Bảo vệ trẻ khỏi “yêu râu xanh”

Kỳ I: Hãy lên tiếng!

  • Cập nhật: Thứ tư, 18/10/2017 | 11:15:15 AM

YênBái - YBĐT - Theo thống kê, trong ba năm gần đây, trung bình mỗi năm ở nước ta có trên 1.000 vụ xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em được ghi nhận, tức là cứ 8 giờ trôi qua lại có thêm một trẻ bị XHTD - những con số này cho thấy sự nhức nhối của nạn XHTD trẻ em.

18001776 – đường dây tư vấn miễn phí của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh là một trong những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về xâm hại tình dục trẻ em.
18001776 – đường dây tư vấn miễn phí của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh là một trong những địa chỉ tin cậy tiếp nhận thông tin về xâm hại tình dục trẻ em.

Phải nói ra!

Một ngày tháng 8 năm 2016, cuộc điện thoại của cô con gái 16 tuổi khiến chị T ở huyện Trấn Yên đang đi làm ăn xa nhà như sét đánh ngang tai: Con gái chị bị XHTD. Đau đớn hơn, kẻ làm hại con chị không ai khác lại chính là chồng chị. Cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, vất vả mà chị đang phải gắng gượng nhiều đến thế nào cũng chẳng cực bằng nỗi cay đắng, đớn đau mà chị vừa hay biết. Vì cuộc sống khó khăn, chị phải xa gia đình, xa ba cô con gái để đi làm thuê ở tỉnh khác, mong có tiền cho con ăn học. Vậy mà chị mới đi làm được nửa tháng đã xảy ra chuyện đau lòng này.
 
Đau đớn và đắng cay không gì tả hết nhưng sau khi nhận được tin dữ từ con gái, chị đã về tổ chức cuộc họp gia đình nói về hành vi của chồng mình và thống nhất biện pháp xử lý. Chồng chị đã thừa nhận thực hiện hành vi xâm hại con gái lớn và có hành vi dâm ô với cô con gái thứ hai 10 tuổi. Quyết định cuối cùng của gia đình là trình báo sự việc lên chính quyền xã.
 
Đau lòng và không muốn nhưng chị T đã lựa chọn nói ra sự việc, để chồng nhận ra hành vi sai trái và tội lỗi của mình. Như chị bảo, trước giờ, chồng chị vẫn là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn nhưng thỉnh thoảng có uống rượu. Sự việc lần này cũng là lần đầu do chồng chị uống rượu, không làm chủ được hành vi của mình. Đau lắm nhưng chị T và gia đình vẫn lựa chọn nói ra để giải quyết dứt điểm sự việc.

Không phải ai cũng dũng cảm được như chị!

 Đừng bao giờ im lặng!

Bác sỹ Lương Kim Đức - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: "Trẻ em là những người đang trong độ tuổi phát triển, chưa hoàn thiện về mặt thể chất và tâm, sinh lý. Vì vậy, khi trẻ bị XHTD sẽ dẫn đến những hậu quả lâu dài không chỉ cho trẻ em - nạn nhân trực tiếp mà còn gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho gia đình trẻ bị xâm hại và cộng đồng xã hội. Việc bị XHTD không chỉ gây ra những hậu quả nhất thời mà sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển sau này của trẻ; gây nên những ảnh hưởng đến thể chất, khả năng học tập và sức khỏe sinh sản, khả năng hòa nhập xã hội, đặc biệt là sức khỏe tâm thần”.

Hậu quả của việc bị XHTD đối với trẻ là vô cùng nghiêm trọng. Song, không thể phủ nhận một thực tế nhiều vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em mà cuối cùng kẻ phạm tội vẫn không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Một trong những lý do là nạn nhân và gia đình không dám lên tiếng, nhất là khi nạn nhân lại là trẻ em gái. Có quá nhiều lý do liên quan đến những vấn đề như tiết hạnh, phẩm giá của các em gái và danh dự của gia đình khiến gia đình ngại ngần, dè dặt, không trình báo vụ việc tới cơ quan chức năng mà lặng lẽ chịu đựng uất ức. Đặc biệt, những vụ việc mà kẻ xâm hại lại chính là người thân trong gia đình càng khiến nạn nhân và gia đình muốn che đậy sự việc. Song, im lặng không phải là lựa chọn đúng đắn.

 Ông Nguyễn Thanh Sơn - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định: "Trước những vụ trẻ em bị XHTD, có nhiều gia đình chọn giải pháp im lặng, vùi sâu chôn chặt để không làm tổn thương trẻ hoặc gia đình khỏi mang tai tiếng nhưng im lặng không làm tổn thương giảm nhẹ hơn. Theo tôi, gia đình nạn nhân, cộng đồng cần phải lên tiếng và tố cáo mạnh mẽ các đối tượng có hành vi XHTD trẻ em nhằm ngăn ngừa tình trạng XHTD trẻ em có thể tiếp tục tái diễn, đồng thời xử lý dứt điểm các vụ XHTD trẻ em khi đã xảy ra”.
 
Vẫn theo ông Nguyễn Thanh Sơn, các vụ XHTD trẻ em khi càng để lâu càng khó xử lý, vì khi đó các nhân chứng, vật chứng đã có nhiều sự thay đổi, không được cung cấp đầy đủ cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, kết luận vụ việc. Chính vì sợ bị kỳ thị nên nhiều gia đình chọn cách im lặng nhưng cách này vô hình chung tạo thêm cơ hội cho đối tượng có hành vi XHTD trẻ em tiếp tục thực hiện đối với nạn nhân và trẻ em khác.

Thạc sỹ công tác xã hội Trần Minh Hải - giảng viên quốc gia về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho trẻ em cũng khẳng định: "Khi trẻ có nguy cơ hoặc bị XHTD, nạn nhân, cộng đồng và nhất là gia đình cần phải mạnh dạn lên tiếng trình báo các cơ quan chức năng.
 
Theo số liệu khảo sát, 93% người XHTD trẻ em là người quen của trẻ, trong đó có 45-46% lại là người thân trong gia đình. Nhiều gia đình vì sợ mang tiếng cho con, cho gia đình, dòng tộc nên đành im lặng, giấu kín. Nhưng cũng chính vì như thế mà sự việc XHTD không được giải quyết dứt điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu dài”.
Khi thông tin, thông báo, tố giác về vụ việc liên quan đến XHTD trẻ em, theo luật định, mọi thông tin, thông báo, tố giác trong quá trình tiếp nhận, xác minh sự việc về XHTD trẻ em đều được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em có liên quan.

Khi lên tiếng, cần tìm đến đâu?

Theo Điều 25, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Trẻ em thì: "Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân nếu phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại trẻ em hoặc trẻ em có nguy cơ bị xâm hại có trách nhiệm thông báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc cơ quan lao động - thương binh và xã hội các cấp hoặc cơ quan công an các cấp hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra vụ việc”.
 
Bà Phạm Thị Làn - Trưởng phòng Công tác xã hội (Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: "Tốt nhất và nhanh nhất là nên trình báo đồng thời tới các cơ quan trên bằng cách trình báo trực tiếp tại UBND xã, công an xã và gọi điện đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111”.

Sau khi thông tin, thông báo, tố giác về sự việc liên quan đến XHTD trẻ em, trẻ sẽ được các cơ quan chức năng hỗ trợ, can thiệp theo quy định về "Hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em. Trẻ sẽ được đánh giá ban đầu mức độ tổn hại.
 
Trong đó, trường hợp trẻ em được xác định có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại nghiêm trọng về tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm thì trong vòng 12 giờ từ khi nhận thông tin, chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi môi trường hoặc người gây tổn hại cho trẻ em. Sau khi được đánh giá ban đầu về nguy cơ và mức độ tổn hại, trẻ sẽ được xác định nhu cầu cần hỗ trợ, can thiệp và sẽ được áp dụng các kế hoạch hỗ trợ, can thiệp trong trường hợp cần hỗ trợ, can thiệp.

Đối với tỉnh Yên Bái, 18001776 là số đường dây tư vấn miễn phí của Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác các sự việc liên quan đến XHTD trẻ em trên địa bàn.
 
Theo bà Phạm Thị Làn, sau khi tiếp nhận thông tin qua đường dây tư vấn miễn phí 18001776, cán bộ Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động can thiệp khẩn cấp, cụ thể: liên hệ với UBND xã, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thẩm quyền để kiểm tra thông tin, báo cáo, tố giác ban đầu; chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới ban bảo vệ trẻ em cấp xã, người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã để thực hiện hoạt động can thiệp, hỗ trợ bảo vệ trẻ em; hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này; tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em; kết nối, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội chuyên sâu: trị liệu tâm lý, chăm sóc y tế, hỗ trợ tạm lánh, giáo dục, học nghề…
 
Trong trường hợp trẻ có nguy cơ đến sự an toàn sẽ được Trung tâm hỗ trợ tạm lánh, nơi ở cách ly với kẻ gây tổn hại cho trẻ, giúp trẻ có nơi ở an toàn, được cung cấp thức ăn, đồ dùng sinh hoạt, khám chữa bệnh ban đầu; tư vấn hỗ trợ ổn định tâm lý. Thời gian hỗ trợ tối đa không quá 90 ngày. Mức hỗ trợ tiền ăn 40.000 đồng/ngày; tiền thuốc men, nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt.

Như vậy, khi mạnh dạn lên tiếng về việc trẻ bị XHTD, trẻ sẽ được các cơ quan chức năng can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ theo luật định.
 
Ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế:
 
 
Từ các tài liệu nhi khoa và tâm lý bệnh nhi cho thấy, trẻ bị XHTD phải chịu tổn thương về tinh thần, sức khỏe và nhất là những ảnh hưởng tâm lý đến suốt cuộc đời. Nhiều trẻ sau khi bị XHTD có sự hoảng loạn, xuất hiện ảo giác bệnh lý. Nghiêm trọng hơn, một vài em có suy nghĩ tìm đến cái chết do bị sốc về mặt tinh thần.
 
Các em rơi vào trạng thái hoảng sợ và cảm thấy không có lối thoát một phần do xấu hổ, phần vì bị kẻ lạm dụng đe dọa. XHTD còn gây ra những lệch lạc giới tính khiến các em không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý, sau này khi trưởng thành có thể dẫn đến việc quan hệ tình dục bừa bãi. Những ám ảnh về việc bị lạm dụng có thể khiến các em trở nên chai sạn và xem chuyện lạm dụng là chuyện bình thường, dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường…
 
Ông Phan Trọng Khang – Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Yên Bái:
 

Chế tài xử lý hành vi XHTD trẻ em được pháp luật quy định rất cụ thể. Đây là các tội phạm có tính nguy hiểm trong xã hội, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của các em, khung hình phạt đối với các tội này đều rất nghiêm khắc, hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.


Thu Hạnh - Hoài Anh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục