồng anh Lò Văn Păn, chị Hoàng Thị Anh.

Câu chuyện vùng cao “trồng cây gì, nuôi con gì” thực sự đã ám ảnh tôi trong suốt quá trình từ những ngày đầu làm báo cho đến tận bây giờ. Bởi thế, đã nhiều lần, nhiều chuyến đi, nhiều trải nghiệm tôi vẫn luôn tìm kiếm cho bằng được những tấm gương vượt khó, vươn lên làm kinh tế ở những vùng đất vốn vừa nghèo về vật chất, lại “nghèo” luôn cả về cơ hội. Đấy là câu chuyện của vợ chồng anh Lò Văn Păn và chị Hoàng Thị Anh ở thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

Chuyện “bỏ nhà mặt đường lên núi ở” của vợ chồng Lò Văn Păn được các anh chị ở Huyện đoàn Trạm Tấu kể lại cho tôi với sự hào hứng thực sự: “Thời buổi này, người ta quan niệm muốn làm ăn buôn bán thì cứ phải ở mặt đường, chả mấy ai nghĩ đến chuyện bỏ đường lên núi như vợ chồng Păn – Anh bao giờ. Ấy thế mà họ đang thành công đấy, nhiều ý tưởng táo bạo và sáng tạo lắm” – anh Vũ Đăng Quỳnh – Bí thư Huyện đoàn Trạm Tấu nói.

Rồi như để chứng minh bằng “người thực, việc thực”, đích thân Bí thư Huyện đoàn lấy xe máy chở tôi vượt đường dốc đến thăm nhà Lò Văn Păn...

Tôi thực sự bất ngờ khi căn nhà sàn bằng gỗ 3 gian 2 chái được dựng rất khang trang của vợ chồng Păn hiện ra lưng chừng núi. Nhà rất đẹp, rộng rãi và được bài trí rất khoa học. Trong nhà có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, từ ti vi màn hình phẳng đến tủ lạnh cỡ lớn, từ bộ bàn ghế đóng kiểu Đồng Kỵ đến bộ sập gỗ, rồi máy khâu, nồi cơm điện, chảo chống dính... Toàn đồ hiện đại cả. Nếu không được giới thiệu trước, có lẽ tôi chẳng bao giờ nghĩ đây là nhà của anh nông dân sinh năm 1984. Lúc chúng tôi đến, anh Păn không có nhà, chỉ có vợ  đang sử dụng máy bơm nước dọn vệ sinh khu vực chăn nuôi lợn ở phía dưới. Vừa thấy anh em, chị đon đả: “Em chào các thầy giáo ạ!”.

Rồi thu dọn ống dẫn nước, tất tả lên nhà. “Học sinh cũ của tớ đấy” – Bí thư Huyện đoàn Vũ Đăng Quỳnh tiết lộ với tôi. “Chả là hồi xưa, trước khi về công tác ở huyện, tớ đã từng là giáo viên dạy cấp 3 trường huyện, Hoàng Thị Anh là học sinh, từ đó gặp vẫn quen chào là thầy giáo. Vẫn biết cô học trò này có chí tiến thủ, nhưng cũng hơi bất ngờ khi đôi vợ chồng trẻ này lại táo bạo trong tư duy, quyết liệt trong cách làm kinh tế để có được sự phát triển nhanh đến vậy, giờ phải gọi là triệu phú ở bản rồi”.

Tuy mới lần đầu gặp mặt, nhưng vốn là học sinh cũ của Quỳnh nên câu chuyện của chúng tôi chẳng có nhiều ngại ngùng. “Để em gọi chồng em về nói chuyện với các thầy. Anh ý xuống bản dưới được một lát, đi lấy tiền công máy xúc ý mà thầy, chắc cũng sắp về đến nơi!” - vừa rót trà, Hoàng Thị Anh vừa xởi lởi. Tôi cứ tưởng mình nghe nhầm, “tiền công máy xúc” cơ đấy! Thế nên tôi hỏi lại: “Sao lại tiền công máy xúc hả em?”.

Anh đáp: “À, dạo này thấy công việc san gạt nền nhà, đào ao thả cá, múc ruộng ở trên này đang nhiều nên vợ chồng em chung vốn với anh bạn mua một cái máy xúc cỡ nhỏ, việc đều mà trời nắng mỗi tháng cũng bỏ ra được 30 triệu. Thôi thì cứ có việc làm, ngoài chăn nuôi, thả cá, trồng trọt, cứ có thu nhập khác là mừng rồi thầy ạ!”.

 Nói thật là tôi hơi “sốc” khi biết đến cách nghĩ và cách làm của vợ chồng Păn - Anh, đến chuyện mua máy xúc mang lên núi mà họ cũng nghĩ ra thì tài thật, không phải đùa. Qua đôi tuần trà thì Lò Văn Păn cũng về tới nơi. Dáng người săn chắc, bắp tay cuồn cuộn với làn da rám nắng, đúng chất dân lao động chuyên cần khiến tôi không còn nghi ngờ gì nữa về những điều mà vợ chồng họ đang làm, đang được nhiều người biết đến và khen ngợi.

Câu chuyện trở nên rôm rả hơn từ khi Păn về, nào là chuyện bán nhà mặt đường lên núi tìm mua gom từng diện tích đất nhỏ của người dân trong thôn, nào chuyện dẫn nước từ trên đỉnh núi về đào ao thả cá, nào chuyện giật cấp đất đồi xây dựng hệ thống chuồng nuôi lợn, rồi chuyện mua giống cây chanh tứ thời về trồng chung quanh bờ ao, rồi chuyện mua máy xúc “làm thêm”, chuyện rào vườn thả gà...

Mỗi câu chuyện đều có lí do của nó, cũng không ít khó khăn từ ngày đầu khởi nghiệp. Păn tâm sự: “Trước em đi nhiều, học được cũng nhiều. Thấy đất quê mình còn rộng mà để phí quá nên vợ chồng bàn nhau, quyết tâm đi đầu trong làm kinh tế trang trại tổng hợp ở vùng này anh ạ!”... Hai vợ chồng Păn - Anh lấy nhau năm 2007 và ra ở riêng luôn. Khi ấy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn vì Păn là con út trong một gia đình có tới 14 anh, chị em, “Bố mẹ cũng chả có mà cho nhiều”, hai vợ chồng tất bật với mấy sào ruộng, nuôi mấy con lợn, con gà, cuộc sống tằn tiện từng bữa qua ngày, đầy vất vả.

Chị Hoàng Thị Anh vệ sinh hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình.

Nhớ lại thời điểm đầu năm 2013, quyết định lên núi ở của vợ chồng Păn - Anh không được nhiều người trong gia đình ủng hộ. Bởi chẳng ai tin vùng đất hoang sơ này sẽ làm được cái gì hiệu quả. Păn nhớ lại: “Hồi đầu vợ chồng em lên đây, hoang vu lắm. Đất trên này chả ai làm mấy, cứ bỏ không hoặc trồng được mấy cây ngô là cùng. Rồi bọn em quy hoạch lại, cải tạo mặt bằng và thiết kế rõ ràng vị trí, quy mô từng khu kinh tế, đâu là ao cá, đâu là chuồng trại, đâu là diện tích làm nhà... Rồi đường điện, đường nước cũng phải tự kéo lấy, vì trên này không có nhiều hộ dân ở, Nhà nước chưa đầu tư đến nơi anh ạ”.

Khi tôi hỏi tiền vốn ban đầu lấy đâu ra, Păn cho biết ngoài tiền bán căn nhà dưới vùng thấp, số còn lại để đầu tư cũng phải vay mượn thêm nhiều, trong đó có vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và vay của anh em bạn bè... Trải qua nhiều khó khăn, tìm tòi học hỏi những kiến thức về quy hoạch mô hình trang trại tổng hợp, tiếp cận với các kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm, kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản..., hai vợ chồng Păn - Anh lấy ngắn nuôi dài, từng bước tích luỹ kinh nghiệm và vật chất để ngày càng mở rộng quy mô trang trại.

Hiện nay, mỗi năm gia đình xuất chuồng 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa khoảng trên 30 con; bán ra thị trường 2 lứa gà thịt, mỗi lứa được khoảng 2,5 tạ; trong 2 năm với diện tích 1.000 m2 ao thả cá đã cho trên 1 tấn cá thương phẩm đủ loại; cộng với tiền thu được từ dịch vụ máy xúc, tổng thu nhập của đôi vợ chồng trẻ này lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

“Em vẫn muốn có thêm vốn để đầu tư mở rộng mô hình trang trại anh ạ! Ý tưởng của em là phải có được hệ thống chuồng trại nuôi đủ trên 100 con lợn một lúc. Ao ươm cá giống em đã làm xong rồi, nhưng hiện diện tích mặt nước còn nhỏ nên vẫn cần đất để đào thêm ao” - Lò Văn Păn không giấu được vẻ suy tư chia sẻ.

Với địa bàn vùng cao còn nhiều khó khăn như xã Hát Lừu, lại nằm ở một trong những địa phương nghèo nhất của cả nước, đời sống nhân dân còn quá nhiều vất vả... thì những tấm gương biết cách vươn lên thoát nghèo, xây dựng mô hình kinh tế, làm giàu bằng chính sức lao động của mình như vợ chồng Lò Văn Păn - Hoàng Thị Anh thực sự là điển hình, cần được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn nữa. Và tôi biết, với những người giỏi như vợ chồng Păn - Anh, lao động là cuộc sống, là niềm vui và là mục đích vươn tới, thế nên họ sẽ không dễ bằng lòng dừng lại ở những thành quả ban đầu này.

Thiên Cầm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục