Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/2017)

Đến nơi khởi đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/11/2017 | 8:09:07 AM

YBĐT - Đoàn nhà báo chúng tôi gồm một số tổng biên tập và giám đốc đài phát thanh, nhà xuất bản được sang học tập ở Trường Đảng cao cấp Mát-xcơ-va. Đặt chân lên đất nước quê hương của Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới, chúng tôi ai cũng thấy tự hào.

Chiến hạm Rạng Đông trở thành Bảo tàng.
Chiến hạm Rạng Đông trở thành Bảo tàng.

Cùng với việc học tập ở Trường Đảng, mỗi chúng tôi đều đem theo khao khát là được chiêm ngưỡng những di tích lịch sử, văn hóa của đất nước Liên Xô, quê hương của Lê-Nin vĩ đại và của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.

Trụ sở chính phủ tư sản lâm thời hứng chịu viên đạn đầu tiên

Người phiên dịch trong suốt khóa học của chúng tôi là anh Nguyễn Hoàng, nguyên là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Lô-mô-nô-xốp nổi tiếng ở Mat-xcơ-va. Qua anh, chúng tôi đề đạt nguyện vọng của mình là được đến tham quan, học tập ở Saint Petersburg nơi khởi đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga.
 
Theo anh Hoàng, đây là một đề nghị rất khó được đáp ứng, bởi Saint Petersburg là cố đô của nước Nga, là thành phố cổ kính đẹp tuyệt vời, nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng của thế giới, ở đó có rất nhiều khách du lịch quốc tế, đến đó phải ở khách sạn hạng sang, phải trả bằng đô la. Petersburg lại ở xa Mát-xcơ-va phải đi tàu hỏa một ngày, một đêm, làm sao nhà trường có tiền để chi trả cho cả một đoàn học viên trong những ngày ở đó.

Nói thế nhưng Nguyễn Hoàng vẫn đề đạt nguyện vọng của chúng tôi với nhà trường. Mấy ngày sau, anh trả lời là nhà trường đã chấp nhận để đoàn chúng tôi đi nghiên cứu, học tập và tham quan Saint Petersburg một tuần. Hoàng cũng nói rằng: "Tôi phiên dịch cho nhiều khóa học người nước ngoài nhưng chưa có khóa nào được bố trí đi Petersburg và đi dài ngày như các ông, không biết có phải vì các ông là nhà báo không vì đi như thế là đều chi tiêu bằng ngoại tệ, rất tốn kém”.

Đến Petersburg, chúng tôi được bố trí ở khách sạn quốc tế Bul-rot-kai-a, phải trả tiền thuê phòng bằng đô la. Từ khách sạn đi khoảng vài trăm mét là đến Quảng trường Chiến Thắng – giữa ngôi sao có ngọn lửa rực cháy suốt ngày đêm, biểu tượng của truyền thống cách mạng của nhân dân Nga. Mấy ngày sau, chúng tôi lần lượt đến thăm Cung điện Mùa Đông - dinh thự cuối cùng của Nga Hoàng.
 
Nơi đây cũng là trụ sở của chính phủ tư sản lâm thời, nơi hứng chịu những viên đạn đầu tiên từ các cỗ đại bác từ chiến hạm Rạng Đông bắn vào, mở đầu cho cuộc cách mạng vô sản Nga; chúng tôi thăm và tìm hiểu Điện Smô-nưi, nơi ở và làm việc của lãnh tụ thiên tài Lê-nin và Ủy ban Cách mạng ngày đầu cuộc khởi nghĩa.
 
Nơi ở và làm việc của Lê-nin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản Nga thật đơn sơ và giản dị với chiếc giường ngủ cá nhân, bên cạnh là chiếc bàn làm việc mộc mạc và chiếc điện thoại cố định đặt ở phía nửa bàn bên phải, phía giữa là chiếc đồng hồ báo thức.
 
Thăm phòng ở và làm việc của Lê-nin chúng tôi xúc động nhớ đến Bác Hồ và nói với nhau: "Bác của chúng ta cũng sống giản dị như thế này đây”. Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm Viện bảo tàng mỹ thuật Nga. Đây không chỉ là một viện bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng của Nga mà còn là bảo tàng nổi tiếng nhất của thế giới cả về quy mô và hiện vật; thăm vườn tượng bên bờ dòng Nê-va.

Phải nói rằng, Saint Petersburg là thành phố cổ kính và thơ mộng đến nao lòng của nước Nga. Xen giữa hai đường phố là những kênh nước rất rộng trong xanh và được nối với nhau bởi những cây cầu đủ dáng, đủ kiểu. Những con chim hải âu cánh trắng bay lượn chập chờn trên mặt nước và bay lên bám đậu cả vai người thân thiện như những đàn bồ câu trên phố.
 
Theo lịch sử, Saint Petersburg vốn là một khu đầm lầy được người dân Nga cải tạo, xây cất trở thành một thành phố lớn thứ hai và được chọn làm kinh đô của nước Nga. Những con kênh chằng chịt xanh trong và dòng sông Nê-va mênh mông, êm đềm trôi ra biển cả, làm cho thành phố trở nên thơ mộng là dấu tích của khu đầm lầy để lại.

Chiến hạm Rạng Đông – biểu tượng sức mạnh của Cách mạng Tháng Mười

Thăm thành phố Petersburg cổ kính và thơ mộng không biết bao nhiêu ngày cho đủ, chúng tôi đành phải dành một ngày quý báu để thăm Chiến hạm Rạng Đông. Phiên dịch viên Hoàng một lần nữa lại phải trổ tài, tìm mọi cách để thỏa mãn yêu cầu của các nhà báo.
 
Chúng tôi nói với Hoàng rằng: "Mỗi người Việt Nam ai cũng đã ít nhất vài lần nghe nói đến Chiến hạm Rạng Đông - nơi đã nã phát đại bác đầu tiên vào Cung điện Mùa Đông, dinh lũy của Nga Hoàng trước đây, sau là Trụ sở của Chính phủ tư sản lâm thời ngày 7/11/1917, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng vô sản đầu tiên làm rung chuyển cả thế giới, mở đường cho Nhà nước Xô Viết ra đời. Đến Petersburg mà chưa đến Chiếm hạm Rạng Đông coi như chưa được đến quê hương của Cách mạng Tháng Mười”.

Sau khi tham gia cuộc Cách mạng Tháng Mười thành công, lật đổ Chính phủ tư sản lâm thời, Chiến hạm Rạng Đông còn là một tuần dương hạm đầy sức mạnh của hải quân Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bảo vệ thành Petersburg, phá tan vòng vây hãm hơn 200 ngày đêm của kẻ thù, cùng với quân đội và nhân dân Liên Xô cứu loài người ra khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít. Năm 1979, với chiến tích hết sức vẻ vang, Chính phủ Liên Xô đã quyết định tu sửa, bảo dưỡng Chiến hạm Rạng Đông trở thành bảo tàng lịch sử để các thế hệ người Nga và nhân dân thế giới được tham quan. Sau khi tu sửa xong Chiến hạm Rạng Đông được neo đậu cố định bên bờ sông Nê-va.

Các nhà báo Việt Nam chúng tôi bước chân lên Chiến hạm Rạng Đông, lòng tràn đầy xúc động như được chạm đến sức mạnh của hải quân Nga, được chạm đến lòng quả cảm của binh sỹ và nhân dân Nga trong cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại cứu loài người khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát xít tàn bạo.
 
Chúng tôi rất tiếc là tự mình chưa thể đọc nổi những trang sử hào hùng của Chiến hạm mà vẫn phải thông qua phiên dịch của anh Hoàng nhưng ai nấy vẫn miệt mài ghi chép và cuốn phim màu duy nhất trong chiếc máy ảnh Pra-ti-ca của tôi cũng chỉ còn đủ để chụp vài kiểu.
 
Qua lời dịch rất trôi chảy của Hoàng, Chiến hạm này là một trong số ba tuần dương hạm lớp được sản xuất từ 1899 đến năm 1902 thì hoàn thành, được đưa vào biên chế của hải quân Nga. Chiến hạm đã từng tham gia cuộc hải chiến bi hùng ở Tsushima trong vùng biển của Nhật Bản. Trong cuộc chiến tranh ấy, năm 1905, Chiến hạm đã từng neo đậu ở vịnh Cam Ranh của Việt Nam.

Tuần dương hạm Rạng Đông có đoàn thủy thủ lên tới 570 người, được trang bị 40 khẩu bại bác, 3 ống phóng ngư lôi. Những cỗ đại bác chúng tôi đang chiêm ngưỡng chính là những khẩu đại bác đã nã những phát đạn đầu tiên vào Cung điện Mùa Đông, mở đầu cho cuộc Cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới. Bảo tàng Chiến hạm Rạng Đông là biểu tượng sức mạnh của hải quân Nga và cũng là biểu tượng của lòng quả cảm phi thường của lực lượng vũ trang và nhân dân Liên Xô (ngày nay là Liên bang Nga).

Đoàn nhà báo chúng tôi được đặt chân Chiến hạm Rạng Đông sau hơn 10 năm khi chiến hạm này được quyết định trở thành bảo tàng và neo đậu cố định bên bờ dòng sông Nê-Va, thì đã có hơn 20 triệu người trên thế giới đã đến tham quan. Phiên dịch viên Nguyễn Hoàng là một người thông thạo ngôn ngữ, anh đã cố gắng hết mình để đáp ứng yêu cầu của chúng tôi nhưng dường như vẫn chưa đủ về một chiến hạm đã có gần 100 năm tuổi và trải qua những cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc mình và của loài người.

Còn đầy luyến tiếc nhưng chúng tôi vẫn phải chia tay Bảo tàng Rạng Đông vào chiều tháng 5, khi những ánh nắng hiếm hoi của vùng tuyết trắng, trải vàng trên dòng Nê-va mênh mông, êm ả. Bởi ngày mai, ngày cuối cùng ở Petersburg, chúng tôi còn đến thăm và tìm hiểu nghĩa trang lớn nhất thành phố, nơi có tượng đài lớn bà mẹ Nga cầm trên tay cành ô liu, nơi yên nghỉ tập thể của hơn 20 vạn người con của Petersburg hy sinh trong hơn 200 ngày đêm bị quân phát xít vây hãm trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Hải Đường

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục