Về vùng quả ngọt, chè ngon

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/11/2016 | 7:59:16 AM

YBĐT - Ba Khe- ngã ba đường mang tên ấy bởi đây là đất của thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) - một xã nổi tiếng thời chống Pháp với đội du kích Cát Thịnh, đây cũng có đỉnh núi Hồng - nơi dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ năm nào

Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú thu hoạch cam. 
(Ảnh: Quang Thiều)
Người dân thị trấn Nông trường Trần Phú thu hoạch cam. (Ảnh: Quang Thiều)

Theo quốc lộ 37, xe đổ hết đèo Mỵ là đến ngã ba, một đường đi đèo Lũng Lô, một đường đi thị xã Nghĩa Lộ. Từ ngày xửa, ngày xưa, trong chiến dịch Lý Thường Kiệt, chiến dịch Lê Hồng Phong rồi đến chiến dịch Điện Biên Phủ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều người đã qua đây, dù chỉ một lần đã ghi đậm trong ký ức mình cái ngã ba này. Nơi đây được gọi với cái tên quen thuộc: Ba Khe. Ngã ba đường mang tên ấy bởi đây là đất của thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh (Văn Chấn) - một xã nổi tiếng thời chống Pháp với đội du kích Cát Thịnh, đây cũng có đỉnh núi Hồng - nơi dân quân dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay phản lực Mỹ năm nào.

Anh bạn, người sinh ra và lớn lên ở Nghĩa Lộ dẫn giải cho tôi tường tận, từ tên núi, tên khe, đến tên mỗi cung đường, gắn liền với chiến tích của một thời đánh giặc. Tôi nhìn vào mắt anh thấy lạ lắm, dường như có lửa bốc lên từ sâu thẳm của lịch sử. Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết của anh viết về vùng đất này trong những năm tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Anh đã đào bới, lật tung lên từng tầng đất làng, đất bản để tìm ra những hạt vàng, hạt ngọc đã vùi sâu dưới tầng câm của đất và tầng dày của thời gian. Dưới con mắt anh, mỗi ngọn cỏ, gốc cây, mỗi tên người, tên bản cứ long lanh sáng mãi.

Trước chuyến đi, trở lại vùng ngã ba, tôi có gọi điện cho anh, hỏi anh để thẩm định một vài sự kiện bởi lẽ chỉ có những con người vốn nặng lòng với nơi đây mới nhớ hết được. Vâng, đúng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những anh bộ đội có mặt trong cuộc chiến sinh tử ở Điện Biên đã chuyển sang xây dựng nông trường trồng cà phê, trồng lạc, trên vùng đồi lòng chảo Mường Thanh, một bộ phận không nhỏ trở về vùng đồi Cát Thịnh, Tân Thịnh, Thượng Bằng La (Văn Chấn) khai hoang, vỡ đất trồng chè, thai nghén cho sự ra đời của Nông trường Chè Trần Phú sau này.

Những khát khao thầm lặng của những người nông dân cầm súng đánh giặc là được trở về cuốc đất, trồng cây đã trở thành hiện thực. Dăm năm sau, những người lính ấy có gia đình, có vợ, có con, có căn nhà bình dị ở dưới chân đồi, phía trên là những hàng chè đồng mức như những bậc thang lên đến đỉnh. Những ngôi nhà tranh, vách đất quét vôi trắng, đằng trước là vuông ao nuôi cá, sau nhà là vườn cây, phía trên là chè đã trở thành khuôn mẫu của làng quê mới, đơn sơ mà hạnh phúc. Và nơi đây đã trở thành quê hương của người lính tự khi nào cũng không ai biết.

Từ khi có những anh bộ đội trở về cuốc đất, trồng chè, đồng bào các dân tộc từ chỗ chỉ biết làm nương, cấy lúa, trồng khoai đã biết chuyển sang trồng chè theo những bậc thang, đồng mức. Chè của nông trường và chè của dân nối tiếp bên nhau tạo nên một vùng chè rộng lớn hàng trăm héc-ta. Phong trào khai hoang, vỡ đất trồng chè đang lên, tỉnh Nghĩa Lộ đón hơn một vạn bốn nghìn người từ xuôi lên cùng xây dựng vùng kinh tế mới.

Tôi đã nhiều lần tháp tùng đoàn cán bộ của tỉnh về tận huyện Hưng Hà, Kiến Xương, Vũ Thư của tỉnh Thái Bình và về nhiều huyện của tỉnh Hà Nam, Ninh Bình đón người lên xây dựng kinh tế miền núi mà chủ yếu là trồng chè. Cuộc chuyển dân chưa khi nào là một công việc dễ dàng, nó là cả một cuộc cách mạng đầy khó khăn và phức tạp. Thế nhưng không hiểu làm sao mà cuộc vận động ấy lại có sức cuốn hút đến như thế. Ngày này tiếp ngày kia, xe này tiếp xe kia, đầy người, rực rỡ cờ bay tiến lên miền núi.

Ngồi cùng xe, nhìn những lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió sớm của đồng bằng sông Hồng, tôi cứ tự hỏi: “Có phải những con người kia, những gia đình kia rời nơi chôn rau, cắt rốn của mình để ra đi, vì bát cơm, manh áo hay vì một điều gì thiêng liêng, cao cả hơn nhiều. Phải chăng đấy là tình yêu Tổ quốc. Mà Tổ quốc chính là đất và nước của mình. Anh bộ đội và người dân địa phương, người miền núi và miền xuôi đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau xây dựng vùng kinh tế mới. Người gắn bó với người trong tình người. Đất gắn bó với người bởi tình người dành cho đất, bắt đầu từ hạt mồ hôi nhỏ vào lòng đất”.

Nông trường quốc doanh đầu tiên ra đời với hơn bốn trăm héc-ta chè, khởi nguồn từ những anh bộ đội ở chiến trường trở về cuốc đất, vỡ hoang. Hơn mười năm sau, ngày 8/3/1967, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ra quyết định thành lập thị trấn Nông trường Trần Phú. Thế là vỏn vẹn ngần ấy năm, một vùng đất hoang vu, rậm rạp mà mọi người vẫn quen gọi là vùng Ba Khe đã trở thành thị trấn đông vui, sầm uất. Người bí thư Đảng ủy Trần Phú năm xưa mà tôi còn nhớ, nói một câu chắc nịch: “Như một tất yếu, có một vùng nguyên liệu lớn, phải nghĩ đến một ngành công nghiệp chế biến”.

Được sự giúp đỡ của Liên Xô về công nghệ, thiết bị, chuyên gia, sự nỗ lực rất lớn của nhân dân trong tỉnh, nhà máy chế biến với công suất 43 tấn chè búp tươi một ngày được xây dựng. Và Nhà máy được khánh thành đúng ngày 19/5/1975, Kỷ niệm 85 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà máy Chè Trần Phú có quy mô, công suất vào loại bậc nhất vùng Đông Nam Á, một cái mốc lịch sử khởi đầu cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, cho sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp ngay từ đầu, từ cơ sở. Cho đến bây giờ, vùng chè của tỉnh đã lên tới hàng chục nghìn héc-ta và một mạng lưới công nghiệp chế biến có mặt ở khắp các địa bàn từ vùng thấp đến vùng cao.

Lần này trở lại, xe xuống hết đèo Mỵ là đến thị trấn Nông trường Trần Phú. Phố xá, cửa hàng, cửa hiệu sầm uất. Đường phố, đường làng rải nhựa, thảm bê tông phẳng phiu rộng rãi, xe vào, xe ra nhộn nhịp. Gần 60 năm đi qua, những nương chè vẫn còn đó, đẹp như những bậc thềm xanh dâng lên đến tận đỉnh đồi.

Những nương chè bát ngát, mênh mông còn đó nhưng không mấy ai nhắc đến lịch sử phát triển của cây chè trên vùng đất này. Hẳn không phải ai đó đã lãng quên đi một quá khứ không thể nào quên nhưng có lẽ cây chè đã đi vào cuộc sống hàng ngày của hàng vạn người dân, như cơm ăn, nước uống. Hơn thế nữa phải nhìn về phía trước mà đi tới. Đó là quy luật muôn đời của cuộc sống.

Người ta đang nói nhiều đến vùng cây ăn quả mà trung tâm là thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn). Từ thị trấn Nông trường Trần Phú đến xã Nghĩa Tâm, Thượng Bằng La, Minh An, Bình Thuận bên cạnh đồi chè là những vườn cây ăn quả. Ở đây cam có, quýt có, bưởi có, chanh đào có nhưng nhiều hơn cả vẫn là cam. Cảnh quan đã thay đổi, đường đã rải nhựa rộng thênh nhưng tôi vẫn còn nhớ và tự tìm đến được nhà ông Nguyễn Chí Thống, ông Nguyễn Văn Thông. Hai cái tên từa tựa như nhau cũng lại có vườn cam ở chân đồi giống như nhau.

Ngày ấy, ông Thống là gia đình đầu tiên tôi đặt chân đến. Cũng chẳng phải vì lời mời chào, tôi đến vì nhìn thấy vườn cam đẹp. Hình như vào thời điểm muộn hơn bây giờ một chút, cam trong vườn đỏ ối. Vườn không rộng, có khoảng hơn chục cây thôi nhưng quả thì sai lúc lỉu. Sai đến nỗi mỗi cành phải có một cây sào nứa chống lên. Mỗi một cây cam phải cần đến một bó nứa to mới đủ làm cây chống. Từ cái nhìn lạ lẫm ban đầu, khi ông nhận ra tôi không phải anh lái buôn, cũng không phải người có vẻ gì đáng ngần ngại. Ông hái mấy trái cam cầm ở tay, mời tôi vào nhà.

Mỗi trái được bổ làm sáu miếng bày lên cái đĩa sứ đầy ụ. Ông đưa cái đĩa cam bằng cả hai tay lên trước mặt: “Ông ăn thử xem thế nào”. Vỏ cam dày nhưng xốp, múi thì vàng ươm, mọng nước và mềm. Tôi bảo ông: “Ăn được, vừa ngọt vừa rôn rốt chua, đặc trưng của loại cam sành đấy. Tôi đi rất nhiều nơi, nếm nhiều loại cam từ Phú Hộ đến Vinh, đến Bố Hạ... nhưng chưa thấy đâu cam lại sai, quả lại mọng nước ngon ngọt như ở đây”. Ông Thống không phải là người bản xứ nhưng đã gắn bó với vùng đất này bao nhiêu năm, dồn vào đây bao công sức, trí lực và cả ước mong mới tìm ra được một cây trồng đích thực và có triển vọng mở ra một vùng sản xuất lớn.

Trở lại vùng cam, chuyện trò với lãnh đạo huyện, được biết, Văn Chấn đang triển khai Đề án Phát triển vùng cây ăn quả có múi, giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu trồng mới 1.455 ha để đưa diện tích cây ăn quả có múi lên 2.500 ha, sản lượng hàng hóa hàng năm đạt từ 15.000 đến 20.000 tấn, tổng vốn đầu tư cho dự án 335 tỷ đồng. Khởi đầu của dự án là xây dựng Trung tâm Giống chất lượng cao có quy mô 3.000 m2  ở thị trấn Nông trường Trần Phú. Vai trò quan trọng của người lãnh đạo ở đây là biết nắm bắt thực tiễn sinh động từ mỗi cá thể nông dân, biết tổng kết thực tiễn để có chủ trương, chính sách thúc đẩy thực tiễn phát triển nhanh hơn, đúng hơn theo quy luật của kinh tế thị trường.

Cách đây chưa phải đã lâu, cam, quýt Văn Chấn mới bày bán ở chợ Mường Lò, ven quốc lộ 32, 37. Bây giờ, cam Văn Chấn đã tràn ra thành phố và đi những đâu nữa theo những chuyến xe ca, xe tải trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Những năm đầu, không ít người buôn bán ở thành phố phải mượn tiếng cam sành Lục Yên áp lên cho cam Văn Chấn.

Vài năm trở lại đây đã khác xa rồi, cam sành Lục Yên mỗi ngày một vắng bóng, chất lượng không còn giữ được như xưa. Cam Văn Chấn đã kiêu hãnh mang đúng tên mình trên mọi ngõ ngách của thị trường bởi chính chất lượng và sản lượng của nó. Cam Văn Chấn màu sắc đẹp, vỏ dày nhưng xốp, múi vàng, mọng nước và mềm có vị ngọt pha rôn rốt chua. Chất lượng ấy đã đủ sức đánh bạt nhiều loại cam vốn có tiếng ở nơi này nơi khác vì những loại cam kia vỏ mỏng và dai, múi cũng dai nhiều khi người ăn phải nhả bã. Cam Văn Chấn tự thân đang làm cho mình trở thành nổi tiếng.

Nhớ, có một lần hỏi một lãnh đạo ở đây là triển vọng khi nào cam Văn Chấn có thương hiệu đích thực và có một chỉ dẫn địa lý cho vùng cam. Tôi nhận được câu trả lời: Văn Chấn đang nỗ lực để trong tương lai gần có được một thương hiệu đích thực cho cam. Về vùng chè, vùng cam có nhiều chuyện lý thú để bàn, để nói. Cái buổi trưa cuối năm, cam trong vườn đang vàng lên dưới nắng trong câu chuyện bàn về thương hiệu, tự dưng tôi lại thấy thương và tiếc cho cam Văn Chấn. Chỉ dăm bữa, nửa tháng nữa thôi, cam Văn Chấn lại được đổ đống, lăn lóc ở nơi cổng chợ, vỉa hè nơi ngã ba, ngã tư đường phố. Người mua lúc nào cũng đông, xúm xít trèo lên bới chọn.

Nhìn mà sướng nhưng lại chạnh lòng thương cho cam, cho những người nông dân đã đổ bao nhiêu mồ hôi, trí lực, tiền của cho cây cam. Thương cho những con người chân chất đáng yêu còn chập chững chưa biết bơi vào biển cả thị trường. Hàng hóa thị trường ăn nhau ở giá trị cao thấp. Giá trị của hàng hóa là lao động được kết tinh trong mỗi sản phẩm hàng hóa đã đành nhưng còn một thứ giá trị rất lớn được tạo nên trong quá trình lưu thông hàng hóa lại chưa được tính đến. Làm sao lại không phân loại hàng hóa ngay từ gốc, đâu là loại 1, loại 2, loại 3... đâu là hàng thải loại; đâu là cam sành, đâu là cam Đường canh...

Thị trường hàng hóa là minh bạch, mỗi loại cam một loại giá, mỗi giống cam một giá. Và cũng làm sao không đóng thùng, đóng gói, làm bao bì cho từng loại hàng hóa. Chao ơi học buôn, học bán là đây; thương hiệu hàng hóa là đây; giá trị hàng hóa cũng lại là đây. Có thể dán cho mỗi quả cam một cái tem mang tên Văn Chấn và cả tên và loại sản phẩm. Chẳng sợ mất công đâu, tất cả đều làm nên giá trị.

Không hiểu sao, tôi lại thích thú bàn thảo về vùng cam Văn Chấn đến thế. Rồi cũng đột nhiên tôi lại nhớ đến chị bán hàng rong trên hè phố Hà Nội. Vào mùa nhãn, chị gánh toòng teng một gánh nhãn lồng Phố Hiến, trên cái mẹt có cái đĩa sứ trên đĩa có mấy quả nhãn được bóc khoanh rất khéo nửa phần vỏ bên trên để lộ ra cùi nhãn trong như ngọc lung linh trong sắc nắng thủ đô. Tôi dõi nhìn theo chị suốt trên dọc phố Hàng Bông. Chả mấy bà, mấy chị bỏ qua được gánh hàng rong của chị. Nhìn các bà, các chị xúm quanh gánh nhãn tôi thầm khen: “Chị hàng nhãn kia mới khéo làm sao. Những quả nhãn bóc khoanh nửa vỏ, mát trong như thạch, long lanh như ngọc, ấy là thương hiệu, lời mời chào dành cho nhãn lồng Phố Hiến rồi đấy. Cam Văn Chấn cũng đẹp và ngon lắm chứ, vỏ màu cam, ruột vàng ươm mới nhìn đã thấy ngọt ngon nơi đầu lưỡi”.

Hải Đường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục