Nghị lực người lính

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/12/2017 | 1:47:20 PM

YBĐT - Cuộc đời của ông Nguyễn Hùng Cường, sinh năm 1949 ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái cũng được ví như một điển hình về sự nghèo túng, đau đớn cùng cực cả về thể chất lẫn tinh thần. Song, hoàn cảnh ấy đã không thể đánh bại được ý chí quật cường của người lính Cụ Hồ. Ông Cường đã vượt lên tất cả và trở thành người nổi tiếng để mỗi khi nhắc đến ai cũng phải khâm phục và trân trọng.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Cường vẫn tham gia bốc dỡ hàng cùng công nhân.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông Cường vẫn tham gia bốc dỡ hàng cùng công nhân.

Hơn 7 giờ sáng mùa đông mà không khí làm việc tại Xưởng sản xuất các loại dây khâu, dây buộc Cường Hải đã diễn ra khá sổi nổi. Người đứng máy, người cuộn dây, người phân loại các nguyên liệu từ nhựa, người ghi sổ sách… cùng với tiếng máy nghiền nguyên liệu xoàn xoạt, tiếng dây chuyền kéo, cuộn dây đang vận hành xen lẫn tiếng người gọi nhau vận chuyển nguyên liệu cho thấy không khí làm việc rất chuyên nghiệp và sôi động. Bên chiếc máy nhào – công đoạn cuối cùng để sản phẩm ra lò, người đàn ông gần 70 tuổi dáng mảnh khảnh, đeo cặp kính dày cộp đang chỉ đạo thợ đứng máy cách thức để tạo ra sản phẩm tốt nhất.
 
"Ông Cường đấy - một người đàn ông đáng kính” - anh Thân là một công nhân trẻ vừa chỉ tay vừa giới thiệu cho tôi.

- Để có một dây chuyền sản xuất như thế này, chắc tốn kém lắm ông nhỉ? – tôi mở lời.

- Cũng không nhiều, tôi đầu tư từ máy nghiền, máy trộn cho đến máy kéo và cuộn dây khoảng gần 1 tỷ đồng - ông Cường chia sẻ.

- Công đoạn từ nhựa đến các sản phẩm dây khâu, dây buộc có khó không, thưa ông?

- Khá là khó, bởi ngoài cách thức, kỹ thuật thì điều tiên quyết là kinh nghiệm vì nó giúp chúng ta phân loại, chọn các loại nhựa phù hợp cũng như tỷ lệ pha trộn, sử dụng các phẩm màu để cho ra sản phẩm tốt nhất.

- Bình quân một ngày xưởng của gia đình ông sản xuất ra bao nhiêu cân dây khâu, dây buộc?

- Đối với sản phẩm chính như dây khâu, dây buộc là 6 tạ/ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn ép các sản phẩm nhựa thô khoảng 1 tấn/ngày cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp sản xuất bông, vải, sợi… ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Từ xưởng chế biến này, ông Cường đã tạo ra việc làm thường xuyên cho 8 - 10 lao động địa phương với mức lương khá cao từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng không kể ăn trưa. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông nghiệp ở xã Nam Cường (nay là phường Nam Cường), thành phố Yên Bái. Năm 16 tuổi, sau khi học xong cấp II, ông Cường viết đơn tình nguyện nhập ngũ, nhưng vì quá trẻ nên được "trả" về địa phương.
 
Với suy nghĩ muốn góp một phần công sức nhỏ bé cho sự nghiệp giải phóng đất nước, năm 17 tuổi ông tiếp tục xin nhập ngũ, nhưng vẫn không thành cho đến khi tờ đơn của chàng trai trẻ Nguyễn Hùng Cường được viết bằng máu thì ông mới chính thức gia nhập quân ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn Yên Ninh II, đầu năm 1967, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam chiến đấu.
 
Trải qua 5 tháng, 19 ngày hành quân đi bộ, Tiểu đoàn của ông vào đến chiến trường miền Đông Nam bộ. Ông tham gia chiến đấu 9 năm tại Đội M2 - V102 (Cục 2, Phòng 2, Quân báo của miền Đông Nam Bộ). Nhiều mặt trận khốc liệt ông đã từng qua như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Biên Hòa, Long Khánh, Bình Dương, Phước Long… rồi Ka Na Chê bên nước bạn Cam Pu Chia và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn.
 
"Có lẽ trận càn của địch có tên Chiến dịch Gian - Xơn Xi - ti để lại cho tôi nhiều ký ức đau buồn nhất. Lúc bấy giờ đơn vị bị chia cắt, không liên lạc được. Tại suối Bà Hào, Tây Ninh, giặc càn từ sáng đến đêm, lương thực, thuốc men không có, nên 1 tháng ròng chúng tôi phải đào củ mài, lấy lá bép… để ăn. Sau trận càn đó, đơn vị chúng tôi chỉ còn 19/33 đồng chí, bản thân tôi cũng bị thương ở đầu” - ông Cường xúc động nhớ lại.

Năm 1976, ông trở về quê hương công tác tại Trường Y tế Hoàng Liên Sơn. Nhà cửa, ruộng vườn bị bom đạn Mỹ phá sạch nên ông Cường đã cùng gia đình chuyển về phường Nguyễn Phúc sinh sống. Năm 1977, ông lấy vợ và cuộc sống vốn đã khó khăn lại càng thêm thiếu thốn. Chỗ ở tạm bợ, đồng lương ít ỏi, con cái nheo nhóc… khiến ông hàng đêm mất ngủ nghĩ suy. Nhưng với ý chí kiên cường của người lính, sau nhiều ngày nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu cần thiết của người dân, ông quyết định vay bạn bè đầu tư mua chiếc xe Mink với giá 1 triệu đồng để chạy hàng.
 
Từ chạy xe ôm, buôn bán rau, chở hàng thuê đến thu mua ve chai, sắt vụn, nhôm, đồng… ông đều trải qua và nhận thấy việc buôn bán sắt vụn mang lại lợi nhuận cao hơn cả. Ban đầu, ông thu mua nhỏ lẻ, rồi tự vận chuyển sang Thái Nguyên bán. Khi đã có vốn, ông quyết định mở rộng quy mô, thành lập cửa hàng, đại lý thu mua sắt vụn.
 
Cứ thế, cuộc sống gia đình ông dần cải thiện và trở thành thương gia thành đạt nhiều người mơ ước. Đỉnh cao trong sự nghiệp thời gian này, ngoài đồng vốn hiện có và vay anh em, bạn bè, ông đã xây dựng được ngôi nhà khang trang với diện tích 130 m2. Song, chính lúc công việc làm  ăn đang trên đà phát triển thì giông bão đổ ập xuống khiến ông gục ngã, đó là người vợ mà ông hết lòng thương yêu đã thay lòng đổi dạ bỏ nhà ra đi để lại 3 đứa con thơ cùng khoản nợ gần 70 triệu đồng.

Sau khi để lại gia tài cho các con, với hai bàn tay trắng, ông chuyển lên thôn Minh Long, xã Tuy Lộc để lăm ăn và gây dựng lại cơ nghiệp. "Ông ấy là người nghèo nhất thế giới” - bà Nguyễn Thị Hải là bạn đời hiện tại của ông nắm tay và đưa ánh mắt trìu mến động viên chồng.
 
 
Ông Cường luôn nhiệt tình hướng dẫn công nhân trẻ tại xưởng về cách tạo ra những sản phẩm chất lượng.
 
Chính nguồn động viên tinh thần lớn lao đó, đã giúp ông lấy lại tinh thần và vượt lên số phận trớ trêu suốt bao nhiêu năm qua. Sau nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, ông Cường nhận thấy nguồn phế liệu từ nhựa tại địa phương luôn có sẵn, giá thành mua vào khá phù hợp với đồng vốn ít ỏi của gia đình chính là bước đi đầu tiên trong kinh doanh, buôn bán mặt hàng này.
 
Ông chủ động liên hệ với các đại lý lớn bao tiêu sản phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc và mở cửa hàng, đại lý thu mua các phế liệu từ nhựa. Sau vài năm buôn bán, kinh tế của gia đình đã dần khá lên, ông tiếp tục mở rộng các cửa hàng, đại lý thu mua phế liệu từ nhựa ra các xã, phường lân cận.
 
Được vợ động viên, ủng hộ, năm 2013, ông Cường đầu tư xây dựng nhà xưởng với dây chuyền sản xuất dây khâu, dây buộc và chế biến phế liệu nhựa thô trị giá gần 1 tỷ đồng. Sau khi đi vào hoạt động, kết hợp với hệ thống các cửa hàng, đại lý thu mua phế liệu nhựa đã giúp ông nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và phát triển ổn định. "Nếu tôi trẻ hơn, chắc chắn không chỉ là hệ thống sản xuất dây khâu, dây buộc mà còn là dây chuyền sản xuất bông, vải, sợi và ống nhựa nữa!” - ông Cường phấn khởi tâm sự.

Không chỉ thành đạt trong kinh doanh, ông Cường còn là người sống giản dị, chân thành và luôn động viên, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Anh Thân ở xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Ông Cường là phao cứu sinh của bố con tôi! Hai bố con tôi có được công việc và thu nhập ổn định như ngày hôm nay đều là do ông Cường tạo điều kiện giúp đỡ. Tôi trân trọng và biết ơn ông ấy rất nhiều!”.
 
Còn chị Hậu ở thôn Minh Long, xã Tuy Lộc cho biết: "Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo của xã, từ khi được ông Cường tạo điều kiện cho làm việc tại xưởng, gia đình tôi đã thoát nghèo và xây được nhà ở. Tôi luôn mong ông ấy khỏe mạnh để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn nữa!”. Dù đã trải qua vô vàn sóng gió, đổ vỡ trong hôn nhân, song ông Cường luôn thể hiện bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ. Càng gian khó, càng vươn lên mạnh mẽ, phi thường, khiến cho mọi người đều trân trọng, cảm phục.

Chia tay ông - người lính già gần 70 tuổi hiên ngang, bất khuất với nụ cười hiền luôn cống hiến cho đời những việc làm tốt đẹp nhất, tôi thầm chúc ông mãi mạnh khỏe để đóng góp sức mình làm giàu cho quê hương, đất nước.
 
Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục