“Vua rừng” Triệu Tiến Châu

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/12/2017 | 8:15:22 AM

YBĐT - Đã từng là một người lính trên chiến trường, về với đời thường, không chấp nhận sống cuộc đời an nhàn bên con cháu mà vào rừng để sống cuộc đời gắn bó với thiên nhiên và là ông chủ của gần 200 ha rừng. Nhân vật tôi muốn nói đến là "vua rừng” Triệu Tiến Châu, người Dao ở thôn Minh An, xã Y Can, huyện Trấn Yên.

Vừa  bảo vệ rừng tốt, ông Châu thường xuyên trồng mới để bổ sung tập đoàn cây rừng.
Vừa bảo vệ rừng tốt, ông Châu thường xuyên trồng mới để bổ sung tập đoàn cây rừng.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, như những thanh niên cùng thế hệ, ông đã anh dũng lên đường ra trận. Về với đời thường, không những tham gia tốt công tác xã hội, ông lại là người đi đầu trong phát triển kinh tế. Hiện nay, dù đã tuổi cao, nhưng với lòng yêu thiên nhiên và muốn làm gì đó cho cuộc đời, ông không chấp nhận sống cuộc đời an nhàn bên con cháu mà vào rừng để sống cuộc đời gắn bó với thiên nhiên. 

Biết về ông thật tình cờ khi tham gia tuyên truyền Đại hội Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh lần thứ 2, tôi gọi điện hỏi thăm Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ  Chí Minh tỉnh Yên Bái  Bùi Hòa Bình. Nghe tôi hỏi thăm, chú Bình nói trong điện thoại: "Tay Châu à? Anh dũng trong chiến đấu, gương mẫu trong thời bình; là hội viên tiêu biểu của Hội đấy! Hiện, "hắn” đang quản lý 200 ha rừng. Mình cũng vừa thăm trang trại của "hắn” về. Bạn vào đi! Nhưng đường đi khó khăn lắm! Mình đau người cả tuần vì chuyến thăm ấy đấy!

Thông tin của Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Yên Bái làm tôi háo hức. Để chuẩn bị cho chuyến thực tế trọn vẹn, sau khi xem thời tiết, một ngày mùa đông hửng nắng đẹp, tôi hăm hở phóng xe máy vào xã Y Can. Do được hướng dẫn từ trước, từ quốc lộ 32, đoạn Lâm trường Việt Hưng, tôi rẽ vào thôn Minh An. Thật đã mắt vì mới chục năm thôi mà bên đường nhiều nhà tầng đã mọc lên, trong đó có nhiều nhà xây như biệt thự với hai, ba tầng, có ban công, mái Thái... như nhà giàu thành phố. Nhà ông Châu ở thôn Minh An cũng hai tầng, ngay ngã ba đường. Biết tôi đến, ông Châu gọi điện bảo: "Mình đang ở trên rừng, cách nhà gần chục ki-lô-mét. Cứ ở đó tôi về!” Tôi tự tin: "Chú cứ đợi, cháu sẽ tìm đến!”.

Từ thôn Minh An, theo đường đi xã Kiên Thành, tôi phóng xe vào thôn An Hòa. Hỏi thăm người chủ nhà có ngôi nhà xây lớn bên đường, tôi cởi giầy đi chân trần, phóng xe theo đường mòn vào nơi ông Châu đang ở. Gần 20 năm làm báo, kinh nghiệm không phải ít.
 
Nhưng quả thật, đã lâu lắm rồi tôi mới có cảm giác "hoảng sợ”! Suối và suối, hết đoạn này đến đoạn khác. Xe máy cài số một gầm gừ chồm qua đá cuội, vũng nước sâu, nhiều khi nước ngập hết ống xả, máy tắt lịm, tưởng xe hỏng giữa rừng hoang. Cũng may, vật vã gần tiếng đồng hồ, người cứng vì ghì tay lái xe máy, chân lạnh buốt vì nước khe, tôi cũng vượt gần 2 km đường suối. Chắc biết tôi không quen đường, ông Châu đi xe máy xuống đón. Dù đã trên sáu mươi, chính xác là 64 tuổi, nhưng ông vẫn rất phong độ, chạy xe ào ào, một lúc đã bỏ tôi một quãng xa.
 
Có "thổ công” dẫn đường, việc đi lại của tôi dễ dàng hơn nhiều vì cứ đi theo vết xe người chủ đã quá thuộc con đường này để lại, chỗ nào phải đi số một, chỗ nào phải đi vòng, đi tránh, chỗ nào phải vít ga cho xe chạy nhanh để nước không tràn vào ống xả. Hết đường suối, chúng tôi vượt lên một dốc cao và dừng tại mỏm đồi nơi ông Châu đặt "đại  bản doanh”.
 
Một ngôi nhà gỗ ba gian lịa ván, dãy chuồng lợn, một chiếc bếp lợp cọ mái đã thủng. Ông Châu bảo, chỗ này tuy chưa cao nhất nhưng lại là nơi cao nhất ở lòng khe, có thể chặn, quan sát và nghe tiếng động tất cả khu vực. Đúng là tư duy của người đã qua trận mạc!

Tranh thủ trời nắng đẹp, tôi cùng ông đi thăm rừng. Quả thật, đã lâu lắm rồi ký ức tuổi ấu thơ của những ngày sớm đi học, chiều chăn bò, lấy củi mới ùa về như hôm nay khi được tận mắt, tận tay ngắm, sờ những những bụi nứa dại, bụi song ken dầy, những bông hoa chuối rừng đỏ thắm, những vạt măng giang vươn tua tủa, những vạt cây rừng tự nhiên xanh thắm...
 
Như đoán hiểu được thắc mắc của tôi về diện tích rừng "khủng” mà mình có, ông Châu tâm sự: "Nhà mình ở thôn Minh An, cách đây chục cây số. Trước gia đình cũng có chục héc - ta quế, cuộc sống buôn bán làm ăn cũng tạm ổn. Nguyên nhân là năm 2007, khi nhà nước có chủ trương sắp xếp lại các lâm trường, vậy là mình cùng một số người nhận rừng để bảo vệ. Tất cả là 171 ha, phần nhỏ nằm ở thôn An Hòa, phần chính ở thôn Đồng Song, xã Kiên Thành. Sau một thời gian, do mức giao khoán thấp, có 44.000 đồng ha/năm, lại không được phát rừng trồng các loại cây khác nên nhiều người bỏ, vậy nên mình nhận hết để bảo vệ".

"Gần 200 ha, vậy chú là "vua rừng" rồi!” tôi nói vui.
 
"Nhiều thì tốt nhưng bảo vệ không phải dễ" - ông Châu trả lời.
 
Để bảo vệ rừng, nhất là những năm đầu khi nhiều ý kiến thắc mắc, nhiều người cũng muốn nhận rừng để phát trồng quế, trồng keo. Nhưng bằng ý chí, kinh nghiệm, ông Châu đã kiên trì vận động, thuyết phục và điều cốt yếu nhất là ông đã chứng minh cho mọi người thấy, mình nhận rừng để chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ, chứ không phải lợi dụng để  chuyển đổi sang rừng kinh tế.
 
Mưa dầm thấm lâu, bà con đã hiểu, thành quả là sau mười năm, cây cối tốt tươi, muông thú đã về sinh sống. Không chỉ là nguồn sinh thủy, bảo vệ môi trường, rừng cũng là nguồn sinh kế cho nhiều hộ dân địa phương, khi ông Châu cho họ thỉnh thoảng vào lấy ngọn măng, cây thuốc.

Từ ngày có rừng, hầu hết tâm lực của ông Châu dành cho nơi đây. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, ông đầu tư gần 500 triệu đồng để mở gần 3 km đường và đắp đập thả cả, đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi. Những khu đất trống ven núi, ông trồng xen quế, trồng sắn làm thức ăn chăn nuôi. Có lúc cao điểm, ông nuôi gần 200 con lợn rừng lai, vài chục con trâu, vài trăm con gà để cung cấp cho thị trường, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
 
Vừa phát những cây bụi lấn lối đi, lấn hàng cây lát mới trồng, ông Châu cho biết, do trước đây, khi lâm trường quản lý nên những loại cây rừng tự nhiên như lát, sến, táu, dổi… đã bị khai thác hết. Vì vậy, tôi đang sưu tầm để trồng bổ sung.

Trời đứng bóng, ông Châu xuống bếp làm cơm. Đúng là người của núi rừng, lại tháo vát, lại kinh qua nhiều năm chiến đấu trong rừng đã quen thiếu thốn, ông làm cơm rất nhanh. Trong rừng, nhưng bữa cơm của chúng tôi có cá, gà thả vườn, đặc biệt có món măng giang ngâm chua và chai rượu ngâm thuốc bổ máu, bổ gan được lấy trên rừng khiến câu chuyện của hai chú cháu ngày càng thân mật. Và, cuộc đời của "vua rừng hiện về như cuốn phim.
 
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những năm 70 của thế kỷ trước, khi mới bước vào tuổi 18, chàng thanh niên người Dao - Triệu Tiến Châu tạm biệt quê hương Y Can, tạm biệt người yêu lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện tại Thái Nguyên, ông cùng đơn vị vào Nam chiến đấu.
 
Đến năm 1972, ông được điều động từ Quân khu Việt Bắc về Trung đoàn 7 Công binh Trường Sơn làm nhiệm vụ mở đường và bảo vệ giao thông trên các trọng điểm ở Binh trạm 42. Tháng 7/1973, ông lại được bổ sung vào đội hình của Quân đoàn 3 chiến đấu tại Gia Lai, Kon Tum. Trong một trận đánh ở đường 19 khu vực chân đeo Mang Yang, ông bị thương phải đi bệnh viện điều trị. Khi vết thương tạm ổn, ông nằng nặc xin bác sỹ cho về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Năm 1975, trong Chiến dịch Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, đơn vị ông được giao nhiệm vụ thần tốc giải phóng Phan Thiết.
 
Sau khi giải phóng Phan Thiết, lại cùng đơn vị xuống tàu ra giải phóng đảo Trường Sa. Sau khi tham gia bảo vệ biên giới Tây Nam, đến đầu năm 1978, khi biên giới phía Bắc căng thẳng, ông được điều động về bổ sung làm trợ lý tác chiến cho Thị đội Lào Cai, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Hoàng Liên Sơn. Sau đó, được điều làm chỉ huy Đại đội 3, Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn Kiên Cường.
 
Cuộc chiến tháng 2 năm 1979 đã ghi một dấu ấn đậm nét trong cuộc đời ông. Là một cán bộ trưởng thành trong chiến đấu, được tôi luyện trên chiến trường Trường Sơn đầy gian khổ, ác liệt và hy sinh, nhất là đã kinh qua các trận đánh tấn công có, phòng ngự có tại đường 19 và khu vực Gia Lai, Kon Tum nên ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí linh hoạt lợi dụng địa hình, địa vật quần nhau với địch đông gấp nhiều lần. Từ đó, ngăn chặn, tiêu hao làm cản bước tiến của đại quân địch, bảo vệ an toàn cho nhân dân rút về tuyến sau.
 
Với những đóng góp của của cá nhân ông, sau tổng kết cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, đơn vị đã thống nhất đề nghị ông xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.
 
Nhưng với tính khiêm tốn và chân thành vì đồng đội, ông đã xin rút để tập trung xét cho đồng chí Nguyễn Ngọc Hòa là Trung đội trưởng Tự vệ của thị xã Lào Cai cùng sát cánh chiến đấu trong thời điểm đó. Với đóng góp trong chiến đấu, ông Châu được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Tuổi trẻ vì An ninh Tổ quốc.

Do di chứng của vết thương, năm 1986, ông về nghỉ theo chế độ bệnh binh. Về đời thường, đúng thời gian đất nước và cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Lúc đó, ông luôn suy nghĩ, chiến đấu khó khăn gian khổ, ác liệt còn không sợ, sao phải cam chịu đói nghèo. Vậy là, bản chất kiên cường, không chịu lùi bước trước gian khó của người lính đã thôi thúc ông làm tất cả công việc từ bảo vệ rừng cho lâm trường, đến thu mua lâm sản, chăn nuôi, trồng rừng… để nuôi sống gia đình.
 
Vừa làm kinh tế, ông còn tích cực tham gia công tác xã hội như làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân xã Y Can và liên tục nhiều năm làm Bí thư Chi bộ thôn Minh An. Thôn Minh An hầu hết là dân tộc Dao, nhà nhà đều sống nhờ đồi rừng. Khi kinh tế gia đình ổn định, ông luôn làm tốt công tác tình nghĩa giúp bà con lợn giống, cây giống và kinh nghiệm để phát triển kinh tế.

Yêu rừng, giờ phần lớn thời gian ông Châu ở luôn trên trang trại. Như ông bảo, xa rừng là không chịu được. Có lẽ vì vậy, vừa đi thăm chiến trường xưa với đồng đội một tuần tuy rất mệt mỏi nhưng ông vào rừng ngay. Giờ, "bạn” của ông chính là lũ chó, lũ mèo và chiếc đài để nghe tin tức thời sự. Ông bảo, ở trên này, tuy vắng vẻ nhưng nhìn rừng xanh, khí hậu trong lành mình thấy rất sảng khoái, nhất là khi trái gió, trở trời vết thương tái phát.
 
Cảm phục, quý mến ông, nơi đây là nơi tụ tập của người lính Trường Sơn năm xưa để họ ôn lại kỷ niệm, ôn lại truyền thống, là nơi bàn bạc cách thức để giúp đỡ những đồng đội còn khó khăn. Nâng chén rượu ông Châu tâm sự: "Vào sống ra chết, nhưng so với đồng đội, mình đã may mắn hơn rất nhiều. Giờ đã có tuổi, mình chỉ mong làm được việc gì đó có ý nghĩa, bảo vệ tốt được rừng, giữ được rừng để cho con cháu và xã hội".

Sau bữa cơm trưa, chúng tôi nghỉ trên giường tạm lát bằng nứa. Đang say giấc, tôi chợt tỉnh vì tiếng ông Châu: "Sụng lại về bắt gà anh ạ!”. Tôi nằm im thầm nghĩ, người đàn ông này thật kỳ lạ, trong giấc ngủ cũng nghĩ về rừng. Mặt trời dần khuất bóng sau ngọn cây rừng phía xa. Giờ là lúc phải nói lời tạm biệt người chiến sỹ Trường Sơn năm xưa, "vua rừng” hôm nay để về thành phố.
 
Nhìn dáng người chắc nịch như cây rừng trong nắng chiều, tôi tin rằng, với ý chí, bản lĩnh của người lính, chắc chắn người đàn ông này sẽ luôn mạnh khỏe để tiếp tục bảo vệ rừng, để rừng không chỉ là sinh kế cho người dân, mà là lá chắn ngăn những con lũ dữ gây bao đau khổ cho người dân do biến đổi khí hậu gây ra!

Đình Tứ


 

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục