Hồi sinh nhà sàn - niềm tự hào di sản

Bài 2: Cần phát triển nhà sàn bằng các chính sách và giải pháp khoa học

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/3/2018 | 8:08:25 AM

YBĐT - Ẩn chứa trong không gian nhà sàn là cả một kho tàng khoa học nhân văn các dân tộc và không gian văn hóa này còn là tiền đề phát triển kinh tế gắn với loại hình du lịch cộng đồng.

Xã Yên Thành, huyện Yên Bình đã khôi phục được các làng bản nhà sàn truyền thống.
Xã Yên Thành, huyện Yên Bình đã khôi phục được các làng bản nhà sàn truyền thống.

 
Sự hồi sinh mạnh mẽ kiến trúc nhà sàn trong các làng bản ở miền núi minh chứng cho sự ưu việt đặc biệt của loại hình kiến trúc này. Nó ưu việt bởi giá thành xây dựng phù hợp với đời sống kinh tế nông thôn miền núi; là không gian sinh sống rất tiện ích. Đặc biệt, ẩn chứa trong không gian nhà sàn là cả một kho tàng khoa học nhân văn các dân tộc và không gian văn hóa này còn là tiền đề phát triển kinh tế gắn với loại hình du lịch cộng đồng.

Lần trò chuyện với Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Tương Lai là người Tày ở xã Xuân Lai, huyện Yên Bình bên ngôi nhà sàn gỗ cha mẹ anh để lại đang xuống cấp, anh bảo:

- Nếu căn nhà này hỏng, mình tiếp tục làm căn nhà sàn khác.

- Bây giờ lấy đâu gỗ tốt để làm nhà sàn? - tôi hỏi.

- Mình làm nhà sàn bê tông! - anh đáp.

Giờ thì anh Lai đang ở trong ngôi nhà sàn bê tông rộng rãi giống y căn nhà cũ. Anh tâm sự: "Đời đời người dân tộc mình ở nhà sàn. Mọi sinh hoạt, tâm tư tình cảm, văn hóa con người từ lúc sinh ra đều gắn với nhà sàn từ câu chuyện thần rùa dạy dân làm nhà; từ mối lạt lợp, cây cột, cầu thang, chỗ ngủ, nơi thờ tự, bếp lửa, cửa sổ... đều gắn chặt với đời sống văn hóa và tâm linh, tín ngưỡng thì làm sao mà bỏ nhà sàn được!".

Anh giới thiệu với tôi: chiếc giỏ treo ở quá giang căn nhà, người Tày gọi là "bồ vía" - nơi mà hồn vía của mọi thành viên trong nhà trú ngụ; những mối lạt lợp được vặn xoắn (mắt lạt) phải giấu kín, không được để mắt lạt nhòm chủ; lan can cửa sổ nhà sàn chỉ có người cao tuổi hoặc chủ nhà mới được tựa lưng vào má cửa; chỗ bàn thờ chỉ người cao tuổi mới được ngủ gần; cầu thang 9 bậc gắn với 9 vía phụ nữ, là triết lý dân gian cho ước nguyện con người về sự trường tồn, phát triển; bếp lửa là nơi nấu ăn, nhưng lửa vừa xua đuổi tà ma vừa là linh hồn, vượng khí ngôi nhà...

Cũng nói về không gian văn hóa nhà sàn, lại nhớ lần đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ. Ông lão có mái tóc dài bạc trắng như cước, cả đời say sưa với bảo tồn văn hóa Thái đưa tôi đi thăm bản Cang Nà của ông. Ông lão rất vui vì Nhà nước bây giờ coi trọng việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tộc người, nhưng trong lòng ông cũng lắm ưu tư. Chỉ tay vào những ngôi nhà xây, nhà đất trong bản, rồi ông thốt lên:

- Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc bây giờ cũng khó lắm đấy!

- Khó ở điểm nào, thưa ông? - tôi hỏi.

Ông lão giãi bày: "Xây dựng làng văn hóa Thái mà không quy hoạch kiến trúc nhà ở thì rất khó giữ được đặc trưng văn hóa. Đơn cử như múa xòe là hồn cốt của văn hóa Thái, vì người Thái có thể múa xòe bất kỳ lúc mưa, lúc nắng, ban ngày, ban đêm trên sàn nhà nếu có cuộc vui hay khi tụ họp nhau sau một ngày lao động. Nếu ở nhà tầng, nhà đất thì biết xòe thế nào? Ngay cả sự trao truyền văn hóa về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, kỹ thuật làm ruộng làm nương, dạy nhau về luân lý làm người… từ đời này qua đời khác cũng do mọi người được ngồi bên nhau trên sàn nhà, bếp lửa mà nghe được chứ có trường lớp nào dạy. Bây giờ, ở nhà xây vừa hẹp vừa mỗi người một phòng độc lập thì thật khó trao đổi được với nhau về văn hóa".

Chẳng cứ gì người Tày, người Thái, bất kỳ dân tộc nào ở nhà sàn cũng đều sống trong không một không gian văn hóa rất riêng và đậm chất nhân văn, khiến ta càng tìm hiểu thì càng thấy mênh mông. Ví như, từ xa xưa, khi đi lên bậc thang nhà sàn của một số dân tộc ở Tây Nguyên được làm bằng thân cây gỗ to thì nấc thang trên cùng có đôi bầu vú là biểu trưng của chế độ mẫu hệ xưa kia.
 
Nhà sàn của người Mường có gắn lên cột gian bếp một mẩu gốc tre nguyên rễ và úp vào đó một chiếc giỏ như (nõ, nường) trong tục cầu phồn thực; kiêng làm nhà sàn có cửa thông nhau ở hai đầu chái để của cải đi vào cửa này chui ra cửa khác. Nhà sàn của người Thái có khau cút để nhận biết dòng họ, cội nguồn là dân thường hay dòng dõi nhà Tạo. Nhà sàn của người Dao, ngoài bếp nấu ở chái nhà, còn có một bếp riêng ở gian ngoài cùng dành cho các nghi lễ cúng tế…

Cùng với những giá trị văn hóa dân gian trong kiến trúc nhà sàn, sự trường tồn của loại hình kiến trúc độc đáo này chính là bởi những tiện ích trong sử dụng. Quy mô một gia đình ở nông thôn hiện nay phổ biến là 3 thế hệ: ông bà, cha mẹ và hai con. Với lượng người này, tối thiểu một ngôi nhà xây phải có đủ 4 chỗ ngủ cho ông bà, cha mẹ, con trai, con gái.
 
Để xây một ngôi nhà giải quyết được số chỗ ngủ như thế lại có cả phòng khách, nơi thờ tự thì tối thiểu phải có từ hai trăm triệu đồng trở lên - số tiền không nhỏ đối với nhiều nhà nông thôn hiện nay. Đó là chưa kể phải xây thêm công trình phụ đủ rộng để làm bếp, cất trữ lương thực, nông cụ, xe máy, công trình vệ sinh, chỗ chăn nuôi.
 
Ngược lại, nhà sàn là một không gian mở, nên chỉ cần cấu trúc 3 gian là đã bảo đảm về chỗ ngủ, có chỗ tiếp khách. Gậm sàn là chỗ để cất giữ nông cụ, nông sản, xe máy, làm bếp nấu, công trình vệ sinh khép kín, chỗ vui chơi của trẻ nhỏ…

Nhiều nghiên cứu về kiến trúc nhà sàn còn khẳng định, ở nhà sàn làm cho người ta có thêm sức khỏe. Quả là như vậy! Không kể yếu tố thiên nhiên trong lành, ăn thức ăn an toàn thực phẩm, uống nước cây thuốc thì cấu trúc nhà sàn chủ yếu là vật liệu nhẹ nên hạn chế hiệu ứng nhiệt hơn nhà xây. Mùa hè mở toang cửa, gió lùa vào thoáng mát.
 
Mùa đông đóng cửa là gió lạnh chỉ lùa dưới gầm sàn. Nằm trên nhà sàn ít đau xương khớp hơn, do hạn chế tiếp xúc hơi ẩm từ đất bốc lên… Chẳng biết có phải vì thế mà nhiều người ở nông thôn đồng bằng hay nơi phố thị có khuôn viên rộng rãi cũng đã làm nhà sàn để ở? Khách Tây đi du lịch cộng đồng cũng rất thích ở nhà sàn.

Giá thành để làm một ngôi nhà sàn bê tông rất phù hợp với túi tiền của nhà nông ở miền núi. Xã Xuân Long, huyện Yên Bình chủ yếu là người Dao và đời sống nhân dân còn rất nhiều khó khăn, nhưng gần 90% số hộ đã có nhà sàn. Bí thư Đảng ủy xã - Bàn Văn Thắng tự tin khẳng định: "Đến năm 2020, chắc chắn xã Yên Thành chúng tôi sẽ có từ 95% trở lên số hộ có nhà sàn!”.

- Để làm một ngôi nhà sàn bê tông có tốn nhiều tiền không ạ? - tôi hỏi.

"Kỹ sư” Vi Văn Bính - người sáng tạo ra cách làm nhà sàn cột bê tông lại ngời lên vẻ tự hào: "Nhà kinh tế eo hẹp chỉ cần có 60 đến 70 triệu đồng mua tấm lợp, sắt thép, xi măng, cát sỏi là làm được nhà 3 gian. Vì sao xã tôi nghèo mà làm được nhiều nhà sàn? Là bởi người dân cùng xúm lại giúp nhau làm nhà. Những vật liệu khác như: ván lịa, ván sàn, cánh cửa, hầu hết các nhà trồng được gỗ keo, xoan, mỡ. Nhà nào kinh tế khá giả, đầu tư từ trên 200 triệu đồng trở lên là làm được nhà sàn khá đẹp, rộng rãi, nhiều tiện ích”.
 
Phép tính của ông Bính cho thấy, ở miền núi, dân tộc từng ở nhà sàn truyền thống, rất nhiều nơi có rừng trồng như ở xã Yên Thành. Do vậy, nếu được định hướng tốt thì việc bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà sàn trong các làng bản sẽ là điều không quá khó khăn.

Tuy vậy, để bảo tồn kiến trúc nhà sàn một cách hiệu quả, khi trò chuyện với nhiều hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái, họ là những kỹ sư xây dựng, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa… tất cả đều có chung nhận định, việc bảo tồn kiến trúc nhà sàn là vấn đề rất quan trọng và cấp thiết. Bởi vì, loại hình kiến trúc này từng xuất hiện trên các họa tiết hoa văn một số đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn cách nay hàng nghìn năm.
 
Nhà sàn đã đi vào truyền thuyết về tính ưu việt của nó và được coi là biểu tượng văn hóa của nhiều vùng dân tộc từ Bắc chí Nam. Không gian văn hóa nhà sàn còn chứa đựng, phát triển nội hàm văn hóa rất rộng lớn, đặc sắc trong mọi lĩnh vực đời sống cộng đồng cư dân, trong đó có các nghề truyền thống, tín ngưỡng...
 
Giai đoạn hiện nay, việc khôi phục kiến trúc nhà sàn bằng hình thức cột bê tông vừa giải quyết nhiều tiện ích sử dụng vừa giải được bài toán chi phí làm nhà ở vùng nông thôn; tạo ra tiền đề khai thác các giá trị văn hóa cộng đồng với lợi ích kinh tế thông qua hoạt động du lịch ở nhiều nơi. Bởi vậy, bảo tồn kiến trúc nhà sàn, ở một khía cạnh nào đó, cần được nhìn nhận như niềm tự hào di sản.

Tuy nhiên, bảo tồn nhà sàn và không gian văn hóa cần được thực hiện đồng bộ từ các giải pháp nghiên cứu khoa học và chính sách đầu tư phát triển nhà ở vùng nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Trong đó, cần tập trung điều tra, nghiên cứu về nhu cầu ở nhà sàn trong các làng bản nhà sàn truyền thống trước đây.
 
Ưu tiên nghiên cứu, bảo tồn, phát triển nhà sàn bê tông ở vùng gần rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng để gắn với bảo vệ rừng hoặc nghiên cứu đưa các loại vật liệu mới thay gỗ cho vùng hiếm gỗ để làm nhà sàn như vùng đồng bằng Mường Lò, vùng dân cư ở dưới chân khu vực núi đá.
 
Đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về lợi ích kinh tế, giá trị văn hóa trong kiến trúc nhà sàn. Nghiên cứu để đưa ra các mô hình nhà sàn mang tính đặc thù văn hóa đối với từng dân tộc. Định hướng cho các địa phương cần quy hoạch bảo tồn kiến trúc nhà sàn và gắn với đào tạo nghề lao động nông thôn có kỹ thuật thi công xây dựng nhà sàn bê tông…
 
Cùng đó, cần nghiên cứu, lồng ghép các chính sách ưu tiên gắn với phát triển nhà ở dân cư như tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho những hộ vay vốn làm nhà ở theo mô hình nhà sàn bê tông. Khuyến khích xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng việc xây dựng nhà sàn bê tông. Có chính sách hỗ trợ vật liệu chính như: sắt thép, xi măng, tấm lợp cho hộ nghèo ở những vùng đặc thù nhà sàn, vùng được quy hoạch khôi phục nhà sàn gắn với phát triển du lịch, xây dựng làng văn hóa...
 
Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nằm ngay trong các hạt nhân văn hóa là mỗi cá nhân con người, mỗi gia đình, cộng đồng dân cư. Bởi vậy, phát huy được nội lực văn hóa dân tộc, kết hợp với hội nhập các giá trị văn minh nhân loại, chắc chắn sẽ là động lực tốt cho phát triển đất nước.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục