Bảo hiểm y tế- "phao cứu sinh" cho người nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/6/2017 | 6:53:28 AM

YBĐT - Từ ngày 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng tăng giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế cho 1.916 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí trong khám và điều trị bệnh, nhất là khi mắc bệnh nặng, phải điều trị lâu dài.
Bảo hiểm y tế giúp giảm gánh nặng chi phí trong khám và điều trị bệnh, nhất là khi mắc bệnh nặng, phải điều trị lâu dài.

Việc tăng giá viện phí lên từ 20 - 30%, có nhiều dịch vụ còn tăng gấp 2-3 lần so với với giá cũ khiến nhiều dịch vụ y tế có giá lên tới vài chục triệu đồng. Điều này sẽ trở thành áp lực rất lớn với người dân không may mắc bệnh lại không tham gia BHYT.

Nghèo hóa vì không có BHYT

Đột ngột mắc bệnh, lại không có thẻ BHYT khiến rất nhiều người vô cùng khó khăn khi điều trị, rồi rơi vào tình cảnh sạt nghiệp và nhanh chóng trở thành con nợ. Đó là câu chuyện của gia đình ông Phan Đức Toản ở khu 6, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, Văn Chấn. Bị tai nạn giao thông cách đây vài năm khiến vợ ông Toản bị chấn thương sọ não nặng, phải điều trị ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội). Những ngày trong viện không chỉ là khoảng thời gian ông Toản cùng vợ đấu tranh giành giật lại sự sống mà còn là những chuỗi ngày khốn khổ với nỗi lo tiền bạc.

Nhắc lại những tháng năm khốn khó đó, ông Toản nghẹn ngào: “Lúc ấy, đồ đạc ở nhà đã bán cả. Tôi vay bất cứ ai có thể kể cả là vài trăm nghìn đồng để bà nhà được chữa bệnh. Ngoài các ca phẫu thuật lớn vài chục triệu đồng thì đều đặn mỗi ngày 5 triệu đồng tiền thuốc, chưa kể các chi phí khác. Không có tiền là không có thuốc. Không có thuốc, bà ấy lên cơn sốt cao, đau đớn, mê sảng còn tôi nhìn bà ấy đau đớn mà chỉ biết khóc. Nếu ngày ấy có BHYT thì gia đình tôi cũng đỡ được phần nào”.

Sau 6 tháng nằm viện, ông bà trở thành con nợ với gần 380 triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con thành hơn 500 triệu đồng. Đó là một khoản nợ khổng lồ với gia đình ông và không biết đến bao giờ mới trả được hết…

Bệnh trọng, không BHYT khiến nhiều gia đình nhanh chóng nghèo hóa vì chi phí y tế, nhất là những gia đình vốn nghèo khó lại càng trở nên khốn khó hơn. Hơn nữa, từ ngày 1/6, người không có BHYT sẽ phải tự chi trả viện phí với giá tăng từ 20 - 30%, thậm chí nhiều dịch vụ y tế còn tăng gấp 2 - 3 lần so với giá cũ. Như vậy, với mức tăng giá mới, nếu không có BHYT, nhiều người rất dễ rơi vào tình trạng nghèo hóa khi không may ốm đau, phải điều trị lâu dài, chi phí y tế cao.

Thạc sỹ, bác sỹ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc, Trưởng khoa Hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trung bình, một bệnh nhân điều trị nội trú sẽ phải chi phí mỗi ngày khoảng 600.000 tiền giường, nếu thở máy sẽ mất thêm 600.000 đồng nữa, nếu sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao như lọc máu, thay huyết tương và các kháng sinh đặc trị… thì chi phí có khi lên tới vài chục triệu đồng. Nhiều bệnh nhân không có điều kiện kinh tế lại không có BHYT khiến quá trình điều trị gặp khó khăn, vừa khó cho bệnh nhân vừa khó cho cả bác sỹ”.

Có thể thấy, chi phí cho việc điều trị bệnh luôn là nỗi lo, gánh nặng kinh tế đối với người nghèo. Nhưng với việc tham gia BHYT, nhiều người nghèo đã tìm lại sự sống cho chính bản thân và gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai, 20 tuổi ở thôn Đồng Xoẹt, xã Đông Cuông (Văn Yên) là một trong những trường hợp như thế. Mang thai 14 tuần cũng là lúc chị Mai được chẩn đoán mắc bệnh thoát vị hoành trái, cần phải phẫu thuật ngay. Nhưng đối với hộ gia đình cận nghèo như chị Mai thì chi phí phẫu thuật quả là gánh nặng lớn.

Bà Cầm Thị Hoàn - mẹ chị Mai cho biết: “Khi bác sỹ cho biết con gái tôi mắc một chứng bệnh khó và hiếm gặp, khả năng tử vong cao, tốt nhất là nên chuyển tuyến xuống Hà Nội điều trị, gia đình vừa lo lắng vì bệnh tình của cháu, lại càng lo lắng hơn về chi phí điều trị. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên gia đình phải xin ở lại để thu xếp. Tất cả số tiền mà gia đình có được lúc ấy là 5 triệu đồng từ tiền cắm chiếc xe máy cũ. Vậy mà, trên đường xuống Bệnh viện lại bị rơi mất gần 3 triệu đồng. May mắn thay, cháu có thẻ BHYT dành cho người dân tộc thiểu số. Đúng là phao cứu sinh của gia đình, nhờ có BHYT, cháu nó được chi trả 100% viện phí.

BHYT - lúc khỏe tích lũy cho lúc đau

Khám, chữa bệnh có BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí y tế (trong trường hợp đúng tuyến) nhưng vẫn có nhiều người không mặn mà với việc mua thẻ BHYT. Có người thì chủ quan nghĩ mình khỏe mạnh, không ốm đau; có người lại tiếc rẻ vài trăm nghìn đồng để rồi đến khi ốm đau mới thấy BHYT quan trọng.

Anh Nguyễn Xuân Hải ở khu 2, thị trấn Thác Bà (Yên Bình) từng mắc bệnh xơ gan và viêm phổi cấp vài năm trước nhưng sau đó bệnh tình ổn định, anh không mua BHYT nữa. Gần đây, bệnh cũ tái phát và chuyển biến xấu, anh vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để điều trị. 12 ngày nằm viện không có BHYT, anh phải chi trả gần 5 triệu đồng tiền túi.

Anh Hải tiếc nuối: “Mua cái thẻ BHYT mất 650.000 đồng thì tiếc tiền, giờ lại phải bỏ ra gần 5 triệu đồng. Có cái thẻ BHYT thì chỉ phải chi trả có gần 1 triệu đồng thôi. Sau đợt này về, tôi không dám chủ quan với bệnh tật nữa, nhất định phải có thẻ BHYT phòng thân”.

Mặt khác, nhiều người lại không mua BHYT vì cho rằng quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT còn bị giới hạn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thực tế, các dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế xây dựng trong Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT đãtính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết để điều trị, người dân sẽ không phải nộp tiền để mua thêm trang thiết bị y tế, thuốc men…

Một số dịch vụ kỹ thuật cao bị giới hạn mức thanh toán. Tuy nhiên, mức thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật cao đã có sự thay đổi theo hướng có lợi cho người tham gia BHYT. Trước đây, người tham gia BHYT từ 6 tháng trở lên mới được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao nhưng nay người tham gia BHYT được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng. Mức thanh toán của các dịch vụ trên trước đây là không quá 7 triệu đồng cho một lần sử dụng dịch vụ, nay nâng lên không quá 48,4 triệu đồng/lần.

Bên cạnh đó, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm hơn 6 tháng lương cơ sở sẽ được quỹ BHYT chi trả 100% (trừ trường hợp khám chữa bệnh không đúng tuyến). Trường hợp người tham gia BHYT không may mắc bệnh phải đi cấp cứu tại các bệnh viện không phải là nơi người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu thì vẫn được quỹ BHTY chi trả như đi khám bệnh đúng tuyến (100% mức hưởng theo quy định).

Trường hợp không khám cấp cứu thì quỹ BHYT thanh toán 40% khi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến trung ương; 60% bệnh viện tuyến tỉnh và 100% mức hưởng khi đi khám ở bệnh viện tuyến huyện. Thậm chí, nếu tham gia BHYT hộ gia đình sẽ có nhiều ưu đãi trong việc giảm trừ mức đóng. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ bản (653.000 đồng/12 tháng/người) nhưng từ người thứ 2 đến thứ 5 trong gia đình sẽ được giảm dần: 60% - 50% - 40% mức đóng của người thứ nhất. Như vậy, chính sách BHYT hiện nay rất ưu việt với người bệnh, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người bệnh khám, chữa bệnh.

Nhờ có thẻ BHYT, chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Đồng Xoẹt, xã Đông Cuông (Văn Yên) và gia đình đã bớt đi nỗi lo về chi phí điều trị bệnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Luật BHYT và hoàn thành lộ trình BHYT toàn dân, chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 18/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, ngày 26/10/2016, UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Công văn số 2457/UBND-VX chỉ đạo các ngành, các cấp, UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức thực hiệm đảm bảo chỉ tiêu phát triển BHYT toàn dân từ năm 2017 đến năm 2020.

Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường, tích cực thực hiện các giải pháp phấn đấu đến năm 2020 trên 90,5% người dân tham gia BHYT.

Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; phổ biến chính sách pháp luật BHYT và các văn bản hướng dẫn đến người dân, người lao động trong mọi thành phần kinh tế bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, dễ nhớ, dễ hiểu; tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT cho nhân dân, đảm bảo sự hài lòng của người bệnh, đảm bảo đầy đủ quyền lợi hợp pháp của người tham gia BHYT…

Tham gia BHYT chính là con đường chính thức và cứu cánh giúp cho người dân khi đi khám, chữa bệnh chi ít tiền túi nhất dù có thể cả năm không dùng đến nó.

Hoài Anh - Thu Hạnh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục