Trưởng thôn “dân vận khéo”

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/12/2017 | 8:21:09 AM

YBĐT - Những ngày cuối năm, nắng chan hòa trên quê hương Hưng Khánh - Theo lời giới thiệu của Bí thư Huyện ủy Trấn Yên Nguyễn Thế Phước, tôi về thôn Khe Năm để tìm hiểu về anh Vũ Xuân Hồng, người trưởng thôn làm tốt công tác dân vận, đặc biệt trong vận động toàn dân góp sức bê tông hóa đường thôn.

Trưởng thôn Vũ Xuân Hồng (bên trái) trao đổi về những thành tích của thôn Khe Năm trong năm 2017.
Trưởng thôn Vũ Xuân Hồng (bên trái) trao đổi về những thành tích của thôn Khe Năm trong năm 2017.

Quê hương giàu truyền thống cách mạng đổi mới nhanh quá! Trung tâm xã khá sầm uất. Cửa hàng, cửa hiệu san sát. Nhà cửa, đường sá, làng trên, thôn dưới đều khang trang. Đang đắm mình với nhịp sống mới của người Tày, người Kinh vùng quê Hưng Khánh, tiếng chuông nhà thờ giáo xứ Mỹ Hưng bỗng ngân nga nhắc chúng tôi đã đến thôn Khe Năm. Nhà trưởng thôn kia rồi! Ngôi nhà xây khang trang bên con đường bê tông mới đổ. Do đã hẹn trước nên Trưởng thôn Hồng ra tận đầu ngõ đón khách. "Đường đi tốt rồi đúng không các bác?” - Trưởng thôn đón khách bằng câu hỏi đầy vui vẻ và tự hào.
 
Đúng, đường đi lối lại khang trang, thuận tiện là niềm vui lớn nhất của người dân thôn Khe Năm này. Trước đây, ai đã từng đến Khe Năm đều biết, đường sá nơi đây lầy thụt, đèo dốc rất khổ sở. Gỗ, chè bà con làm ra luôn phải bán với giá thấp hơn nơi khác. Nhiều hộ khi xây nhà phải nhờ vài chục người trong làng, chạy vài nghìn chuyến xe máy mới chở hết vật liệu như cát, sỏi, gạch, sắt, thép mãi ngoài đường về. Nhưng buồn nhất là nhà có người ốm phải khiêng bộ ra viện, trẻ nhỏ thất học cũng vì đi lại quá khó khăn. Vậy nên, mọi người vẫn nói: "Dân Khe Năm khát đường lắm!”.

Vẫn "say” chuyện đường sá, Trưởng thôn chẳng cần sổ sách gì mà cung cấp cho chúng tôi hàng loạt số liệu: toàn thôn có 4km  đường trục chính, đã cứng hóa 3,32 km, bằng 83%; đường ngõ xóm có 900 m, đã cứng hóa hơn 700 m, bằng 80%. Tổng kinh phí thực hiện gần 2,2 tỷ đồng; trong đó, Nhà nước hỗ trợ 993 triệu đồng, còn lại nhân dân đóng góp, chưa kể hơn 1.000 ngày công nhân dân tham gia lao động mở đường, đắp lề, san nền...
 
Riêng năm 2017, thực hiện bê tông hóa 1.011 m đường trục chính, quy mô, nền đường 5 m, mặt đường 3 m, dày 16 cm; kinh phí 560,5 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ 178 triệu đồng tiền xi măng và cống qua đường, số còn lại nhân dân đóng góp với mức huy động mỗi khẩu trực tiếp hưởng lợi là 2,2 triệu đồng.
 
Vừa tiếp chuyện chúng tôi, Trưởng thôn vừa phải giải quyết công việc chung như: xác nhận tình trạng hôn nhân cho một đôi bạn trẻ chuẩn bị kết hôn, tiếp chuyện mấy bác đến đăng ký lại cơ sở khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, rồi nhắc mấy anh xây hố thu gom rác thải sinh hoạt...
 
Gặp ai, Trưởng thôn cũng niềm nở tươi cười, hỏi han chuyện gia đình, chuyện làm ăn, chẳng khác gì người ruột thịt. Anh Hồng quay ra nói với chúng tôi như mong được chia sẻ: "Cán bộ thôn nhưng bận lắm các bác ạ! Gần 300 hộ, hơn 740 nhân khẩu, hết việc này lại sang việc kia. Nhưng bà con tín nhiệm thế không làm không được”.

Rồi chúng tôi đi một vòng quanh thôn Khe Năm trên con đường êm thuận, ngắm nhìn những ngôi nhà, mảnh vườn và rừng cây xanh tốt. Chốc chốc, Trưởng thôn lại giới thiệu: "Đoạn đường này gia đình ông Đỗ Văn Sinh hiến 300 m2 chè. Đoạn kia, nhà ông Ngô Văn Hưng hiến tặng 345 m2 đất vườn, đất lúa. Đây là phần đất 400 m2 của nhà ông Trần Song Hào. Tấc đất tấc vàng cả nhưng người dân thôn mình đã hiến tổng số 6.118 m2 đất để làm đường giao thông. Việc vận động hiến đất làm đường không phải lúc nào cũng dễ, cũng thuận lợi nhưng cuối cùng đều thành công. Vấn đề là mình phải nói cho bà con hiểu đúng chủ trương, bản thân mình phải gương mẫu.
 
Đặc biệt, việc công nhất thiết phải công khai minh bạch, có lúc phải tuyên truyền vận động trên hội trường, có khi phải nói nhau trong bữa cơm nhà đám, có người thì phải tâm sự khi đi làm nương, làm rừng”. Nghe câu chuyện kể, xem kết quả công việc, nhất là chứng kiến quá trình đổi mới, đi lên ở thôn Khe Năm... cho chúng tôi hiểu hơn ý nghĩa của công tác dân vận và giá trị của sự đoàn kết, thống nhất.

Sẽ là khiếm khuyết khi nói về Khe Năm lại không có câu chuyện chè. Sự khác biệt giữa chè ở Khe Năm với nhiều vùng quê khác là ở Khe Năm chưa bao giờ có chuyện "chè bùn, chè bẩn” (chế biến chè chất lượng thấp). 75 ha chè trong thôn đều được chăm bón đúng kỹ thuật, được cách ly thuốc bảo vệ thực vật an toàn, thu hái bằng tay và 100% sản lượng chè búp tươi đều được tổ chức chế biến ngay tại hộ gia đình.
 
Người Khe Năm, nhất là bà con ở xóm 3 này gắn bó, thủy chung với cây chè lắm! Quá trình sản xuất và chế biến được thực hiện đúng kỹ thuật và an toàn vệ sinh nên thương hiệu chè Khe Năm đang dần hình thành. Chè khô làm ra đến đâu tiêu thụ hết ngay tới đó với giá cả ổn định. Hiện nay, giá chè khô trung du có giá từ 75.000-80.000 đồng/kg, chè Bát tiên 140.000 đồng/kg.
 
Chuyện còn lạ hơn khi giữa tháng 12 rồi mà chè Khe Năm vẫn rất nhiều búp, bà con vẫn thu hái bình thường hết lứa này và một lứa vét nữa mới đốn tỉa. Đứng trên những đồi chè mênh mang xanh thẳm, ngắm những "sóng” chè uốn lượn theo sườn đồi, hái từng búp chè mập mạp, tỏa hương ngan ngát trong tiết trời đông khiến cảm giác thật quen, thật lạ.
 

Người dân thôn Khe Năm thu hái chè.

Ông Trần Sơn - người dân xóm 3 đang cùng với vợ con thu hái chè cho biết: "Nhờ tiết trời thuận lợi và chăm bón tốt nên năm nay tháng 12 chè vẫn được thu hái bình thường, mừng hơn nữa là giá chè búp tươi hiện đang cao nhất từ trước đến nay, 12.000 đồng/kg chè trung du, 25.000 đồng/kg chè Bát tiên. Chè hái về không bán ngay mà đem vào chế biến, vợ chồng chịu khó xao, hết khoảng 3 tiếng buổi tối là có lãi gần 300.000 đồng rồi”. Vậy là, người nông dân Hưng Khánh không chỉ sống được nhờ cây chè mà còn có thu nhập khá.

Cuộc sống mới đã hình thành ở vùng quê Khe Năm. Đại bộ phận số hộ gia đình đã được dùng nước sạch, có nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, có nhà ở khang trang, sạch, đẹp, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 27,8 triệu đồng; an ninh trật tự bảo đảm, không có nghiện ngập, rượu chè, bài bạc... Tất cả là nhờ chủ trương, chính sách đúng, nhờ những người cán bộ biết kiên trì vận động và nhờ tinh thần phấn đấu, vượt khó vươn lên của bà con nhân dân. Bài báo "Dân vận” của Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị; tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thấm vào những người cán bộ cơ sở như anh Vũ Xuân Hồng.
 
Bởi lẽ đó, anh luôn tâm niệm: "Làm cán bộ là phải gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách, bản thân gia đình phải lao động sản xuất giỏi, gia đình phải êm ấm, con cái phải ngoan ngoãn... Có thế dân mới tin, nói dân mới nghe. Thôn Khe Năm đã đóng góp rất tích cực vào nhiệm vụ xây dựng Hưng Khánh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017. Chắc chắn, sang năm và nhiều năm nữa, đời sống bà con trong thôn còn phát triển tốt hơn”.

Nắng chiều đã nhạt dần trên những đồi chè. Trời đã chuyển lạnh nhưng lòng người thêm ấm áp vì những tấm lòng hồn hậu, vì tình đoàn kết trên dưới một lòng, thương yêu đùm bọc lẫn nhau chung tay xây dựng đời sống mới ở vùng đất Khe Năm.

Lê Phiên

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục