Cội nguồn những mùa xuân

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/1/2017 | 7:46:35 AM

YBĐT - Vùng đất quế ở lại bên kia khi tôi qua cầu Mậu A về bên này phố huyện. Xuân xôn xao chở hương sắc mùa sang theo ước hẹn. Xuân ơi, bao mùa bất tận mãi ngọt lành hương quế cội nguồn!

Quế Văn Yên có hàm lượng tinh dầu cao, nổi tiếng trong và ngoài nước.  (Ảnh: Thanh Miền)
Quế Văn Yên có hàm lượng tinh dầu cao, nổi tiếng trong và ngoài nước. (Ảnh: Thanh Miền)

Vùng đất quế ở lại bên kia khi tôi qua cầu Mậu A về bên này phố huyện. Xuân xôn xao chở hương sắc mùa sang theo ước hẹn. Xuân ơi, bao mùa bất tận mãi ngọt lành hương quế cội nguồn!

Một cuộc điện thoại, là anh bạn đồng nghiệp gợi mời:

- Này, mùa xuân về miền đất quế đi em...

Ừ nhỉ, sao đã bao năm cứ mê mải mùa xuân đâu đó mà tôi chẳng về nơi ấy? Nỗi nhớ được gọi thành tên bỗng dưng khắc khoải, trào dâng. Có nỗi nhớ đưa lối thì cứ thế nhé, nhất định đấy! Rồi một ngày đông chẳng khác chi ngày hạ, thêm xiu xíu gió đùa, tôi vội vã trở về với vùng đất ăm ắp nhớ thương...

Dọc con đường vào thôn Khe Đóm 1, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, nắng chiều dần rơi xuống núi, riêng những nụ cười hệt ánh bình minh. Thì ra có đám cưới ngoài trung tâm xã nên già trẻ, gái trai náo nức tụ về. Lấp lóa nắng, rõ là thỏa tầm mắt gần xa, trên dưới, xung quanh quế tiếp quế. Say cảnh đến quên thời gian, chẳng mấy chốc đã tới nơi.

Ngay trước sân nhà ông Bàn Phúc Định, dăm ba người cả đàn ông, đàn bà chuyện trò líu ríu. Lò sấy ngô đỏ lửa ngay cạnh. Củi quế đượm lửa thế kia, nồng hương thế này, hèn nào chả ướp, chả tẩm đẫm không gian chứ đâu chỉ ngô trong lò. Hương quế ngòn ngọt, cay cay nơi đầu lưỡi, đầu môi. Tôi xuỵt xòa, hít hà không ngớt, hình như họ thấy ngồ ngộ nên cười vỡ tan cả một góc chiều.

Đôi lời qua lại, tôi theo ông Định đến với những cây quế giống. Nhà ông Định có 10 cây quế giống nằm trong Đề án giữ lại một số diện tích quế đường kính 30 cm, chiều cao 15 m trở lên ở 5 xã vùng quế nhằm bảo tồn nguồn giống quế và làm tiền đề phục vụ du lịch giai đoạn 2008 - 2020 của huyện Văn Yên. Xuân Tầm, Đại Sơn, Viễn Sơn là 3 xã có 90 cây quế giống thuộc Đề án này, mỗi xã 30 cây.

Đã từng lên rừng quế trong sớm mai, nắng vàng rực rỡ thì đây lại là lần đầu tiên tôi vào rừng quế buổi chiều. Chạng vạng, cảm giác lạ lắm, như thể mình rơi tự do vào miền quá khứ mà cũng tình lắm khi ông Định rủ rỉ kể chuyện xưa.

“Lúc nhỏ thì mải chơi thôi á, chưa biết thương bố, thương mẹ đâu, cũng chưa thích trồng quế nữa” - ông Định tênh tênh leo đồi giống như người ta bước đường nhựa.

Đứng dưới gốc những cây quế giống được đánh số, tôi say sưa ngắm nghía cây quế có tuổi đời hơn mình đến 25 năm. Giống quế lá nhỏ, ngọn đỏ, hàm lượng tinh dầu nổi tiếng khắp trong và ngoài nước là đây, thân thẳng tắp, tán rộng đều, cành cân đối, lá đẹp xanh.

Xa trông lại, cây nào cũng vậy. Gần sát hơn, cây quế giống có sự khác biệt hẳn, thật khó lẫn giữa cả một đồi quế dẫu chỉ nhìn cảm quan. Chợt nhớ ra, tôi ngoảnh sang ông Định muốn hỏi một câu. Người đàn ông này dường như đang trôi dạt về chốn xa xăm...

Ký ức có trỗi dậy bởi tôi khơi chuyện xưa cũ? Hẳn nhiên khó tránh. Phải nói sao cho tận cùng ý nghĩa, giá trị của cây quế đối với cuộc sống của đồng bào Dao nơi đây? Đương nhiên không dễ.

Có điều nỗi trầm giáng cùng cây quế, ông Định chưa quên: “Cái đoạn khổ nhiều á... Là lúc bắt đầu có mì tôm Mi-li-két vỏ giấy, theo nhịp đòn gần 3 giờ đồng hồ đi bộ, cả gánh quế đổi gói mì tôm”. Cuộc sống biến chuyển cũng rất nhanh, cây quế trở thành hàng hóa thì người theo người trồng quế.

Vậy nên câu chuyện quế giống chưa bao giờ ngừng “nóng” trong mối quan tâm của người trồng quế. Hạt đẹp, cây tốt, dầu nhiều. 10 cây quế giống, ông Định nâng niu vô cùng. Cớ sao không trân trọng cho được khi cây quế 15 năm tuổi trở lên mới có thể làm giống, hơn thế đâu cứ cây quế 15 năm nào cũng được chọn để giống.

Có giống chim năm nào cũng về ăn hạt quế đông đông là, nhất ở những cây quế giống, độ tháng Chạp đến tháng Hai. Là chim đầu trắng, chim xoan đấy!

Ông bảo người thì đã đành một nhẽ, cái giống chim ấy tài ghê vì cũng biết rõ đẹp hạt nào, tốt cây nào. Nhà ông khi gieo phải riêng ra một khu để giữ nguồn gen của những cây quế giống bảo tồn. Đặc biệt hai năm nay, ông thay đổi cách gieo hạt giống thẳng sang làm bầu, cây quế khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao, phát triển hơn hẳn.

Cán bộ khuyến nông cũng luôn nhắc không được chặt cây quế giống tùy ý này, không được phun thuốc hóa học này, nếu thấy có sâu, bệnh thì phải báo ngay này. Hỏi thêm ông chuyện giữ 10 cây quế giống mới hay rằng còn có 9 cây, cây kia đi theo cơn bão số 5 của năm Giáp Ngọ 2014 rồi.

“Xót lắm, lúc trước có người trả cây đấy 3 triệu đồng nhưng tôi nhất định không bán. Xót tiền một phần thôi mà. Xót nhất là khó kiếm một cây giống tốt” - ông ngẩn ngơ - “Của quý thì tự mình đã phải giữ rồi, Nhà nước giúp tý tiền để giữ cây giống thì mình cũng phải chăm hơn chứ”.

Quế đã thành nhà sàn, nhà gỗ cho 2 người con trai với trị giá đôi tỷ bạc, mừng nhiều chứ. Áng chơi con số hàng trăm triệu đồng tiền bán quế vụ tháng Tám năm qua, giọng cười của vợ ông Định cao vút: “Hơn, hơn chứ... Mà không dám nói hết đâu á. Ngại đấy!”.

Rời Xuân Tầm, tôi tới đất Viễn Sơn. Có điều lạ đáng quan tâm khi tìm hiểu về các hộ bảo tồn cây quế giống, tôi nhận ra một hộ ở thôn Khe Dứa của xã Viễn Sơn nghe họ và tên thì đoán chắc là người Kinh. Đáng quan tâm vì hộ đó có tới 20 cây quế giống được bảo tồn, nhiều nhất trong số 8 hộ tham gia Đề án.

Lạ vì nếu như hộ đó đúng là người Kinh thì thật lạ hơn giữa vùng quế vốn gắn với người Dao bản địa. Chủ hộ mang tên Nguyễn Văn Bình. Nắng bung ngọt mật vàng, ngôi nhà gỗ của gia đình ông Bình thanh bình nép bên đồi quế, trước nhà là ao rồi lại tiếp đồi quế.

Ông Bình vắng nhà. Nhỏ nhắn, xởi lởi, bà Trần Thị Yến - vợ ông - dễ cho người đối diện cảm giác gần gũi ngay lần đầu gặp gỡ bằng nụ cười tươi sáng. Chẳng sai, vợ chồng bà Yến đúng gốc người Kinh của quê hương Hải Ninh, Hải Hậu, Nam Định. Lên với Viễn Sơn, tính đến năm Đinh Dậu 2017 đã chẵn tròn 40 năm của ông bà. Bớt đi 10 năm lại chính là số tuổi của 20 cây quế giống mà nhà đang có trên đồi.

Quế của người Dao vùng này chớ có bàn gì thêm! Những cây quế giống ấy đều thuộc vào loại “siêu hạng” theo cách tả của bà Yến: “Cứa vỏ thấy mềm. Phơi khô vỏ xoắn. Gì chứ nếu vừa tách vỏ khỏi thân cây quế xong, chở đi đường, dầu gọi là chảy tong tong...”.

Chắc chắn tôi cũng phải hỏi cho rõ ràng rằng sao giữa chốn được coi như “giang sơn” của đồng bào Dao trồng quế mà gia đình lại có những cây quế giống bảo tồn chứ không phải là những người bản địa.

Bà Yến thoáng ngập ngừng: “Chắc cũng một phần nhờ may mắn chăng? Điều này hoàn toàn có thể giải thích như vậy vì vợ chồng tôi nhận thấy đất ở khu các cây quế giống phải nói rất phù hợp với cây quế. Cây quế nơi đó phát triển thật đáng ngạc nhiên. Chắc cũng một phần nữa do thời điểm lựa chọn cây quế giống bảo tồn, có thể các hộ trong xã đều đã khai thác hết những đồi, rừng quế đẹp của gia đình”.

Những cây quế giống của nhà bà Yến hầu như tập trung trên một khu đồi cách nơi ở không mấy xa, đường đi lối lại đã thuận tiện hơn trước nhiều. Nhìn xa thì chỉ thấy đồi quế ấy vươn màu xanh lá đậm lên nền trời lam trong.

Cạnh đấy, một ngôi nhà gỗ đang trong giai đoạn nhanh chóng hoàn thiện cho kịp bước mùa xuân. Chủ hộ là một người đàn ông dân tộc Dao rất hồ hởi, giới thiệu về 20 cây quế giống của nhà ông bà Bình Yến cứ như của chính mình chứ không hề lạ lẫm.

Hòa mạch chuyện cây quế, gia chủ tự tin mà rằng: “Mươi mười lăm năm sau, mọi người chắc là phải đến hỏi thăm cây quế nhà tôi thôi” rồi cười sảng khoái, khoát tay trỏ đồi quế sau nhà. Dư âm tiếng cười vọng ngân, tôi theo bà Yến lên đồi quế mà gia đình gieo bằng hạt từ những cây quế giống bảo tồn.

Tránh nhầm lẫn hạt giống của các cây quế khác, mùa lấy hạt, các con bà trèo lên cây để hái, để đập chứ nếu chờ hạt quế rụng xuống gốc thì chim đã ăn mất chẳng ít tẹo nào. 2 ha quế gieo ươm từ nguồn cây giống bảo tồn đã qua bốn mùa xuân.

“Giá như hạt giống này được gieo trên khu đồi của những cây quế giống bảo tồn thì chất lượng cây quế khó tưởng tượng nổi”, bà Yến vẫn ước vậy cho dù đồi quế hiện phát triển rất tốt. Gia đình ươm đủ, còn số hạt giống thừa thì ra sao, bà bảo bán cho những ai có nhu cầu.

Giá cả có cao hơn so với hạt giống ở những cây quế giống bình thường không, bà lắc đầu. Nhớ lại câu chuyện hồi nãy, khi mới lên đây, ông bà từng phải đi xin, thậm chí là “nhặt trộm” hạt giống quế trong rừng.

Năm 2015, có người trả 200 triệu đồng để được sở hữu 20 cây quế giống bảo tồn, ông bà cũng lắc đầu. Và coi như hôm nay đã “có lộc” của cây quế, của đất trời, ông bà đang “tán lộc” đi muôn nơi. Phải chăng đó là cội nguồn những mùa xuân đất quế qua tháng năm vạn vật đổi thay?

Vùng đất quế ở lại bên kia khi tôi qua cầu Mậu A về bên này phố huyện. Xuân xôn xao chở hương sắc mùa sang theo ước hẹn. Xuân ơi, bao mùa bất tận mãi ngọt lành hương quế cội nguồn!

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục