“Mê hoặc” Mường Lò

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/1/2018 | 7:43:51 AM

YBĐT - Tây Bắc - với nhiều người, chỉ cần một lần "chạm” là bị "mê hoặc”. Sự "mê hoặc” ấy không đến từ những tiện nghi sang trọng hay đẳng cấp vượt trội của công nghệ. Cái tạo nên sức hút ấy là bởi chính nếp sinh hoạt đậm đà bản sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây, nó làm khơi gợi trí tò mò và khát khao chinh phục trong mỗi người một cách mạnh mẽ.

Con người Mường Lò thân thiện, mến khách luôn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.
Con người Mường Lò thân thiện, mến khách luôn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.


Trong cả cung đường Tây Bắc ấy, xứ Mường Lò - Nghĩa Lộ luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt, đặc biệt đến mức dù không biết bao lần đến với Mường Lò rồi nhưng cứ mỗi độ đông như sắp qua, xuân như đương tới, tôi lại muốn "chạm” vào Mường Lò để được chạm tới cảm xúc sống chậm ở bản Thái.

Lần nào cũng vậy, trên con đường vào Mường Lò tôi cũng dừng trên đầu dốc Thái Lão hà hít một hơi thật sâu, phi "con ngựa sắt” chầm chậm, từ từ để tận hưởng cảm giác gió rít bên tai, mơn man lên mắt, lên má, rồi mùi đất mùi rơm rạ nồng nồng, cứ thế dường như tôi đang "tan” vào trong lòng Mường Lò. Đến Mường Lò vào cái ngày chẳng có hội, nhà nhà, người người đang bận rộn chuẩn bị cho tết Nguyên đán, tưởng như lạc lõng ấy vậy mà chỉ cần xuất hiện một người với phong thái khác biệt hơn là người dân nhận ra ngay. 

Nhận ra để cười, để chào khi ánh mắt của người khách là tôi chạm vào ánh mắt Mường Lò. Ánh mắt Mường Lò đã làm say lòng biết bao lần, tưởng quen nhưng rồi lại vẫn say. Ở đất Mường Lò này, có lẽ chẳng còn chỗ nào tôi không biết, nó thân thuộc đến mức nhớ nhung và nhớ nhung đến mức luôn muốn quay đi quay lại cả trăm cả nghìn lần nữa dù quen lắm! Có lẽ vậy nên mỗi lần đến với Mường Lò là mỗi cảm xúc khác nhau. Chẳng cần nghĩ nhiều trước mỗi chuyến đi bởi tôi biết Mường Lò không bao giờ làm mình thất vọng. Quẹo xe theo đường lên Trạm Tấu, tôi tới nhà của anh chị Chinh Cương - một trong nhiều hộ làm du lịch cộng đồng ở xã Nghĩa An.



Du khách nước ngoài thích thú tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Không xa trung tâm là mấy nhưng có lẽ bởi Mường Lò vốn dĩ đã bình lặng, chẳng ồn ào nên bản Đêu 2, xã Nghĩa An vẫn có một không gian tĩnh tại như kéo chậm mọi suy nghĩ và nhịp sống của con người. Chẳng thể vội vàng khi nhìn cô gái Thái ngồi lặng lẽ vắt từng mũi kim khâu túi, khăn bên cửa sổ nhà sàn, hay người đàn ông tóc đã hoa râm thảnh thơi trước sân nhà, bào từng phoi tre cho phẳng phiu ưng ý với chiếc khèn bè dài. Anh chị Cương Chinh có lẽ quá quen thuộc với những vị khách xuất hiện vào những ngày áp tết và rất vui đón những vị khách sẽ đón tết cùng gia đình. Bởi người Mường Lò quan niệm, nhà nào càng nhiều khách tới thăm vào dịp tết thì nhà đó sẽ có một năm mới nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt. Chị Chinh niềm nở với nụ cười tỏa nắng đặc trưng của phụ nữ Mường Lò: 

- Chào mừng đến với gia đình mình. Cũng còn mấy đoàn nữa sẽ đến vào buổi chiều. Năm mới này nhà mình nhiều may mắn lắm đây. Tôi nghe cũng thấy vui lây: 

- Vâng! Chúc gia đình mình năm mới nhiều may mắn ạ!

Nhà chị Cương - Chinh trên 700 mét vuông hướng ra cánh đồng rộng lớn. Mới làm dịch vụ du lịch cộng đồng được mấy năm, nhưng nhà anh chị được coi là chuyên nghiệp trong vùng, bởi chị Chinh là người chăm chỉ, chịu học hỏi, còn anh Cương thì là một tay xây dựng khá khéo léo trong việc xây dựng khuôn viên, tạo cảnh, tạo kiểu các loại hoa, cây cảnh. Đang mải ngắm những tiểu cảnh xinh xắn trong khuôn viên, tôi bỗng nghe vẫn là giọng chị Chinh đấy nhưng là chị đang nói tiếng Pháp. Quay ra, là đoàn du khách Pháp, chị Chinh vẫn nụ cười tỏa nắng ấy nhưng là những câu chào và giới thiệu dịch vụ bằng tiếng Pháp. Anh Cương tự hào:

- Nhà tôi được tham gia lớp tiếng Pháp do tình nguyện viên người Pháp dạy ở thị xã. Đến nay, nhà tôi giao tiếp cơ bản với khách Pháp khá tốt. 

Tôi gật gù, cứ ngắm nhìn hình ảnh người phụ nữ giao tiếp lưu loát tiếng Pháp, thạo các dịch vụ du lịch nhưng vẫn vẹn nguyên cái chất của phụ nữ Mường Lò. Lúc này ông Nhất là chú của chị Chinh và cũng là đầu bếp của gia đình chị khi có khách quý về đến sân trên tay cầm con vịt béo núc vừa bắt từ chòi vịt của gia đình về. Ông Nhất nấu ăn ngon lại giữ nhiều công thức những món ăn đậm đà bản sắc của người Thái. Thấy khách đã đến, liền giới thiệu ngay:

- Hôm nay sẽ có món Pết Pỉnh Mí Khá nhé! Món vịt nướng ống tre ấy!

Ai nấy đều rất tò mò trước lời giới thiệu của ông Nhất. Dù thưởng thức khá nhiều những món ăn của người Thái nhưng tôi chưa bao giờ khám phá được hết ẩm thực của Mường Lò bởi nó dường như không bao giờ hết. Những món ăn được lưu truyền, những gia vị đặc trưng được những người yêu thích nấu ăn, am hiểu gia vị truyền thống như ông Nhất lại tiếp tục sáng tạo làm nên những món ăn mang đậm hương vị Mường Lò. Người ta thường nói những món ăn ngon sẽ làm cho khách nhớ mãi về miền đất đó. Và ẩm thực là một trong những lý do làm cho cái tên Mường Lò in mãi trong lòng du khách, làm cho Mường Lò thăng nhiều hạng trong bản đồ du lịch của Việt Nam. 

Trong lúc chờ chế biến món ăn, tôi lấy một chiếc xe đạp có sẵn tại nhà chị Chinh rồi hướng ra cánh đồng. Người đến các bản Thái thường thả bộ hoặc thuê xe đạp đi khắp bản. Những phương tiện hiện đại dường như là quá xa xỉ chỉ có đi bộ hay xe đạp mới cảm nhận rõ nhịp sống của người Thái sau mỗi nếp nhà sàn. Trong tiết trời xuân Mường Lò, tôi đạp xe dọc theo cánh đồng đang vào vụ màu xanh mướt, chốc chốc trên đường đi là những cột rơm cao ngất vẫn còn đượm mùi thơm của lúa mới, tôi thấy mình thật thư thái, bao nhiêu lo lắng, muộn phiền của cuộc sống hối hả nơi đô thị trong tôi dường như tan biến. 

Tất cả nhường chỗ cho cảm xúc với đất trời Mường Lò. Chốc lại gặp các bà, các chị đi chợ hay ra đồng về cười thật tươi hỏi: "Đi đâu đấy”. Câu hỏi mà lại là câu chào bởi người hỏi không chờ câu trả lời. Chao ôi! Câu chào ấy sao lại thân mật đến thế! Tôi dừng xe chào hỏi mấy chị, mấy bà vừa làm ngoài ruộng màu về, chụp vài tấm hình cùng họ để lưu giữ lại kỷ niệm của những ngày rong chơi sống chậm ở Mường Lò.

Tôi quay về với tin nhắn của chị Chinh báo là đến bữa ăn. Chỉ mới đó mà ông Nhất và chị Chinh đã sửa soạn xong hai mâm cơm cho đoàn khách. Không chỉ những người khách Pháp mà cả tôi cũng rất tò mò với những món ăn của ông Nhất. Những miếng thịt vịt lọc xương được ướp gia vị nẹp trong những ống nứa tươi rồi nướng lên. Nhìn miếng thịt vàng ươm, bốc khói nghi ngút tỏa ra cái vị thơm của thịt vịt đồng, của gia vị, của ống nứa tươi, của khói than củi... tất cả hòa quện với nhau tạo nên hương vị không thể cưỡng lại được. Rồi món cá bống lam ống tre, trám đen giã với cá nướng ăn kèm với xôi cốm... 



Chị Chinh hướng dẫn du khách dệt vải.

Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để những vị khách ngây ngất với hương vị, với cách chế biến và cả những dụng cụ chế biến toàn bằng những ống tre, ống nứa. Các vị khách gật gù trầm trồ khen ngợi, tôi cũng hưng phấn cùng với những chén rượu nấu thơm nồng với chủ nhà. Vừa ăn, chúng tôi vừa nghe ông Nhất kể câu chuyện xưa và cách làm những món ăn đó từ lúc ông còn chăn trâu cắt cỏ như thế nào. Bắt cá dưới suối nướng lên, ỏm vài quả trám đen giã nhuyễn cùng cá nướng rồi mang những gói xôi cốm mẹ gói ăn cùng. 

Những bữa trưa của thời trẻ trâu của ông hằn mãi trong tâm trí, để giờ đây dâng tặng khách quý của Mường Lò như một đặc sản không nơi nào có được. Các vị khách Pháp bảo ông Nhất là đầu bếp tuyệt vời, ông cười hiền hậu nâng chén rượu nhấp cùng khách và chia sẻ rất thật:

- Tôi không phải đầu bếp, đã là con của đất Mường Lò thì sẽ biết nấu tất cả những món của người Thái. Chúng tôi hạnh phúc bởi những món ăn của chúng tôi được các anh chị thích và nhớ đến. 

Rồi ông kể công việc hàng ngày của ông là chăn vài đàn vịt ngoài đồng kia, những lúc nhà có khách đặt món ăn dân tộc thì về chế biến giúp cho cháu. Trong câu chuyện của ông luôn lan tỏa sự lạc quan yêu đời, hạnh phúc cho những người đối diện. Sự lạc quan yêu đời và hạnh phúc ấy bắt nguồn từ sự chậm rãi của đất trời Mường Lò và cả của người Mường Lò. 

Rồi chị Chinh chuẩn bị một món quà cho các vị khách là màn văn nghệ hát giao duyên. Chị bảo ở bản luôn thường trực một đội văn nghệ nghiệp dư, sẵn sàng hát múa và phục vụ các tour du lịch giao lưu với khách. Họ là những phụ nữ ở nhiều lứa tuổi, thích văn nghệ, thuần thục những điệu múa và nằm lòng những câu hát giao duyên. Người trai tham gia vào đêm văn nghệ thường là những người thổi pí rất hay. Ai cũng trầm trồ bởi sinh hoạt văn hoá tinh thần độc đáo của người bản địa. Chị Chinh chia sẻ: "Người phụ nữ Thái thường quan niệm, người con trai biết thổi pí hay là người có tâm hồn đẹp và trong tương lai sẽ là một người chồng tốt”. 

Chính vì thế, mà sinh hoạt văn hóa văn nghệ của các bản Thái vô cùng hấp dẫn bởi không chỉ biểu diễn cho khách du lịch xem, cùng mời khách du lịch chơi, hơn hết, đó là nét sinh hoạt bản sắc của dân tộc, họ cùng gìn giữ và cùng tạo cơ hội kết đôi cho các bạn trẻ. Chị Chinh nhấn mạnh: "Thường, những buổi sinh hoạt như thế sẽ là miễn phí với khách du lịch khi tham gia thưởng thức”. Bởi đơn giản thù lao chính là sự hài lòng và niềm vui của du khách. Người Thái không lấy tiền làm trọng. Họ có thể nhận tấm lòng cảm ơn của khách nhưng sẽ không bao giờ đòi hỏi, không kỳ kèo, mặc cả. Những lời giới thiệu của chị Chinh cùng những trải nghiệm thú vị càng khiến cho du khách trân trọng, yêu mến người Mường Lò.

Giữa thế giới bon chen, con người đang tranh đua hơn thua nhau thì vẫn có những nơi con người đang chậm rãi sống và hiền hậu không tưởng. Những kỷ niệm sống chậm ở Mường Lò càng thôi thúc tôi sớm được quay lại miền đất yên bình, đầy mê hoặc này.

T.V

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục