Hành trình tuổi trẻ về địa chỉ đỏ

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/7/2017 | 8:09:50 AM

YBĐT - Địa chỉ đỏ đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là Ngã ba Đồng Lộc - cái tên mà chỉ cần nhắc tới thôi khiến ai cũng nghĩ ngay tới cụm từ “tọa độ chết”...

Thế hệ trẻ Đoàn khối các cơ quan tình nguyện nỗ lực rèn luyện trong học tập và công tác xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. (Ảnh: Trần Minh)
Thế hệ trẻ Đoàn khối các cơ quan tình nguyện nỗ lực rèn luyện trong học tập và công tác xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh. (Ảnh: Trần Minh)

>> Hành trình “địa chỉ đỏ” miền Trung của tuổi trẻ Khối cơ quan tỉnh Yên Bái

Trong bản hòa tấu phát triển của dân tộc, của đất nước thì Tháng Bảy hàng năm luôn là một nốt trầm để mỗi người dân Việt Nam lắng lại, tìm về ký ức một thời hoa lửa của dân tộc, dành phút mặc niệm tưởng nhớ đến bao lớp người ngã xuống, bao người mất đi một phần thân thể cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Trong nốt trầm ấy, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái đã có một hành trình về với những địa chỉ đỏ ở miền Trung ruột thịt, không chỉ là một lời tri ân Tháng Bảy mà đó còn là chuyến đi để bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ.

Hành trang của chúng tôi - 24 đoàn viên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh mang theo chuyến hành trình là trọn tấm lòng tri ân với hàng vạn người con đất Việt anh dũng hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Chiếc xe khởi hành trong niềm phấn khởi, hào hứng của các bạn đoàn viên. Cả một chặng đường dài trên xe luôn rộn ràng những khúc hát ca ngợi người chiến sỹ, những cô gái thanh niên xung phong, tình yêu đôi lứa đan trong tình yêu quê hương, đất nước đã xua tan mỏi mệt, làm đường xa như gần lại.

Địa chỉ đỏ đầu tiên trong hành trình của chúng tôi là Ngã ba Đồng Lộc - cái tên mà chỉ cần nhắc tới thôi khiến ai cũng nghĩ ngay tới cụm từ “tọa độ chết”. Tháng Bảy, trời Đồng Lộc nắng chói chang, nóng gay gắt nhưng không ngăn được bước chân của dòng người tri ân những nữ anh hùng liệt sỹ. Trong phòng chờ, chúng tôi cùng xem những thước phim lịch sử về Ngã ba Đồng Lộc, về 10 cô gái thanh niên xung phong.

Thế hệ trẻ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh dâng hoa tại Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Trần Minh)

Những thông tin ấy chúng tôi đều đã được học, được đọc nhưng sao ở đây lại khiến cay cay khóe mắt. Phải chăng mỗi mét vuông đất ở Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu đến 3 quả bom tấn nên nhuộm màu anh dũng và sự hy sinh, đã cho chúng tôi cảm xúc như vậy. Trong đoàn, có người lần đầu tới đây, có người vài ba lần nhưng đến đây, đến với 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc ai cũng dưng dưng, ai cũng thấy mình thật nhỏ bé với sự hy sinh to lớn của các chị.

Từ phòng chờ, chúng tôi di chuyển qua khu mộ của các chị mà cứ văng vẳng mãi câu thơ với giọng Hà Tĩnh run run của anh hướng dẫn viên: “Cúc ơi! Em ở đâu?/ Đất nâu lạnh lắm/ Da em xanh/ Áo em thì mỏng!/ Cúc ơi! Em ở đâu?/ Về với bọn anh tắm nước sông Ngàn Phố/ Ăn quýt đỏ Sơn Bằng/ Chăn trâu cắt cỏ/ Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ/ Gối còn thêu dở/ Cơm chiều chưa ăn/ Ở đâu hỡi Cúc?/ Đồng đội tìm em/ Đũa găm cơm úp/ Gọi em/ Gào em/ Khan cổ cả rồi/ Cúc ơi!”.

Cô gái nhỏ tuổi nhất đoàn, Nguyễn Thanh Vân đến từ Chi đoàn Văn phòng Tỉnh ủy xúc động: “Bài thơ ấy gợi cho em cảm xúc mạnh. Các chị hy sinh lúc ấy tuổi đời còn ít hơn em bây giờ. Ngực em nghèn nghẹn, khó thở quá!”.

Tôi hiểu cảm xúc của Vân, bởi chính bản thân tôi cũng đang như vậy. Đã là người con đất Việt, ai cũng biết tới những mốc son lịch sử, những con người, vùng đất trở thành biểu tượng của tinh thần quả cảm, đấu tranh cho độc lập. Nhưng có lẽ được đi dưới trời Đồng Lộc, được hít thở không khí ở Đồng Lộc, đặc biệt được đi trên mảnh đất này thì những bài học lịch sử đã ra khỏi sách vở, được cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết.

So với lớp thanh niên ngày nay, thanh niên của nửa thế kỷ trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh phong phú, không tự do nhiều vẻ nhưng lại trong sáng, thánh thiện đến lạ kỳ.

Không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết, nhưng Tổ quốc đang trong cơn nguy biến, cần đến sự dốc sức của tất cả mọi người, vì vậy, họ sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn lòng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Bài học này, sự hy sinh này mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo.

Tạm biệt Đồng Lộc, tạm biệt các chị, chúng tôi tiếp tục chuyến đi bồi đắp tâm hồn với địa chỉ đỏ “Thành cổ Quảng Trị”. Uống nước nhớ nguồn đã là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, những ngày Tháng Bảy này, Thành cổ Quảng trị nườm nượp những đoàn về thăm viếng.

Chúng tôi những màu áo xanh thanh niên hòa chung vào với dòng người vào Thành cổ Quảng Trị để nghe về những lá thư Thành cổ, để chìm đắm vào ký ức mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm năm 1972, mà ở đó là đỉnh cao của khốc liệt chiến tranh, của đau thương mất mát, của sự anh dũng phi thường. Hơn cả, để bồi đắp vào ý chí phấn đấu vươn lên, để thấy được trách nhiệm tuổi trẻ của mình đối với nền độc lập dân tộc, đối với sự phát triển của dân tộc. Khẽ bước chân trong hương trầm khói tỏa, chúng tôi như đang hòa mình vào với Thành cổ.

Câu chuyện về những lá thư Thành cổ khiến chúng tôi nhớ tới nhật ký của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc và liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm. Bởi ai cũng cảm nhận được rằng, những câu chuyện đều giống nhau ở ý chí quyết tâm và khát vọng tuổi trẻ giành độc lập dân tộc.

Đứng giữa Thành cổ, hướng lên tượng đài, đoàn viên Hoàng Văn Luân đến từ Chi đoàn Sở Kế hoạch và Đầu tư khẽ đọc câu thơ: “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ Tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”.

Rồi quay sang nói với người bạn đồng hành: “Tuổi hai mươi của các anh, các chị đã dành trọn cho Tổ quốc. Và tuổi hai mươi của tôi sẽ thật ý nghĩa, xứng đáng với sự hy sinh này; bởi không chỉ có chiến tranh mới có cơ hội dành trọn tuổi hai mươi cho Tổ quốc mà ngày nay. Chỉ cần ta rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc trong công tác chuyên môn, học tập, nghiên cứu để đưa ra nhiều sáng kiến trong công việc, nêu cao tinh thần tuổi trẻ trong các hoạt động an sinh xã hội là góp phần xây dựng quê hương đất nước, là tuổi hai mươi thật ý nghĩa rồi”.

Điều của Luân nói vốn lớp trẻ chúng tôi ai cũng hiểu nhưng đến với những địa chỉ đỏ thì suy nghĩ ấy mới bật ra thành lời nói và càng thêm quyết tâm hơn.

Người ta thường nói: “Về Quảng Trị Tháng Bảy - mùa tri ân, sẽ thấu hiểu vì sao Quảng Trị là đất thiêng, sẽ thấu hiểu những giá trị mà những anh hùng liệt sỹ ngày hôm qua đã tạo nên”. Đúng vậy! Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không có gì có thể đo đếm được.

Đoàn viên, thanh niên Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. (Ảnh: Trần Minh)

Giờ đây, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9… bạt ngàn những ngôi mộ, người có tên, người mang tên hình của đất nước. Bởi vậy, hành trình về với địa chỉ đỏ miền Trung của chúng tôi không thể bỏ qua Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn. Quá trưa, nắng cháy mà dòng người đổ về không ngớt.

Chúng tôi theo dòng người dâng hương, dâng hoa tại tượng đài chính. Rồi khẽ len qua những hàng mộ dài xa tít, tìm tới với những người con quê hương Yên Bái đã mãi mãi nằm xuống cho nền hòa bình dân tộc.

57 phần mộ, 56 cái tên và một mang tên hình của đất nước. Tuổi trẻ của các anh đã gửi lại vào những năm tháng chiến tranh, bom đạn, những gian khó thời chiến. Họ ra đi, mang niềm tin và hoài bão, ước mơ của tuổi xuân.

Họ đã sống và chiến đấu tới hơi thở cuối cùng cho dù trong khúc ca khải hoàn của ngày mai chiến thắng sẽ chẳng có mình. Các anh nằm yên nghỉ giữa bầu trời xanh thẳm bình yên, giữa những rừng thông bát ngát như trong vòng tay mẹ che chở, ấp ôm.

Lời tri ân tại khu phần mộ các liệt sỹ tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Đức Hậu - Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh thay mặt tuổi trẻ các cơ quan tỉnh hứa: “Tuổi trẻ Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Yên Bái nguyện tiếp tục học tập, rèn luyện, phấn đấu góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh”.

Đáp lại lời hứa thiêng liêng ấy, trong làn khói nhang bay lên từ đốm lửa, dường như linh hồn những người lính như đang nói rằng, hãy sống vì Tổ quốc bởi Tổ quốc thiêng liêng và bất diệt.

Chia tay các anh, các chị chúng tôi ra về mang theo lòng biết ơn sâu sắc vì sự hy sinh và công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Qua đó, càng củng cố niềm tin vào con đường mà Đảng và Bác đã chọn, quyết tâm đem sức trẻ xây dựng quê hương, đất nước như liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: "Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...".

Thanh Ba

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục