Lặng thầm bước chân chặn dịch

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/3/2017 | 1:53:34 PM

YBĐT - Dấn thân tới vùng dịch bệnh, lặn lội phòng chống dịch tận những thôn bản xa xôi, bất kể ngày đêm, mưa nắng - họ chính là những chiến sĩ áo trắng đã và đang chiến đấu không mệt mỏi trong trận chiến phòng chống dịch bệnh đầy vất vả, nhiều rủi ro mà lại rất lặng thầm.

Các cán bộ y tế dự phòng giám sát dịch lỵ tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.
Các cán bộ y tế dự phòng giám sát dịch lỵ tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải.

Cuối năm 2013, đầu năm 2014, dịch sởi bùng phát mạnh ở tỉnh ta. Những ca bệnh đầu tiên bắt đầu ở xã Nậm Có (Mù Cang Chải) rồi nhanh chóng lan rộng ra các xã trong huyện và các huyện lân cận như Trạm Tấu, Văn Chấn; sau đó xuất hiện rải rác tại các địa phương vùng thấp như: thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên… với hơn 1.000 ca mắc, trong đó 2 ca tử vong.

Đối tượng mắc ở mọi lứa tuổi, trong đó trẻ dưới 15 tuổi chiếm 70% do hầu hết chưa được tiêm phòng. Vùng tâm dịch là thôn Làng Lao, xã Cát Thịnh (Văn Chấn). Làng Lao ngày đó chưa hạ sơn, để đến được quả là cả một thử thách, nhất là vào những ngày mưa với cách thức duy nhất là cuốc bộ.

Bác sĩ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vẫn còn nhớ như in: Hôm đó, đúng sáng mùng 1 tết Giáp Ngọ, tôi cùng đoàn cán bộ lên Làng Lao chống dịch. Chúng tôi không chỉ mang theo dụng cụ, trang thiết bị y tế, thuốc men mà còn phải mang cả mì tôm, nước uống cuốc bộ đến Làng Lao.

Mặc dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho sự thiếu thốn ở những thôn bản vùng cao nhưng thực sự lên đến nơi tôi vẫn bị choáng vì ở đây khó khăn ngoài sức tưởng tượng. Ca bệnh thì nhiều, lây lan khắp bản, cả người lớn và trẻ em. Chúng tôi dựng điểm chống dịch ngay tại điểm trường của thôn, đó chỉ là một phòng học rất tuềnh toàng. Nhưng khó khăn nhất với chúng tôi lại là sự thiếu hợp tác của người dân.

Có người bị bệnh nặng, chúng tôi chỉ định chuyển xuống viện nhưng họ nhất quyết không chịu đi. Cuối cùng, chúng tôi đã phải dùng cách cưỡng chế người bệnh đưa xuống viện. Năm đó, chúng tôi đã ăn tết cùng với dịch bệnh trên bản như thế - bác sỹ Lê Hồng Quang thông tin thêm.

Năm 2016, 2 ổ dịch lỵ xảy ra ở xã La Pán Tẩn và Kim Nọi (Mù Cang Chải) với 202 ca, tốc độ lây lan nhanh vì nó xuất phát từ một đám ma, nhiều người tập trung ăn uống.

Bác sĩ Lương Thị Hiền - Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải kể rằng: Đó là vào thời điểm rét đậm, rét hại, xảy ra băng tuyết trên địa bàn. Tôi tham gia chống dịch ở xã La Pán Tẩn. Đường lên địa điểm xảy ra dịch là đường đất vốn đã khó đi nay lại thêm mưa rét càng khó hơn. Bản thân tôi dù quen đường rồi mà vẫn ngã rất nhiều lần mới lên tới bản. Điều kiện, thói quen vệ sinh của người dân còn rất hạn chế, bất cập nên càng làm cho công tác dập dịch thêm khó.

Song, khó nhất với chúng tôi trong đợt đó là việc khử trùng nước. Chúng tôi đến từng hộ dân khử trùng nước nhưng dân ở đây sử dụng nước máng lần nên chúng tôi phải hướng dẫn người dân hứng nước vào xô, chậu rồi cấp phát thuốc khử trùng cho bà con. Nhưng hễ khi chúng tôi rời đi là bà con lại đổ nước đi vì mùi thuốc khử trùng nên bà con không thích sử dụng. Có giải thích thế nào bà con cũng không hiểu.

Không còn cách nào khác, chúng tôi phải thay phiên nhau cử người giám sát. Đồng bào vùng cao nhận thức hạn chế, thích thì làm không thích thì thôi nên công tác phòng chống dịch nhìn chung vất vả lắm - bác sĩ Lương Thị Hiền bổ sung.

Những tâm sự, sẻ chia về những lần tham gia dập dịch, chống dịch ấy của những cán bộ như bác sĩ Lê Hồng Quang, Lương Thị Hiền… là vậy, nhưng tôi biết chẳng thể nào tả hết được những khó khăn thực tế mà các anh, các chị đã trải. Chỉ biết rằng, với họ, bất kể ngày đêm, lễ tết, nắng mưa, bất kể thôn bản xa xôi tới đâu, cứ có thông tin về dịch bệnh là họ lập tức có mặt: lấy mẫu bệnh phẩm, tìm căn nguyên, dập dịch, khống chế, không để lây lan.

Trực tiếp làm việc trong môi trường truyền nhiễm bệnh tật, có lẽ bất kể là ai, cũng không thể tránh được mối lo về nguy cơ lây nhiễm cho bản thân, rồi cho cả người thân trong gia đình nhưng “Đó là công việc rồi, chỉ biết dốc sức cho nó thôi” - bác sĩ Lê Hồng Quang thật tâm chia sẻ.

Trong cuộc chiến với dịch bệnh ấy, cùng với những cán bộ lao vào vùng dịch trực tiếp làm công tác chống dịch, dập dịch còn có sự đồng hành của những cán bộ xét nghiệm Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Cũng phải trực tiếp tới vùng dịch lấy mẫu bệnh phẩm, rồi lặng lẽ làm việc với những mẫu bệnh phẩm sau cánh cửa phòng xét nghiệm, môi trường làm việc của những cán bộ xét nghiệm cũng thực sự là môi trường đầy rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm không kém những cán bộ trực tiếp chống dịch, dập dịch.

Chị Đoàn Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng khoa Xét nghiệm đến nay đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác xét nghiệm tại Khoa nhưng chị vẫn không quên được cảm giác “ớn lạnh” của những ngày đầu bắt tay vào việc: “Thực sự, ban đầu khi tiếp xúc với những bệnh phẩm như dịch, phân, đàm… mình không tránh khỏi cảm giác ơn ớn vì vừa trực quan tiếp xúc vừa lo ngại lây nhiễm nhưng rồi cũng quen dần. Có những thời điểm, cán bộ của Khoa phải làm việc với cường độ cao. Ví như năm 2013, dịch cúm H1N1 bùng phát mạnh ở tỉnh, hàng trăm mẫu bệnh phẩm là dịch, đàm được gửi về liên tục khiến chúng tôi không phút ngơi tay”.

Làm ở trong phòng xét nghiệm nhưng công việc của những cán bộ ở đây cũng không phải chỉ đóng khung trong giờ hành chính. Chị Hạnh cho hay, nhiều khi mẫu bệnh phẩm lấy từ nơi có dịch gửi về được đến Trung tâm đã là vào buổi chiều, cán bộ xét nghiệm tiến hành xét nghiệm ngay và phải chờ để lấy kết quả luôn nhằm phục vụ kịp thời công tác dập dịch, chống dịch. Vì vậy, việc cán bộ xét nghiệm phải làm việc đến khuya muộn cũng là chuyện như cơm bữa.

Ngoài chuyện giờ giấc, môi trường làm việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lây nhiễm thì sự tỉ mẩn, kiên nhẫn, độ chính xác cao là những đòi hỏi không thể thiếu đối với cán bộ xét nghiệm. Chỉ cần bỏ qua một bước nhỏ trong quy trình xét nghiệm sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm, tác động trực tiếp đến công tác phòng chống dịch. Quanh năm suốt tháng “làm bạn” với vi khuẩn, hóa chất độc hại trong phòng xét nghiệm, nhiều cán bộ làm công việc này cũng tìm cho mình những niềm vui trong công việc để thêm gắn bó với nghề.

Chị Hoàng Thị Tỏa - cán bộ Phòng xét nghiệm Vi sinh, Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh bộc bạch: “Công việc tưởng chừng như đã quen thuộc đấy nhưng có làm mới hiểu kiến thức là vô hạn và càng làm càng cho mình thêm nhiều kiến thức, hiểu biết liên quan đến chuyên môn. Chính điều đó tạo thêm động lực, phấn khích cho mình trong công việc”.

Không quản ngại lao tới vùng dịch trực tiếp chống dịch, dập dịch hay miệt mài sau cánh cửa phòng xét nghiệm - dù ở công việc nào, những cán bộ ấy vẫn lặng thầm dốc sức cho công tác phòng chống dịch bệnh. Chính nhờ sự tận tâm, tận lực ấy mà nhiều dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đã được khống chế và đẩy lùi. Riêng năm 2016, Yên Bái đã đẩy lùi và khống chế được 12 ổ dịch thủy đậu, 13 ổ dịch quai bị, 6 ổ dịch tay chân miệng, 2 ổ dịch lỵ…

Năm 2015, gần 2.500 ca tiêu chảy, 838 ca thủy đậu, 574 ca quai bị, 8.448 ca cúm, 576 ca tay chân miệng… được kiểm soát và khống chế. Niềm vui của những cán bộ làm công tác y tế dự phòng không gì khác chính là những bệnh dịch được đẩy lùi, không chế, mang lại một môi trường sống trong sạch cho cả  cộng đồng.

Công việc ấy, niềm vui ấy, không phải người bệnh, người dân nào cũng hiểu. Nhưng có lẽ điều làm những người gắn bó với công tác y tế dự phòng bấy lâu nay còn trăn trở, bận tâm lại là chuyện kinh phí cho công tác y tế dự phòng còn hạn chế, ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng…

Hoài anh - Thu Hạnh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục