Ngày mới Bản Hốc

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/8/2017 | 8:07:11 AM

YBĐT - Hỏi chuyện về Bản Hốc, ông Vũ Xuân Hải - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn "khoe” ngay: "Địa hình bằng phẳng, lại được suối Nhì bao bọc quanh năm tươi mát, đất đai trù phú, thiên nhiên còn ưu đãi có suối nước nóng, cộng với nét văn hóa đồng bào Thái. Bản Hốc là nơi tiềm năng hiếm có đấy!”.

Một số hộ dân Bản Hốc đầu tư xây dựng nhà sàn để làm du lịch.
Một số hộ dân Bản Hốc đầu tư xây dựng nhà sàn để làm du lịch.

Vậy là, chúng tôi đến thôn Bản Hốc. Từ quốc lộ 32, chỉ mấy phút đồng hồ đi xe máy, thôn Bản Hốc hiện ra với những ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ, lợp phi-prô-xi măng ẩn hiện trong những vườn cây xanh tốt, cảm giác thật gần gũi, bình yên. Phía xa, núi Lán Hiên trầm mặc, bí ẩn như văn hóa người Thái, vừa hấp dẫn vừa sâu thẳm, thu hút những ai ưa khám phá, ưa mạo hiểm.
 
Đưa chúng tôi đi một vòng, Trưởng thôn Sa Văn Hướng giới thiệu: "Thôn mình có từ rất lâu rồi, ngay từ nhỏ, bố mình bảo, ông bà tổ tiên mình về định cư ở đây nhiều đời. Trước, đời sống dân mình khó khăn lắm đấy nhưng nay được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cuộc sống bà con đã thay đổi rất nhiều!”.

Từ những hộ người Thái ban đầu về khai phá, đến nay, thôn Bản Hốc đã là nơi quần cư sinh sống của 142 hộ dân với 563 nhân khẩu, trong đó người Thái chiếm 90%. Qua câu chuyện với Trưởng thôn Sa Văn Hướng được biết, thực hiện cuộc vận động xóa đói giảm nghèo của Đảng, hạ tầng nhất là giao thông, điện lưới quốc gia được đầu tư. 

Trên 16 ha ruộng lúa nước nơi đây được bà con gieo cấy bằng các giống lúa năng suất cao, nên năng suất lúa hai vụ đạt trên 8 tấn/ha. Cùng cây lúa, bà con đã đẩy mạnh thâm canh rau màu ở 20 ha đất soi bãi, đồng thời tích cực trồng cây ăn quả, trồng rừng và đẩy mạnh chăn nuôi.
 
Điều đáng mừng, từ khi có chợ Cửa Nhì và phục vụ những hộ làm du lịch, sản phẩm bà con làm ra như mớ rau, con cá, con gà... đã trở thành hàng hóa, tạo nguồn thu nhập cho người dân. Vì vậy, số hộ nghèo giảm nhanh, còn 44 hộ.
 
Thực hiện xây dựng đời sống mới, gắn với mục tiêu đưa thôn Bản Hốc thành khu du lịch cộng đồng làng Thái cổ, những năm qua, nhân dân đã hiến 2.000 m2 đất và chặt nhiều cây cối để cùng Nhà nước bê tông hóa 1.500 m đường liên thôn, nội thôn. 

Hơn thế, được sự vận động của chính quyền và các đoàn thể địa phương, bà con đã đầu tư làm nhà sàn truyền thống giữ nét văn hóa của dân tộc Thái. Hàng tuần, đều tổ chức lao động tập thể để quét dọn nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường khu vực mình sinh sống bảo đảm xanh, sạch, đẹp.

Dừng chân tại ngôi nhà sàn, trước sân có sàn Hạn Khuống, phía trước cổng có dựng tấm biển lớn in dòng chữ "Điểm dừng Tây Bắc - Hội Thái đêm xòe giao duyên Hạn Khuống - Chuyên ẩm thực dân tộc Thái”.
 
Anh Hướng giới thiệu, đây là nhà của gia đình anh Vi Quang Thuật, một trong 6 hộ dân trong thôn đã thôi hẳn công việc đồng áng để chuyên tâm làm du lịch.
 
Qua câu chuyện với anh Thuật được biết, khách đến du lịch hay nghỉ dưỡng tại đây, gia đình hướng dẫn du khách tắm khoáng nóng, sửa soạn nơi ăn, chỗ nghỉ và chuẩn bị những món ăn đặc sắc của dân tộc mình để phục vụ. Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Thái đặc sắc, cùng ngôi nhà của mình, anh Hướng vừa xây dựng thêm sàn Hạn Khuống để tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Sau một hồi lòng vòng thăm Bản Hốc, chúng tôi về suối nước nóng để đắm mình trong dòng nước khoáng. Kỳ lạ, như có phép màu, mọi mệt nhọc của chuyến công tác mấy ngày ở miền Tây trong người tan biến. Theo lời mời, chúng tôi về nhà trưởng thôn Hướng dùng bữa tối. Thì ra, gia đình trưởng thôn cũng là một trong những hộ đầu tiên tham gia làm dịch vụ du lịch.
 
Chúng tôi cùng thưởng thức những món đặc sản của đồng bào Thái do gia đình anh Hướng chế biến. Nào là món pắc lửng chụp (rau xôi tổng hợp), rồi pa tỉnh tộp (cá suối nướng), đến mọc mác pi (nộm hoa chuối). Tiếp theo đó là các món gần gũi nhưng được chế biến rất công phu như: gà đồi hấp lá chanh, thịt lợn băm gói lá nướng, cá chép nướng, xôi thập cẩm, thịt lợn nướng, thịt lợn hun khói, thịt sấy, cá suối mọc hoa chuối, vịt om hoa chuối... 

Món nào cũng ngon, đậm đà bản sắc dân tộc Thái. Đồ ăn ngon cộng với rượu gạo men lá thơm lừng khiến câu chuyện phát triển kinh tế, làm du lịch công đồng ở thôn Bản Hốc giữa chúng tôi nổ như pháo rang.
 
Anh Hướng tâm sự: "Mình mới làm du lịch được mấy năm, trước đây, hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn khắp nơi vất vả lắm. Được sự giúp đỡ của anh em bạn bè và động viên của xã, mình dựng ngôi nhà sàn này làm nơi ở và làm nơi lưu trú cho khách. Gia đình mình cũng như các hộ làm du lịch ở thôn luôn cố gắng tìm tòi, thể hiện những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa dân tộc để phục vụ du khách tốt nhất”.

Cũng như nhiều thôn, bản văn hóa cộng đồng người Thái ở khu vực Tây Bắc, thông qua các món ẩm thực, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ và sinh hoạt đã có nhiều khách tham quan lưu trú và trở lại Bản Hốc cùng với anh em, bạn bè.
 
Để thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, gia đình anh Hướng và các hộ dân đang cố gắng xây dựng bản làng văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc và đa dạng hóa các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, cũng như điểm làm du lịch cộng đồng trong vùng, điểm hạn chế nhất là kỹ năng làm du lịch, điều này xuất phát do người dân Bản Hốc còn nghèo. Nhiều gia đình mong muốn làm du lịch nhưng không có điều kiện đầu tư, do đó tính cộng đồng, tính liên kết  không cao.
 
Bên cạnh đó, dù được cải thiện nhưng do điều kiện kinh tế và nếp sống cũ mà nhiều nhà dân vẫn chưa làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Có tiềm năng đặc sắc là nước nóng nhưng do chưa được đầu tư đúng mức nên chưa thu hút được du khách.

 
Điểm du lịch của gia đình anh Sa Văn Hướng đã là nơi dừng chân của nhiều du khách.
 
Trên thực tế, trong xây dựng du lịch cộng đồng, yếu tố cốt yếu là phải duy trì được nét văn hóa truyền thống đặc sắc trong ứng xử, trong duy trì nét văn hóa bản địa. Mặc dù đã khôi phục nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, duy trì đội văn nghệ... nhưng những hoạt động này chưa đều, chưa bài bản, chưa có sản phẩm cụ thể nên chưa tạo dựng được sự chú ý để thu hút, níu chân du khách.

Thời gian ở đây, được chứng kiến những đổi thay và những ước vọng của người dân nơi đây, trong tôi tràn ngập niềm ao ước. Giá như tất cả những ngôi nhà ở Bản Hốc không bê tông, xi măng, mà đều là những ngôi nhà sàn xinh xắn. Thấp thoáng bên khung cửa sổ nhà sàn, bóng những cô gái Thái trang phục áo cỏm, khăn phiêu, má đỏ hồng để khi về lòng ai còn lưu luyến.
 
Vào đây, từ xa đã được nghe tiếng thoi dệt vải lách cách và những câu hát trữ tình của người Thái, để khi về có chiếc khăn tay, chiếc gối nhỏ, chiếc vòng bạc... làm kỷ niệm. Giá như cùng những món ngon chúng tôi được thưởng thức, đường giao thông và nhất là điểm tắm nước nóng được đầu tư xứng tầm.
 
Bên cạnh suối nước nóng có thể điểm trang thêm vài cọn nước kẽo kẹt, để khách chụp hình "tung lên” Facebook khoe với bạn bè! Có được tất cả những điều ấy, chắc chắn Bản Hốc sẽ là điểm dừng chân ấn tượng của mỗi người khi đến với miền Tây Yên Bái. Chắc chắn trong số đó, có tôi!

Đình Tứ

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục