Niềm tin “Quảng Khắp”

  • Cập nhật: Thứ tư, 21/2/2018 | 11:20:30 AM

YBĐT - Bà con dân tộc Thái thường gọi những người hát các điệu dân ca dân tộc Thái giỏi, hiểu chữ Thái, văn hóa Thái bằng cái tên quen thuộc: "Quảng Khắp”.

Biểu diễn Hạn Khuống trong các đêm hội. (Ảnh: Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng truyền dạy các điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ).
Biểu diễn Hạn Khuống trong các đêm hội. (Ảnh: Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng truyền dạy các điệu xòe cổ cho thế hệ trẻ).


Mường Lò được biết đến là cái nôi của văn hóa dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Có rất nhiều nghiên cứu sinh ngành Thái học người nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp đã lặn lội tìm đến Mường Lò để gặp các nghệ nhân mà bà con dân tộc Thái thường gọi bằng cái tên quen thuộc là "Quảng Khắp” (tức là người hát các điệu dân ca dân tộc Thái giỏi, hiểu chữ Thái, văn hóa Thái). 

Cũng vì thế mà trong lòng "Quảng Khắp” luôn suy nghĩ, ngày nào còn đủ sức dạy, truyền lại vốn hiểu biết về văn hóa Thái cho con cháu thì phải làm thật nhanh, thật gấp để thỏa niềm đam mê văn hóa dân tộc thái hiện nay của thế hệ trẻ Mường Lò.

Thắp lửa đam mê

Chúng tôi đến thăm nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở bản Đêu 1, xã Nghĩa An đúng vào thời gian bà đang làm hồ sơ được công nhận nghệ nhân dân gian. Tập hồ sơ đang hoàn thiện dày cộp với đầy đủ bài hát và những băng, đĩa sao in lại nhiều tác phẩm báo chí của báo, đài trung ương, địa phương sản xuất về các điệu hát, múa do bà Xiêng sáng tác và truyền dạy.
 
Qua câu chuyện về "Nghiệp Khắp” của Nghệ nhân này, chúng tôi được biết, ngay từ nhỏ bà đã bộc lộ năng khiếu nghệ thuật, thuộc rất nhiều những điệu múa, câu "Khắp”, truyện cổ của dân tộc Thái. Bà Xiêng sớm trở nên nổi tiếng khắp vùng và được bà con dân bản yêu mến đặt cho tên gọi "Họa mi của bản”.
 
Bằng tài năng nghệ thuật thiên phú ấy, Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng đã đi biểu diễn ở nhiều nơi, đóng góp nhiều thành tích cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.
 
"Niềm đam mê đó theo thời gian cứ lớn dần và thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình” - Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng chia sẻ. Từ suy nghĩ đến hành động, bà luôn cố gắng sưu tầm, tìm tòi, học hỏi những bậc cao niên, tự mày mò, nghiên cứu, cải biên sáng tác và tự thể hiện những câu "Khắp” điệu "Xòe”.
 
Bà cũng đã sáng tác được hàng trăm bài hát "Khắp” mang "nét riêng” của mình như: Bản làng đổi mới, Nậm Đông có điện, Ơn Đảng ơn Bác Hồ, Nghĩa An xây dựng đời sống mới…
 
Để khẳng định rằng thế hệ trẻ ở Mường Lò hiện nay vẫn "say” các nét đẹp văn hóa dân tộc mình, Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng đưa chúng tôi thăm quan Nhà văn hóa xã Nghĩa An để cùng với bà con dân bản dựng sàn "Hạn Khuống” dạy các bài hát "Khắp” trong đêm "Hạn Khuống” giúp các nam thanh, nữ tú chuẩn bị cho các lễ hội xuân Mậu Tuất 2018.
 
Chị Lò Thị Tom - một trong những học viên ưu tú lớp học hát "Khắp” của  bà Xiêng chia sẻ: "Từ khi tham gia lớp học, được "cô giáo” Xiêng truyền dạy những bài hát của dân tộc mình, tôi càng thêm yêu quý và trân trọng những tinh hoa văn hóa của ông cha để lại”. 

Học viên trong lớp "Khắp” Thái của bà Xiêng nhiều người đã trở thành những cô "tổn khuống”- nhân vật chính dẫn dắt hát Hạn Khuống trên sàn Hạn Khuống trong các đêm hội.
 
Nhờ tâm huyết của bà Xiêng mà phần lớn các chàng trai, cô gái ở bản Thái Nghĩa An đều biết Khắp, biết múa trong đêm hội. Đây chính là động lực, là niềm vui của những "Quảng khắp” trên con đường gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Đến bản Cang Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, chưa kịp hỏi thăm thì mấy đứa trẻ chăn trâu đã chỉ cho chúng tôi đến thẳng nhà ông Lò Văn Biến, bởi chúng đã quá quen khi thấy khách tìm nhà ông "Lão Thái học” rồi. Ít ai nghĩ, rất nhiều những bí mật về văn hóa Thái Tây Bắc lại được "ẩn chứa” trong ngôi nhà sàn nhỏ nhắn phía sau vườn này.
 
Người chúng tôi gặp không phải là "Lão Thái học” mà là anh Lò Tuyên Dung ở Bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi - một trong những học trò xuất sắc được cụ Biến đào tạo. Anh Lò Tuyên Dung không chỉ học giỏi, viết chữ đẹp nhất mà còn là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Thái theo kiểu viết thư pháp.
 
"Niềm đam mê với văn hóa dân tộc mới thật sự "bùng cháy” khi tôi được tham gia lớp học chữ Thái do nghệ nhân Lò Văn Biến giảng dạy từ năm 2007” - anh Dung chia sẻ.
 
Sau 3 tháng theo học, được truyền đạt những kiến thức cơ bản nhất, anh Dung đã có thể đọc thông, viết thạo chữ Thái. Không dừng lại ở đó, anh Dung tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, sưu tầm các văn tự cổ của người Thái và dành cho mình một không gian riêng tại gia đình để đặt nghiên, bút và những lúc rảnh rỗi lại miệt mài với niềm đam mê cháy bỏng đó.
 
Năm 2008, anh Dung đã tự mở lớp dạy chữ Thái đầu tiên của riêng mình ngay tại nhà. Học viên theo học anh chủ yếu là bà con dân bản nơi gia đình anh sinh sống. Với niềm đam mê cũng như mong muốn đồng bào dân tộc Thái nói chung, thế hệ trẻ nói riêng yêu nét văn hóa dân tộc mình, từ năm 2008 đến nay, anh Dung đã mở được 5 lớp dạy chữ Thái cho hơn 150 học viên ở khắp các xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ như: phường Tân An, xã Nghĩa An, xã Nghĩa Lợi… 

Nhiều học viên ưu tú có tâm huyết và niềm đam mê với chữ Thái đang ngày ngày cùng anh tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn chữ viết của dân tộc.
 
Tâm sự với chúng tôi, Nghệ nhân Lò Văn Biến cho biết: "Học chữ Thái không khó, chỉ 3 tháng là có thể đọc, ghép vần, hiểu nghĩa, một năm có thể đọc thông, viết thạo, dịch được sách, nhưng cần phải có sự say mê, tâm huyết. Với mong muốn lớp trẻ sẽ kế tục và phát huy nét đẹp, tinh hoa của dân tộc mình, tôi đã chủ động biên soạn thành công bộ tài liệu dạy tiếng và chữ Thái cổ Mường Lò dùng để giảng dạy cho cán bộ viên chức đang công tác tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc - nơi có đông đồng bào dân tộc Thái sinh sống”.
 
Nghệ nhân Lò Văn Biến, Điêu Thị Xiêng, đều có chung một cảm nghĩ, khát khao có nhiều hơn sức khỏe để được tiếp tục cống hiến, gìn giữ, bảo tồn và trao truyền cho thế hệ mai sau hồn cốt của dân tộc, để văn hóa dân tộc Thái được lưu truyền mãi mãi về sau.

Xòe theo tiếng trống trường

Đang bâng khuâng niềm vui cùng các nghệ nhân dân tộc Thái, tôi lại được hòa mình với tiếng trống xòe rộn rã nơi trường học. Có mặt tại giờ sinh hoạt ngoại khóa ngoài trời của các em học sinh phân hiệu tiểu học thuộc Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Lý Tự Trọng, tôi được chứng kiến cảnh các thầy cô giáo và học sinh đang hăng say tập luyện điệu xòe Phá Xí (xòe Bổ Bốn) - một trong 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái.
 
 
Ông Lò Văn Biến dạy chữ Thái cho lớp trẻ.

Thầy Lê Thanh Tùng cũng là học trò cưng của nghệ nhân Lò Văn Biến, sau khi được thầy Biến truyền lửa đam mê về chữ Thái và những điệu xòe cổ đã tham mưu với nhà trường đưa vào tiết học ngoại khóa cho học sinh mỗi tuần một buổi. Kết quả là năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ tổ chức hội thi xòe Thái cho các em học sinh trên địa bàn, Trường TH&THCS Lý Tự Trọng xây dựng kế hoạch luyện tập múa xòe cho nhóm tám em học sinh tham gia hội thi. Với sự cố gắng luyện tập của cả thầy và trò, đội thi của Trường đã giành giải Nhất. 

"Cũng trong năm 2013, để chuẩn bị cho Tuần Văn hóa du lịch Mường Lò, hầu hết học sinh THCS, THPT trên địa bàn đều tham gia tập luyện, biểu diễn múa xòe và đã tạo nên màn đại xòe lập kỷ lục Guinness.
 
Từ đó, các em đều hiểu, say mê hơn và tự thấy cần phải có trách nhiệm giữ gìn phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc mình” - thầy Tùng chia sẻ. Từ những buổi học múa xòe tại nhà trường mà nhiều em học sinh đã có thể tham gia các đội xòe tại địa phương thôn, bản, tham gia các ngày hội biểu diễn. Hiện nay, tại Nghĩa Lộ, xòe Thái đã được nhân rộng trong các trường TH, THCS trên toàn thị xã. Lượng học sinh mỗi năm tham gia đều đạt trên 600 em.
 
Bà Lò Tuyết Dung - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Đưa các điệu xòe vào giờ ngoại khóa trong trường học đã có tác động rất tốt đến các em học sinh. Qua đó, không chỉ góp phần truyền thụ những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương Mường Lò - Nghĩa Lộ đến thế hệ trẻ trên địa bàn mà múa xòe còn là hoạt động giúp thả lỏng cơ thể cho học sinh sau những tiết học và phù hợp với nhiệm vụ của năm học là triển khai tập luyện múa hát tại sân trường”.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái cổ, câu Khắp, điệu Xòe cổ được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, chỉ còn lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử. Do vậy, việc truyền dạy chữ Thái, câu Khắp, điệu Xòe ở thị xã Nghĩa Lộ không còn đơn thuần là việc học chữ, học hát, múa nữa mà còn thấy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có từ lâu đời.
 
Giờ đây, niềm tin của các "Quảng Khắp” đã thực sự trở thành hiện thực khi thấy thế hệ trẻ quê mình đang say mê học tập và truyền dạy chữ Thái, khắp Thái. Đến Nghĩa Lộ, Mường Lò những ngày đầu xuân, du khách đều có thể nghe tiếng trống xòe rộn rã nơi sân trường, thấy câu Khắp trữ tình xao xuyến nơi cuối bản và thấy "ông đồ” người Thái cặm cụi cho chữ dưới nếp nhà sàn. Một mùa xuân mới lại về báo hiệu sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật và hứa hẹn niềm tin vào cuộc sống mới đậm đà bản sắc dân tộc cùng những đổi thay đi lên trên quê hương Mường Lò. 
 
Ngọc Sơn

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục