Làm giàu từ đất

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/11/2017 | 7:10:22 AM

YBĐT - Tiếng lành đồn xa về một vùng trồng cây ăn quả mới của huyện Trấn Yên khiến tôi nôn nóng muốn vào ngay Hồng Ca để được mắt thấy tai nghe thực hư chuyện người dân ở địa phương này đang giàu lên từ cây ăn quả. Cái tên một chủ hộ làm vườn mà tôi được nghe cán bộ lãnh đạo địa phương nhắc đến nhiều là anh Đoàn Chí Công ở thôn Khe Nhàng.

Gia đình anh Đoàn Chí Công trồng hơn 400 gốc bưởi da xanh.
Gia đình anh Đoàn Chí Công trồng hơn 400 gốc bưởi da xanh.

Chẳng khó để tìm được gia đình anh Công, bởi theo anh Cao Hà Thảo, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã: "Từ tuyến đường lớn vào xã Hồng Ca, cứ thấy ngôi nhà nào to nhất, lạ nhất, đấy là nhà của vợ chồng anh Đoàn Chí Công”. Quả đúng là ngôi nhà bề thế, đẹp, lạ lẫm với kiến trúc độc đáo do chính chủ nhà tự thiết kế. 

Anh Công chia sẻ: "Toàn bộ hệ thống cửa của ngôi nhà được chạm trổ công phu với những họa tiết tinh xảo từ các tích truyện "Lý ngư vọng nguyệt”, "Ngư ông đắc lợi” - tinh hoa của nghề thủ công mỹ nghệ đất Hà Nam xưa được cha ông truyền lại, nhớ nghề mà cùng anh em thợ tỷ mẩn chạm khắc thành tác phẩm nghệ thuật của ngôi nhà...”. 

Sự tài hoa khác người cho ông chủ trẻ này những suy nghĩ táo bạo trong phát triển kinh tế. Người xưa bảo "một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”, nhưng với vợ chồng anh Công, tư duy dám nghĩ, dám làm đã giúp anh thích ứng nhanh nhạy với cơ chế thị trường khi mà các mặt hàng nông sản của nông dân phụ thuộc nhiều vào sự điều tiết của thị trường cung – cầu. 

Khởi nghiệp từ dịch vụ vận chuyển chuyên chở các mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu nhân dân trong vùng, có chút vốn liếng, anh Công đầu tư làm trang trại chăn nuôi lợn thịt. Những năm trước, giá lợn hơi ổn định, chăn nuôi thuận lợi nên mỗi năm gia đình anh cũng có nguồn thu đều đặn trên dưới 100 triệu đồng. 

Nhận thấy sự phát triển mạnh của các mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp, cùng với đó là sự sụt giảm sâu về giá lợn hơi, vợ chồng anh tập trung vốn liếng đầu tư hơn nửa tỷ đồng để trồng cây ăn quả có múi. 

Theo anh Công, ở xã Hồng Ca, đồi đất thích hợp để trồng được nhiều loại cây cho giá trị kinh tế cao như tre măng Bát độ, quế, bồ đề, gần đây một số hộ gia đình đã đầu tư chuyển đổi sang trồng cây ăn quả. Thế nhưng, "trồng cây ăn quả khá vất vả. Ngoài yếu tố về kỹ thuật thì phần lớn những hộ làm vườn phải có điều kiện kinh tế” – anh Công cho biết thêm.  

Nằm sát bên đường, trang trại trồng cây ăn quả của gia đình vợ chồng anh Đoàn Chí Công rộng chừng 4 ha, được phủ xanh bằng các giống cam Vinh, cam Đường Canh, cam V2, bưởi da xanh, bưởi Diễn... Mất gần 3 năm đầu tư kiến thiết với số tiền lên tới già nửa tỷ đồng, đồi quả của gia đình anh đã bước vào chu kỳ cho thu hoạch. 

Dẫn chúng tôi đi thăm khu vực trồng hơn 400 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn ngay dưới chân đồi, chị Nguyễn Thị Hợi – vợ anh Công cho biết: "Hàng hóa nông sản bây giờ phụ thuộc chính vào thị trường tiêu dùng nên phải tính toán loại cây trồng, thời điểm thu hoạch để đạt giá trị thu nhập cao nhất, tránh được cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa. Trồng mỗi loại một ít, có loại cho thu hoạch đúng thời vụ, cũng có loại cho thu hoạch muộn như cam V2, cam Vinh; nhiều nhất chủ yếu vẫn là cam Đường Canh, hiện có khoảng 1.000 gốc đã bắt đầu cho thu hoạch. Năm ngoái là năm đầu tiên thu bói nên số tiền thu về sau khi đã trừ chi phí cũng chỉ được cỡ chừng bảy, tám chục triệu đồng. Không thuần túy như trước kia, việc thực hiện quy trình sản xuất nông sản sạch được xem là yêu cầu rất quan trọng quyết định giá trị của nông sản, nhất là với mặt hàng hoa quả tươi. Điều này đòi hỏi người nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm bón để có sản phẩm chất lượng, uy tín. Trong đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được hạn chế đến mức thấp, thay vào đó là các biện pháp sinh học như làm cỏ bằng máy thay vì phun thuốc diệt cỏ... ”. 

Cũng theo chị Hợi, năm nay, thời tiết thuận, diện tích cho thu hoạch nhiều hơn nên nguồn thu của gia đình chắc chắn tăng thêm. Con số thu vài trăm triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả không còn là lạ. Ở địa phương đã có gia đình như hộ anh Lương Đình Khương, thôn Nam Hồng, năm 2016 thu trên 300 triệu đồng từ cam, quýt... 

Nguồn thu vài trăm triệu đồng mỗi năm đối với gia đình anh Đoàn Chí Công trong tương lại gần không còn là điều mơ ước. Đây là một trong những mô hình kinh tế vườn đồi kết hợp phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Hồng Ca. 

Được biết, hiện nay, xã Hồng Ca đã phát triển được hơn 70 ha cây ăn quả. Trong đó, thôn Nam Hồng - thôn trọng điểm phát triển cây ăn quả của địa phương này hiện đã có gần chục hộ trồng cây ăn quả với diện tích trên 20 ha. Xã Hồng Ca phấn đấu đến năm 2020, quy hoạch thành vùng cây ăn quả có múi trên 100 ha. Quan điểm không khuyến khích phát triển diện tích ồ ạt kiểu làm theo phong trào mà vận động những hộ có điều kiện về kinh tế, đất đai đầu tư phát triển mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập bền vững. 

Phạm Minh

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục