Xuân về thôn kiểu mẫu

  • Cập nhật: Thứ sáu, 23/2/2018 | 1:53:32 PM

YBĐT - Trở lại thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca (Trấn Yên) trong tiết trời ấm dần của những ngày đầu xuân, điều ấn tượng với chúng tôi là hình ảnh trục đường chính từ xã lên thôn đã được trải nhựa.

Lãnh đạo tỉnh, huyện Trấn Yên về thăm thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca.
Lãnh đạo tỉnh, huyện Trấn Yên về thăm thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca.


Ngay trong những ngày này, thôn đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bê tông trục thôn, đường ngõ xóm dài 1 km, nhiều ngôi nhà mới xây mới mọc lên cho thấy nhịp sống mới đang đổi thay, tạo đà cho vùng đất này vươn lên, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của xã vùng cao Hồng Ca. 

Thôn Khuôn Bổ được hình thành năm 2000. Lúc đầu chỉ có 20 hộ từ bản Đồng Ruộng, xã Kiên Thành huyện Trấn Yên chuyển sang và 5 hộ ở thôn Hồng Lâu tách ra. Sau gần 20 năm thành lập, thôn hiện có 74 hộ, 392 khẩu, trong đó có tới 73 hộ dân tộc Mông. Đời sống của người dân trong thôn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. 

Dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng đây là thôn đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Vì vậy, cuối năm 2017, xã Hồng Ca đã chọn thôn Khuôn Bổ để xây dựng "Thôn nông thôn mới kiểu mẫu”.

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Sổng A Dũng - Trưởng thôn Khuôn Bổ là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi của thôn và cũng là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Ngồi trong căn nhà cấp 4 mới được xây dựng, anh Dũng tâm sự: "Trước đây, nhà tôi chỉ biết trồng ngô, lúa và năm được mùa thì may ra đủ ăn. Thực hiện chủ trương của xã, những năm gần đây, gia đình tôi tập trung trồng quế, tre Bát độ, cây ăn quả, trồng sa nhân kết hợp với chăn nuôi… Nguồn thu từ trồng trọt và chăn nuôi giúp kinh tế gia đình tôi khá hơn, có tiền làm nhà ở, mua sắm vật dụng sinh hoạt và đóng góp xây dựng nông thôn mới ở thôn”.
 
Không chỉ giỏi về phát triển kinh tế gia đình, anh Dũng còn mong muốn và tích cực vận động bà con trong thôn cùng tham gia các mô hình phát triển kinh tế, nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, tăng nhanh hộ khá giàu.
 
"Tôi sẽ vận động mọi nhà trồng tre Bát độ, quế và dưới tán quế trồng sa nhân để tăng thêm thu nhập, tạo nguồn thu nhập lâu dài. Nhà nào cũng trồng những loại cây này sẽ tạo thành vùng nguyên liệu tập trung góp phần giảm nghèo bền vững cho các gia đình” - anh Dũng cho biết thêm.

Để thực hiện thành công thôn nông thôn mới kiểu mẫu, Chi bộ thôn Khuôn Bổ xác định, mỗi hộ dân là một hạt nhân trong nông thôn mới và nhiều hộ tập trung lại để thành từng xóm nông thôn mới. Để dân hiểu và tham gia, cán bộ, đảng viên phải nắm chắc chủ trương, nghị quyết của cấp trên, coi trọng công tác vận động nhân dân, xây dựng mô hình điểm để người dân học tập, làm theo, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, trọng tâm là việc tuyên truyền, vận động và hướng dẫn trực tiếp người dân thay đổi tư duy trong việc ăn ở hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà ở, đào hố rác, đưa một số cây trồng, vật nuôi hiệu quả vào sản xuất...

Qua vận động, bà con đã hiểu và làm theo, cùng nhau thi đua phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; tập trung khai thác thế mạnh của địa phương như trồng chè Shan, quế, tre Bát độ, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, lợn đen bản địa...
 
Với trên 11 ha lúa nước, hàng năm cho sản lượng đạt 94 tấn, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực cho người dân. Ngoài ra, thôn Khuôn Bổ có trên 10 ha cây ăn quả có múi; 5 ha chè Shan tuyết, 25 ha quế, 30 ha tre Bát độ. Chỉ tính từ sản xuất lâm nghiệp, mỗi năm người dân cũng thu về trên dưới 2 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống người dân được cải thiện và từng bước nâng cao. Hiện, thôn có 31% số hộ khá giàu, hộ nghèo giảm còn 36%, chỉ còn 4 hộ đói giáp hạt.

Nói đến đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Mông, người ta thường nghĩ tới những ngôi nhà tạm bợ và đi đôi với đó là ô nhiễm môi trường. Nhưng, với thôn Khuôn Bổ lại hoàn toàn khác. Trong 74 ngôi nhà thì có tới 73 ngôi nhà đảm bảo 3 cứng "cứng nền, cứng mái và cột cứng”, trong đó 10% nhà đã được kiên cố vững chắc. Cuối năm 2017, thôn được hỗ trợ 68 tấn xi măng để xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, công trình nước sạch, làm chuồng trại.
 
Nhờ đó, cơ bản từng gia đình đã đảm bảo tiêu chí môi trường, anh Sổng A Tra cho rằng: "Trước đây, người Mông thường không giữ vệ sinh môi trường, nhưng khi được tuyên truyền, người Mông đã biết làm các công trình nước sạch, nhà tắm, nhà  vệ sinh, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm được xây dựng xa nhà, đào hố rác vừa giữ được vệ sinh chung vừa chống được bệnh tật. Công tác vệ sinh môi trường đã có sức lan tỏa lớn trong thôn và nhà nào giờ cũng làm các công trình đó”.

Một trong những điển hình của thôn Khuôn Bổ đó là tinh thần tự lực, tự cường trong việc tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư.
 
Đến nay, trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được ra lớp, thôn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong việc hiếu, việc hỉ và 2 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên; trẻ sinh ra đều được sinh tại các cơ sở y tế, làm đầy đủ thủ tục khai sinh và làm thủ tục khai tử cho các thành viên trong gia đình; thôn không có người mắc các tệ nạn xã hội...
 
Tranh thủ sự đầu tư của Nhà nước, ngoài việc tự nguyện hiến đất thì người dân ở đây luôn là chủ thể trong việc hiến kế, hiến công và đóng góp đầy đủ tiền bạc vào các công trình xây dựng cơ bản. Nhờ đó, hạ tầng cơ sở của thôn được xây dựng khang trang đồng bộ.
 
Bí thư Chi bộ Cháng Thị Nhà cho biết thêm: "Thôn vận động bà con tích cực chỉnh trang nhà cửa, xây dựng các công trình trong tiêu chí môi trường. Trong việc xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng và kiên cố hóa đường giao thông, bà con rất tích cực đóng góp ngày công lao động. Nhà nào khá giả mà không có nhân công thì đóng góp bằng tiền mặt, còn nhà nào không có điều kiện sẽ làm thay nhà nào có điều kiện để giảm bớt chi phí đóng góp. Thôn chúng tôi phấn đấu sửa sang các công trình phúc lợi theo đúng tiêu chí nông thôn ngay trong dịp tết Nguyên đán này”.

Khi mới bắt tay vào thực hiện đề án xây dựng thôn kiểu mẫu, Khuôn Bổ mới đạt 6/15 tiêu chí thì đến nay cơ bản có thêm 3 tiêu chí nữa đạt chuẩn như tiêu chí đường giao thông, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm.
 
Với mục tiêu, hết năm 2018, Khuôn Bổ đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiêu, tạo tiền đề năm 2019 Hồng Ca được công nhận chuẩn nông thôn mới, Đảng ủy, chính quyền xã Hồng Ca nói chung và thôn Khuôn Bổ nói riêng còn rất nhiều việc cần làm.
 
Ông Hà Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Ca khẳng định: "Tiêu chí phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo là một trong những tiêu chí không chỉ Khuôn Bổ gặp khó khăn mà một số thôn khác trong xã cũng đang phải nỗ lực thực hiện. Vì vậy, Hồng Ca sẽ vận động bà con tích cực trồng quế, trồng tre Bát độ, chăn nuôi lợn, gà bản địa của người Mông thành sản xuất hàng hóa”.

Chia tay thôn Khuôn Bổ trong không khí của một mùa xuân mới, chúng tôi nhận thấy cuộc sống ấm no, hạnh phúc đang hiện hữu nơi đây. Một màu xanh ngút ngàn của lúa, cây rừng chạy tít tắp như những tín hiệu tốt lành về sự đổi thay trong cuộc sống của đồng bào Mông nơi lưng chừng núi và Khuôn Bổ chắc chắn sẽ hoàn thành mô hình thôn kiểu mẫu đúng lộ trình và trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở vùng cao Hồng Ca.

Thanh Hùng (Trung tâm TT&VH Trấn Yên)

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục