Tháng Năm ở làng Dọc

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/5/2017 | 8:14:16 AM

YBĐT - Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có 7 bản nằm trong địa bàn làng Vần và làng Dọc. Làng Dọc gồm Bản Quán, Bản Chao, Bản Phạ, Bản Din, là nơi cư trú của gần 370 hộ dân, chủ yếu là người Tày.

Lãnh đạo xã Việt Hồng trao đổi với nông dân làng Dọc về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đồi.
Lãnh đạo xã Việt Hồng trao đổi với nông dân làng Dọc về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất đồi.

Nắng mới đầu hạ làm cho những thửa ruộng trên cánh đồng trước đình làng Dọc như bừng lên. Lúa xuân đã vào kỳ chắc hạt, đỏ đuôi. Mảnh còn xanh, mảnh đã chuyển màu vàng đan xen nhau. Tấm thảm đa sắc khẽ rung rinh trong gió như báo hiệu thêm một mùa nữa bội thu.

Xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên có 7 bản nằm trong địa bàn làng Vần và làng Dọc. Nói là xuống Vần, lên Dọc có lẽ phân biệt bởi nơi cao nơi thấp. Quãng đường từ làng Vần - trung tâm xã Việt Hồng đến làng Dọc dốc cao nhưng khá êm thuận.

Làng Dọc gồm Bản Quán, Bản Chao, Bản Phạ, Bản Din, là nơi cư trú của gần 370 hộ dân, chủ yếu là người Tày. Những năm qua, đồng bào nơi đây đã có nhiều cố gắng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước những con đường có tên “135” đã làm cuộc sống người dân thay đổi. Chừng năm cây số đường liên bản đã kéo gần khoảng cách những ngôi nhà trong những bản của làng Dọc. Đường bản còn kết nối với đường vào các xã Đại Lịch, Chấn Thịnh của huyện Văn Chấn, đường ra Lương Thịnh, Hưng Khánh của huyện Trấn Yên. Giao thông thuận lợi đã làm cho diện mạo làng Dọc khang trang hơn. Người dân nơi đây nhờ thế dễ dàng giao lưu, học hỏi làm ăn, nâng cao đời sống.

Những con đường này đã có tên bởi người ta dễ dàng nhận thấy những tấm biển “Đoạn đường tự quản” của Hội Phụ nữ, chỗ ghi Đoàn Thanh niên, có biển tên Hội Nông dân... Chẳng thế mà đường sạch sẽ, phong quang, uốn lượn qua cánh đồng, sát với vạt keo, bồ đề xanh ngát.

Ông Phạm Xuân Cánh - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng phấn khởi chạy xe tay ga bon bon dẫn phóng viên từ Bản Quán qua Bản Phạ, rẽ vào Bản Chao, lên Bản Din thăm ruộng, thăm rừng, xem cây ăn quả. “Làng Dọc này có 4 thôn thì thôn nào cũng có diện tích rừng tự nhiên phòng hộ hoặc rừng tự nhiên sản xuất. Tất cả đã giao khoán cho các tổ bảo vệ rừng trông giữ nhà báo ạ! Nhà nước hỗ trợ chẳng được bao nhiêu nhưng họ bảo vệ khá tốt. Đất sản xuất cũng chẳng được bao nhiêu nên bà con cũng phải loay hoay tính toán làm ăn, vất vả đấy!” - Chủ tịch Cánh nói rồi kéo chúng tôi lên đồi xem dân trồng keo.

Mấy hôm trước trời mưa, hôm nay gia đình Nguyễn Trọng Thủ ở thôn Bản Quán nhờ người tranh thủ đưa giống trồng rừng. Mọi người vừa làm vừa hướng dẫn nhau cách gỡ bầu, bỏ phân viên đúng vị trí, vùi đất, cẩn thận như trồng rau vậy. Thế mới thấy “hàm lượng” khoa học kỹ thuật cho một cây gỗ rừng trồng cao thật! “Chỉ tiếc ở đây ít đất rừng sản xuất, chứ không dân cũng giàu rồi!” - Chủ tịch Cánh nói như chia sẻ với bà con.

Thảo nào, trong cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội về “thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ phát triển rừng”, lãnh đạo xã cũng đã kiến nghị bố trí một phần đất rừng tự nhiên sản xuất cho bà con trồng rừng. Nói là ít rừng cũng không phải, vì bà con đã thấy lợi ích của kinh tế rừng nên muốn có nhiều để trồng hàng năm để có thể luân phiên thu hoạch.

Ở thôn Bản Phạ, nơi có 109 hộ dân thì cũng có dăm bảy hộ trồng được 5ha rừng trở lên. Ai cũng biết hộ anh Nguyễn Quang Huy ở Bản Phạ hay Phạm Thanh Sơn, Phạm Thanh Hải ở Bản Quán có nhiều rừng. Các thôn khác không nhiều như vậy nhưng cỡ 1 - 2ha rừng thì cũng chẳng ít. Thế nên ở làng Dọc mới có xưởng bóc gỗ, có chục hộ mua ô tô thu gom, chở gỗ ngược xuôi và làm dịch vụ vận tải.

Đất rừng có ngần ấy, ruộng ít nhưng làng Dọc giờ không có hộ đói, không còn ai ở nhà tạm. Ai ai cũng toan tính trên mảnh đất nhà mình. Cứ xem cái kiểu bỏ lúa để trồng chanh, trồng thanh long của gia đình anh Phạm Ngọc Tiên ở Bản Quán là thấy cung cách làm ăn của người dân đã có nhiều thay đổi.

“4 sào đất ruộng, nếu cấy lúa, trừ công trừ giống và vật tư, mỗi vụ thu khoảng năm sáu chục cân thóc thì lãi lời gì nữa? Tôi chuyển sang trồng 200 gốc chanh và Thanh long, rồi trồng xen ít khoai sọ nữa thu khá hơn nhà báo ạ!” - anh Tiên tỏ ra phấn khởi khi nói về cái sự chuyển đổi của mình. Tìm hiểu thêm mới thấy anh này tính toán ra trò. Có hơn 1ha đất đồi, ở độ cao phù hợp nên không trồng cây lấy gỗ, gia đình anh Tiên chuyển sang trồng cam, trồng chanh. Tôi hỏi:

- Nghe nói năm ngoái anh thu hoạch hàng tấn quả rồi phải không?

Anh Tiên thủng thẳng: Chẳng nhớ tổng cộng bao nhiêu nữa, nhưng tiền thu được chắc khoảng 150 triệu đồng thì phải.

Đáng kể đấy chứ! Thảo nào Chủ tịch Cánh có khoe về những mô hình nuôi dê, nuôi trâu bò, trồng cây ăn quả có múi mà người dân làng Dọc đang làm và sẽ mang lại hiệu quả trong những năm tới. Như để minh chứng ngay, ông Cánh đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Thái An - người được giới thiệu là bộ đội đánh Pháp cư trú ở thôn Bản Din. Hóa ra đây là trang trại của con cụ An - anh Nguyễn Thành Gươm và chị Hoàng Thị Lan.

Chẳng để giới thiệu, chúng tôi leo thẳng lên đồi cam đã qua kỳ bói quả. Công phu quá! Cam được trồng theo băng tròn dưới chân rừng bồ đề. Không biết mất bao nhân công để kiến thiết những vạt cam thành từng băng, từng băng thế này? Đường ống bơm tưới kéo lên tận đồi cam. Những tải phân trâu, phân lợn xếp cả đống chờ hoại mục để bón gốc. Thảo nào cam tốt thế, những 3 ha đấy! “Vụ này gia đình đang vặt bỏ quả bói để giữ cây cho khỏe chờ vụ sang năm, không vội được các anh ạ!” - vừa pha nước, anh Gươm vừa chia sẻ.

Cũng nhiều năm lặn lội, vất vả gia đình anh đã tạo nên cơ ngơi này. Có ít rừng trồng, thu hoạch anh chị vay mượn xây được ngôi nhà. Giờ có cái ô tô tải đi thu mua gỗ cho các xưởng xẻ, xưởng bóc, cái ô tô con đỗ dưới sân chắc để đi chơi.

Vụ cam sang năm chắc hẳn gia đình thu lớn. Cụ An - người cựu chiến binh đánh Pháp thấy vui lắm. Vui vì mọi người đã nói về những câu chuyện đánh Pháp của ông và các đồng đội năm xưa. Nhưng vui hơn là thành quả mà các con ông đã thu được sau bao ngày cố gắng. “Chúng nó vất vả lắm, có lúc phải thuê nhiều người chăm sóc cam đấy! Chả biết có được không nữa!” - Nói vậy rồi cụ khoan thai đung đưa võng.

Phải được chứ, được là chắc. Bởi chị Lan - con dâu cụ lại là Trưởng thôn Bản Din. Thế nên, trang trại cam của chị là mô hình mẫu trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng để người dân trong Bản Din và cả làng Dọc nhìn đấy mà học tập. Người dân không chỉ nhìn thấy mô hình mà còn học tập gương của người đảng viên đầu tầu trong làng trong xã tích cực với việc làng, việc bản và biết làm giàu cho gia đình.

Có lẽ việc phát triển kinh tế gia đình của chị Lan đã khẳng định thêm nhận định của Bí thư Chi bộ thôn Bản Phạ Nguyễn Xuân Hồi khi tiếp chuyện chúng tôi: “Làm gì có gia đình đảng viên nghèo. Đảng viên chúng tôi đều xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rồi. Là đảng viên, chúng tôi đều cố gắng không để bị nghèo khó”.

Ôi chao! Có phải “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là đây? Bí thư chi bộ đã nói vậy thì nhất định rồi. Trên năm chục đảng viên ở bốn thôn của làng Dọc sẽ là những đầu tầu, những tấm gương để người dân địa phương noi theo. Chẳng thế mà ở thôn nào trong làng Dọc cũng có các mô hình kinh tế của đảng viên, của hội viên phụ nữ, hội viên cựu chiến binh, hội nông dân dựa trên điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, trong đó có các mô hình mới trong trồng rừng, nuôi dê, nuôi trâu bò, trồng cây ăn quả.

Lãnh đạo xã Việt Hồng cho biết, những mô hình kinh tế ở làng Dọc đã phát triển theo đúng mục tiêu phương hướng, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, góp phần xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngay như ở Bản Quán nơi có 93 hộ (410 nhân khẩu), với 18 đảng viên, nhưng số hộ nghèo của thôn đến nay giảm còn 34 hộ. Số nhà xây đã có sáu, nhà sàn cột bê tông vững chãi có chừng bốn mươi cái.

 

Cánh đồng thôn Bản Quán.

Chị Nguyễn Thị Thể - Trưởng thôn Bản Quán trao đổi: “Là vùng đồng bào dân tộc ít người nhưng bà con trong thôn chúng tôi đã khắc phục khó khăn, chịu khó học hỏi các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập. Mọi người đều tích cực trong các hoạt động của thôn, của xã, chung sống đoàn kết, thúc đẩy các phong trào ở cơ sở”.

Lời của chị Thể như giúp gợi lại những nét đẹp, những phong tục tốt đẹp trong Lễ hội đình làng Dọc diễn ra vào dịp đầu xuân với những tập phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Đó là dịp để mọi người dân ở làng Dọc, ở xã Việt Hồng và du khách thập phương đến đây tri ân những bậc tiền nhân khai sơn phá thạch, dựng làng lập ấp, đồng thời tham gia các hoạt động văn nghệ thể thao vui vẻ, đoàn kết, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi cho một năm hứa hẹn nhiều thắng lợi.

Từ sân đình làng Dọc, nắng tháng Năm như kéo mắt người dõi theo con đường kiên cố giữa cánh đồng thôn Bản Quán. Màu vàng, sắc xanh trải dài theo những vạt quế, đồi keo và những vườn quả đang thì đơm hoa kết trái. Làng Dọc đang chuyển động cùng đất Chiến khu Vần hướng tới ấm no.

Quang Tuấn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục