Chuyện dưới tán rừng Bát độ

  • Cập nhật: Thứ bảy, 21/1/2017 | 2:56:50 PM

YBĐT - Về Kiên Thành (Trấn Yên) dịp này, tôi ngỡ ngàng bởi vùng quê miền núi đổi thay nhanh quá, làng trên, bản dưới đã có rất nhiều nhà xây to, đường làng có nhiều xe máy đẹp, xuất hiện cả những chiếc xe hơi đời mới bóng loáng.

Anh Dương Phú Hải (bên phải) chăm sóc tre măng đúng kỹ thuật nên luôn thu được năng suất cao.
Anh Dương Phú Hải (bên phải) chăm sóc tre măng đúng kỹ thuật nên luôn thu được năng suất cao.

Mấy anh cán bộ xã Kiên Thành tự hào bảo: “Nhờ có cây quế, cây măng mà bà con đã có cuộc sống no đủ. Bà con Tày, Dao, Mông, Kinh ở Kiên Thành đang thi đua lao động sản xuất giỏi, xây dựng đời sống mới”.

Tôi thả mình dưới tán rừng Bát độ nghe gió xuân lay động cành lá, nghe chồi non cựa mình trong đất và nghe những câu chuyện vui từ cây tre măng Bát độ - cây xóa đói, giảm nghèo, cây làm giàu của bà con.

Thôi du canh du cư, chuyển thẳng sang sản xuất hàng hóa

Có ai tin được không, mới ngày nào, tộc người Mông lang thang du canh, du cư trên các lưng núi từ Đại Sơn (Văn Yên), sang Kiên Thành, vào Cát Thịnh, Suối Giàng (Văn Chấn). Nghe theo tiếng gọi của Đảng, bà con thôi bỏ rẫy, đốt nhà, về lập quê mới ở bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành. Không những định canh, định cư, ổn định cuộc sống, cấy lúa, trồng ngô, nuôi trâu, bò, bà con còn tham gia nhận khoán bảo vệ rừng và đặc biệt là trồng cây tre Bát độ, lấy măng xuất khẩu.

Đến nay, diện tích tre măng của người Mông bản Đồng Ruộng đã lên đến 160 ha; trong đó, có 140 ha đã cho thu hoạch. Vẫn biết trình độ canh tác và mức độ đầu tư của người Mông ở Đồng Ruộng không bằng những thôn, bản khác nhưng bù lại đất ở Đồng Ruộng tốt hơn, độ ẩm cao hơn nên năng suất tre măng không kém các thôn, bản khác là bao.

Vụ măng 2016, tổng sản lượng măng tươi của bản là 3.000 tấn, giá bán thấp hơn vùng măng khác vì phải vận chuyển đường xa nhưng số tiền thu về cũng cỡ từ 3,2 đến 3,4 tỷ đồng, đem chia bình quân cho 43 hộ trồng tre măng trong bản thì con số đã ấn tượng lắm rồi.

Điều đáng quý là ở bản Đồng Ruộng hộ nào cũng trồng tre măng Bát độ, nhiều hộ trồng từ 7 đến 12 ha như nhà Giàng A Sáu, Sổng A Lờ... năm vừa rồi thu trên dưới 200 triệu đồng tiền măng mỗi hộ. Cuộc sống nhờ vậy mà no đủ, khấm khá lên. Vậy là từ những hộ du canh, du cư, nay người Mông ở Đồng Ruộng, Kiên Thành chuyển thẳng sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu, chuyện thực như mơ.

Bán măng tre, mua xe Vios

Ông Ngọc Văn Đắc chưa phải là người trồng nhiều quế và tre măng nhất thôn Đồng Cát và xã Kiên Thành nhưng câu chuyện về ông vẫn khiến tôi khoái lắm bởi nhờ trồng quế ông Đắc đã xây được nhà lớn, nhờ cây măng mà ông “tậu được con xe Toyota Vios mới tinh. “Mua cái xe thi thoảng lướt đi chơi thăm con cháu, bạn bè” - ông Đắc nói khiến ai cũng mừng vì nông dân nhà mình đã đạt đến đẳng cấp quốc tế. Ông Đắc kể lại: “Năm 2000, tôi là một trong những người tiên phong trồng tre măng ở đất Kiên Thành này”.

Với vẻ hóm hỉnh, ông nói tiếp: “Đời mình bao năm leo rừng bóc măng nứa, đào măng vầu, bán lấy tiền đong gạo. Muỗi đốt, vắt cắn cực khổ mà vẫn đói. Khi cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn trồng tre măng Bát độ để xóa đói giảm nghèo, mình làm theo ngay”.

Từ 1.000 hốc ban đầu cho năng suất cao, măng thu hái về bán ngay cho nhà máy chế biến với giá rất ổn định. Thấy rõ lợi ích, ông Đắc nhận đất, nhận giống trồng nhiều măng thêm. Đến nay, diện tích tre măng của gia đình ông Đắc đã lên tới 10 ha. Ông chia cho các con 3 ha làm vốn, giữ lại 7 ha, mỗi vụ thu hoạch gần 200 tấn, kiếm được trên 200 triệu đồng.

Từ bàn tay lao động, vợ chồng ông Đắc đã có cuộc sống khấm khá, ông xây nhà lớn, mua nhiều phương tiện sinh hoạt đắt tiền, mua cả chiếc xe hơi để đi lại nhưng điều ông phấn khởi và tự hào nhất là có điều kiện nuôi đàn con ăn học, giờ đều trưởng thành.

Khóm tre thu bạc triệu

Anh Dương Phú Hải, dân tộc Dao ở thôn Đá Khánh, xã Kiên Thành quả quyết: “Ở mảnh đất quê mình chẳng có cây gì hiệu quả kinh tế bằng cây tre măng Bát độ”. Nói rồi, anh chỉ tay vào khóm tre phía đối diện và tiếp: “Khóm này và nhiều khóm khác trong vườn mỗi vụ cho thu trên 2 tạ măng tươi, thu ít nhất 300.000 đồng. Diện tích mỗi khóm măng có vài mét vuông, đầu tư một lần, thu hoạch nhiều năm, măng chẳng có sâu, có bệnh nên chi phí sản xuất rất thấp. Vì vậy, có thể khẳng định, đến nay, chẳng có cây trồng nào hơn cây tre măng Bát độ”.

Được biết, gia đình anh Hải có 6 ha tre măng, trong đó 5 ha đang cho thu hoạch. Vụ măng vừa rồi thu hoạch được trên 120 tấn măng tươi, bán được gần 170 triệu đồng. Sang năm 2017, sản lượng măng sẽ còn tăng hơn vì trong diện tích măng 5 ha có nhiều khóm mới cải tạo, trồng lại.

Để vườn măng cho năng suất cao, gia đình anh Hải và nhiều hộ khác tuân thủ nghiêm quy trình mà cán bộ khuyến nông huyện đã chỉ dẫn cách chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật, phải lựa chọn đất tốt, nhiều ánh sáng, có độ ẩm cao; phải biết thu dọn vệ sinh, chặt bỏ cây già, đào bỏ củ nổi, gốc già, để cây mẹ trẻ, giàu sức sống, kết hợp bón phân NPK và phân chuồng hoai mục, khi thu hoạch măng tuyệt đối không đào măng củ…

“Chuyện áp dụng đúng kỹ thuật để vườn tre trẻ lâu, cho thu hoạch năng suất cao đã rất “thấm” vào đầu bà con dân tộc thiểu số ở Kiên Thành” - cán bộ kỹ thuật của huyện đều khẳng định như vậy.

Ông Ngọc Văn Đắc và nhiều người dân ở xã Kiên Thành có cuộc sống no đủ nhờ tre măng Bát độ.

Điểm sáng ở Khe Tối

Trước đây, khu vực Khe Tối, thôn Khe Rộng tập trung hơn chục hộ người đồng bào dân tộc Dao, toàn đói ăn, thiếu mặc, giờ Khe Tối đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, tất cả nhờ cây tre Bát độ. Câu chuyện càng đáng quý hơn khi 15 hộ trong khu đã biết tập hợp nhau lại, thành lập tổ trồng tre măng.

Nhóm hộ Khe Tối bầu ông Triệu Phú Thịnh làm Trưởng nhóm, rồi cùng nhau làm đơn đề nghị chính quyền giao đất rừng theo Dự án 661 của Chính phủ. Do thấy rõ được lợi ích nên toàn bộ diện tích 20 ha đất được nhận khoán, nhóm hộ bàn nhau trồng toàn bộ tre măng. Rồi sớm, khuya mọi người hò nhau lên đồi đào gốc, bốc trà, cuốc hố trồng tre. Cây giống và phân bón đã có Doanh nghiệp Vạn Đạt đầu tư, kỹ thuật đã có cán bộ khuyến nông huyện hỗ trợ.

Để rồi, chỉ một thời gian ngắn, rừng tre măng Bát độ đã hình thành, 3 năm sau đã cho thu hoạch. Bà con chia lại diện tích tre măng cho từng hộ gia đình theo số vốn đầu tư và công sức bỏ ra, hộ ít nhất cũng được 1 ha, bảo đảm đủ việc làm và thu nhập.

Ông Triệu Phú Thịnh chia sẻ: “Chia rừng măng nhưng tập thể vẫn phải gắn kết, để giúp đỡ nhau trong sản xuất, để cùng nhau bảo vệ, chăm sóc rừng măng và nhất là tiếp tục tổ chức thu mua, chế biến măng khi mùa vụ đến. Vụ rồi, 8 lao động trong thôn tham gia làm dịch vụ thu mua và luộc măng cho Doanh nghiệp Vạn Đạt, chỉ làm tranh thủ nhưng mỗi người cũng kiếm được hơn 4 triệu đồng/tháng”.

Từ tiền bán măng mà cả 15 hộ dân trồng măng ở Khe Tối giờ đã có cuộc sống no đủ, làm được nhà lớn, có đầy đủ phương tiện sinh hoạt, nhiều hộ đã trở nên giàu có như hộ ông: Lý Kim Thịnh, Triệu Phú Đình, Lý Sinh Thọ… tài sản đã lên đến tiền tỷ.

Chị Trần Thị Hoàn Liên - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên, người đồng hành với tôi trên những khu rừng Bát độ cho biết: “Toàn xã Kiên Thành đã có hơn 1.300 ha tre măng, sản lượng năm 2016 ước đạt trên 23.000 tấn; tổng số tiền thu được trên 30 tỷ đồng. Tre măng Bát độ thực sự là cây xóa đói giảm nghèo của bà con”. Nói rồi, chị cất giọng hát nhè nhẹ bài hát “Trấn Yên đất bốn mùa xanh”, khi chúng tôi chia tay mảnh đất Kiên Thành với ngút ngàn rừng quế, rừng măng. Tết Đinh Dậu đang đến rất gần.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục