Ngày mới ở Táng Khờ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/6/2017 | 6:49:56 AM

YBĐT - Khu tái định cư Táng Khờ 1 nằm giữa lưng chừng núi, phía đầu nguồn của Nhà máy Thủy điện Vực Tuần. Bản nhỏ này là nơi định cư của 73 hộ dân Làng Lao của xã Cát Thịnh. Gần 6 năm "xuống núi", giờ đây, khu tái định cư Táng Khờ 1 đã nhiều đổi khác.

Toàn cảnh bản định cư Táng Khờ.
Toàn cảnh bản định cư Táng Khờ.

Chúng tôi đến khu tái định cư Táng Khờ 1 vào một buổi sáng khi sương trên đỉnh núi còn chưa tan. Con đường từ trung tâm xã Cát Thịnh vào tới khu tái định cư này dài chừng 10 cây số đã được Nhà nước đầu tư mở rộng, có nhiều đoạn còn được bê tông chắc chắn, xe máy chạy bon bon trên đường mà cứ ngỡ như trong mơ. Hai bên đường, những đóa hoa rừng tím biếc như tô điểm thêm sắc màu cho cảnh vật nơi đây.

Quả thật, phong cảnh đẹp như một bức tranh! Thi thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những người dân dắt ngựa đi làm nương. Ánh nắng mặt trời đã ló rạng trên đỉnh núi, nhưng cái lạnh vẫn ngấm vào da thịt khi khoác trên mình chiếc áo mỏng. Làng Lao là bản xa xôi và khó khăn nhất của xã Cát Thịnh cũng như của huyện Văn Chấn.

Trước đây, bản cách trung tâm xã 35 cây số, nằm giáp ranh giữa huyện Phù Yên (Sơn La) và xã Làng Nhì huyện Trạm Tấu. Đường lên bản rất khó khăn, phải đi bộ luồn theo đường rừng, nhiều đoạn phải vượt qua lớp đá tai mèo sắc nhọn.

Nhớ lại gần chục năm trước, lên Làng Lao là cả một thử thách, nhất là vào ngày mưa, bởi chẳng có gì thay thế nổi đôi chân cuốc bộ. Con đường độc đạo từ thị tứ Ba Khe lên Làng Lao xa lắc với những lối mòn cheo leo trên đỉnh các ngọn núi, miệng vực, lòng khe. Chỗ rộng nhất chỉ khoảng 80 cm, chỗ hẹp chỉ vừa một người đi. Nhiều đoạn dốc đầu gối chấm trán, hay nhiều đoạn đường chỉ là mấy cây gỗ gá ngang qua miệng vực nên sảy chân là nguy hiểm khôn lường. Cũng bởi Làng Lao không đường, không trường, không trạm và không có điện, cuộc sống lại chủ yếu là tự túc tự cấp, nên cả thôn đều là hộ nghèo.

Được sự vận động của chính quyền xã, huyện, bà con người Mông nơi đây đã "xuống núi" định cư để thuận lợi hơn trong việc làm ăn sinh sống. Theo một già làng trong bản thì: "Cây thuốc phiện là cây trồng chủ yếu của người Mông trước đây mà ta còn bỏ được thì việc này có khó khăn gì".

Ấy vậy mà, ngày đó nhiều người vẫn còn ngần ngại với nỗi lo nương rẫy, đất sản xuất, khí hậu... nên chần chừ.

Bây giờ, đời sống cũng khấm khá hơn, có đường, có trường, có lớp, con em đã được đến trường học cái chữ nên người dân cũng yên tâm hơn. Vượt qua con dốc cao chót vót, chúng tôi ghé vào một ngôi nhà nhỏ ven đường - nơi có chiếc loa phóng thanh treo ở đầu ngõ. Một người đàn ông trung niên đang miệt mài với mớ giấy tờ ngổn ngang trên chiếc bàn nhỏ ngừng tay nhìn khách với vẻ dò xét. "Các anh vào bản có việc gì không?".

Khi nghe chúng tôi trình bày, anh mới cười ồ và mời khách vào nhà. Qua lời giới thiệu, chúng tôi biết anh là Sùng A Dơ - Trưởng bản Táng Khờ. Vừa dọn dẹp giấy tờ trên bàn làm chỗ tiếp khách, Sùng A Dơ vừa phân trần: "Làm cái chức trưởng bản này cũng mệt lắm! Có ngày ngồi đọc văn bản và giải quyết xong công việc là hoa hết cả mắt các anh ạ!".

Chúng tôi hỏi anh về đời sống người dân sau gần 6 năm "xuống núi", Sùng A Dơ hào hứng hẳn lên. Anh nói một thôi một hồi rằng, từ ngày về đây, người dân như có cuộc sống mới. Những thửa ruộng bậc thang ở đây màu mỡ, thuận lợi cho việc canh tác. Cả thôn có 8,3 ha lúa nước, 40 ha lúa nương và trên 60 ha rừng kinh tế.

Bản định cư (Táng Khờ mới) nằm cạnh bản (Táng Khờ cũ) đã có người Mông sinh sống từ lâu. Những hộ dân cũ và mới đều vui sống đoàn kết, yêu thương nhau như người trong nhà. 73 hộ với 470 nhân khẩu, tuy giàu nghèo khác nhau, nhưng mỗi lần nhà nào có chuyện vui, chuyện buồn cũng đều được mọi người đến chia sẻ. Có một số hủ tục, họ cùng nhau họp lại bàn bạc để tìm cách sửa đổi. Ấy chính là điều làm nên cái mới ở nơi tái định cư này.

"Ngày xưa sống trên núi cao, bây giờ về lại sống cùng một bản, ở cùng một ngọn đồi, uống chung một nguồn nước nên phải đoàn kết thôi" - Trưởng bản Sùng A Dơ rút ra một đúc kết đầy tính triết lý.

Giao thông thuận lợi, nhiều hộ dân ở bản Táng Khờ mới, mua xe máy làm phương tiện đi lại.

Mặt trời đã lên cao, bên đường một số phụ nữ đã bắt đầu gùi những lù cở măng sặt về nhà. Đặt chiếc lù cở bên đường, chị Sùng Thị Dung nói bằng tiếng Kinh câu được câu chăng: "Tuy là nó tự mọc ở rừng nhưng đưa được cái măng này về đến nhà thì không dễ đâu. Khi gà gáy đã lên rừng hì hục đào mãi mới được từng này. Đây là lấy ở nương của mình, chứ đi lấy ở rừng thì lúc về đến nhà con gà đã đi ngủ".

Chúng tôi đã được thưởng thức món ăn này trên một số bản vùng cao nên rất hiểu. Trời mùa xuân tiết trời se lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng của dân bản để ăn món măng sặt nướng thật ngon và khoan khoái không sao tả hết được. Nhìn những ngọn măng to bằng ngón chân cái, mũm mĩm được lấy từ rừng về cách nhà 5 - 10 cây số mới hiểu nỗi vất vả của bà con.

Mùa chít thì lấy chít, mùa măng thì lấy măng, còn lại người dân Táng Khờ  quanh quẩn bên nương rẫy. Có một điều anh Trưởng bản còn day dứt ấy là tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao. Cuộc sống người dân chỉ biết dựa vào cây lúa, ngọn rau trên rừng nên chưa khấm khá lên được. Buộc lòng đến mùa vụ họ lại phải quay về nơi ở cũ để trồng cấy và thu hoạch. Tuy nhiên, khi nói về chăn nuôi thì ánh mắt anh lại chứa đầy niềm hy vọng.

Anh cho hay, nhiều hộ như ông Chảo Dủ Đế; Hờ A Giống đều có gần 20 con trâu, ngựa. Ban ngày họ thả trâu vào rừng, ban đêm lại đưa về nhốt và cho ăn thêm cỏ voi. Cách nuôi chỉ đơn giản là vậy, nhưng đàn trâu của nhà nào nhà nấy đều no tròn, béo mũm như quả mua khổng lồ. Đối với những người dân, đó là một khối tài sản lớn mà nhiều người mơ ước.

Đang ngồi nói chuyện với Trưởng bản Dơ, chợt chúng tôi nghe vang lên tiếng khèn trầm bổng cách không xa. Tiếng khèn mỗi lúc một réo rắt như thúc giục mọi người cùng đến vui hội. "Tiếng khèn của Sùng A Dinh đấy! Nó là thanh niên mà đam mê cái nhạc dân tộc Mông lắm!" - Sùng A Dơ gật gù cái đầu.

Vậy là, chúng tôi nhanh chân theo Trưởng bản đến bãi đất trống cạnh nhà sinh hoạt cộng đồng - nơi Sùng A Dinh đang say sưa thổi khúc nhạc gọi bạn. Sinh năm 1999, Sùng A Dinh vừa học xong lớp 11 ở Trường THPT Văn Chấn. Nghỉ hè, em về nhà giúp bố mẹ làm nương. Lúc rảnh rỗi em thường nhờ mọi người dạy cho những bài khèn truyền thống. "Văn hóa của dân tộc mình thì làm sao mà bỏ được!" - Sùng A Dinh vui vẻ nói.

Các bé mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi ở bản Táng Khờ trong giờ nghỉ trưa.

Cuộc sống nơi bản mới đã phát triển. Con em cũng đã có cái chữ rồi, nhưng theo Trưởng bản Dơ thì vẫn còn khó khăn lắm. Được sống gần nhà máy thủy điện nhưng cả bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Bà con nơi đây lúc nào cũng chỉ ước mơ đến một ngày được xem ti vi, được ngồi hóng mát trước cây quạt điện, trẻ con học bài không phải cắm cúi trong ánh đèn dầu.

Chỉ tay về hướng ti vi, loa đài được kê ở giữa nhà, Trưởng bản Sùng A Dơ cho biết: “Mấy cái này mình mua về cũng chỉ để trưng bày là chính, chứ chả mấy khi được sử dụng đến”.

Không có điện, cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn lại càng trở nên vất vả, nhất là mỗi khi có công có việc lớn như ma chay, cưới hỏi... Không những thế, muốn phát triển sản xuất như chăn nuôi, chế biến nông, lâm sản, người dân cũng không thể thực hiện. Việc tiếp nhận các thông tin, chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mới của Đảng và Nhà nước qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng vì thế mà hạn chế.

Chúng tôi chia tay Táng Khờ khi ông mặt trời đã dần xuống núi. Đàn trẻ thơ ríu rít nói cười trên đường tan học làm rộn lên không gian im lặng của bản. Đâu đó, tiếng khèn vẫn còn ngân vang hòa tan vào núi rừng.

Quang Thiều
Táng Khờ tháng 5/2017

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục