Sạt bờ sông Chảy: Dân mất đất, sản xuất khó khăn

  • Cập nhật: Thứ sáu, 15/9/2017 | 7:00:44 AM

YBĐT -  Vùng bưởi Đại Minh, Hán Đà những ngày này chuẩn bị vào chính vụ. Bưởi là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Là thôn trồng nhiều bưởi nhất, bưởi được mùa, được giá, lý ra bà con  thôn Quyết Tiến 12 phải vui mừng nhưng những ngày qua, bao trùm toàn thôn là sự lo lắng, bức xúc khi nhiều cây bưởi đang có nguy cơ trôi theo dòng nước do bờ sông Chảy bị sạt lở.

 

Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm bị thiệt hại do sạt lở.
Vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm bị thiệt hại do sạt lở.

 Những bãi soi màu mỡ, vườn bưởi dọc sông Chảy vốn là nguồn sống của hàng trăm hộ dân thuộc các xã Đại Minh, Hán Đà, huyện Yên Bình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bờ sông Chảy bị sạt lở, nhiều hộ dân bị mất cây cối, hoa màu, đất sản xuất, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống.

Vùng bưởi Đại Minh, Hán Đà những ngày này chuẩn bị vào chính vụ. Thôn Quyết Tiến 12, xã Đại Minh được biết đến là một trong những thôn tập trung nhiều diện tích bưởi nhất với 7,2 ha, trong đó có những cây vài chục năm cho mỗi vụ vài trăm quả. 

Đây là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Bưởi được mùa, được giá, lý ra bà con nhân dân phải vui mừng nhưng những ngày qua, bao trùm toàn thôn là sự lo lắng, bức xúc khi nhiều cây bưởi đang có nguy cơ trôi theo dòng nước do bờ sông Chảy bị sạt lở.
 
Theo bà Trần Thị Tuyết - Trưởng thôn Quyết Tiến 12, từ khi có các công ty về khai thác cát, sỏi tại đây thì các bãi soi, đất canh tác của người dân bắt đầu bị sạt lở. Đặc biệt, thời gian gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra liên tiếp với mật độ dày hơn. Đến ngày 6/9/2017, toàn thôn đã có 6.790 m2 đất sạt lở, 257 cây bưởi bị thiệt hại.

Để mục sở thị, chúng tôi tìm đến vườn bưởi của gia đình anh Nguyễn Ngọc Khiêm ở thôn Quyết Tiến 12 vừa bị sạt lở cách đây không lâu. Chỉ tay về phía cây bưởi hơn ba chục năm tuổi đang nằm dưới đáy sông, anh Nguyễn Ngọc Khiêm đau xót: "Vườn bưởi có 35 cây trên ba chục năm tuổi này tôi đã bán cho thương lái với giá 100 triệu đồng từ đầu vụ nhưng giờ đã bị sạt mất 25 cây, nguy cơ mất 10 cây còn lại là rất cao. Những cây bưởi này là nguồn thu chủ yếu, giờ mất đất, mất cây thì gia đình tôi biết sống sao?”.
 
Nhiều người dân nơi đây cho biết, sông Chảy ngày xưa vốn rất nông, thậm chí có thể lội qua. Tuy nhiên, từ khi các doanh nghiệp đưa máy móc, tàu thuyền về khai thác cát, sỏi thì nhiều đoạn sông trở nên sâu và rộng một cách đáng sợ. Theo tính toán của người dân, đoạn sông ít nhất phải sâu chừng 10 - 15 m. Việc khai thác cát đã khiến cho lòng sông rộng và sâu quá mức.

Từ thôn Quyết Tiến 12 ngược lên thôn Khả Lĩnh của xã Đại Minh, quãng đường gần 3 km dọc theo bờ sông Chảy, chúng tôi thấy nhiều tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động rầm rộ, kèm theo đó là những chiếc xà lan trọng tải hàng trăm mét khối neo đậu bên cạnh để chờ hàng. Tại thôn Khả Lĩnh, những bãi soi màu mỡ một thời như: Thủy Khẩu, Tơ Hồng gần như đã bị xóa sổ do sạt lở.
 
Bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Khả Lĩnh đau xót chỉ tay về phía bờ sông:  "Nhà tôi bị sạt mất 3 sào đất trồng bưởi, trồng ngô. May còn kịp chạy 20 gốc bưởi không thì cũng rơi xuống sông hết. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì đất đai, nhà cửa của chúng tôi cũng bị sạt lở hết”. 

Theo thống kê đến ngày 6/9/2017, thôn Khả Lĩnh có 15 hộ bị thiệt hại với 2.250 m2 đất sạt lở, 14 cây bưởi bị nước cuốn. Trưởng thôn Khả Lĩnh - ông Trần Quang Khải bức xúc: "Với tốc độ khai thác cát như hiện nay thì chẳng mấy chốc, toàn bộ bãi canh tác của người dân, khu nghĩa địa của thôn cũng xuống sông hết!”.

Bà Nguyễn Thanh Huyền - Chủ tịch UBND xã Đại Minh, huyện Yên Bình cho biết: "Hàng năm, tình trạng sạt lở bờ sông Chảy vẫn xảy ra nhưng mức độ rất nhỏ nhưng từ khi có các công ty khai thác khoáng sản vào hoạt động thì tình trạng sạt lở có phần tăng thêm, đặc biệt là từ đầu tháng 7/2017 đến nay trên địa bàn liên tục có mưa giông trên diện rộng cùng với việc từ ngày 18/8/2017, Nhà máy Thủy điện Thác Bà xả lũ để bảo đảm an toàn cho hồ chứa đã làm nước sông dâng cao cộng với nền đất yếu dẫn đến việc sạt lở diện tích đất soi bãi và gây ảnh hưởng đến diện tích đất trồng cây ăn quả lâu năm của hai thôn. Trước tình trạng sạt lở, xã Đại Minh đã có báo cáo gửi UBND huyện Yên Bình”.

Sau khi nhận được báo cáo của địa phương, UBND huyện Yên Bình đã ban hành Quyết định số 745/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản và sạt lở trên sông Chảy thuộc xã Yên Bình, Vĩnh Kiên, Hán Đà, Đại Minh và thị trấn Thác Bà. Ngày 23/8/2017, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra tại khu vực thôn Quyết Tiến 12 và thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh.
 
Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Kết quả kiểm tra trên khu vực sông Chảy đoạn qua địa phận các xã Hán Đà và Đại Minh do Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Trường Phát được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 1639/GP-UBND ngày 7/10/2010. Phía đối diện khu vực sạt lở là thôn Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ có Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng đô thị Phú Thọ đang khai thác cát, sỏi.
 
"Thời điểm kiểm tra vào sáng ngày 23/8/2017, nửa sông bên này thuộc khu vực thôn Quyết Tiến 12 và thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh không có hiện tượng khai thác khoáng sản ngoài địa điểm được cấp phép. Tại xã Đại Minh có 2 điểm sạt lở với tổng diện tích là 9.340 m2 với 271 cây bưởi bị thiệt hại...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Điển nói.
 
 
Tàu cuốc của các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi trên sông Chảy hoạt động hết công suất (Ảnh chụp lúc 15 giờ ngày 11/9/2017).

Sông Chảy là ranh giới chia đôi hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Nửa bên này sông đoạn chảy qua địa phận xã Hán Đà và Đại Minh của huyện Yên Bình do Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Trường Phát khai thác. Nửa bên kia sông thuộc xã Đông Khê, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ do Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng đô thị Phú Thọ khai thác. 

Trên một dòng sông thuộc địa bàn hai tỉnh lại giao cho hai công ty của hai tỉnh cùng khai thác khoáng sản nên đã xảy ra tình trạng "tranh đua” khai thác. Cát, sỏi là khoáng sản nằm sâu dưới lòng sông, theo quy luật của tự nhiên nếu một bên khai thác và một bên không khai thác thì một thời gian ngắn nước sẽ đẩy cát, sỏi từ phía không về phía bên đã khai thác. 

Những ngày đầu tháng 9/2017, trên sông Chảy đoạn qua địa phận xã Hán Đà và Đại Minh, chúng tôi thống kê có khoảng gần 50 tàu chở cát, sỏi loại trọng tải 200 tấn đến vận chuyển.

Những chiếc tàu cuốc, tàu hút cát thi nhau hoạt động hết công suất, những chiếc gầu to như những chiếc thùng sắt sục sâu xuống lòng sông từ 10 - 15 m tải cát, sỏi đổ vào khoang những chiếc tàu vận chuyển. Phía trên bờ những bãi ngô, những vườn bưởi đặc sản hàng chục năm tuổi của người dân lại sạt lở, bị nước cuốn trôi.
 
Để giải quyết dứt điểm hiện tượng trên thiết nghĩ, tỉnh Yên Bái cần phối hợp với tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc khai thác cát, sỏi của Công ty cổ phần Vật tư và Xây dựng đô thị Phú Thọ và Công ty cổ phần Khai thác và Chế biến khoáng sản Trường Phát có đúng thiết kế, công suất khai thác không.
 
Hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ cùng phối hợp mời các cơ quan chức năng của Trung ương về thăm dò địa chất, khoáng sản, điều tra, nghiên cứu, đánh giá trữ lượng để đưa ra mô hình khai thác cho phù hợp. Trước mắt, tạm dừng khai thác cát, sỏi tại các điểm đang sạt lở thuộc xã Đại Minh, Hán Đà và có biện pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường do quá trình khai thác cát, sỏi lòng sông gây nên. 
 
Nhóm phóng viên Kinh tế

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục