Những “nữ tướng” vùng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/2/2018 | 8:22:20 AM

YBĐT - Có một xã vùng cao mà ở đó phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; tự nguyện cùng dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh; chia sẻ, động viên những gia đình khi có mâu thuẫn bất hòa..., nhờ đó các loại tệ nạn xã hội được đẩy lùi. Đó là xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn. Có được điều này, công lao thuộc về các "nữ tướng”.

Chị Lý Thị Pham (bên trái) trao đổi với chị em thôn Giàng Cài vệ sinh đoạn đường tự quản và công tác vệ sinh môi trường.
Chị Lý Thị Pham (bên trái) trao đổi với chị em thôn Giàng Cài vệ sinh đoạn đường tự quản và công tác vệ sinh môi trường.


Chúng tôi đến xã Nậm Lành - xã vùng cao của huyện Văn Chấn vào những ngày mưa dai dẳng tưởng chừng như không bao giờ dứt. "Nắng hạn đã khổ, nhưng mưa triền miên thì cũng khổ không kém. Thế này thì việc chăn nuôi, trồng cấy, kinh doanh cũng ngừng trệ”.
 
Chúng tôi "đọc” được tiếng thở dài có vẻ "nóng ruột” ấy của chị Lý Thị Pham - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Lành huyện Văn Chấn. Đó cũng là lý do để chị em ngồi đây tại ngôi nhà gỗ năm gian của chị Bàn Thị Chạn - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Giàng Cài để bàn chuyện thôn, chuyện bản, trao đổi với nhau cách dạy con và… "dạy chồng” nữa - một chị cười lớn mà nói với chúng tôi như vậy.
 
"Này anh khách miền xuôi”, chị Pham quay sang hỏi tôi cứ như người quen lâu ngày không gặp. Lên đây lần đầu phải không?”. Tôi nói rằng, tôi chỉ mới qua đây, chứ chưa có dịp ở lại đây bao giờ. Chị nói, chắc qua đây lâu rồi phải không, cái thời mà vùng này còn nhiều vất vả? Chứ đã 3 năm nay, đường bê tông đã lên tới các thôn, bản. Xã không còn hộ đói nữa, số hộ nghèo giảm mạnh đặc biệt là xã không còn có các tệ nạn xã hội.

Tỏ ý quan tâm tới những tờ giấy khen được treo trên tường, bởi đã đi nhiều nơi nhưng thú thật, chưa bao giờ thấy nơi nào có chứng nhận về thành tích nhiều như vậy. Chắc hẳn, Hội Phụ nữ xã Nậm Lành làm được điều ngoại mục. Chị Pham hồ hởi kể lại chặng đường đã qua để có được bộ mặt khởi sắc hôm nay. Nậm Lành là xã đặc biệt khó khăn với trên 90% đồng bào Dao.
 
Nơi đây vẫn còn có những phong tục, tập quán lạc hậu, kinh tế khó khăn, cùng với đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ, tình trạng tảo hôn, bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình vẫn tồn tại... Để giải được bài toán ấy, phải cần đến bàn tay của các "nữ tướng”, những người nắm tay hòm chìa khóa, những người "giữ lửa” của mỗi tổ ấm gia đình.
 
Trong đó, vai trò của phụ nữ luôn được phát huy, là nơi tập hợp, kết nối và sẻ chia bao điều trong cuộc sống. Trong buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi hội Phụ nữ thôn Giàng Cài, chị Pham được mọi người nhắc đến như một cánh chim đầu đàn trong Phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” của xã vùng cao khó khăn này.

Là người cán bộ ham học hỏi, biết tiếp thu nên trong giao tiếp, chị tỏ ra rất tự tin. Chị nói về công tác vận động chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Muốn chị em nhận thức được thì mình phải biết làm trước. Bởi thế, gia đình chị đã đi đầu trong phong trào trồng quế phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai hoang ruộng nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Theo gương chị Pham, nhiều phụ nữ trong xã đã biết vượt qua khó khăn, thay đổi nhận thức và xóa bỏ rào cản về phong tục tập quán để vận động gia đình phát triển kinh tế.
 
Dẫn chúng tôi đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế của các chị em trong xã, đến đâu chị Pham cũng giới thiệu tường tận về các cá nhân điển hình. Kia là rừng quế của gia đình chị Triệu Thị Nhị - một phụ nữ đảm đang.
 
Chị Nhị sinh hai con gái nhưng không vì thế mà tự ti. Ngược lại, chị còn khai hoang được nhiều ruộng nước, chăn nuôi nhiều gà, lợn. Hai con của chị đã trưởng thành và cũng giỏi giang lắm. Còn kia là rừng quế của nhà chị Bàn Thị Phế. Những thửa ruộng của chị Phế phía bên này năm nào cũng đạt năng suất cao. Chị còn trồng được mấy nương sặt lấy măng.

Nhìn theo tay chị Pham, mắt tôi bị hút vào màu xanh mỡ màng của quế. Hương quế thơm lan tỏa đâu đây hòa vào tiếng xạc xào của rừng măng sặt mà tới đầu xuân sang, những búp măng sẽ cựa mình đội đất chui lên và chỉ cần một làn mưa mới đầu mùa là măng tua tủa mọc. Những gánh măng sặt lại kĩu kịt về chợ Mường Lò, rồi những bó măng làm quà, gói cái tình miền núi được gửi về miền xuôi.
 
Thấy được giá trị kinh tế của cây măng sặt, nên Hội Phụ nữ xã đã vận động được nhiều gia đình bỏ lúa nương, cải tạo đồi trọc để trồng. Bây giờ, xã Nậm Lành trở thành một trong những vùng măng ngon nổi tiếng của vùng cao Yên Bái, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đến thôn Mậm Kịp, những sàn phơi quế ngào ngạt thơm, những đàn lợn lông đen nhánh ủn ỉn trong chuồng. Giống lợn bản địa này đang là đặc sản bởi thịt lợn đen vừa chắc vừa thơm ngon lại "sạch” nên ngày càng có giá.
 
Chị Pham lại cho biết, chị Lý Thị Mụi, Lý Thị Ghến, Bàn Thị Ton và nhiều gương điển hình khác, các chị đều là những thành viên tích cực trồng nhiều quế, làm nhiều ruộng, thu nhiều măng, chăn nuôi mát tay, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Con đường trải bê tông sạch sẽ dẫn tôi đến thôn Tặc Tè. Ở đây, ai cũng nhắc đến chị Đặng Thị Lưu - người phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Những năm đầu về làm dâu, theo phong tục, người phụ nữ chỉ ở nhà phục vụ cơm nước, thêu may trang phục, đun nước lá tắm cho cha mẹ, chồng con, Hội Phụ nữ phải thuyết phục nhiều lần thì chị Lưu cũng như nhiều chị em khác mới được tham gia công tác xã hội, được thể hiện năng lực của mình trong lao động, sản xuất.
 
Lên thôn Tà Lành - một thôn nằm sát chân núi cao, tận dụng lợi thế rừng nên nhiều gia đình đã phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tiêu biểu là các chị Triệu Thị Phan, Triệu Thị Phế, nhà nào cũng nuôi hàng chục con trâu, nhà chị Phan có tới hơn 20 con trâu. Tuy chưa phát triển đàn thành trang trại nhưng ở nơi vùng cao, mùa hè khô nóng, mùa đông giá rét này, tinh thần của các chị thật đáng biểu dương, đáng để nhiều chị em khác học tập.

Những người nắm giữ tay hòm chìa khóa ở Nậm Lành đã khẳng định được vị trí của mình trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần giúp địa phương thoát nghèo bền vững. Qua đó, thể hiện đức tính cần cù, năng động, chịu thương, chịu khó và khả năng quản lý của mình. Nậm Lành là địa bàn "sạch” về các loại tệ nạn xã hội, trong đó phải kể đến tệ nạn ma túy.



Chị em người Dao xã Nậm Lành trao đổi về cách ươm và chăm sóc cây quế giống
 
Những "nữ tướng” ở đây giữ vai trò như thế nào? Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, chị Lý Thị Pham cho biết: nhận thấy nguy cơ tệ nạn ma túy đang tràn vào đe dọa đến an ninh trật tự thôn, bản và hạnh phúc mỗi gia đình, trong các buổi sinh hoạt của các chi hội, chúng tôi đã tuyên truyền, phổ biến và thường xuyên nhắc nhở, bàn bạc giải pháp hạn chế.
 
Giải pháp được tất cả các hội viên ủng hộ là ký cam kết không để tệ nạn ma túy xâm nhập vào gia đình mình và không chỉ giám sát chồng con, chị em còn có tinh thần trách nhiệm… giám sát cộng đồng nữa. Có biểu hiện ở đâu là kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh luôn đến đó.

Chia tay các chị, các mẹ ở xã Nậm Lành, chúng tôi nhận được những lời hẹn gặp lại: "Lần sau, nhà báo đến, nhất định sẽ còn thấy nhiều cái mới, cái đi lên của thôn, bản nữa”. Chúng tôi rất tin vào điều đó như lời chị Lò Thị Liên - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Văn Chấn khẳng định: "Từ mấy năm nay, Hội Phụ nữ xã Nậm Lành luôn đi đầu trong việc giúp nhau phát triển kinh tế, giữ gìn hạnh phúc gia đình, phòng ngừa tệ nạn xã hội và làm đẹp thôn, bản. Chúng tôi luôn khuyến khích các hội phụ nữ các xã khác học tập kinh nghiệm để nhân rộng và phổ biến mô hình này".

Q.T

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục