Đi qua cuộc chiến

  • Cập nhật: Thứ bảy, 29/4/2017 | 9:22:41 AM

YBĐT - Kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, tôi ngược thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên để gặp, nghe và ghi lại những câu chuyện chiến đấu anh dũng, kiên cường của các cô, các chú, những con người bình dị, thân thuộc nơi xóm phố.

Bà Trần Thị Hoan chia sẻ ký ức chiến tranh.
Bà Trần Thị Hoan chia sẻ ký ức chiến tranh.

Chú Nguyễn Khánh - người cán bộ, đảng viên đã trải qua nhiều cương vị công tác với bao kỷ niệm đáng nhớ nhưng đúng như chú tâm sự: “Chuyện lính bao giờ cũng nhớ nhất, rôm rả nhất”.

Như những thước phim quay chậm, quá khứ hào hùng vẫn vẹn nguyên trong chú: “18 tuổi, tôi vào bộ đội, nhập ngũ ngày 22/8/1971, đúng ngày lũ lịch sử. Đường từ Chiến khu Vần - Dọc nơi quê nhà lên Huyện đội nước ngập trắng, anh em tân binh phải bơi, lội rất vất vả và nguy hiểm mới nhập ngũ được đúng giờ.

Sau huấn luyện, tôi được biên chế vào C2, K9, E66, F10 chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trong suốt cuộc chiến, chúng tôi phải đối chọi với Sư đoàn 23 của ngụy - một sư đoàn tinh nhuệ, trang bị hiện đại có nhiệm vụ trấn giữ các cao điểm thuộc phía Bắc và Tây tỉnh Công Tum.

Nhờ có sức khỏe tốt, tôi được biên chế vào khẩu đội cối 82 và đơn vị K9 của chúng tôi luôn bám sát cùng C19 đặc công và các đơn vị bộ binh khác chuyên làm nhiệm vụ “mở cửa”, áp sát địch. Huấn luyện xong, chúng tôi vượt Trường Sơn đến Tây Nguyên, chưa quen với nắng nóng, mưa rào đã phải tham chiến trận đầu Play Cần hết sức ác liệt. Kỹ năng chiến đấu ngày càng dày thêm qua hàng chục trận đánh như điểm cao 701, 702, Ngọc Bay, Ngọc Quàn…

Có thể nói, trận đánh nào cũng rất đáng nhớ nhưng trận đánh cao điểm 601 Công Tum là đáng nhớ nhất. Trước hết, phải nói là Cao điểm 601 được ngụy xây dựng khá kiên cố, bố trí lực lượng rất tốt và trang bị nhiều hỏa lực mạnh như cối 81, 106,7 ly, các ụ trung liên, đại liên, có trực thăng AD6 yểm trợ. Nhận lệnh, ngay trong đêm, chúng tôi băng qua rừng, đầm lầy rồi đường 14 an toàn trước 4 giờ sáng. Lúc này, chúng tôi đã cách hàng rào thép gai địch khoảng trên dưới 60 m.

Trận địa xây dựng xong, anh em ăn cơm nắm rồi nghỉ ngơi chờ lệnh. Đến khoảng hơn 12 giờ trưa, tôi đang làm nhiệm vụ cảnh giới cho các đồng đội nghỉ thì phát hiện có một đại đội địch đang đi tuần tra, trinh sát. Khoảng cách đã quá gần, tôi kịp báo cho anh em rồi siết cò súng. Loạt AK nổ rền giữa toán lính đi đầu; một đồng chí may mắn bắn trúng bộ đàm 2W khiến chúng không thể gọi chi viện. Bị bất ngờ, lại đi đúng vào trận địa ta nên cả tiểu đội địch bị tiêu diệt gọn, phía ta không bị một tổn thất nào.

Đến 5 giờ chiều, ba phát pháo hiệu bắn lên trời xanh, xóa tan sự tĩnh lặng, đó là mệnh lệnh các cánh quân đồng loạt nổ súng đánh địch đúng như phương án tác chiến đã họp bàn từ trước. Đầu tiên là pháo, tiếp đến là DKZ và cuối cùng là trung liên, đại liên, B40, B41…

Cao điểm 601 với nhiều lô cốt, điểm hỏa lực mạnh của địch đã chìm trong biển lửa, quân ta ào lên tấn công, đến chập tối quân ta đã làm chủ hoàn toàn Cao điểm 601.

Vừa giành chiến thắng, chúng tôi đã nhận lệnh rút ngay khỏi trận địa, lính trẻ như chúng tôi rất ngỡ ngàng, chỉ biết có lệnh là rút mà đâu biết rằng, địch biết 601 thất thủ sẽ dùng không quân trả thù. Đúng như cấp trên đã nhận định, hôm sau, máy bay địch điên cuồng ném bom vào vị trí mà chúng tôi vừa rút.

Một tiểu đoàn địch cơ động bằng đường bộ trên đường 14 với ý định cứu 601 nhưng ta đã kịp phát hiện, bố trí Tiểu đoàn 9 đánh chặn và chúng tôi cũng chiến đấu rất hiệu quả, xóa sổ tiểu đoàn địch trong thời gian rất ngắn mà không chịu tổn thất gì. Thành tích đặc biệt này đã được Nhà nước ghi công, Tiểu đoàn 9 được tặng thưởng huân chương ngay khi tiếng súng vừa ngớt”.

Tôi đẩy chiếc cổng sắt cũ kỹ để bước vào ngôi nhà rợp bóng cây xanh trên đường phố Cổ Phúc, cô Trần Thị Hoan - một nữ quân y đã vào sinh ra tử trên mặt trận Trường Sơn khốc liệt ra mở cửa đón tôi bằng cử chỉ thân tình, hiền hậu, rồi cô bảo: “Mình thỏa thuận thế này nhé, cô chỉ kể lại sự tàn khốc của chiến tranh để thấy được sự hy sinh của những người tham gia kháng chiến; còn bản thân thì không nên nói gì vì biết đâu, có ai nghĩ mình già rồi lại ngồi kể công lao này nọ”.

Rồi cô Hoan đưa tôi về những ngày gian khổ nhất, ác liệt nhất nhưng cũng đáng nhớ nhất của cuộc đời mình: Tốt nghiệp Trường Y sỹ Phú Thọ, cả lớp Y16 của cô gồm 30 anh chị em đều viết đơn tình nguyện vào bộ đội khi biết tin quân đội có chủ trương xây dựng một bệnh viện ngoài chiến trường. Huấn luyện thêm 4 tháng ở Viện 109, đầu năm 1968, chúng tôi hành quân vào chiến trường. 20 tuổi đầu, sức xuân phơi phới, ý chí cách mạng hừng hực, hăng hái, nhiệt tình nhưng đường hành quân 3 tháng đi bộ xuyên đêm từ Hương Khê (Hà Tĩnh) vào đến Điện Bàn (Quảng Nam) cũng lấy đi gần hết sức lực của chúng tôi.

Xin kể lại một chi tiết nhỏ, đó là mọi người đều phải cắt bớt cán bàn chải đánh răng đi cho hành trang nhẹ bớt để ưu tiên cho hộp cứu thương và lương thực… để thấy được chuyến hành quân vất vả đến nhường nào.

Sau khi chủ trương thành lập bệnh viện không được triển khai, tôi được điều về Binh trạm 43, trong Đường dây 559 và suốt từ đó, tôi và đồng đội có hơn 2.000 ngày chiến đấu với thời tiết khô hạn, mưa dầm với muỗi vắt, sốt rét và đặc biệt là mưa bom, bão đạn cùng chất độc màu da cam của kẻ thù.

Bị B.52 đánh vào trận địa, chịu mỗi lần 3 đợt trải thảm bằng đủ các loại bom thì những người còn sống như mình chỉ có nhờ hồn thiêng sông núi, hồng phúc dân tộc thôi chứ chẳng có gì khác.

Cô Hoan đã nói vậy khi kể lại chuyện sau 3 loạt bom Mỹ, cửa hầm bị đất đá và 1 quả bom lớn vùi kín, đồng đội lôi được cô và tổ quân y ra, di chuyển được vài chục mét thì bom nổ, cả đám không chết mà chỉ bị sức ép nhẹ. Làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn và thiếu thốn ấy nhưng ai cũng quyết tâm, tình cảm đồng chí, đồng đội là trên hết; hàng trăm thương binh đã được cứu chữa kịp thời.

Thật kỳ diệu khi quân y đã giành lại sự sống cho nhiều đồng chí trong điều kiện hết sức thiếu thốn thuốc men, vật tư, thiết bị, phải mổ trong hầm sâu, bệnh binh nằm trên võng, đốt đóm lấy ánh sáng để phẫu thuật...

Giọng cô Hoan trầm hẳn khi kể về những đồng chí, đồng đội tuổi đôi mươi phơi phới mà hy sinh, nằm lại nơi chiến trường, trong đó có trường hợp hy sinh của y sỹ Phạm Thị Cảnh - người bạn cùng binh trạm với cô. Hôm ấy, ngày 18/3/1969, sau trận đánh ác liệt, bạn Cảnh bị thương rất nặng, mảnh bom đã cắt đứt ngang hai đùi, trên người còn rất nhiều vết thương khác.

Điều kỳ lạ là bạn Cảnh vẫn rất tỉnh táo, khi thấy mọi người ra sức cứu chữa mình, bạn ấy đã một mực từ chối bởi hai lý do: thứ nhất, trong người đã nhiễm dioxin nặng, lại không chân, hỏng tay thế này thì ra đi cho bớt đau đớn; thứ hai, hãy để thuốc và tâm sức cứu chữa những thương binh khác. Bạn Cảnh nở một nụ cười trước khi nhắm mắt khiến cả Binh trạm tiếc thương vô cùng. Đó thực sự là một “Đặng Thùy Trâm” nữa của dân tộc Việt Nam”.

Sau Hiệp định Pari, cô Hoan chuyển ra Bắc, làm việc tại Đoàn 235 Quân khu Việt Bắc, rồi cô đi học lên bác sỹ và về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Trấn Yên và nhiều năm làm lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ huyện Trấn Yên. 70 tuổi đời, 6 năm trong quân ngũ, được tặng thưởng Huân chương Giải phóng hạng Nhì.

Về nghỉ hưu, cô Hoan sống bình dị trong ngôi nhà nhỏ. Cô bảo, tôi sống đơn thân vì biết mình nhiễm độc màu da cam nên không lấy chồng và có con nhưng không vì thế mà cô đơn bởi quanh ta vẫn còn anh em, bạn bè, xóm làng, có quê hương, đất nước hòa bình, thống nhất.

Ngoài hiên, nắng đã lên, ánh nắng chan hòa cho cây trái đâm chồi, nảy lộc, câu chuyện “đi qua cuộc chiến” với chú Khánh và cô Hoan ở Cổ Phúc cho chúng tôi thấy được sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước, để thấy được giá trị của hòa bình mà phấn đấu vươn lên.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục