Về vùng đặc sản nếp Tan

  • Cập nhật: Thứ tư, 24/1/2018 | 1:41:57 PM

YBĐT - "Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò”, câu ca ấy đã vượt ra khỏi ranh giới vùng đất Yên Bái để đến với người dân các vùng miền trong cả nước và gợi lên sự háo hức trong tâm hồn những lữ khách mỗi khi có dịp đặt chân đến mảnh đất Tú Lệ, huyện Văn Chấn những ngày đầu xuân.

Sự khác biệt về địa chất và khí hậu đã tạo nên những hạt gạo Tú Lệ dẻo thơm.
Sự khác biệt về địa chất và khí hậu đã tạo nên những hạt gạo Tú Lệ dẻo thơm.


Từ trung tâm huyện lỵ Văn Chấn, vượt qua cánh đồng Mường Lò, theo quốc lộ 32 lên Mù Cang Chải, trước lúc vượt sừng trời (đèo Khau Phạ), Tú Lệ hiện ra với vẻ đẹp sững sờ như một cô gái miền sơn cước dịu dàng đằm thắm đến mê hồn. Điều hấp dẫn là vùng đất này không quá xa xôi cách trở, ô tô và xe máy đều có thể đến và đi một cách dễ dàng.
 
Những thung lũng, cánh đồng, biển lúa hầu hết đều nằm hai bên đường của quốc lộ, tiếp theo đó là cảnh sắc mỗi mùa một nét gợi cảm riêng biệt, thú vị và không bao giờ gây nhàm chán. Mùa làm đất thì long lanh sắc nước, bờ be đất nâu một màu trù phú. Mùa gieo mạ, lúa xanh như tấm thảm tạo thành những điểm nhấn ấn tượng. Mùa lúa xanh, xanh ngát đến tận chân trời. Mùa lúa chín lại vàng ươm dạt dào như sóng biển. Mùa gặt náo nức rộn ràng, mùi cơm mới theo gió bảng lảng trên chái nhà. Nhìn ngày mùa mới tươi vui, lữ khách sẽ cảm thấy cuộc sống căng tràn nhựa sống nơi núi rừng Tây Bắc.
 
Đẹp nhất là những cánh đồng lúa mê mải được ôm trọn bởi ba dãy núi ven một dòng suối mênh mang tinh khiết uốn lượn chảy ngang. Đỉnh dốc Hai Bà Cháu là một trong những địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn toàn cảnh Tú Lệ. Những mái nhà lợp gỗ nằm san sát, biển lúa rập rờn như cánh sóng.

Nếu ai đã đến Tú Lệ, hẳn không quên được mảnh đất này của hơn 30 năm về trước. Ngày ấy, xã Tú Lệ được mệnh danh là vương quốc của cây thuốc phiện. Thuốc phiện được trồng khắp cánh đồng Tú Lệ, nhà nào cũng trồng thuốc phiện. Vào những mùa anh túc nở, thung lũng Tú Lệ mang một vẻ đẹp huyền bí nhưng vẻ đẹp của loài hoa anh túc càng rực rỡ bao nhiêu thì cuộc sống người dân Tú Lệ càng khốn khó bấy nhiêu. Thuốc phiện không những chẳng đem lại cơm ăn áo mặc, chẳng làm cho bà con người Thái ở Tú Lệ đổi đời mà nó còn kéo theo đói nghèo và cùng cực, bởi số người nghiện thuốc phiện cứ theo đó mà tăng lên.
 
Sau này từ chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cán bộ từ huyện đến xã mà đứng đầu là các già làng, trưởng bản đã tích cực vận động nhân dân nhổ bỏ cây thuốc phiện. Thế rồi, những cánh đồng thuốc phiện dần dần được chuyển sang trồng lúa, trồng ngô, trồng đậu tương.
 
Từ khi quốc lộ 32 được nâng cấp, xã vùng cao này đã có nhiều đổi thay, trung tâm xã trở thành một thị tứ sôi động, là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đó cũng là điều kiện để các mặt hàng nông sản được khách thập phương biết đến, dọc quốc lộ nhiều khách sạn mọc lên, gà đồi, nếp thơm là món ăn ưa thích của nhiều du khách. Bây giờ thì cây anh túc chỉ còn lại trong ký ức xưa của người già trong xã.
 
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng nếp Tan lả rộng 150 ha vào lúc lúa đang thì con gái tỏa hương ngào ngạt cả một vùng, chạy dài từ bản Phạ xuống bản Thái - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tú Lệ Lự Văn Xuân cho biết: "Trước đây, người dân chỉ canh tác một vụ lúa mùa còn vụ xuân hầu như bỏ không bởi thiếu nước và rét nhưng với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương, thông qua các lớp tập huấn, chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh, trình độ canh tác của người dân được nâng cao, bây giờ người dân đã canh tác hai vụ, vừa nâng cao năng suất, sản lượng cũng như giá trị của lúa nếp vừa tạo cho Tú Lệ một bức tranh, cảnh vật đa sắc màu”.
 
Sở dĩ Tú Lệ đẹp, nổi tiếng và được nhiều du khách thập phương biết đến là bởi nếp Tú Lệ, gạo nếp ở đây ngon, dẻo thơm nổi tiếng là vì cánh đồng lúa được tưới mát bởi con suối đầu nguồn Mường Lùng, lúa được gieo trồng trên một nền đất hiếm, tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali cao, thung lũng Tú Lệ lại nằm gọn giữa ba ngọn núi nên biên độ dao động nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày.
 
Đây là yếu tố quan trọng làm tăng mạch tinh bột Aminôtécpin, quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo. Thêm nữa là cấu tạo của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ thấm nước và khí hậu trong lành nên cây nếp Tan lả trồng xuống bén rễ xanh non mơn mởn, vì vậy nếp Tan Tú Lệ được coi là gạo sạch.
 

Các sản phẩm từ lúa nếp như cốm, xôi đã trở thành món ăn đặc sản của Tú Lệ.

Và cũng chính bởi nguồn nước trong lành, tinh khiết từ con suối Mường Lùng mà con gái ở Tú Lệ xinh đẹp đến lạ thường, da trắng má hồng, tóc dài đen nhánh làm đắm say lòng người. Nếp Tan lả được người Thái Tú Lệ chế biến thành nhiều món ăn mang đặc trưng địa phương để giới thiệu với khách, nhất là trong lễ hội Lồng tồng cúng trời đất mỗi độ xuân về.
 
Cốm làm từ nếp non, gói trong lá dong xanh như tăng thêm màu xanh của cốm và tỏa mùi thơm ngậy của sữa lúa, có thể sánh với cốm làng Vòng Hà Nội. "Khẩu hang" là lúa đỏ đuôi, cắt về đem rang khô và xay giã thành gạo, đồ trong chõ gỗ chóng chín lại có mùi thơm của xôi nếp cùng cốm xanh. Riêng xôi nếp Tú Lệ dẻo thơm mà cầm trên tay không bị dính như xôi từ một số loại nếp khác, bề mặt hạt xôi có lớp dầu làm nên vị béo ngậy hiếm có. Thế nên người Thái Tú Lệ ăn xôi nếp quanh năm không chán và cây nếp Tan lả cứ theo chân bao thế hệ xuống đồng để còn mãi đến bây giờ.

Thị tứ Tú Lệ suốt ngày nhộn nhịp người và xe. Người từ các bản Phạ Trên, Phạ Dưới, bản Pom Ban, Nước Nóng,… kéo ra; khách theo xe từ huyện Mù Cang Chải, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ đến. Những phụ nữ Thái, áo cỏm, váy đen, mái tóc búi cao bên quẩy tấu đựng đầy thóc gạo nếp mới thiết tha mời chào.
 
Hầu như khách đã qua đây không ai bỏ lỡ dịp thưởng thức món xôi nóng ăn cùng thịt nướng và nhâm nhi chén rượu cất từ nếp quý để rồi say nồng trong điệu khắp, điệu xòe của những cô gái Thái má lúng liếng ửng hồng. Sự thú vị khác nữa là những món đặc sản không thể bỏ qua cùng phong tục tắm suối khoáng độc đáo của người dân Tú Lệ.
 
Cuối chiều, khi những cô gái chàng trai người dân tộc Thái trở về nhà sau một ngày làm đồng rộn rã là lúc dòng suối nước nóng giữa những cánh đồng đông người nhất. Người Thái tắm dưới suối, thật tự nhiên trong thiên nhiên tươi đẹp. Ở đây có hai bể tắm nước khoáng nóng ngay cạnh dòng suối mát và bên bờ là ruộng nương chín vàng.
 
Một bể tắm rất nóng và một bể tắm ấm. Mỗi khi chiều xuống, sau một ngày lao động vất vả, những cô gái Thái lại kéo nhau xuống dòng suối Tú Lệ, tự nhiên trút bỏ xiêm y và trở thành những nàng tiên giữa đất trời. Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn trong làn nước nóng thoang thoảng mùi hăng hăng của lưu huỳnh giữa thiên nhiên cùng tiết trời hanh hao. Bạn cũng có thể trò chuyện với các chị, các cô gái xinh xắn má đỏ hây hây nhưng tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không thì sẽ bị trai bản và pháp luật trừng phạt.

Tú Lệ như một cô gái miền sơn cước vô cùng xinh đẹp. Đẹp ngay từ dốc Ba Tầng nơi bắt đầu địa giới của vùng, cao ngất trời mây bên vách đá chênh vênh, núi rừng hoang sơ và đầy vẻ kiêu kỳ bí ẩn. Đẹp từ những mảnh ruộng nằm lẻ loi trên sườn núi đá, những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ cheo leo thoáng ẩn, thoáng hiện giữa đỉnh trời. Khi những cành hoa ban trên sườn núi Khau Phạ xốn xang trang điểm cho mùa xuân màu trắng tinh khôi, cũng là lúc con suối Mường Lùng bắt đầu chắt chiu những dòng nước ngọt lành thấm vào cánh đồng nếp Tan lả.
 
Tú Lệ đã đi vào câu ca, đi vào huyền thoại với gạo trắng, nước trong với giống lúa nếp thơm ngon và những người con gái Tú Lệ da trắng má hồng đẹp nức tiếng làm đắm say tâm hồn của biết bao lữ khách mỗi khi có dịp dừng chân trên mảnh đất miền sơn cước này.
 
Thanh Tân

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục