Xóa ruộng một vụ nhờ “30a” tiếp sức

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/10/2016 | 7:12:54 AM

YBĐT - Sau Lễ hội Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, chúng tôi trở lại huyện vùng cao này để tìm hiểu về câu chuyện xóa ruộng một vụ ở đây.

Đồng bào dân tộc Mông xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải được mùa sơn tra. (Ảnh: Sùng A Hồng)
Đồng bào dân tộc Mông xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải được mùa sơn tra. (Ảnh: Sùng A Hồng)

Đường quốc lộ 32 chạy xuyên qua những cánh đồng lúa nếp Tan của đồng bào Thái xã Tú Lệ (Văn Chấn) như sợi chỉ trắng vắt qua những sườn núi nối liền với những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng như mật của đồng bào Mông xã Nậm Có, Cao Phạ, Púng Luông, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha… huyện Mù Cang Chải. Trên các cánh đồng vẫn còn khá đông du khách từ các tỉnh về đây chia vui thêm một vụ mùa bội thu với đồng bào Mông và thưởng ngoạn cảnh đẹp của Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.  Để có những cánh đồng lúa chín vàng chạy dài vài chục ki-lô-mét cả vụ xuân và vụ mùa ở Mù Cang Chải hôm nay là nhờ có chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đối với đồng bào các dân tộc ở vùng cao đặc biệt khó khăn trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp.

Mặc dù sau Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang còn bộn bề nhiều công việc, nhưng khi biết chúng tôi có nhã ý muốn xuống cơ sở tìm hiểu về chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào vùng cao đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, anh Vũ Tiến Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải vẫn dành thời gian cuối buổi chiều cùng chúng tôi xuống xã Chế Cu Nha thăm hỏi, động viên nhân dân thu hoạch lúa vụ mùa.

Dừng lại bên những thửa ruộng bậc thang ở cánh đồng bản Chế Cu Nha, đồng bào Mông đang thu hoạch lúa, Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức - người cán bộ có thâm niên gắn bó với mảnh đất vùng cao này chia sẻ: “Cách đây hơn chục năm thôi, vào thời điểm tháng 5, tháng 6 hàng năm đi qua những cánh đồng ở Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Dế Xu Phình, Púng Luông… chủ yếu là những cánh đồng bỏ hoang cho cỏ mọc, rất ít hộ dân gieo cấy lúa xuân vì tập quán canh tác của đồng bào Mông ở đây chỉ làm một vụ. Những năm gần đây thì khác rồi, nhất là từ khi có chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về sản xuất nông - lâm nghiệp thông qua Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, huyện đã quyết tâm thực hiện cuộc “cách mạng” sản xuất tăng vụ xuân không để đất trống, trừ những bản ở quá cao thiếu nước sản xuất và thời tiết lạnh không sản xuất được, còn những bản có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, khí hậu phải xóa ruộng một vụ để đảm bảo lương thực tại chỗ ổn định đời sống cho nhân dân…”.

Câu chuyện anh Vũ Tiến Đức chia sẻ đang còn dang dở thì một người đàn ông đang gặt lúa lên tiếng:

- Chào các anh cán bộ, sao các anh đi thăm ruộng muộn thế?

- Chúng cháu đi muộn vì Chủ tịch UBND huyện còn phải họp chỉ đạo các ngành, cùng với ngành giáo dục - đào tạo huyện tháo gỡ những khó khăn về chỗ ở, điều kiện sinh hoạt cho học sinh và giáo viên các trường mới sáp nhập. Anh bạn cùng đi nhanh nhẹn đáp lời ông Lý Khua Ninh - một hộ dân ở bản Dề Thàng.

- Gia đình ông có mấy mẫu ruộng? Tôi hỏi.

- Không biết tính, chỉ biết mỗi vụ thu được 60 bao thóc thôi.

- Ông có được hỗ trợ giống lúa và giống ngô không?

- Được chứ, vụ mùa được hỗ trợ 8kg thóc giống, còn phải mua thêm 12kg nữa mới đủ; vụ xuân thì được hỗ trợ 20kg, không phải mua thêm nữa. Còn ngô cũng được hỗ trợ 3kg giống, trồng mỗi vụ thu được 20 bao.

-  Gia đình ông có mấy khẩu, có phải xin xã, huyện gạo cứu đói nữa không?

- Có 7 khẩu, lâu rồi mình không xin gạo cứu đói nữa, nhà vẫn thừa thóc, ngô để ăn, trong bản cũng không thấy có ai hỏi vay nên thóc, ngô cứ thừa từ vụ này sang vụ khác.

Thấy tôi băn khoăn về diện tích ruộng và diện tích đất trồng ngô của gia đình ông Ninh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mù Cang Chải - Phạm Tiến Lâm lên tiếng: “Gia đình ông Ninh có khoảng 0,7ha ruộng, mỗi vụ thu được 60 bao thóc, mỗi bao khoảng 40kg, hai vụ thu được gần 5 tấn thóc. Còn ngô có khoảng 1.500 m2, gieo trồng 2 vụ thu được khoảng 1,6 tấn, chia cho 7 khẩu thì làm sao mà ăn hết được…!”.

Không phải hộ nào ở bản Dề Thàng cũng có ruộng có thể gieo cấy 2 vụ như gia đình ông Ninh, vì bản Dề Thàng ở trên cao, thời tiết lạnh không gieo cấy vụ xuân được, nhân dân ở đây chỉ trồng rau cải bán cho các công ty thu mua chiết xuất tinh dầu.

Anh Hờ A Nhà - Phó Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho hay: “Xã Chế Cu Nha hiện có 220 ha ruộng nước, trước đây chỉ gieo cấy một vụ mùa, từ khi có chính sách hỗ trợ về sản xuất nông - lâm nghiệp hàng năm của tỉnh, huyện xây dựng các mô hình sản xuất lúa vụ xuân thành công; những năm gần đây lại có Chương trình 30a hỗ trợ giống lúa cho nhân dân gieo cấy 40% diện tích vụ mùa và hỗ trợ 100% diện tích vụ xuân. Nhân dân ở các bản vùng thấp đã gieo cấy được 80 ha lúa vụ xuân; diện tích còn lại năm nay xã liên kết ký hợp đồng với Công ty Thịnh Đạt ở thị xã Nghĩa Lộ cung ứng giống, phân bón cho nhân dân trồng khoảng 100 ha rau cải, Công ty sẽ thu mua, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân. Đây cũng là hướng đi mới giúp đồng bào Mông trong xã xóa đói giảm nghèo trên những thửa ruộng bậc thang của mình…”. Nhờ có Chương trình 30a hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải xóa ruộng một vụ rất hiệu quả.

 

Nhân dân xã Chế Cu Nha thu hoạch lúa vụ mùa.

Anh Phạm Tiến Lâm cho biết thêm: “Huyện Mù Cang Chải có trên 4.360 ha ruộng nước, trước khi có Chương trình 30a hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông và một số ngành, đoàn thể xuống ở tại các xã “ba cùng” với dân, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn đồng bào Mông cách làm đất, ủ thóc giống gieo mạ, che nilon tránh sương muối, chăm sóc mạ… cùng nhân dân gieo cấy lúa xuân. Từ việc xây dựng mô hình ở các xã, rồi nhân ra sản xuất đại trà, đến nay việc sản xuất vụ xuân của nhiều hộ dân ở Mù Cang Chải đã thành tự giác. Trước khi có Nghị quyết 30a của Chính phủ, nhân dân trong huyện đã gieo cấy thành công 750 ha vụ xuân và từ khi có Nghị quyết 30a hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, diện tích lúa vụ xuân năm 2015 - 2016 của huyện đã tăng lên 1.500 ha; vụ xuân năm 2016 - 2017, huyện phấn đấu gieo cấy trên 1.600 ha”.

“30a” không chỉ “tiếp sức” cho đồng bào Mông ở Mù Cang Chải xóa ruộng một vụ thành công mà còn là động lực để người dân chuyển đổi diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi đạt giá trị kinh tế cao hơn. Trong những năm gần đây, nguồn vốn “30a” huyện Mù Cang Chải đã hỗ trợ cho nhân dân chuyển đổi được 1.300 ha lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi. Nếu như trước đây, đồng bào trồng 1 ha lúa nương, năng suất đạt khoảng 1,1 tấn/ha/vụ, thu về được 7,7 triệu đồng. Thì nay chuyển sang trồng ngô đồi, năng suất đạt 4,6 tấn/ha/vụ, thu về được trên 32 triệu đồng, giá trị kinh tế cao hơn 4 lần so với trồng lúa nương, vì thế đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã chuyển 100% diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi.

Từ năm 2012 - 2015, tổng nguồn vốn “30a” đã hỗ trợ cho nhân dân huyện Mù Cang Chải phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp là trên 35 tỷ 876 triệu đồng, ngoài ra nhân dân tự đóng góp được trên 2 tỷ 724 triệu đồng; doanh nghiệp hỗ trợ được trên 70 triệu đồng, giúp nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Năm 2016, nguồn vốn “30a” tiếp tục hỗ trợ cho nhân dân trong huyện phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp là 6 tỷ 280 triệu đồng, trong đó tiếp tục hỗ trợ nhân dân 100% giống lúa để gieo cấy 1.600 ha lúa vụ xuân.

Nhờ có nguồn vốn “30a” hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, đến nay đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã cơ bản xóa xong diện tích ruộng một vụ và chuyển đổi 100% diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đồi mang lại thu nhập cao hơn cho người dân. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2015 của huyện đạt trên 38.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt trên 600kg/năm, huyện đã đảm bảo được an ninh lương thực tại chỗ, những năm gần đây nhân dân trong huyện không còn phải xin gạo cứu đói vào thời điểm giáp hạt như trước. Đây là một tín hiệu đáng mừng, bởi một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước dành cho nhân dân ở vùng đặc biệt khó khăn, không chỉ giúp đồng bào thoát khỏi cái đói mà còn là động lực để đồng bào phát triển sản xuất, xóa nghèo nhanh và bền vững.

Minh Hằng

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục